Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Thoại đầu "em" !

 
Thoại đầu "em" hợp rồi tan
Bóng Chân-lý "kết" lại "tàn" theo hương
Hoá ra " em" vốn vô thường
Hoá ra "em" để cúng dường Pháp-thân
...
Chuông chùa không đánh mà ngân...
Vô vi tịnh tĩnh cũng ngần ấy thôi!.
 

         Nói về Thiền công án là nói đến việc ứng dụng câu thoại đầu giúp cho thiền sinh đi sâu vào suy tư để nhận rõ được bản tính của vạn hữu. Công án "thoại đầu" có khi lấy người, có khi lấy cảnh, có khi lấy vật, có khi lấy một ý niệm vu vơ nào đó... mục tiêu của người thầy đưa ra câu thoại đầu là giúp trò chiêm nghiệm sâu xa về thực tại để đánh phá sự vướng mắc về Ngã chấp tướng và Pháp chấp tướng. Người trò tiếp nhận câu thoại đầu để quán sát, để suy tư. Đến một lúc nào đó tâm-cảnh hợp nhất, sự hợp nhất này là nhận thức được tính tương-tức của vạn pháp. Tâm cảnh tương tức chính là việc quy sự thấy và vật được thấy về thể tính chung của cái thấy, sự thấy (năng kiến) và vật được thấy (sở kiến) chính là duyên khởi như huyễn, nhận thức được như vậy liền đó rõ được ngoài tâm không có cảnh và ngoài cảnh không có tâm, rõ được tính bình đẳng của vạn pháp mà xa rời đối đãi phân biệt, sơ lược khái niệm tương tức của chư pháp là như vậy.

Sau khi giác ngộ được Chân lý, hành giả dần thâm nhập vào cảnh giới tịch-mặc vô-ngôn. Cái cảnh giới này là thông tỏ thực tại nhiệm màu vốn tịch nhiên bất động, cái biến dịch hay những cái được gọi là vật đó chẳng qua do móng (vọng) tâm mà có chứ vạn pháp vốn đồng một thể tính, thấy như thế là thấy được lý Vô ngôn của chư pháp, nghĩa là ở tính thường trụ "tịch tĩnh". Rồi từ đó thế giới trong và ngoài hành giả giác ngộ không còn sự so đo nghi hoặc, với tâm tự tại, đến đi theo duyên mà không còn vướng mắc. Vạn hữu bây giờ chính là phương tiện để khai mở cho các vọng thức sai lầm của mình, của người. Ngài Trí Giả Đại sư từng dùng Thiền để giải Dịch, mục tiêu cũng là để cho người dựa theo pháp thế gian mà vào pháp xuất thế gian. Trong Kinh Hoa Nghiêm, ý niệm về Ngài Tự Tại Chủ hiện thân trong hình tướng đứa trẻ nghịch cát trên bờ biển là phương tiện giáo huấn cho Thiện Tài đồng tử về toán pháp vô tận của pháp giới vũ trụ...Mỗi mỗi phương tiện như vậy, mỗi mỗi câu thoại đầu như thế đều là công án để giúp người trở về với pháp-thân thường trụ của chính mình. Đó là ý của câu thơ "Hoá ra "em" để cúng dường Pháp-thân". Hoá-ra-em là phương tiện ngôn ngữ để giúp hành giả trở về với pháp thân thường trụ.
Cũng như một căn phòng tối, khi thắp đèn lên thì ánh sáng chan hoà, liền đó bóng tối biến mất. Phương tiện (thoại đầu) cũng vậy. Khi cần thì phát huy diệu dụng (kết), sáng tỏ rồi thì trở về với pháp giới tịch nhiên. Thơ viết "tàn theo hương", hương ở đây chúng tôi muốn nói đến chính là ngũ phần danh hương, gồm: hương giới, hương định, hương tuệ, huơng giải thoát, hương giai thoát tri kiến. Khái niệm "kết" rồi "tàn" chính là bản tính vô thường của tâm thức. Gọi tâm thức nghĩa ở tướng của tâm chứ không phải ở bản-Tâm (Tính) thường trụ. Bản tâm sau khi giác ngộ của chúng sinh không có thêm không có bớt. Chỉ có kết sử là vô minh tan rã cùng lúc với sự giác ngộ mà thôi.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm tu chứng mật nhân liễu nghĩa, phần Đức Phật từ bi chỉ bày cho Ngài A Nan về cái Tâm vốn thường trụ cùng khắp. Như khi gõ tiếng chuông thì nghe tiếng, đến khi không gõ nữa thì không nghe tiếng. Như vậy Tính-nghe không phụ thuộc vào âm thanh có hay không…cho đến sắc, hương, vị, xúc, pháp. Thấu rõ được bản Tâm cùng khắp như vậy thì cũng là nghe được tiếng “chuông-chùa-không-đánh- mà-ngân”. Thông tỏ bản Tâm gồm đủ tính Diệu-Minh, nghĩa là thấy biết được Tính bản nhiên cùng khắp tuỳ niệm mà hiện khởi. Phát hiện là tính Minh, hiện khởi là tính Diệu. Dù là Diệu biến nhưng bản Tâm là trùm khắp không có sinh không có diệt, không có đến-đi…đó là tính Vô Vi tịch tĩnh của Chân Tâm vậy. Cũng là ý chính của hai câu thơ:
Chuông chùa không đánh mà ngân...
           Vô vi tịnh tĩnh cũng ngần ấy thôi!.
(còn tiếp...)