Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Năm Nhâm Thìn - Con Rồng với Thiên - Địa - Nhân

       
Năm Nhâm Thìn 2012 kính chúc Bạn hữu cùng gia đình Thân Tâm thường được An Lạc, mọi sự được Khinh An, sở cầu được như ý sở nguyện được đồng tâm.

      Trong các sở học Quảng Kiến nghiên cứu có Pháp Thế Gian và Pháp Xuất Thế Gian. Đầu năm mới rảnh rang với chút ít sở học Thế Gian, nay phân tích về Thiên Địa Nhân của năm Nhâm Thìn chia sẻ với bè bạn cùng chiêm nghiệm để cho vạn sự trong năm 2012 được hanh thông, muốn được
thế thời ta phải Khế Thời, Khế Cơ và Khế Vị.
       - Khế Thời là nắm được thiên thời, vận hội.
       - Khế Cơ là hiểu được mình hiểu được người thuộc về Nhân sự.
       - Khế Vị là xét về vị trí lợi thế thuộc về Địa Lý.
    Nói về hai chữ Nhâm Thìn, người xưa luận rằng “Nhâm biến vi vương” tức Nhâm thành Vua còn Thìn là Rồng. Năm 2012 là Rồng làm Vua. Về Ngũ hành năm Nhâm Thìn thuộc hành Thủy (ngũ hành chi tiết gọi là: Trường Lưu Thủy). Hiểu về Trường Lưu Thủy như sau: Dòng nước chảy liên tục, chuyển động không ngừng theo năm tháng không ngừng nghỉ. Dòng nước này vượt qua ghềnh, thác của rừng núi, trải qua hàng vạn dặm trên các châu thổ, khi thì róc rách êm đềm, khi thì gầm thét ào ào như bão tố. Loại Thủy này luôn chảy theo dòng cố định nên để lại hai bên bờ dòng chảy những miền đất đai phì nhiêu làm cho Bình Địa Mộc là các loại cây phát triển phục vụ cho đời sống của con người và vạn vật. Thủy này cần có Đại Dịch Thổ (đất lớn) rắn chắc để cho Thủy tạo được hình dáng uốn lượn và có thêm uy phong. Ngoài ra cũng cần có Kim hỗ trợ, sàng lọc, để cho Thủy càng thêm tinh khiết. Rõ ý xhơn năm Nhâm Thìn thuận lợi thực hiện các công việc có sẵn về Mộc, Đất đai và các ngành nghề liên quan đến kim loại.

Bàn về THIÊN - ĐỊA - NHÂN năm 2012 như sau:
            1. Thiên Văn năm Nhâm Thìn: Chữ Nhâm ra quẻ Đoài (Quẻ thượng kép), Chữ Thìn ra quẻ Tốn ( Qủe hạ kép). Ta có quẻ thiên văn năm 2012 là quẻ Trạch Phong Đại Quá. Quẻ này biến hào thượng và hào hạ. Họ của quẻ Trạch Phong Đại Quá là quẻ Chấn có tính Lục Sát.
Lục sát: Là hung khí. Thể hiện sự thiệt hại, đứt đoạn, mất mát những gì thuộc về chủ thể. Lục sát còn gọi là vãng vong chủ sự hao tán, mất mát sức khỏe suy yếu, sinh khí hao tổn.(http://www.datnhavuon.com/tin/Kien-truc-nha-vuon/Xay-nha-theo-phong-thuy.aspx)
Như vậy năm Nhâm Thìn khí hậu sẽ thay đổi thất thường, Mùa Xuân vẫn có khí thấp Thổ ( ngày ẩm ướt), đầu mùa Hạ xuất hiện khí Kim (ngày trời khô hanh), giữa mùa Hạ vẫn có khí hàn Thủy (mát mẻ, lạnh giá), sang đầu thu vẫn có nhiều gió, và mùa Đông vẫn có ngày nắng nóng như mùa Hạ.
             2.  Địa Lý năm Nhâm Thìn: Chữ Nhâm ra quẻ Khảm, Chữ Thìn ra quẻ Tốn. Địa lý năm 2012 được quẻ Thủy Phong Tỉnh. Quẻ này biến hào thượng ra Sinh Khí, Có họ là quẻ Chấn (Mộc).
Nghĩa của quẻ Thủy Phong Tĩnh: (Thượng KHẢM, Hạ TỐN)
Cách: Giếng khô sinh nước. Việc cũ làm lại đại lợi. Mùa thu, Hạ bất lợi. Mùa Xuân, Đông đại lợi
Nghĩa:Tỉnh là tĩnh, tĩnh lặng, yên tĩnh đợi thời (giếng không thể chuyển tĩnh), không tĩnh mà manh động thì sẽ gặp họa.
Cụ thể về Quẻ thứ 48 trong 64 quẻ này có nghĩa về sự chuyên phục vụ, cống hiến hết mình, làm ơn cho tất cả mọi người. Người học nghệ chưa tinh thông mà đã tiến hành công việc thì hiệu quả không cao rất khó để thành công
             3.   Nhân sự năm Nhâm Thìn: Chữ Nhâm ra quẻ Khảm (Thủy), Chữ Thìn ra quẻ Cấn ( Thổ). Ta có quẻ kép về Nhân sự năm 2012 là quẻ Thủy Sơn Kiển. Quẻ này biến hào thượng và hào Trung ra khí Ngũ Quỷ. Khí ra ngũ quỷ là hung; dễ gặp thị phi khẩu thiệt, gặp những sự quấy rối, phá ngang. Công việc tiến hành gặp nhiều trắc trở, lận đận khó thành.
     Tóm lại xét về Thiên Địa Nhân năm Nhâm Thìn 2012 chỉ được Địa lợi còn Thời và Nhân không hòa. Khi Thiên thời không có thì Địa lợi phỏng có ích gì!. Như vậy vạn sự hanh thông hay không giờ chỉ phụ thuộc vào bản thân mỗi người sống và làm việc hết mình, ra sức hỗ trợ người khác để cho mọi sự được “ tham sinh mà quên khắc”. Cũng như sướng khổ đều tại lòng mình, hãy như hoa Sen sinh trong nước biếc nhưng bùn nhơ không bợn đến hoa bởi hoa ở nơi cao nên vật hèn không thể lụy, nương vào chốn tịnh nên loại bẩn khó làm nhơ.
Quảng Kiến có mấy dòng "Gửi Ta" nay ghi lại đây để cùng suy ngẫm :

Sau này Ta kẻ Vô Thức(*)
Ta sẽ gửi lại cho Ta mấy lời
Gửi Ta nếu đã gặp Thời
Thì Ta hãy nhớ lúc đời chưa lên
Gửi ta nếu kẻ thất thời
Sự đời chỉ được khi Ta hết lòng
Gửi Ta với Bạn long đong
Cuộc đời vốn khổ cự lòng làm chi
Gửi Ta với cả công ty
Làm không cống hiến lấy gì mà ăn
Gửi Ta với những ăn năn
Sống cho ngay thẳng chẳng lo sợ gì
Gửi cho bao sự trên đời
Mau mau An Lạc Ta Người đợi mong.

(*) Vô thức là không còn sự phân biệt đối đãi khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần 

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Tu Phật là Tu Tuệ!


       Sau một thời gian nghiên cứu kinh điển Phật học với nhân duyên tham vấn và tham thiền cùng nhiều vị thiện tri thức Quảng Kiến nhận thấy rằng Tu Phật chính là Tu Tuệ. Đầy đủ hơn cả chúng ta thường thấy tu Phật có hai dạng: Tu Phật theo tín ngưỡng, dạng tu này chỉ được Phúc báo. Dạng tu rốt ráo hơn cả là Tu Tuệ, tu tuệ được cả Phúc và Trí. (Đời người khó được nên sớm tu Phật để trau dồi Tuệ Mạng có thể mang theo bất cứ nơi đâu và ở bất kỳ không gian và thời gian nào, vì Tuệ Mạng là bất sinh bất diệt). Xuyên suốt tam tạng kinh điển cũng chỉ để tỏ rõ bốn thâm ý của Đức Phật. Thấu rõ bốn thâm ý này chính là việc hoàn thành Tuệ Mạng của mình, Nay xin mạo muội viết ra:
Thâm ý thứ nhất của Phật: Chân Nguyên của chúng ta với Phật đồng nhất thể. Chẳng qua do vô minh (tính không nhận biết được khổ đau, các loại khổ, nguyên nhân khổ đau và phương pháp diệt khổ của Tứ Đế). Khái niệm đồng nhất thể là sự Bình Đẳng. Bình Đẳng tính trí là trí tuệ không phân biệt, đây là trí tuệ cao nhất.
Thâm ý thứ hai của Phật: Mong chúng ta thấu rõ được Đệ nhất nghĩa đế tuyệt đối để ra ngoài danh tướng. Đệ nhất nghĩa đế là Niệm cái niệm vô niệm, hành cái hành vô hành, nói lời nói không nói, tu cái tu không tu. Có nghĩa là dùng niệm để trừ niệm, dùng hành để ly hành... Tu cái tu không tu tức là tu đến chỗ không tu không chứng.
Thâm ý thứ ba của Phật: Ngài mong chúng sinh thấu rõ Trung Đạo ra ngoài các phép đối đãi. Không bị ràng buộc bởi các phạm trù nhị nguyên ( sống - chết, hơn - kém, thắng- thua, được - mất...).
Thâm ý thứ bốn của Phật: Mong chúng ta thấu rõ được tự tính thanh tịnh tâm theo duyên mà không đổi, không đổi mà theo duyên. Mượn ý thơ của Ngài Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông: "Ở đời vui Đạo hãy tùy duyên. Đói ăn khát uống mệt nghỉ liền..." . Tự tính Thanh Tịnh Tâm ở đây là phép đạt tĩnh trong động tức là lấy Động theo Động để Tĩnh của Thiền Tông.
Nhân ngày Đức Phật thành đạo (ngày 8 tháng 12 âm lịch) Quảng Kiến xin chia sẻ với mọi người bốn thâm ý của Đức Phật sơ sơ như vậy mà cũng chưa chắc đã phải như thế. Với bốn vấn đề quan trọng này xin dùng câu sau để kết:
"Thấy được vấn đề chưa phải là nhìn nhận được vấn đề
nhìn nhận được vấn đề chưa phải là giải quyết được vấn đề." 

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

Tặng Cao Hữu Dũng

      Cuối năm rảnh rang về Hương Tích vẽ ghi cảnh đài Quan Âm Chùa Thiên Trù. Sáng 30/12/2011 sau khi lễ Phật Quảng Kiến tới Đài Quan Âm Toạ Thiền quán giáo lý của Đức Phật. Nhân duyên đầy đủ có viết mấy câu thơ tặng Bạn Cao Hữu Dũng (con Bố Liên Mẹ Hoa). Nay xin cắt nghĩa sơ sơ như sau:
Nội dung câu số 1:  nói về việc tu hành để thoát khỏi sinh tử luân hồi tức là thoát khỏi ba cõi (Tam giới : Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới). Nơi Trời, Người, Atula, Quỷ, Súc sinh trú ngụ. Nơi này tuỳ nghiệp gây ra đời trước mà chúng sinh ở đây phải chịu khổ đau sinh, lão, bệnh, tử. Bị thất tình lục dục chi phối (thất tình: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Lục dục: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý).
Nội dung câu số 2: Nói về Hậu đắc Trí là trí tuệ Phật có được sau khi tu hành các pháp môn do Phật chỉ bày. Căn cứ vào căn cơ của mình mà thấy được vấn đề, nhìn nhận ra vấn đề và giải quyết vấn đề. Mục đính của trí tuệ này là phá bỏ các Nhân phiền não trong cuộc sống của chúng ta.
Nội dung câu số 3: Nói về các Diệu dụng của các vị Đại Bồ Tát ( Đại Thế Chí bồ tát, Văn Thù sư Lợi Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát). Các ngài Bồ Tát vì nhân duyên cơ cảm đối với chúng sinh mà có ngài dùng Trí, có ngài dùng lực, có ngài dùng hạnh... để hoá độ chúng sinh. Nhưng dù là Đại Trí, Đại Lực, Đại Hạnh, Đại Nguyện  đức nào trong bốn đức ấy đều phải đặt căn bản trên đức Đại Bi. Đại Bi là căn bản là lẽ sống bởi vì không có Bi tâm thì không có một hạnh nguyện nào đạt được sự hoàn mãn. Cho nên câu thơ số ba nói về Dũng(Lực), Trí, Nguyện Hạnh đều từ Bi tâm mà hoá thành.
Nội dung câu số 4: Nói về Tri Kiến Phật của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Hình tượng Hoa Sen tượng trưng cho sự thanh khiết, thanh tịnh không ô nhiễm. Diệu Pháp là thật tướng không tách rời khỏi cuộc sống bụi bặm. Trong cõi đời ô trược chúng ta vẫn có thể vươn lên giải thoát hoàn toàn như sen mọc trong bùn tanh mà vẫn vươn lên cao và toả hương. Liên Hoa có tự tâm hiền hoà nghĩa là Tâm bình thường là Đạo. Cuộc sống không chấp vào đối đãi (hơn thua, sinh diệt, xa gần, đến đi...), việc không chấp vào nhị nguyên này chính là chúng ta sống theo lý Trung Đạo của Đức Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật.