Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Tu Phật là Tu Tuệ!


       Sau một thời gian nghiên cứu kinh điển Phật học với nhân duyên tham vấn và tham thiền cùng nhiều vị thiện tri thức Quảng Kiến nhận thấy rằng Tu Phật chính là Tu Tuệ. Đầy đủ hơn cả chúng ta thường thấy tu Phật có hai dạng: Tu Phật theo tín ngưỡng, dạng tu này chỉ được Phúc báo. Dạng tu rốt ráo hơn cả là Tu Tuệ, tu tuệ được cả Phúc và Trí. (Đời người khó được nên sớm tu Phật để trau dồi Tuệ Mạng có thể mang theo bất cứ nơi đâu và ở bất kỳ không gian và thời gian nào, vì Tuệ Mạng là bất sinh bất diệt). Xuyên suốt tam tạng kinh điển cũng chỉ để tỏ rõ bốn thâm ý của Đức Phật. Thấu rõ bốn thâm ý này chính là việc hoàn thành Tuệ Mạng của mình, Nay xin mạo muội viết ra:
Thâm ý thứ nhất của Phật: Chân Nguyên của chúng ta với Phật đồng nhất thể. Chẳng qua do vô minh (tính không nhận biết được khổ đau, các loại khổ, nguyên nhân khổ đau và phương pháp diệt khổ của Tứ Đế). Khái niệm đồng nhất thể là sự Bình Đẳng. Bình Đẳng tính trí là trí tuệ không phân biệt, đây là trí tuệ cao nhất.
Thâm ý thứ hai của Phật: Mong chúng ta thấu rõ được Đệ nhất nghĩa đế tuyệt đối để ra ngoài danh tướng. Đệ nhất nghĩa đế là Niệm cái niệm vô niệm, hành cái hành vô hành, nói lời nói không nói, tu cái tu không tu. Có nghĩa là dùng niệm để trừ niệm, dùng hành để ly hành... Tu cái tu không tu tức là tu đến chỗ không tu không chứng.
Thâm ý thứ ba của Phật: Ngài mong chúng sinh thấu rõ Trung Đạo ra ngoài các phép đối đãi. Không bị ràng buộc bởi các phạm trù nhị nguyên ( sống - chết, hơn - kém, thắng- thua, được - mất...).
Thâm ý thứ bốn của Phật: Mong chúng ta thấu rõ được tự tính thanh tịnh tâm theo duyên mà không đổi, không đổi mà theo duyên. Mượn ý thơ của Ngài Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông: "Ở đời vui Đạo hãy tùy duyên. Đói ăn khát uống mệt nghỉ liền..." . Tự tính Thanh Tịnh Tâm ở đây là phép đạt tĩnh trong động tức là lấy Động theo Động để Tĩnh của Thiền Tông.
Nhân ngày Đức Phật thành đạo (ngày 8 tháng 12 âm lịch) Quảng Kiến xin chia sẻ với mọi người bốn thâm ý của Đức Phật sơ sơ như vậy mà cũng chưa chắc đã phải như thế. Với bốn vấn đề quan trọng này xin dùng câu sau để kết:
"Thấy được vấn đề chưa phải là nhìn nhận được vấn đề
nhìn nhận được vấn đề chưa phải là giải quyết được vấn đề." 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét