Thứ Hai, 12 tháng 2, 2024

THỎ NGỘ THANH LONG 2024




“Như thị ngã văn 

Chúng sinh đa nạn

Nhị thập nhật minh

Thỏ ngộ Thanh long

Kê khuyển ngộ xà

Địa tạng bồ tát

Tróc nã chư ma

Mười phương tôn phục

Tứ phương quy gia. “

     Đầu năm luận giải bài kệ sấm ký của Ngài Tuệ Trung Thượng sỹ, là thầy của Ngài sơ tổ Trúc Lâm (vua Trần Nhân Tông). 

     Năm 2024 có can chi Giáp Thìn là năm thanh long, ngày đầu năm mùng 1 cũng là ngày Giáp thìn, sự trùng lặp này theo lịch can chi 700 năm mới có một lần. Hiếm nên là quý, quý thì tốt. 

Nội dung dự đoán về vận hạn liên quan đến nước ta. 

Bài kệ nói đến “ thỏ ngộ thanh long” là ý nói đến từ năm Canh Tý (xưa gọi là Thỏ, sau này theo lịch can chi Tàu đổi thành Tý ) đến năm Giáp Thìn (2020-2023) chúng sinh đa nạn, ứng với khó khăn chung của thế giới về dịch bệnh, khó khăn kinh tế và bất ổn về chính trị. “ Địa tạng bồ tát tróc nã yêu ma” có nghĩa là có nhiều kẻ xấu phạm luật pháp bị bắt xử. Câu “ tứ phương quy gia” là nói đến từ năm 2024 sẽ có nhiều người nhiều tổ chức kinh tế xã hội ở khắp trên thế giới đặc biệt là những người gốc Việt sẽ quay về đầu tư phát triển tại nước Việt Nam. 

    P/s: bài thơ chúc tết mình sáng tác trong hình, cuối năm thường viết dạng liễn thư pháp để treo trong nhà bên nội ngoại và tặng người hữu duyên.

Thứ Năm, 16 tháng 11, 2023

CON ĐƯỜNG THƯỢNG ĐẠO

 

ĐINH LONG PHẠM VŨ

                                              Con đường thượng Đạo

 

                                                                                                             Sonam - Quảng Kiến

 

11.   Con đường thượng Đạo và Phạm vũ trang nghiêm

Thắng cảnh đạt được ở vẻ hài hòa của núi non sông nước, tạo nên bản sắc phong thủy hữu vận lai niên. Đinh Long Phạm vũ là một trong các ngôi chùa thuộc dòng truyền thừa chốn Tổ chùa Hương Hà Nội, vị trí chùa Đinh Long án ngữ nút giao không gian sông núi tại thôn Đồng Văn, xã An phú, huyện Mỹ Đức, Thủ đô Hà Nội. Cùng với Hương Tích Tùng lâm và Diên Khánh Già lam tạo ra một tam giác cân với khoảng cách địa lý 7 km, hình thành nên cách cục “Vĩnh trấn sơn khê”.

Theo Lịch sử Phật giáo Việt NamĐại Việt sử ký bản kỷ toàn thư,  năm 968 sdl. Sau khi lên ngôi và lập ra nhà nước Đại Cồ Việt. Đinh Tiên Hoàng cho lập lại con đường dẫn từ Hoa Lư, Ninh Bình đến ….Thăng Long gọi là con đường thượng đạo. Khuông Việt quốc sư-tức đại sư Ngô Chân Lưu- cùng Nam Việt Vương Đinh Liễn trên đường từ Đường Lâm-Sơn Tây xuống Hoa Lư-Ninh Bình thấy nơi đây (Đồng Văn, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội)  đường này vắng vẻ, cỏ cây rậm rạp  phong cảnh hữu tình, núi ôm sông bọc nên quốc sư đã cho lập chùa lấy tên là Đinh Long Phạm vũ làm nơi phụng Phật. Chữ Đinh là họ hoàng đế, chữ Long ứng với danh hiệu hoàng đế, cũng để mô tả dãy núi Hương Tích hùng vĩ ở bên tả thanh long của chùa.

Ngày nay vượng khí hội tụ, hội đủ duyên lành, Thượng tọa Thích Minh Hiền cùng Tăng chúng, Phật tử trong sơn môn và thiện tín thập phương phát tâm thiết kế quy hoạch xây dựng chùa Đinh Long, nhằm thiết lập đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh, tạo nơi quy ngưỡng cho quần chúng nhân dân gần xa về lễ Phật, chiêm bái cảnh chùa, rồi thuận duyên tu hành theo lời Thầy tổ để hiện tại thân tâm an lạc, vị lai được thành tựu như ý nguyện.

Nhân duyên nay xưa như vậy, chùa Đinh Long với vị thế đặc biệt của mình hiện tại được tạo thành bởi trục chính đạo theo hướng Đinh tọa Quý (hướng Nam) với điểm nhấn kiến trúc bắt đầu là công trình bảo tháp Liên Hoa cao 52m, kết thúc bởi tòa Đại Hùng bảo điện. Ngôi Tam bảo được thiết kế hình chữ công, chồng rường đấu củng, hệ thống mái gỗ trùng thiềm điệp ốc-trùng trùng điệp điệp với 20 mái hoa đao hiếm có trong thời đại hiện nay. Tổng thể không gian kiến trúc chùa được cấu thành bởi các hạng mục theo quy chuẩn của  thất đường Già lam, hướng Ly và hướng Đoài được bao bọc bởi các đầm sen, hướng Chấn và Khảm là trục đường vua Đinh uốn lượn theo dòng sông Thanh Hà. Tổng thể mặt bằng chùa hình chiếc lá Bồ đề, biểu tượng con thuyền Bát nhã đưa chúng sinh về bến Giác. Đó là nhân và cũng là duyên tôn tạo xây dựng Đinh Long Phạm vũ.

2.     Sở duyên duyên

Khế kinh đại thừa Pháp tướng tông có nhiều bài nói về cái duyên. Trong bốn duyên là Nhân Duyên, Đẳng vô gián duyên, Sở duyên duyên, Tăng thượng duyên. Suy luận về việc thế gian thì Nhân duyên là cái duyên của Nhân tài, Tăng thượng duyên là cái duyên của Thiên tài. Sở duyên duyên là cái duyên của Địa tài. Nhân tài là nhân hòa nhân sự, Thiên tài là thiên văn thiên thời. Địa tài là địa lý, địa lợi. Duyên thứ tư là Đẳng vô gián duyên là duyên chung của cả ba Thiên-Địa-Nhân.

Việc xây dựng bảo tháp Liên hoa và các hạng mục công trình chùa Đinh Long chính là sở duyên duyên, là cái duyên môi trường để trợ lực cho chúng sinh từ thế gian tiến lên cảnh giới xuất thế gian. Mặt bằng tháp là cấu trúc đồ hình Mandala với bốn cửa tượng trưng cho tứ trí, bao gồm: Đại viên kính trí, Bình đẳng tính trí, Diệu quán sát trí và Thành sở tác trí, vị trí đỉnh tháp ở giữa đại diện cho Pháp giới thể tính trí là tổng hợp của bốn trí xuất thế gian được chuyển hóa từ bát thức. Chiều cao tháp là 51,8 m, với 13 tầng mái và đỉnh tháp được chế tác bằng đồng(trên 2,1 tấn). Tại bốn cạnh của mỗi tầng tháp được tôn trí tượng Bồ tát Quán Âm. Tầng tháp trên cùng tôn trí tôn tượng Đại Nhật Như Lai. Tổng thể cấu trúc các tầng mái thu dần tạo hình một búp sen thanh tịnh, biểu tượng cho Phật tính thanh tịnh thường trụ của tất cả chúng sinh.

       Người xưa tin rằng tạo tháp làm hưng khởi việc học, khoa cử công danh đỗ đạt. Thường những địa phương nào kém đường học vấn, lâu năm không có người đỗ đạt thì chọn đất dựng Văn bút tháp, đó là dụng sự của pháp thế gian. Việc tạo dựng bảo tháp Liên Hoa về mặt trợ duyên cũng như vậy. Phong thủy Địa lý là pháp thế gian là cái phần tướng của Sở Duyên Duyên. Cách cuộc tốt đẹp của phong thủy sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho xã hội, tạo ra nhiều thế hệ nhân tài. Tích tụ lâu ngày sẽ tạ ra nền văn hiến. Cái văn hiến của thế gian nếu biết dùng đúng chỗ đúng lúc thì cũng là cái duyên cho chúng sinh xuất thế gian theo Phật Pháp. Theo phong thủy học, các hướng nam trũng, đất nhẹ, địa khí tràn ra, khó có nhân tài, vì thế thường dựng tháp để trấn địa, tháp hình búp sen như ngọn bút là biểu tượng của giáo hoá, học hành.  

      Việc này phù hợp với lời dạy của Đức Phật ở kinh Thủ Lăng Nghiêm. Khi nói về phép viên thông Địa Đại, Đức Phật nói với Bồ tát Trì Địa tu pháp môn này chuyên môn làm việc phúc đức xây dựng chùa để làm đạo tràng tu tập hay làm đường, làm cầu, làm nhà cho dân chúng. Sau này Trì Địa Bồ tát gặp Đức Phật Không Vương. Đức Phật dạy ông làm việc tốt này nhưng cần phải hiểu cái tâm. Tâm có bình đẳng tốt đẹp thì thế giới mới bình đẳng tốt đẹp. Đúng như câu nói của chư Tổ:

Có Tâm thế gian tốt đẹp là có thiện hữu lậu. Có thiện hữu lậu thì sẽ có Long mạch tụ chính khí.

Có Tâm xuất thế gian bình đẳng thì sẽ có các cõi Tịnh Độ thập phương thanh tịnh tốt đẹp.

   Quan điểm của nhà Phật đối với phong thuỷ địa lý xưa cũng như nay là “Trạch đắc long xà địa khả cư” cuộc đất đắc địa thì môi trường xung quanh tốt đẹp. Song quan trọng hơn cả là trong lòng-nội tâm- cũng phải có phong thuỷ tốt đẹp. Nghĩa là nội tâm con người có:

- Thông gió tốt (Dòng suy nghĩ thông suốt)

- Ánh nắng tốt (Nhiệt tâm, cởi mở)

- Tầm nhìn tốt (Hướng tới tương lai)

- Con đường tốt (Bồ đề chính Đạo)

 Đây chính là long mạch tốt đẹp nhất, tuyệt vời nhất trong nội tâm mỗi con người. Như ta biết vạn vật trên thế gian này, chúng ta phải quan sát thấu đáo, thấu triệt. Hiểu rõ thiên có thiên lý, địa có địa lý, nhân có nhân lý, vật có vật lý, tâm có tâm lý…Trong thế giới Sa bà duyên sinh này, bất kỳ vật gì cũng có cái lý riêng biệt của nó. Địa lý phong thuỷ đương nhiên cũng nguyên lý. Địa lý là dựa vào địa hình và phương vị thiên thể mà sinh ra ảnh hưởng tác động tới con người, đây phương thức hoàn toàn tự nhiên. Thuận theo lẽ tự nhiên thì ta có thể nắm được thời cơ thuận lợi, đạt được địa thế tốt của núi sông, đất nước. Trái với lẽ tự nhiên, sẽ có kết quả ngược lại. Địa lý phong thuỷ cố nhiên có nguyên lý của nó. Song không phải là chân lý cứu cánh.

    Quan điểm của Phật giáo về thời – không (không gian bốn thời gian ba) là vô biên, vô cùng vô tận, không có ranh giới. Sinh mệnh của ta ở khắp nơi, không chỗ nào không có mặt thì làm gì có chuyện phân chia phương vị thời – không. Bản thể tự tâm chúng ta chu biến khắp pháp giới, khắp cõi hư không, ngang khắp mười phương, dọc cùng ba đời (quá-hiện-vị lai). Dung hoà nhất thể với thời - không vô hạn, vì vậy phương vị không ở đâu khác, mà nó ở ngay trong nội tâm của mỗi con người.

Sách “Sơn thủy trung can tập” viết rõ : “Núi hướng về không bằng có dòng nước hướng về, dòng nước hướng về không bằng có dòng nước vây quanh, dòng nước vây quanh không bằng có dòng nước tụ. Dòng nước tụ thì long hội, long hội thì đất lớn”. Đây chính là địa lý phong thuỷ của chùa Đinh Long, lời nói không tới, chỉ khi chúng ta trực hiện mới có thể thấy và biết.

Vậy có thơ rằng:

Tịnh tướng, tính chân: thể đó mà

Vô biên diệu dụng: Nhất liên hoa

Lá cành cội rễ thành hoa quả

Lâu chóng nhỏ to lực tác ra

Duyên khởi trùng trùng: vô lượng pháp

Nhị môn tích bản: Nhất là đa

Thị khai ngộ nhập Phật tri kiến

Diệu pháp Liên Hoa: tướng Phật đà.

 

                                                          Long thành, trọng đông Quý Mão-2023


Thứ Hai, 29 tháng 5, 2023

Bài tham luận kiến trúc chùa Việt, thống nhất trong đa dạng:

CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN TRONG KIẾN THIẾT CHÙA VIỆT

Ths MBA. KTS. Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng

(Nội dung của bài tham luận của chúng tôi mạnh dạn nêu khái quát chung về quy hoạch, thiết kế xây dựng kiến trúc chùa Việt thông qua kinh nghiệm làm việc thực tế trên 20 năm của một Kiến trúc sư.)

Căn cứ vào thực tế hiện trạng, một ngôi chùa muốn xây mới, tu bổ hay mở rộng sẽ chịu ảnh hưởng quyết định bởi nhiều yếu tố khác nhau về quy mô, địa hình, khí hậu, nhu cầu sử dụng…Sự ảnh hưởng đó tạo nên bản sắc với nét đặc trưng riêng của từng ngôi chùa.

Tuy nhiên cấu trúc một ngôi chùa luôn phải tuân theo các nguyên tắc chung sau:

 

1.     Định hướng quy hoạch 

1.1.  Nguyên tắc Chọn đất và ngày tốt giờ tốt: Theo quan niệm xưa nay việc chọn đất và hướng xây dựng mở rộng chùa có một ảnh hưởng to lớn đối với con người sống trên đó. Kinh nghiệm cho thấy đất xây chùa tốt là nơi bên trái trống không hoặc có sông ngòi, hồ ao ôm bọc. Bên phải có núi hay công trình phải cao dày, lớp lớp quay đầu lại, hoặc có hình hoa sen, tràng phan, bảo cái, hoặc có hình rồng phượng, quy xà chầu bái. Thủy thì nên chú ý thủy khứ, thủy lai, thủy (nước) nên chảy quanh sang trái. Thế đất trước mặt nên tạo khoảng trống làm minh đường. Tiền minh đường là hướng trước mặt nếu có lưu thủy dòng chảy, có tụ thủy thành hồ ao lại thêm tốt. Hậu ngai tọa (phần không gian phía sau chùa) không cần phải có thế núi áp kề nhưng cần nhất phải có khoảng đất rộng sau lưng Chùa là cách có Địa Hậu thì những vị trụ trì ở đó sẽ được cách tương lai có nhiều đệ tử tốt kế tục được sự nghiệp của mình.

Việc chọn ngày giờ tốt để tiến hành khởi công xây dựng mở rộng nên theo các phép xem ngày giờ được lưu truyền lại chọn ra ngày giờ phù hợp thuận tiện cho việc mở đầu và kết thúc được viên mãn. 

1.2.  Nguyên tắc chọn Hồng Chùa: căn cứ vào hiện trạng mà bố trí để thuận cho việc giao thông. Thông thường hướng Chùa được bố trí theo ba hướng sau: 

-  Hướng Tây: Là hướng về đất Phật lịch sử, là hướng chung của các ngôi chùa cổ như: Chùa Dâu, Chùa Phật Tích, Chùa Pháp Vân,Chùa Chân Tiên…

- Hướng Nam (Từ Hướng Đông Nam đến Tây Nam), đây là hướng phù hợp với các vùng địa lý có khí hậu khắc nghiệt. Bố trí hướng chùa theo các hướng Nam để tránh rét về mùa đông có được sự mát mẻ về mùa hè.

- Hướng Đông: Đa phần các chùa Tiểu Thừa Khơme Nam bộ bố trí hướng chùa về hướng Đông, đây là hướng nhìn của đức Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật khi ngài đắc đạo tại cội Bồ Đề.

Như vậy dù là hướng Tây, Nam Đông khi định vị các hạng mục cần tuân theo quy hoạch tổng thể đã định trước, theo một số sách cổ để lại căn cứ vào hướng chính chú ý chọn kỹ để được hướng thuận về Thiên- Địa - Nhân gọi là hướng Bảo Châu.

Tóm lại: Quy trình chọn hướng, thế đất và ngày giờ tốt phải được coi là phương tiện để cho mọi việc được thuận lợi và có kế hoạch rõ ràng, tạo nên tinh thần quyết tâm cao nhất trong việc xây dựng tu bổ Chùa.

 

2.     Thiết kế kiến trúc Chùa với các nguyên tắc căn bản

Bố cục trong kiến trúc chùa truyền thống Việt Nam từ xưa đến nay đều phải đầy đủ các hạng mục theo thất đường Già lam và phải tuân theo một số quy luật và nguyên tắc tạo hình: thống nhất và biến hoá, tương phản và dị biến, vần luật và nhịp điệu.

2.1.  Bố cục kiến trúc: Tổng thể khuôn viên chùa thường được bố trí đăng đối qua một trục (gọi là trục Chính Đạo hoặc được bố trí xoay quanh một tâm điểm ( Tháp Phật, đài Quan Âm) tạo sự cân bằng, trang nghiêm bề thế cho công trình. Ngay trong mặt bằng công trình cũng được bố trí hợp khối từ những hình chữ nhật để tạo nên sự cân bằng và ổn định. Bố trí tượng thờ trong mặt bằng cũng thường được bố trí đăng đối qua trục. Ðối với các công trình phụ khác trong khuôn viên, thông thường nếu có đủ diện tích thì người ta cũng xây dựng theo kiểu đối xứng. Tuy nhiên tuỳ theo địa hình và nhu cầu xây dựng mà có những thay đổi phù hợp. Với các công trình như vườn tháp, gác chuông lại có dạng bố cục hướng tâm, mặt bằng có thể là hình vuông, hình lục giác, hình bát giác hoặc hình tròn.

2.2.  Nguyên tắc trọng điểm của việc thiết kế bố cục kiến trúc chùa: Phần kiến trúc chính (Đại Hùng Bảo Điện) nằm trên trục chính Đạo bao giờ cũng rộng nhất và thường cao nhất được tập trung mọi tinh hoa kiến trúc và nghệ thuật. 

2.3.  Ðặc thù nghệ thuật trong tạo hình kiến trúc nói chung và chùa được biểu hiện rõ nét ở mối tương quan tỷ lệ. Tỷ lệ chính trong bản thân, giữa cái lớn cái bé, cái chung cái chi tiết, tỷ lệ giữa các chiều trong không gian,... Và được thể hiện cả ở mối tương quan giữa công trình với môi trường xung quanh, với thiên nhiên cảnh quan. Trong kiến trúc chùa truyền thống không có các công trình kiến trúc đồ sộ. Các công trình có kích thước tương đối lớn cũng gắn bó hoà hợp với thiên nhiên và con người, không có tác động thống trị và áp đặt lên thiên nhiên và con người.

2.4.  Về cấu trúc mặt bằng: hầu hết các hạng mục công trình Chùa đều tổ hợp từ hình chữ nhật với các gian lẻ. Các tỷ lệ giữa thành phần kết cấu nhà với nhau bao giờ cũng có một sự tương quan kích thước nhất định mang đến sự hài hoà. Về không gian chùa được xây dựng bằng vật liệu gỗ chủ yếu được quyết định bởi các bộ vì. Bộ vì được hình thành bởi 6 cây cột (2 cột cái, 2 cột quân và 2 cột hiên) hoặc 4 cây cột ( 2 cột cái và 2 cột quân). Vì kèo có tỷ lệ đứng / ngang = 2/3 tạo thành độ dốc i = 66,6 %.

2.5.  Nguyên tắc liên hệ và phân cách: Sự liên hệ và phân cách thể hiện qua các bộ phận, các thành phần kiến trúc khác nhau và rõ nhất là yếu tố hình khối thiên nhiên và kiến trúc công trình tương đối độc lập nhưng nhờ không gian mở của hàng hiên, của các dãy nhà hành lang, làm yếu tố chuyển tiếp đã khiến không gian vườn như ăn sâu vào công trình. Sự liên hệ ở đây còn được thể hiện bởi các dãy hành lang kết nối các hạng mục công trình chính để đảm bảo cho một liên kết chặt chẽ về không gian và thích dụng.

2.6.  Yêu cầu về nhân chủng học và nhu cầu hoạt động của con người kết hợp với đặc tính của gỗ, quy mô không gian do kết cấu gỗ tạo nên... đã đạt được tính tỷ lệ về con người và kiến trúc. Một số chùa không có khả năng sử dụng gỗ có thể thay thế bằng kết cấu bê tông cốt thép. Cho dù dùng loại vật liệu gì chăng nữa Tỷ lệ không gian của công trình cần phải đáp ứng và tuân thủ để đạt được sự gần gũi và gắn bó với hoạt động của con người. 

3.     Vật liệu xây dựng chùa

Hiện nay được sử dụng là các chủng loại phù hợp với môi trường khí hậu tại địa phương, từ tre, tranh, gạch ngói, bê tông, đá, gỗ, Các công trình truyền thống thường sử dụng vật liệu gỗ ( thường gặp gỗ lim, gỗ đinh, gụ, táu... cho hệ thống kết cấu khung cột, hệ thống cửa, rui hoành... Ðá thường được sử dụng là đá nguyên khối từ đá ong, đá sa thạch, đá xanh... sử dụng trong nền, bậc cấp, chân tảng. … 

Vật liệu đất nung được sử dụng và chế tác thành các sản phẩm đáp ứng các mục đích sử dụng khác nhau. Ví dụ, mái các công trình lợp ngói lòng máng như âm dương, ngói ống ... và mái lợp ngói bản như ngói mũi hài, vẩy rồng, vẩy hến, ngói di, ngói liệt là dạng mái nhiều lớp, dưới cùng là lớp ngói lót, trên là các lớp ngói chính được xen chồng lên nhau để che mưa nắng. Tường tại các công trình chùa thường là tường gạch nung, gạch  hỗn hợp vôi đất, xi măng, đá ong. Gạch bát được sử dụng để lát nền sân, hiên... Gạch trang trí phủ ngoài mặt tường, tháp, gạch nung sành để làm tháp mộ, gạch xây cột vuông...

Ðối với kết cấu bê tông bắt đầu thấy xuất hiện từ cuối nhà Nguyễn thời kỳ thuộc Pháp, điển hình là cụm di tích Hưng Ký và trang trí trên mặt đứng hay trên kết cấu đều được làm bằng sứ, gỗ và ghép liền với mặt bê tông của kết cấu. Giải pháp sử dụng bê tông cốt thép sẽ tạo ra quy mô chùa lớn với khả năng vượt khẩu độ không giới hạn tạo ra các không gian đủ lớn đáp ứng nhu cầu hoằng pháp cho rất đông người trong cùng một thời điểm. 

Ngoài người Kinh, một số dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam cũng có chùa. Chùa người Mường làm bằng tre đơn giản. Chùa người Khơme được xây dựng đẹp, có bộ mái biểu hiện ảnh hưởng Campuchia và Thái Lan. Chùa người Hoa thường tạo hình với chất liệu tô vẽ mang sắc thái kiến trúc riêng. Thông thường thì vật liệu xây dựng chùa là các vật liệu tốt nhất có thể được.

          Giờ đây với sự phát triển đa dạng của công nghệ vật liệu xây dựng mới, việc tu bổ cải tạo, mở rộng chùa cũng như xây dựng mới ảnh hưởng bởi chất liệu xây dựng tiên tiến nên chùa Việt Nam có thêm nhiều giải pháp xử lý về mặt kết cấu cũng như bề mặt hoàn thiện. Tổng hợp các yếu tố mới này đã tạo ra tính đa dạng của kiến trúc chùa Việt Nam đương đại. 

4.     Kỹ thuật xây dựng.

Yêu cầu về Ðộ bền vững là một đặc trưng chính của các công trình kiến trúc Chùa. Bí quyết làm cho các kiến trúc gỗ bền vững, bên cạnh việc chọn vật liệu (gỗ to, gỗ tốt, đá cứng hay gạch nung già). Trong kiến trúc gỗ nhân tố cơ bản chống đỡ kiến trúc là các bộ vì. Bộ vì được hình thành bởi các cây cột, hệ thống liên kết cột và là sự kết hợp hài hoà hai yếu tố là lòng nhà và độ chảy của mái nhà. Sau đó, người ta nối các vì với nhau bằng hệ thống xà ăn mộng qua các cột. Lực ép và sức nặng của toàn bộ mái nhà dồn xuống các đầu cột. Các câu đầu, xà nách, kẻ, bẩy, các đầu dư, đầu nghé hợp lý cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ cân bằng và gánh đỡ kiến trúc của bộ vì. 

Ngày nay việc kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống với sự tính toán hợp lý của công nghệ máy tính hiện đại về cả hình học, vật lý, cả về mỹ thuật và kỹ thuật thi công xây dựng. Ðó là giá trị về tính toán cho kiến trúc chùa luôn nằm trong thế cân bằng và ổn định.

5.     Màu sắc trong kiến trúc Phật Giáo

Màu sắc của chùa dùng màu tự nhiên của vật liệu xây dựng, màu nâu đỏ của mái ngói, màu nâu của kết cấu bộ vì, vách gỗ, màu xám nhạt của chân tảng, của bậc thềm đá... Màu vôi trắng của tường đầu hồi hoặc màu tự nhiên của các hàng gạch xây tường miết mạch không trát. Các hoạ tiết đôi lúc được trang trí bằng màu, màu xám nhạt của bờ nóc, bờ dải, bờ guột và đầu đao góc mái. Một số dạng màu thường được sử dụng trong các công trình để tạo nên sự tương phản về độ sáng. Ví dụ như gam màu trắng của tường quét vôi là sáng trong khi gam nâu sậm của gỗ là tối, hoặc gam đỏ sậm của gạch trần là tối nổi lên khoảng trắng của cửa sổ là các hình chữ Vạn hoặc biểu tượng sắc - không đắp vữa...

Ngoài màu tự nhiên của vật liệu, một số công trình còn sử dụng màu vàng và đỏ của đồ gỗ sơn son thếp vàng. Các gam màu vàng đỏ có thể bắt gặp ở bất kỳ một công trình chùa nào trong các đồ thờ, tượng, hoành phi... Màu vàng son với ánh sáng đèn, nến, hương khói mờ ảo tạo nên một không gian linh thiêng hơn, vừa thực lại vừa hư, thể hiện triết lý vô vi của nhà Phật.

Một số chùa việt qua giao lưu văn hóa học tập các nước bạn, do đó có thể nhận thấy màu sắc khác nhau trong một số công trình. Cột phủ sơn mài thếp vàng và vẽ hình mây, rồng cuốn với hai màu vàng đỏ là chủ đạo, vẽ bột màu trên các hoa văn trang trí với màu sắc sặc sỡ ...

Chùa truyền thống ba miền Việt Nam có một nét chung là ánh sáng trong chùa rất ít, chủ yếu là sử dụng ánh sáng khúc xạ và phản quang thông qua các bộ phận như cửa sổ, cổ diêm hoặc thiên tỉnh và ánh sáng nhân tạo là đèn, nến... Ðiều này là kết quả của việc quan niệm nơi thờ Phật thì phải linh thiêng, huyền bí, trang nghiêm, kiến trúc như vậy phải u trầm tĩnh mịch tạo một tâm lý tôn kính cho con người bước chân vào nơi cửa Phật.

6.     Trang trí, điêu khắc công trình.

Bố cục trong một tác phẩm điêu khắc là thước đo lớn nhất cho sự thành công của tác phẩm. Trong kiến trúc cổ, ta thường gặp bố cục theo kiểu cân xứng ( những cặp rồng, những hoa văn hoạ tiết đối nhau...). Bố cục hướng tâm ( có hoa văn trung tâm trong một khung khép kín), bố cục hình dải gọi là hồi văn ( hoa cúc, dây hình chữ vạn, pháp khí...)

Kiến trúc chùa sử dụng điêu khắc và hội họa từ các hoa văn, đề tài trang trí mang đậm ý nghĩa tượng trưng góp phần vào việc giác ngộ chúng sinh bởi các điển tích được nói đến trong kinh Phật, như là một yếu tố phụ trợ tăng tính nghệ thuật đồng thời diễn đạt ý nghĩa biểu trưng, mang đậm triết lý nhà Phật.  

Tạm kết:

Trên đây chúng tôi mô tả mang tính khái quát các vấn đề cốt lõi của Quá trình thiết kế xây dựng và tu bổ Chùa. Căn cứ vào hiện trạng cũng như nhu cầu ngắn hạn và dài hạn, trước khi bắt tay vào triển khai phải cân nhắc cẩn trọng trong việc quy hoạch định hướng tổng thể. Việc làm thiết thực này sẽ tránh được sự lãng phí không cần thiết. 

Theo dõi bước đi của ngôi chùa Việt Nam qua suốt chiều dài lịch sử, chúng tôi thấy rõ ở mỗi thời kỳ, các ngôi chùa, ngọn tháp đếu có một kiểu dáng riêng biệt. Bao giờ cái truyền thống cũng gắn với cái hiện đại, việc tiếp thu các kiểu kiến trúc của các chùa tháp trên thế giới cũng như các giải pháp sáng tạo có được bắt nguồn từ công nghệ vật liệu và công nghệ xây dựng mới cần phải chú ý để không làm mất đi bản sắc dân tộc. (“Những nguyên tắc cơ bản trong kiến thiết chùa Việt (ThS.KTS Quảng Kiến ...”) Cái bản sắc dân tộc ở đây phải được nhìn nhận là sự phù hợp với con người và tư duy thời đại mới ở sự cảm nhận về mỹ thuật, về kiến trúc kết hợp với nhu cầu sử dụng. Đây là bài toán khó, nhưng ông cha ta đã làm được. Âu cũng là điều chúng ta phải suy nghĩ trong hiện tại.

Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

BÁT NHÃ THI KÝ

 BÁT NHÃ THI KÝ


Tuyển tập 2 – Thơ và ký hoạ

QUẢNG KIẾN NGUYỄN VIỆT HỒNG

Trang 1-2

LỜI PHI LỘ

“Bát Nhã thi ký” là tập hợp những bản ký hoạ, kệ và những bài thơ

về các triết lý, khái niệm khác nhau của Phật giáo.

Những nét hoạ phong cảnh chùa, những vần thơ trào hứng,

từ nguồn mạch tâm linh bình lặng, từ ý nguyện Quy Y Tam bảo,

để vượt qua chặng đường cát bụi.

Dù tất cả những rung động hay phóng tác của nét bút,

của thi ca, được tác giả lưu lại với bất cứ tâm thức nào đi nữa,

thì chúng vẫn là kết quả đáng trân trọng trên con đường tu để chứng.

 

Tùng lâm Hương Tích xin được giới thiệu,

tập thơ của tác giả Phật tử Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng.

 

Sa môn Thích Minh Hiền

 

Trang 3-4


Mười năm tu Phật không dài nhưng cũng chẳng ngắn.

Vì nhiều nhân duyên: ĐÃ-ĐANG-ĐỂ,

Quảng Kiến nay tạm tổng kết, làm mốc quy chiếu để tiến lên.

 

ĐÃ-ĐANG-ĐỂ

 

(ĐÃ)...

Mười năm tu Phật chưa ngừng nghỉ

Chẳng có chi khoe, nỏ muốn gì

(ĐANG)...

Tu mật, tham thiền, hành tịnh độ

Quán-Chân, ly-vọng: hướng Vô-vi

Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Lăng Nghiêm... học

Ngũ ấm giai không, ngũ-trí trì

Vô-hữu, diệt-sinh...giờ khái niệm!

Từ Bi Hỷ Xả...hạnh đang vì.

(ĐỂ)...

"Vô tận không thời vô tận ý

Thị chưa từng bận huống gì phi.”

 

Trang 5-6

DIỆU PHÁP LIÊN HOA

“Tịnh tướng”, “Tính Chân” thể đó mà
Vô biên diệu dụng: Nhất liên hoa
Lá cành gốc rễ thành hoa quả
Lâu chóng nhỏ to lực tác ra
Duyên khởi trùng trùng vô lượng pháp
Nhị môn tích bản: Nhất là đa
Thị khai ngộ nhập: Phật tri kiến
Diệu pháp liên hoa: Tướng Phật đà.

 

Trang 7-8

 

QUY Y TAM BẢO

Dẫn:

Đời người một thoáng chiêm bao

Sống không tu chỉnh khác nào sống mê.

Nhập:

Quy y Tam Bảo,

Quay về bản tâm thanh tịnh xưa nay.

Kìa Bát-phong gió thổi mây bay,

Nhà Vô-Sự hỏi là đây có phải?

Sáng rung chuông nhất tâm hối cải,

Chiều gõ mõ niệm Phật tụng kinh.

Thi thoảng trong tâm có hiện vọng tình,

Kẻ mới tu giật mình giấc mộng huyễn

Này tứ cú kệ, này Kinh vạn quyển,

Này lý thời không, này trí Bát Nhã.

Thoáng suy sao tỏ Phật - Ma,

Bởi Lý Sự nó trùng trùng duyên khởi.

Vạn pháp duy tâm lý đó mà tới,

Vạn hạnh thật tính sự đó mà đi.

Tâm phân biệt ấy có Vô-Vi,

Hay để cảnh hiện tiền đưa đi mãi?

Tỉnh thức từ đây không sợ hãi,

Tu pháp chư Phật chẳng có sai.

Càng tinh tiến Đạo-hạnh càng cao!

 

Trang 9-10

 

CHÂN KHÔNG

Phật tính xưa nay vốn tịnh thường

Xuất trần đại sự toả vầng dương

Trì kinh niệm chú tâm khai mở

Hành thiện giúp đời tỏ tấm gương

Hỷ xả từ bi, chân diện mục

Ban vui cứu khổ, hiểu và thương

Đêm ngày tỉnh thức, chân không quán

Tịnh độ nhân gian, rõ con đường.

 

DIỆU HỮU

Bản Tính vô hình, Tướng diệu-không

Tham sân si hận bởi chưa thông

Trùng trùng duyên khởi Sa bà hiện

Kiếp kiếp luân hồi bởi huyễn-không

Tỉnh mộng quay về soi tự tính

Kéo rèm mở cửa đón vầng đông

Bốn mùa như vậy tâm thanh tịnh

Đối đãi ngại gì có với không.

 

Trang 11-12

 

MẸ BÁT NHÃ

Mẹ từ tự tính sinh ra

Nuôi con khôn lớn dạy xa não phiền

Nơi võng ru tới mọi miền

Nương nhân duyên khởi tu thiền quán không

 

Mẹ là giọt nước lành trong

Xoá tan hư huyễn thong dong đi về

Mười phương cũng một miền quê

Làm duyên khai ngộ giác mê cho người

 

Mẹ là một đoá hoa tươi

Điểm tô chân lý ở nơi hồng trần

Vì chúng sinh hiển pháp thân

Từ Bi Hỷ Xả thập phần viên thông

 

Muôn kiếp mẹ vẫn dõi trông

Giúp đàn con nhỏ thoát vòng tử sinh

Người là Bát Nhã tâm kinh

Dìu con từng bước tiến trình ngộ Tâm.

 

Trang 13-14

 

CHÙA GIẢI OAN

Chùa Giải Oan đây Đức Quan Âm

Nghe cầu và cứu độ chúng sinh

An vui giải thoát hết não phiền

Đến cửa thiền người người tu thiện

Đây suối nguồn cam lộ thiêng liêng

Nghe Phật sinh linh quy chính pháp

Vững lái thuyền từ qua biển khổ

Bên kia: bờ giác đến nơi rồi.

 

Oan oan giải giải oan đâu giải

Thân, tâm, ngã, pháp ấy: Chân không

Trí, ngôn, đắc,hành: là vô tướng

Quá khứ hiện tại đến vị lai

Thuận theo tính chân vốn không mê

Nguyện tu Phật thừa là vô ngộ

Bờ mê huyễn hóa như trò dối

Thuyền từ phương tiện độ chúng sinh

Bến giác an trụ mà vô trụ.

 

Trang 15-16

 

Mải tìm,

tâm giữa hư không

Mòn chân mỏi gối

Dặm không rã rời

Ta bèn,

Đến chốn không nơi

Ngồi nơi không chỗ

Thấy tâm chẳng rời.

 

TÍNH DIỆU

Vẫn nên đi đến chốn không nơi

Để thấy rõ hơn cái chẳng rời

Thủy, Hỏa, không-hư từ diệu biến

Bất giác chẳng hiện, gió mây thôi.

 

Trang 17-18

 

PHÁP THÂN

Đêm đông chùa vọng tiếng chuông ngân

Sóng ánh trăng thanh cảnh sáng ngần

Ngọn cỏ đầu sương bừng tỉnh ngủ

Tháp vương đỉnh bạc chiếu xa gần

Tâm thôi tục lụy: trần không vướng,

Vạn tượng Sum la hiển pháp thân.

Ai rõ Chân-không và Diệu-hữu,

Vô-vi cảnh giới mới thêm phần!

 

PHƯƠNG TIỆN

Pháp giới tịch nhiên chẳng thể mờ

Có chăng cũng ở chỗ văn thơ

Sớm về ai đã là nhanh biết

Muộn đến người chưa tỉnh giấc mơ.

Xứ diệt tâm hành chư Tổ dạy

Ngôn thời khác biệt bởi căn cơ

Nếu hay đạo cả vô phân biệt

Phương-tiện tuỳ duyên chớ hững hờ.

 

Trang 19-20

 

TÍN

Niệm A Di Đà

Sớm thoát Sa Bà

Sinh miền Cực Lạc

Não phiền trôi xa!

NGUYỆN

Niệm A Di Đà

Điên đảo tránh xa

Tâm thường tịch tĩnh

Dẹp hết ấm ma!

HẠNH

Niệm A Di Đà

Tính Phật, tính ta

Thấy cùng một thể

Hết cảnh Sa bà!

HÀNH

Niệm A Di Đà

Hết thiện với tà

Rời xa phân biệt

Theo bước Phật Đà!

CHỨNG

...theo bước Phật Đà

Tự giác, giác tha

Vãng sinh Cực Lạc

...Tịnh độ tâm Ta!

 

Trang 21-22

 

VÔ TRỤ

Con đò dẫu vắng người đưa

Dòng sông vẫn chảy sớm trưa nắng đời

Đến đi nhưng chẳng có rời

Đò này vô trụ chở người vô tâm.

 

THUYỀN KHÔNG

Tâm bình cõi tạm hiểu thương thôi

Mây trắng đường xưa tĩnh lặng rồi

Sáng nắng chiều mưa đời huyễn ảo

Lên cao xuống thấp nghiệp không rời

Tu hành tinh tiến điều chân thật

Bát nhã thuyền không rẽ sóng chơi

Rực ánh quang minh đưa dẫn lối

Tâm bình cõi tạm hiểu thương thôi

 

Trang 23-24

 

THÂN THỤ TÂM PHÁP

Quán thân bất tịnh

Sự vật tướng tâm

Huyễn huyễn minh minh

Chẳng mình, chẳng vật

Thân là bất tịnh.

 

Thụ quán là khổ

Khổ hạnh là tà

 Có vui có khổ

Thế tục mãi khổ

Quán thụ thị khổ.

 

Quán tâm vô thường

Chạy khắp mọi đường

Tạo lắm tai ương

Chấp thường chấp đoạn

Cõi tục: vô thường.

 

Quán pháp vô ngã

Sinh diệt giả dối

Duyên diệt duyên sinh

Người không ta chẳng

Luân hồi:vô ngã.

 

Trang 25-26

 

TÌM EM

Tìm em ở bến chân Tâm

Dong thuyền Bát-Nhã âm thầm anh qua

Duy-Thức tướng sóng gần xa

Lăng-Nghiêm đại định bao la đất trời

Pháp-Hoa một đoá sen tươi

Ngời trong ánh mắt mười phương Sa Bà

Chính tà một thể Duy-Ma

Rời xa vọng tưởng Lăng-Già truyền trao

Tĩnh tịch mặc kệ trần xao

Thấy em vẫn đó chưa bao giờ rời.

 

Trang 27-28

 

TIỂU THỪA

Theo gió chiều nay rời chốn cũ

Thời gian mặc kệ tiết xuân thu

Rời xa vọng tưởng miền hư ảo

Tránh lại quẩn quanh vũng nước

ĐẠI THỪA

Thế gian hám cảnh vũng nước tù

Hành Bồ tát đạo nguyện thanh tu

Uế trược ra sao đều huyễn ảnh

Đạo thành cũng ở lục căn thu.

 

Trang 29-30

 

ĐI LÀ TỚI

Mọi sự đều phải tự ta

Cơm ăn áo mặc cũng thế mà

Đường xa vạn dặm đi là tới

Muôn nẻo luân: hồi bước chân ra

TỪ ĐÀM GIÀ LAM

Bước tới Từ Đàm hết nói năng

Đèn kia có sáng chẳng bằng trăng

Sớ sao cũng chỉ là mây gió

Đốm lửa tro tàn: nước đóng băng.

 

Trang 31-32

 

TỔ SƯ BỒ ĐỀ ĐẠT MA

Đông Độ xưa kia Tổ hóa duyên

Một mình quẩy dép dụng phao thuyền

Chín năm bích diện ngài tu quán

Vô thỉ chúng sinh quên bản nguyên

Tuệ Khả cầu sư tìm sự thật

Vì tâm tối thượng chặt hữu quyền

Từ da tới tủy đường tu chứng

Sư tổ truyền Tâm: chính pháp truyền.

 

Trang 33-34

 

CHÂN KHÔNG

Không đây là chẳng có chi

Có thì cũng chẳng là gì nên không

Không đây chẳng phải có không

Có là Diệu-hữu Không là Chân-không

DIỆU HỮU

Vạn pháp bản lai chẳng có-không

Có chăng thế tục nợ đèo bồng

Không là không tướng ta cần rõ

Diệu-hữu, Chân-không vốn vẫn đồng.

 

Trang 35-36

 

ĐỘNG ĐẠI BINH

Đại Binh tĩnh mịch cõi Hương Thiên

Có bóng hình ai trước cửa thiền

Thuở trước anh hùng lưu sử sách

Giờ đây còn lại hạnh trung kiên

Một thanh gươm vạch trời ngang dọc

Bão táp há dời được nguyện riêng

Đại địa viên dung là đúng lý

Chẳng còn tướng ngã, chẳng còn phiền.

 

Trang 37-38

 

THIỀN TỊNH MẬT

Hãy nên tu thiền

Bỏ chấp nhị nguyên

Xa rời đối đãi

Sạch hết não phiền.

 

Thường tu tịnh độ

An vui chẳng khổ

Sinh gặp Phật Đà

Lo gì chẳng ngộ.

 

Quán tưởng chân thật

Tinh tiến tu mật

Tịnh thân-khẩu-ý

Thì mau quả Phật.

 

KỆ THỈNH CHUÔNG

Tu Tâm dưỡng tính

Cùng thỉnh chuông minh

Pháp thân ứng hiện

Địa ngục nghe kinh

Tam đồ hết khổ

Bát nạn tiêu khuynh

Thường tuỳ Phật học

Cứu độ chúng sinh

Tài danh xin gửi

Bất diệt bất sinh.

 

Trang 39-40

 

THIÊN TRÙ

Đã lâu sam cảnh chẳng về nhà

Nhớ tiếng chuông chùa vọng xa xa

Thung thẳm núi cao chim đua hót

Rừng già mây rủ với ngàn hoa

Rêu phong cạnh đá in bóng núi

Dâu bể vơi đầy đã trôi qua

Bao giờ mưa bão đời ngừng nghỉ

Ta lại đi về với chính ta.

 

Trang 41-42

 

XƯA- NAY

“Thu lai bất báo nhạn lai quy

Lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi

Vị báo môn nhân hưu luyến trước

Cổ sư kỷ độ tác kim sư.”

( Kệ thị tịch Tổ sư Từ Đạo Hạnh )

Chẳng phải thu về nhạn mới bay

Cười cho thế sự trả rồi vay

Sao không chính niệm rời năng sở

Tỏ bản Tâm xưa chẳng khác nay.

( Quảng Kiến hoạ thơ Tổ )

 

Trang 43-44

 

THANH TỊNH CẢNH

Chuông vang thức tỉnh nơi nơi

Gieo duyên chân lý khắp trời nở hoa

Suối trong chảy khắp sơn hà

Vui thanh tịnh cảnh mặc tà huy bay.

 

Trang 45-46

 

VÔ ĐỘNG

Chẳng  đến cùng đi chốn bụi trần

Tâm thường hỷ xả những tham sân

Ngoài trong như vậy thường vô động

Mặc gió mây ngàn có với không.

TÂM ĐỊA

Trạch đắc long xà địa khả cư

Dã tình chung nhật lạc vô dư

Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

( Tổ Không Lộ )

Ở nơi tâm địa mới chân tu

Vui xuất thế gian lục căn thu

Thi thoảng dạo chơi đầu chóp núi

Cười to một tiếng biến không hư.

(Quảng Kiến họa thơ )

 

Trang 47-48

 

TỰ TÍNH

Tự tính chỉ là tự tính thôi

Tính đi tính lại, tính luân hồi

Tuỳ duyên ảnh hiện mà Không- tính

Tự tính thế nào?... tư tính coi?!

 

 

Mỏi mắt nhân gian nhuốm bụi hồng,

Con đường tu đạo sẽ viên thông.

Mênh mang sinh diệt nơi trần thế,

Mải miết đi về với chủ ông

Tinh tiến xa rời không với có,

Muôn đời tự tại có cùng không.

Bích chi, La Hán, đây Bồ Tát,

Chư Phật, chúng sinh tự tính đồng.

 

Trang 49-50

 

VIÊN GIÁC

Có không vô trược thể giác viên

Bản thể Chân không ấy quán thiền

Diệu dụng Bồ đề là đắc đạo

Thập Ba la mật độ nhân thiên.

 

 

NGŨ ẤM LĂNG NGHIÊM

SẮC ẤM

Bất giác khởi nên hình

Sắc ấm từ tâm sinh

Luyến lưu cùng thức vọng

Chẳng thấy tính Diệu-Mminh.

 

THỌ ẤM

Theo vọng ấy chúng sinh

Giác tâm theo thật lý

Vạn vật chẳng hợp ly

Bồ đề thường tịch tĩnh.

 

TƯỞNG ẤM

Bóng kia bởi có hình

Chẳng diệt với chẳng sinh

Bọt nước thì cũng vậy

Lay động mới nên hình.

 

HÀNH ẤM

Bởi thấy giác làm minh

Nên hình thành năng- sở

Sáu căn thường trăn trở

Ngăn ngại tự tâm mình.

 

THỨC ẤM

Luyến lưu tình với cảnh

Đâu rồi cái minh - anh

Huyễn hư là không thật

Pháp giới tính-diệu thành.

 

Phá NGŨ ẤM ma:

Sáu căn tuỳ dụng công

Phát khởi tính viên thông

Ngoài tri và ngoài trí

Rõ mây nước vẫn đồng.

 

Trang 51-52

 

TÂY THIÊN

Muốn đến Tây thiên

Trước hành thập thiện

Bỏ các ác hành

Tinh tiến đi nhanh

Chăm tu thiền định

Tùy duyên nhưng tịnh.

Cứu khắp hữu tình

Ngộ tính Chân không.

Tinh tiến tu tâm

Nhập pháp thậm thâm

Tâm không Tâm có

Thấy rõ chẳng nhầm.

Đó là cốt lõi

Chẳng còn thưa hỏi

Vì còn lời nói

Chẳng phải chân thiền

Ở cõi Tây Thiên.

 

THIỀN TÂM

Tu hành theo Phật tỉnh không say

Tam tạng kinh văn lý hiển bày

Bát nhã sắc không vô sở trụ

Lăng Nghiêm tính thấy rõ đêm ngày

Non xanh, thật tướng hoa chân lý

Nước biếc, thiền tâm bóng Thiện tài

Xuân đến ngàn hoa khoe sắc thắm

Tu hành theo Phật tỉnh không say.

 

Trang 53-54

 

THẤT NGÔN BÁT CÚ

Thất đại xưa nay vốn thể-không

Ngôn từ văn ngữ: nghĩa là đồng

Bát đường thánh đạo: theo đại trí

Cú thật, viên thông: đó Phật tông.

 

GIẢI THOÁT KHÁI NIỆM

Giải-thoát tâm mình, giải-thoát đau

Vấn-vương nghiệp cũ, vấn-vương sầu

Tâm-ta vốn sẵn, tâm-ta nhớ

Nương-nhờ người độ, nương-nhờ đâu

Tự-giác giác tha, tự-giác đúng

Tu-hành giải đãi, tu-hành lâu

Tử-sinh khái niệm, tử-sinh khổ

Khái-niệm đoạn thường, khái-niệm nhàu!

 

Trang 55-56

Ngũ quán QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT

Chính quán Quan Âm đã luyện tu :

Quán-chân đã phá hết lao tù

Quán-tâm-thanh-tịnh không còn nhiễm

Quán từ, bi quán : hết mê ngu

Quán-chân-trí-tuệ : là tinh tiến

Quảng đại Phật thừa : nguyện tịnh tu

Chính tín chúng con : nghe Phật dạy

Muôn đời, muôn kiếp : khó không từ.

 

Trang 57-58

 

TỰ TẠI

Pháp giới diệu hữu đá và hoa,

Bất biến tuỳ duyên cõi Sa bà.

Tầm đạo tham cầu nơi chốn lạ,

Chẳng bằng tự tại ở quê nhà.

 

PHẬT CƯỜI

Bàn chuyện có-không,

Phật mỉm cười.

Đi đây đi đó, lãng du chơi,

Khởi duyên nên vật không thành có

Duyên hết sự sự có hoá không

Sướng khổ buồn vui, lên rồi xuống

Xuân tàn hạ tới, ngắm hoa tươi

Đã về đã thấy quê hương cũ

Hỏi tử với sinh Phật lại cười.

 

Trang 59-60

 

BẤT NHỊ

Người về

từ chốn chẳng đi

Trụ nơi không chỗ

Vô vi tháng ngày.

 

Người về,

chốn chẳng chính tà.

Phật, Ma cũng vậy,

hoá ra độ người.

 

Ta về,

lấy cái không-Ta.

tướng Ma, tướng Phật,

rời xa huyễn hình.

 

Ta về,

với ánh quang-minh

Ngồi nơi tịch tĩnh

hiện hình Chân-không.

 

Người-Ta

Cũng chẳng gần-xa

Nhập là không một

tách là Không-Hai.

 

Trang 61-62

 

CHÙA THIÊN MỤ

Bảy tầng tháp cổ giữa hàng cây

Chuông điểm pháp âm tiếng vọng đầy

Thoang thoảng trầm hương vơi tục lụy

Mơ màng danh vọng chợt tan ngay

Bến xưa thanh tịnh đang chờ đợi

Thuyền lạc chốn nào hãy tới đây

Phật tích chuyển lưu Hương giang chảy

Bóng chùa Thiên Mụ ẩn trong mây.

 

Trang 63-64

 

12 NGUYỆN PHẬT DƯỢC SƯ

Tịnh Lưu Ly là nơi đức Phật

Dược Sư quang minh chiếu vô biên

Có mười hai nguyện lớn, như sau:

Nguyện thứ nhất hào quang sáng suốt

Giúp chúng sinh không khác Như Lai

Thứ hai thân sáng ngọc trong

Hào quang soi khắp muôn loài chúng sinh

Thứ ba phương tiện tuỳ duyên

Độ cho đại chúng nguyện tâm viên thành

Thứ tư dạy pháp đại thừa

Khiến người tà đạo theo về chính chân

Nguyện thứ năm đắc bồ đề,

Khiến người phá giới dần dần tịnh tâm

Tịnh Lưu Ly là nơi đức Phật

Dược Sư quang minh chiếu vô biên

Có mười hai nguyện lớn, như sau:

Nguyện thứ nhất hào quang sáng suốt

Giúp chúng sinh không khác Như Lai

Thứ hai thân sáng ngọc trong

Hào quang soi khắp muôn loài chúng sinh

Thứ ba phương tiện tuỳ duyên

Độ cho đại chúng nguyện tâm viên thành

Thứ tư dạy pháp đại thừa

Khiến người tà đạo theo về chính chân

Nguyện thứ năm đắc bồ đề,

Khiến người phá giới dần dần tịnh tâm

 

Trang 65-66

 

BÁC SỸ TÂM MINH LÊ ĐÌNH THÁM

Kiến tính là Tâm Minh

Sa bà hiện độ sinh

Cùng Gia đình Phật tử

Nhập một pháp viên minh.

 

Trùng trùng Lý duyên khởi,

Pháp tính rời cũ-mới.

Báo ân trong muôn một,

Phương tiện, thuận dòng khơi.

 

Lăng-nghiêm: pháp chính Tông

Duy-thức: chủ nhân ông

Tam tạng: nêu chân lý

Hậu học: nguyện viên thông.

 

Trang 67-68

 

NIẾT BÀN

Trí bát nhã sâu chẳng thể bàn

Chân không Diệu hữu độ nhân gian

Thuyền to phương tiện qua bờ giác

Giải thoát chúng sanh tới niết bàn.

 

Ngọc Thiền soi rạng khí non sông

Bước đến mới hay tính thể đồng

Suối chảy bao quanh: hình vạn tượng

Mây vờn đỉnh núi: tướng chân không

Âm vang Bát nhã nguồn chân lý

Tịch tĩnh niết bàn rõ sắc không

Thanh tịnh tu hành vô chướng ngại

Sa Bà phương tiện nguyện viên thông.

 

Trang 69-70

 

VỊNH CHÙA DIÊN KHÁNH

Mây trời thanh tịnh cảnh tây phương

Diên Khánh chùa nay khí toả hương

Cây, đá, lá, hoa:  tâm tĩnh tại

Sách đèn kinh kệ: tỏ vô thường

Bay vờn suối cạn tùng khêu bút

Động khẽ áo tràng trúc viết chương

Giải thoát tâm mình thôi tục luỵ

Từ bi trí tuệ hiểu và thương.

 

Trang 71-72

 

QUÁN NIỆM

Ảo mộng nhân sinh thấy chứa chan

Thầy ngồi quán niệm sự lầm than

Nơi nơi sướng khổ lên rồi xuống

Chốn chốn ử sinh hợp với tan

Vô minh ái thủ: nhân phiền não

Sân si tham độc: quả cơ hàn

Phải chăng sinh chúng đều tu cả

Vạn thuở xuân thu chẳng phải bàn.

 

CHÂN NHƯ

Cũng bởi tâm mình ít có tu

Năng trì Kkinh Phật học minh sư

Xa lìa chấp trước tâm vô nhiễm

Ly dục tu thiền bỏ huyễn hư

Phương tiện tuỳ duyên nhân hoá độ

Thuận dòng sinh tử hạnh bi từ

Đến đi như vậy thường tinh tiến

Luân hồi lục đạo hóa Chân như.

 

Trang 73-74

 

DIỆU TƯỚNG

Duyên ai thấy được Mạn đà la

Tánh không Bát nhã hiện thân ra

Tu hành chân thật miền thanh tịnh

Toả sắc lưu hương khắp mọi nhà

Mặc thế huyễn hư đầy mộng ảo

Thân cành cội rễ vững bồn hoa

Đỏ xanh hồng trắng đều trân quý

Diệu tướng Chân như: Bát đát ra!

( Bát đát ra: Từ bi cứu độ chúng sinh )

 

PHẬT TÂM

Phật về từ bến chân Tâm

Thậm thâm vi diệu hương trầm toả xa

An nhiên trong cõi Sa bà

Sen hồng bảy bước gần xa được nhờ

Trên trời dưới đất tỉnh mơ

Bao nhiêu mộng ảo bây giờ mới hay

Phật ngày xưa, Phật ngày nay

Một tâm chân thật hiện bày mười phương

Dù cho vạn pháp vô thường

Phật tâm mãi mãi miên trường thời gian.

 

Trang 75-76

 

Giác ngộ khi xưa cội Bồ Đề,

Thế tôn tỏ rõ đường về Chân như.

Chúng con giờ cứ huyễn hư,

Đuổi hình bắt bóng cũng từ tâm mê.

Nơi xa con đã trở về,

Nơi đây cõi Phật bồ đề tâm linh.

Đạo tràng vang vọng lời kinh,

Xóa trong con những ngục hình thế gian.

Ngày xưa sinh tử gian nan,

Ngày nay ơn Phật niết bàn nguyện tu.

 

Trang 77-78

 

VỀ-ĐI

Đi tìm,

giọt nước viễn khơi    

Bỏ rơi nguồn cội ở nơi ban đầu.

Về tìm,

quá khứ nơi đâu?

Chân chim lưu dấu trên đầu đó thôi

Về-đi!,

dừng những gọi mời

Chân tâm vô trụ nói lời vô ngôn.

 

TÂM GÌ

Tâm gì?

Chẳng có ồn ào

Chẳng cơn sóng dậy,

chẳng gào thét chi.

 

Tâm gì?

Là lý Vô vi

Là cơn gió nhẹ,

xoá đi huyễn tình.

 

Tâm gì?

Chẳng đục, chẳng trong

Không đi không đến,

thoát vòng tử sinh.

Tâm gì?

Vô tướng, tuệ quang

Chẳng sinh chẳng diệt

Tùy duyên, hóa thành.

 

Tâm gì?

Thật tướng vẹn toàn

Sướng vui cũng mặc

Chẳng cần lợi danh.

 

Tâm gì?

Vạn vật hóa thành

Như như vô ngại,

Thể là Chân như.

 

Trang 79-80

 

VÔ VI

Cư sĩ, xuất gia cũng chẳng vì

Mặc cho thế sự đấu và thi

Đồng ngài Thượng Sỹ xua mây ám

Tiến thẳng đại thừa, dẹp mạn nghi

Xuân hạ thu đông tâm không đổi

Dòng đời xuôi ngược vẫn Vô-vi

Bồ đề hạnh nguyện chưa ngừng nghỉ

Hoá độ chẳng màng sự đến-đi.

 

Trang 81-82

 

TỊNH ĐỘ

Tịnh độ tự tâm thành

Đạo tràng chốn tịnh thanh

Tu hành từng bước một

Tích tụ biển sẽ thành.

 

XUÂN VỀ

Chẳng phải xuân về mới trổ hoa,

Cũng từ xuân đến, tết nhà nhà.

Tình người tính cảnh, đâu phân biệt,

Đời đạo một nhà, không tách xa.

Mùa hạ hoa tàn, xuân lại nở,

Mê mờ trí tuệ, học thông ra.

Phải chăng xuân hạ vòng xoay ấy,

Tỉnh thức đêm ngày mới chính ta.

 

Trang 83-84

MỤC LỤC