Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Chùm thơ tết

1.
CHÚC mọi hữu tình thoát khổ duyên
MỪNG chờ chư Phật luôn hiện tiền
NĂM an tháng lạc rời hư huyễn
MỚI cũ ra sao cũng chẳng phiền.












2.
CHÚC mới đến thì cũ sẽ thay
XUÂN về vui đạo gặp duyên may
GIÁP niên đón cảnh nhà tươi đẹp
NGỌ hoả trí thiền hết cái say
AN ổn thế gian cùng tiến đến
LẠC, Định, Tĩnh rồi thấy Xuân ngay.
3.
Xuân về cũng thấy giống Thu sang,
Ngoài ngõ trong nhà vẫn nắng vàng.
Xuôi ngược bôn ba theo sự-lý,
Chi bằng dừng tại chốn không-mang!.
4. 
An lạc ba ngày tết đã qua
Sáng chiều vui trẻ với vui trà
Chơi Xuân chưa đã còn lo thiếu
Rượu thịt không phạm: ngũ giới mà
Làm người Phật tử thường thanh tịnh
Chẳng vì Tết đến để quá đà
Còn bao ngày nữa tròn năm mới
Giáp Ngọ tới rồi: Ngựa phi xa!
5.
Tết người Phật tử vui muôn nơi
Tam Bảo lộc ban sự thảnh thơi
Hỷ Xả Từ Bi làm mứt kẹo
Yêu đời đẹp Đạo bó hoa tươi
Sáng câu niệm Phật chiều Thần chú
Tối lại hành trì, não phiền trôi
Xuân tới Đạo tràng chia chiếc bánh
Kim cương bốn đũa gắp ta mời.
6.
Mở cửa sáng nay vệt nắng vàng
Nghe Trầm hương thoảng rõ Xuân sang
Trong nhà ríu rít tiếng cười trẻ
Ngoài ngõ Ngựa xe đã sẵn sàng...
...Giáp Ngọ đây rồi.. 
Đời, Đạo thênh thang, 
Đạo hữu ơi!... 
Tinh tiến lên đàng... Bến giác sớm sang!
7.
Nắng vàng
hé nụ tầm Xuân
Kéo nhân gian dậy
tình Chân Đạo tràng.
Xuân về
dậy tiếng cười vang,
cho không gian vỡ
tan màng vô minh.
Xuân về
Ta lại chính mình
Mặc nguyên Xuân dậy

Mặc tình nhân gian.

Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

Chu dịch Thiền luận

Pháp Phật có nhiều, mỗi mỗi pháp môn đều căn cứ theo căn tính của chúng sinh mà thiết lập. Về sự tướng có khác nhưng về Chân lý chỉ có một "vị". Đó là vị giải-thoát, “giải” là làm cho thay đổi nhận thức sai lầm về thực tại của đời sống, “thoát” là rời những ràng buộc làm cho chúng ta mất sự tự do. Kinh Pháp Bảo Đàn nói “ Phật pháp bất ly thế gian giác”, nghĩa là sự giác ngộ của Phật bắt nguồn trên nhận thức của người đời (pháp-thế-gian) hay từ nhận thức thường nghiệm mà thành tựu.
Ở bài viết này chúng tôi căn cứ trên sở học của người xưa về Dịch-học mà luận giải về bản chất của vạn pháp theo góc nhìn của Thiền học. Thiền là phép quán sát sự vật hiện tượng theo thật tướng thật tính, nghĩa là bóc bỏ hết những màng duyên sinh nhằng nhịt những quan niệm sai lầm của nhận thức về thế giới của chúng ta và về tâm thức của chúng ta. Dịch-học chính là bộ môn khoa học thế gian mô tả lại môyj phần các mối quan hệ sinh và diệt của duyên-sinh của thế giới vật chất và thế giới tâm thức. Để hiểu về duyên sinh có nhiều, giới hạn ở bài nghiên cứu này chúng ta bắt đầu dùng dịch học để dự đoán tương lai của chính mình, rồi từ đó phân tích các khái niệm, truy tầm nguyên nhân. Khi đã rõ được tự-tâm của mình rồi thì mọi sự tướng dù ẩn hay hiện, dù đã sinh hay đã diệt...mỗi mỗi đều rõ ràng không còn vướng mắc. Đây cũng chính là sự thấy biết khác nhau giữa phàm phu và thánh nhân vậy.
Chúng ta sinh ra mỗi người đều có ngày tháng năm sinh riêng khác, gồm có số năm sinh, số tháng sinh, số ngày và số giờ sinh nhất định. Vì đã sinh ra vào năm tháng ngày giờ đó rồi nên không thể lại quay vào sinh lại để chọn giờ khác tháng khác được nữa. Cho nên mới nói “Số không đổi được”. Vì điều này mà nhiều người quan niệm sai lầm là Số đã an bài. Sự thật số không đổi chỉ là khái niệm số-học chứ không phải số-mệnh là diễn biến cuộc đời từ khi sinh đến khi tử của mỗi người đã được lập trình sẵn. Nếu như vậy thì chúng ta khác cái máy ở chõ nào!?.

Con người ta sinh ra vào thời điểm nào, tại địa điểm nào trong thế giới bao la rộng lớn này tất phải có nguyên nhân, người khoẻ mạnh, người ốm yếu, người giàu, kẻ nghèo khổ… chắc chắn phải có nguyên do. Đi tìm câu hỏi này đồng nghĩa với việc suy tư về cây lúa. Cây lúa mọc ở nơi khô cằn khác với cây lúa mọc ở nơi phù sa tươi tốt. Lúa cũng tốt hơn khi phát triển ở thời tiết ôn hoà mát mẻ, vào thời điểm khô hạn dù cố gắng chăm bón thì cũng chỉ ra bông bé hạt lép mà thôi. Như vậy cây lúa tuỳ theo điều kiện sinh trưởng mà có kết quả khác nhau. Từ thời điểm gieo mầm cho đến việc bón phân, cần, giống…tập hợp những yếu tố này gọi là Duyên. Duyên chính là điều kiện.

Con người ta cũng vậy, sướng khổ đều có nguyên nhân. Đơn giản như cây lúa mà còn khó suy lường huống hồ con người ta nay đây mai đó, môi trường sống sai khác, quan hệ phức tạp, tính cách thay đổi hằng ngày, chịu ảnh hưởng của khí hậu thổ nhưỡng văn hoá vùng miền...Như người miền trung thì có khi hiền hoà ( chữ Thuận là thật đức của quẻ Khôn theo Dịch học), có khi dữ tợn ( chữ Nghịch), hầu hết các cuộc khởi nghĩa cách mạng đều bắt đầu xuất phát từ miền trung. Người miền Nam theo vị trí địa lý của dịch học thuộc quẻ Ly hoả, tính cách có người rất huy hoàng tráng lệ là được cách thật đức, có kẻ tâm hồn lại trống rỗng là cách hư đức của quẻ Ly…Con người sống trong mối qua hệ nhiều tầng nhiều lớp như vậy để dự đoán một sự vật hiện tượng liên quan đến con người quả thật không phải là điều đơn giản.

Giới hạn quyển sách này chúng tôi muốn giới thiệu một góc nhìn về bản chất Dịch học dưới phương pháp Nhân Minh luận của nhà Phật.

Nói về pháp Nhân Minh của nhà Phật chính là việc thông qua kết quả (lập Tông) để xét lại mối quan hệ của Nhân và Duyên. Như việc thành tựu Đại pháp thân là do nhân tu Bồ đề tâm, hay quả Nhất thiết trí do nhân tu Bát Nhã…

Nhân tu

              Từ việc theo dõi sự phát triển trong suốt vòng đời của cây lúa qua nhiều ngàn năm con người đã rút ra được kinh nghiệm và dự đoán được kết quả phát triển, mỗi khi có sự thay đổi của một trong các yếu tố cấu thành hay nói cách khác là thay đổi duyên. Phương pháp dự đoán về con người cũng dựa trên kinh nghiệm như vậy. Do con người được cấu thành bởi nhiều thành phần phức tạp. Tổng hoà gồm phần thân và phần tâm. Để đoán biết được sự phát triển theo từng giai đoạn sinh lão bệnh tử cho đến việc thành bại của công việc trong cuộc sống theo phân tích trên thì chúng ta phải tìm hiểu được các nhân và duyên của con người. Dựa vào đó mà luận đoán được kết quả. Người nào nắm chắc được cấu trúc phát triển và các thay đổi của duyên thì sẽ dự đoán chính xác.

Đời người trăm năm, chẳng mấy ai có thể đủ thời gian để học hết kinh nghiệm của thế giới vô cùng này ấy vậy mà xưa nay có nhiều vị Tổ sư để lại các bài sấm ký dự đoán tương lai cho suốt hàng ngàn năm sau rất đúng.

Kinh Phật thuyết có rất nhiều điều mà đức Phật đã dự đoán trước về tương lai. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Phật dạy, về sau này, sau khi ta nhập diệt, chúng sinh ở vào thời mạt pháp làm ra nhiều sự huyễn hư tạo ra lắm bệnh quái dị, tâm tham sân si nổi lên đánh giết nhau, đến cực vi cũng làm hại được chúng sinh.” Cực-vi mà đức Phật nói đó chính là bom nguyên tử ngày nay vậy.

Gần hơn, cách đây khoảng 1000 năm có Tổ sư Quý An để lại bài sấm ký như sau:

“ Thụ căn diểu diểu
Biểu Mộc thanh thanh
Đào hoa mộc lạc
Thập bát tử thành
Đông A nhập điện
Dị Mộc tái sinh
Đoài cung ẩn tinh
Lục bát niên gian
Thiên hạ thái bình.”

Đây là bài sấm ký nói đến kết quả và thứ tự của các triều đại từ thời nhà Đinh đến nhà Tiền Lê, Nhà Trần, nhà Hậu Lê…dự đoán tới năm 2018 của nước Đại Việt.

Hay như bài sấm của Bạch Vân Cư sỹ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm:

“ Ta tai thiên hạ nhược bềnh bồng
Nam Bắc kỷ hà nhược lộ thông
Hồ ẩn trung sơn Mao tận bạch
Kình dương hải ngoại huyết lưu hồng
Kê minh Thỏ ngọc thiên khuynh Bắc
Ngưu xuất lam điền Nhật chính đông
Nhược đãi ưng lai sư tử thướng
Thế gian cộng hưởng thái bình phong”

Bài sấm ký của cụ Trạng Trình dự đoán về vận cục của nước Đại Việt theo hai câu cuối bài sấm của Tổ sư Quý An.

Hiện nay chúng ta đã chứng minh và trải nghiệm được các bài sấm xưa là đúng với diễn biến thực tế. Trên thế giới có nhiều nhà tiên tri cũng có khả năng dự đoán tương lai rất chính xác. Vậy câu hỏi đặt ra: tại sao họ lại có thể đoán biết được kết quả tương lai!?

Quay trở lại việc trồng lúa thì chúng ta biết được sẽ có hạt lúa chắc hay lúa tép bởi ta nắm bắt và biết được các yếu tố sẽ tác động lên quá trình phát triển của cây lúa. Cũng như vậy, đức Phật cho đến các vị Tổ sư và nhà tiên tri đã nắm bắt được các điều kiện và diễn biến của một sự vật và hiện tượng rồi từ đó rút ra được quy luật phát triển. Căn cứ vào quy luật đó mà dự đoán về người về sự vật khác nhau tương ứng.

Dự đoán một sự vật hiện tượng xuất hiện và diễn biết trong một quãng thời gian dù là về quá khứ hay tới tương lai chính là việc nắm bắt được sự tác động của nhiều yếu tố ảnh hưởng lẫn nhau nhiều tầng nhiều lớp như vậy. Nhà Phật đã rút ra được quy luật bản nhiên của sự vật hiện tượng gọi là luật Nhân Quả.

Theo đó mới thấy, ai nắm được then chốt của nhân quả thì có thể thay được tương lai đổi được hiện tại.

Nhiều người rất ngạc nhiên và khó hiểu vì khi đọc ngày tháng năm sinh của mình thì có người sẽ nói ra được tổng quan cuộc đời của họ. Phép xem ngày tháng năm và giờ sinh ( tứ trụ) để dự đoán như vậy có nhiều. Cụ thể phép an sao của ngừoi Ấn độ do Ngài Thiện Vô Uý Đường Tam Tạng truyền vào Trung Quốc là sử dụng mười hai sao an liên tiến trên mười hai địa chi theo năm tháng ngày giờ từ sao Thiên Quý tại cung Tý đến Thiên Thọ tại cung Hợi rồi căn cứ vào ý nghĩa các sao tại các cung an mà luận đoán. Ngoài ra còn các pháp dự đoán khác dựa vào nền tảng âm dương sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái kết hợp thành 64 quẻ kép rồi căn cứ theo ngũ hành tương sinh tương khắc của các hào với ngũ hành của người mà đoán biết về quá khứ và tương lai. Pháp môn này dựa trên nền tảng của Chu Dịch, về cơ bản khá chính xác…

Các phép dự đoán tương lai kể trên chính là việc căn cứ vào kinh nghiệm nhiều đời của nhiều người, từ đó rút ra được các quy khác nhau như luật âm dương, ngũ hành…

Xét thế mới biết tất cả các pháp môn cho đến diễn biến của mọi sự vật hiện tượng đều tuân theo quy luật Nhân Quả đều dựa trên nguyên Nhân kết hợp với điều kiện là Duyên mà trổ Quả tương ứng.

Chúng ta đang trên đường tìm hiểu và suy ngẫm các phương pháp để dự đoán sự việc thì điều cốt yếu là phải thông tỏ được Nhân Quả.

Nói về Nhân Quả thì có nhân hiện tại sinh quả hiện tại, có nhân quá khứ sinh quả hiện tại. Nhân làm quả rồi quả lại làm nhân bồi đắp tầng tầng lớp lớp như vậy thật là thiên biến vạn hoá không khi nào ngừng nghỉ. Các sách viết về Chu Dịch trong Hệ từ nói: “Dịch chi vi thư dã, bất khả viễn, vi đạo dã lũ thiên, biến động bất cư, chu lưu lục hư, thượng hạ vô thường, cương nhu tương dịch; bất khả vi điển yếu, duy biến sở thích.” ( Sách dịch không thể xa lìa được; đạo Dịch luôn dời đổi, biến động chứ không ở yên một chỗ, trôi chảy bao quanh khắp cả sáu cõi, đi lên đi xuống không theo quy luật nhất định nào, cương nhu thay đổi nhau, không thể lấy nó làm chuẩn mực cố định; mà chỉ thích hợp với sự biến hoá thay đổi). Trích hệ từ này mới hay Tông chỉ của Dịch cũng chính là nói lên một phần của luật nhân quả. Sự biến đổi mà Dịch nói đến chính là sự tác động của nhân quả tương tục từ ngày đến đêm… từ thời này sang thời khác của các sự vật hiện tượng khác nhau.

Xét thêm về phong thái “ ngã tắc thị ư dĩ, vô khả vô bất khả” của cụ Khổng Tử cũng như vậy. Ý câu này nói là điều gì cũng không thể và điều gì cũng có thể. Nghĩa của không-thể là xét đến khía cạnh nắm bắt được then chốn của nhân quả, nghĩa của có-thể là nương theo nhân quả mà xét biết được sự việc vậy.

Tổ sư đời thứ sáu của Thiền Tông Trung Hoa là Lục Tổ Huệ Năng là một người không biết chữ, sau một lần gánh củi đi bán, được nghe người tụng kinh Kim Cương đến câu “ Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm” (thì hoát nhiên đại ngộ. Ngài ngộ cái gì đây?. Nói về sở ngộ trong nhà Phật thì vô cùng nhưng tựu chung cũng là nắm bắt được bản chất của vạn pháp nghĩa là nắm được then chốt của nhân quả trùng trùng. Triệt ngộ là thời điểm mà hành giả tu Phật trực nhận được thực tướng của mọi sự vật hiện tượng, nắm bắt được quy luật biến hiện của tâm của vật chính là nhập một với pháp giới tính trùng trùng duyên khởi. Nghĩa là nắm bắt được các nhân và duyên tác động qua lại nhiều tầng nhiều lớp như thế nào…Kinh Phật có nói: trong một trận mưa chư Phật có thể biết được có bao nhiêu hạt mưa là ở khả năng thông tỏ được Nhân Duyên Quả.

Chúng ta trở lại phân tích các khía cạnh và vấn đề của việc dự đoán tương lai của Kinh Dịch theo kiến giải của Thiền. Thiền ở đây là sự quán chiếu soi xét đúng với sự thực.

Như trên đã nói để đoán biết được kết quả tương lai của con người chúng ta phải hiểu rõ được sự phát triển và các ảnh hưởng đến cá nhân đó. Con người có phần thân và phần tâm. Phần thân được cấu tạo bởi tứ đại là địa thuỷ hoả phong. Địa là phần vật chất như xương thịt nội tạng, thuỷ là phần máu mủ, hoả là phần hơi ấm, phong là phần khí trong người. Phần Tâm mà người đời gọi là phần hồn, nhà Phật gọi là Thần thức gồm Kiến đại và Thức đại.

Kiến đại là phần thấy biết của sáu căn với sáu trần, phần này chính là thói quen được huân tập nhiều đời kiếp, cũng là căn cứ giải thích cho khái niệm năng-khiếu khác nhau của người đời. Như có người sinh ra đã sáng tác được âm nhạc, lại có kẻ sinh ra đã có năng khiếu về hội hoạ, về thể thao, về khoa học khác nhau…

Thức đại chính là sự lưu giữ các phân biệt, hay nói đủ là Tàng thức, nơi tàng trữ các chủng tử của chư pháp. Chủng tử là hạt giống của thiện nghiệp và ác nghiệp của mỗi người. Thức-đại này làm căn bản cho các căn duyên với các trần mà hoá hiện ra thế giới tương ứng
...còn tiếp...

Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

Thư gửi anh Trai

Gửi Anh trai:
...Anh là người có tâm hướng Đại thừa, về mặt thế gian lại có một số điểm mạnh hỗ trợ điểm yếu của em, với khả năng và kinh nghiệm 10 năm doanh nghiệp, em sẽ cùng anh xây dựng sự nghiệp bền vững, cũng là để thực nghiệm pháp thế gian và có thời gian tu tập là tự lợi và thực hành hạnh Bồ Tát đạo làm các việc lợi tha giúp người. Đức Phật có nói tăng đoàn phải từ hai người trở lên, cùng tu và hỗ trợ nhau trong sinh hoạt cuộc sống mới có thể sớm thành tựu đạo nghiệp. Ví dụ rõ ràng ở tình huynh đệ giữa ngài Xá lợi Phất và ngài Mục Kiền Liên, xa hơn nữa là Phật A di đà và Phật Dược Sư, Phật Thích Ca và Phật Di Lặc…

Em biết khả năng "tạo sóng" rất lớn của anh. Em nói sóng là nói theo cảnh giới của kinh Lăng Nghiêm, “mọi sự đều do sóng tâm tạo thành”. Anh có cách để làm cho người khác liên kêt tụ hội, cũng như sóng giúp cho đất bồi, nhưng sóng đôi khi cũng phá vỡ những thứ kém bền vững. Cùng tạo dựng sự nghiệp với anh, em sẽ làm tốt yếu tố nhu nhuần tạo xúc tác làm cho sự liên kết yếu đó được bền vững trong giai đoạn khó khăn ban đầu. Song song với nhiệm vụ đó em có thêm sự hỗ trợ của anh để có không gian và thời gian tu học.

Như anh nói, chúng ta chưa có Thầy trực tiếp chỉ dạy nên phải học qua sách vở. Em đọc trước hay anh đọc đều có lợi ích cho nhau. Bởi con đường của ta chính là chuỗi đời sống vô tận, đời này chỉ là một bước ngắn mà thôi. Song song với công việc anh em ta cùng trao đổi giáo lý và đem ra ứng dụng để lợi mình lợi người. Anh vẫn hay thích khái niệm thần thông, em cũng vậy, nhưng có câu "thần-thông không bằng thần-diệu" nghĩa là cuộc sống dù gian nan đến đâu, mặc dù phải tìm mọi cách để tồn tại phát triển nhưng ta cố gắng không để cho bất cứ ai phải phiền lòng về đạo đức lối sống của mình, được như vậy mới là tuyệt-diệu, còn khi giàu có về tiền của và có thế lực thì không nói làm gì. Tổ Lâm Tế có nói kệ: …kẻ thần thông không bằng người tầm thường mà VÔ-Sự… vì những điều này nên từ giờ anh em ta cũng hết sức cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, mười mình chỉ nên nói một để có được cách “ thâm tàng bất lộ”, mình nói ra để lấy lòng người nhưng có khi họ chưa hiểu lại đánh giá mình là “nổ” quá thì lợi bất cập hại. Việc tỏ ra lợi hại hơn người cũng chưa hẳn tốt, họ sẽ kỳ vọng nhiều dẫn đến thất vọng lớn. Có người đưa ra câu chuyện lãnh đạo của Đường Tăng với Tôn Ngộ Không, Trư Bát giới, Sa Tăng: xét về tài phép thì Tôn Ngộ Không vượt trội nhưng vẫn phải theo hầu Đường Tăng, các đệ tử khác cũng là tài phép hơn hẳn. Vấn đề đặt ra với người lãnh đạo cũng vậy. Quan trọng là tập hợp được người tài giỏi hơn mình. Để tụ hội và sử dụng hết năng lực của họ. Cốt yếu của sự quy tụ những người tài giỏi hơn thì chúng ta phải có cái tâm bao dung, trong công việc và cuộc sống chúng ta hằng giữ lễ với người. Lưu Bị ba lần cầu Khổng Minh, mặc dù là phận chủ tới nhưng lại thờ Khổng Minh như thầy, cũng là công nghệ lãnh đạo giống nhau đó mà Đường Tăng vượt qua chướng ngại thành tựu đạo quả, Lưu Bị lập nên đế nghiệp…Công nghệ lãnh đạo của Đường Tăng chính là niềm tin bất thối chuyển về con đường giải thoát tối  hậu. Thần thông vẫy vùng loăng quăng của Tôn Ngộ Không chính là tài trí thế gian cũng không qua được bàn tay của Phật Tổ, hay nói đúng ra là huyễn hư không thể nào vượt qua sự thật. Đó thể hiện bản chất của Pháp thế gian và pháp Xuất thế gian. Nghĩa là thế gian pháp chỉ là để hỗ trợ cho xuất thế gian.

Dù là thế gian hay xuất thế gian, xưa chư Tổ vẫn thường dạy bảo, với người Phật tử là " DUY TUỆ THỊ NGHIỆP", có nghĩa sự nghiệp chính của người Phật tử là phát triển Tuệ-Giác. Khái niệm tương tự là khái niệm Đa-văn. Đa văn khác với Tuệ-giác. Đa văn là học hỏi và hiểu biết nhiều điều, nhiều chuyện. Tuệ giác là nhận thức được thực tại. Người có tuệ giác chắc chắn sẽ đa văn nhưng kẻ đa văn chưa chắc đã có tuệ giác. Kinh Phật dạy nếu người có tuệ giác thì sống trong chông gai lửa đạn cũng an lạc như trong chăn ấm gối êm vậy. Bởi có tuệ giác thì nhận rõ được và sống với thực tại chân thật chứ không phải vọng danh vọng vật, vọng sắc vọng tài. Cái vị giác ngộ này có được do từ lối sống với tâm Vô-ngại, pháp môn giải thoát đó có tên gọi Bất ngại Tính Không Bát Nhã.

Kinh 42 chương có đoạn: cúng dường cho 1000 người ác không bằng cúng cho một người thiện…cúng cho 1 vạn người thiện không bằng cúng cho một người tu đạo…cúng dường cho Tam thế Phật không bằng cúng cho một vị Vô trí, Vô tu, Vô chứng, Vô đắc.” Khái niệm Vô-Trí rất quan trọng trong học Phật. Chúng sinh vô minh nhiều nên có lắm nỗi khổ niềm đau, tu đạo là để nhận thức đúng với thực tại mà xoay chuyển mê lầm, gọi là việc xoá vô minh. Như vậy cái trí lớn có đó chẳng qua chỉ để diệt trừ vô minh nhiều mà thôi. Kinh Bát Nhã có dạy: “bởi còn vô minh nên phải tạm thời dùng trí, vô minh hết thì trí cũng chẳng cần”. Nghĩa là hết vô minh thì đắc Vô trí, vậy cho nên người có trí thế gian nhiều thì chẳng qua là vô minh lắm. Xưa nay vì tham danh để được người tung hô, muốn đứng lên đầu kẻ khác để được phục dịch mà người ta tìm mọi cách để luồn lách hại người…đỡ hơn tí là học mánh khoé, kỹ nghệ để thăng tiến. Nên thương cho những kiểu người như vậy vì họ chưa đủ nhân duyên để tu Pháp niệm Phật, không thấy được sự an lạc đích thực của chuỗi đời sống vô tận. Mãi rong ruổi với tâm phân biệt, cho là người khác phải phục tùng mình mà quên đi vạn pháp vốn bình đẳng vốn đồng thể tính.

Em thường xuyên quán niệm như vậy nên càng ngày em càng ít nói, chỉ tuỳ duyên mà dãi bày, lại cũng không cho mình hơn ai điều gì, như thế em thấy ít rắc rối hơn và cũng là có nhiều thời gian hơn cho sự nghiệp “duy-tuệ” của mình. Lại không cho là mình có trí hơn người, bởi theo lập luận trên thì chẳng khác gì mình khoe cái vô minh nhiều. Hôm ở Cambodia anh mới nói với em là giờ anh không thích uống rượu nữa, đó cũng là bởi tu vị của anh đã tăng tiến. Nghĩa là ở cảnh giới khác, địa khác thì tư tưởng thanh cao hơn, nhu cầu ham muốn sẽ khác hẳn.

Đức Phật dạy rất rõ ràng, có ba tiệm thứ tu đạo Bồ Tát, tiệm thứ đầu tiên mặc dù chưa ăn trường chay nhưng tuyệt nhiên phải bỏ bốn thứ rau cay. Nếu không như Kinh Thủ Lăng Nghiêm Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa đã dạy: dù có thông 12 bộ kinh thì cũng chỉ như lấy cát nấu cơm, mãi mãi không thể thành tựu được. Tiệm thứ tu hành thứ hai là tu pháp Vô-Ngã, vô ngã là rời Ngã sở. Có bốn tướng bệnh của Ngã gồm: Ngã tướng, Nhân tướng, Chúng sinh tướng, Thọ giả tướng.

1-   Ngã tướng là chấp cái tôi được khen, chê, yêu, ghét
              2-   Nhân tướng là chấp thân mình, vật từ mình hơn người
              3-   Chúng sinh tướng là chấp cái thân người khác thua kém mình, vật của người khác không quý bằng vật mình
             4-   Thọ giả tướng là chấp cái ta biết hơn hẳn và khác với cái biết của người.

Tiệm thứ tu hành thứ ba là tu Pháp Bất Nhị, điển hình hành đạo theo pháp môn Bất nhị là Ngài Duy Ma Cật. Con đường tu Bồ tát đạo này chính là con đường từ phát Bồ đề Tâm, tu Bồ tát đạo, hành Bồ tát hành và thành Bồ để quả. Trong Luận Đại Trí Độ, Bồ tát Long Thọ đã nêu ra 5 giai đoạn tu chứng của Bồ Tát đạo cho 53 quả vị Bồ tát từ quả vị sơ phát tâm đến quả vị Diệu Giác Bồ tát thứ 52 và Quả vị Viên Giác Bồ tát thứ 53 là thị hiện thành Phật. Năm giai đoạn tu chứng Bồ tát đạo như sau:

1.   Giai đoạn phát Bồ đề tâm: là giai đoạn người học đạo nguyện vì chúng sinh mà thành tựu. Kinh Duy Ma Cật thuyết rằng: “sự nghiệp của Bồ tát chính là thành tựu chúng sinh”. Bồ đề tâm nguyện là phát tâm tha thiết cầu thành Phật đạo có đủ thập Ba la mật để hoá độ chúng sinh. Cái bản tâm không có thối chuyển đó chính là Bồ đề tâm. Bồ đề tâm ở giai đoạn này mới là hình ảnh ước nguyện chứ chưa phải là Tâm Bồ Đề chân thật.

2.   Giai đoạn Phục tâm Bồ đề: giai đoạn này tu pháp, niệm Phật hàng phục phiền não và khởi động tu theo Lục độ Ba la Mật.

3.   Giai đoạn Minh Tâm Bồ đề: là giai đoạn phân tích sâu về Tổng tướng và Biệt tướng của vạn pháp, hành Lục độ Ba la Mật và nhận rõ được tính thanh tịnh của vạn pháp.

4.   Giai đoạn Xuất đáo Bồ đề: Thành tựu Lục độ ba la mật

5.   Giai đoạn nhập Vô thượng Bồ đề: Đắc nhất thiết chủng trí.

Như vậy, con đường tu Bồ Tát đạo là con đường dài vô tận để hoá độ chúng sinh và nhất thiết vì lợi ích chúng sinh. Rời tâm phân biệt mà tự lợi lợi tha, tự giác giác tha, đó là chặng đường không mệt mỏi hành Tứ-vô-lượng-tâm. Từ, bi, hỷ, xả là tứ vô lượng Tâm, đây là bốn cánh cửa để vào Bồ đề quả. Từ là ban vui, Bi là cứu khổ, Hỷ là vui mừng, Xả là rời phân biệt.

         Pháp tu Bồ tát đạo có nhiều song để viên mãn Bồ đề quả lại chính là tu hành theo thập hạnh Phổ Hiền, Bồ đề quả là công đức thù thắng của chư Phật. Bồ tát Phổ Hiền trong phẩm Phổ hiền hạnh nguyện sau khi khen ngợi công đức thù thắng của đức Như Lai, bèn nói với chư vị Bồ-tát và Thiện Tài đồng tử rằng: Này thiện nam tử, Công đức của đức Như Lai, giả sử tất cả các đức Phật ở mười phương, trải qua số kiếp nhiều như vi trần, ở các cõi Phật nhiều không thể nói hết, diễn nói không ngừng về công đức ấy, cũng không thể nào nói hết được. Nếu muốn thành tựu được công đức ấy, cần phải tu tập mười hạnh nguyện rộng lớn. Mười hạnh nguyện ấy là gì?:

1-   Nhất giả lễ kính chư Phật

2-   Nhị giả xưng tán Như Lai

3-   Tam giả Quảng tu cúng dường

4-   Tứ giả Sám hối nghiệp chướng

5-   Ngũ giả tuỳ hỷ công đức

6-   Lục giả thỉnh chuyển pháp luân

7-   Thất giả thỉnh Phật trụ thế

8-   Bát giả thường tuỳ học Phật

9-   Cửu giả hoằng thuận chúng sinh

10-        Thập giả phổ giai hồi hướng

Trong các pho kinh Đại Thừa Phật thuyết, căn cốt vẫn là hành theo Thập nguyện vương này của Bồ tát Phổ Hiền. Con đường nhận thức đúng và hành động đúng về Bồ Tát đạo anh em ta còn phải đàm luận và sam học nhiều để sớm có được tâm vô ngại mà hành thiện nghiệp, dầ dnần thành tựu vô lượng công đức thiện vô lậu, làm tư lương cho các đời sống kế tiếp trong chuỗi đời sống tiến đến quả vị toàn giác...