Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

LÝ SỐ HAY SỐ LÝ

 
(Khổng Minh - Người trên thông thiên văn dưới tường địa lý, 
có khả năng hô mưa gọi gió  nhưng không làm phép đổi số của mình được bởi nghiệp sát quá lớn)
Hơn một tuần nay ngoài thời gian làm việc tại chi nhánh, rỗi rãi luận đàm về mấy món khoa học Thế Gian (người đời gọi là Tử Vi). Về môn này cũng do nhân duyên học được từ một vị cổ học (Vị này có khả năng đặc biệt, thuộc lòng từng chữ trong vô số cuốn sách. hic! cho nên truyền lại cho mình không thể sai được). Nói thế bởi vì hiện nay sách tử vi, đẩu số...bán tràn lan ngoài thị trường phần nhiều là man thư. Theo đó chỉ cần nhầm Can Chi thuộc quẻ dịch khác thì coi như bốc số cho.... Số là tôi có anh bạn tự bốc số cho mình ra quẻ Địa Thiên Thái (tuổi nạp giáp lại hợp cách cục) tức là số xuất tướng nhập tướng. Hiếm có!
     Lúc đầu nghe Chả khoe, tôi xem kỹ tướng hình của lão rồi tự nhủ: Chả nhẽ với Lão này số và tướng lại ngược nhau à .Sau này có thời gian ngồi trà đạo hỏi ra mới biết là trước lão bốc nhầm số.
    Biết thế thôi chứ về Số mệnh xưa nay các vị Thánh Hiền gọi là Lý Số. Giải nghĩa sơ sơ về Lý Số như sau:
    Số: là do bố mẹ sinh ra có năm tháng, ngày, giờ cố định, do đó người ta gọi là số không đổi (vấn đề này nhiều Ông cứ tưởng số mệnh con người là không đổi, được an bài sẵn nên không thay đổi được. Nếu như thế thì tất cả chúng ta đều là anh em nhà PRIME - trong Rô Bốt đại chiến cả à!!!). Hiểu như thế là đúng với câu "Ngồi xổm trên nghệ thuật"của cậu bạn thời đại học của tôi. Như thế là phỉ báng các vị Hiền Nhân đã khổ công nghiên cứu để lại cho hậu thế các thuật toán dự đoán cuộc đời.
   : Nôm na là Nghĩa Lý của người. Con người ta gắng tích phúc, tích đức, chuyên cần tu dưỡng đạo đức, lối sống và kiến thức... tổng hợp những thứ này lại là TRI THỨC TRÍ TUỆ trong đó Tri là sự thấy biết, Thức là sự phân biệt, Trí là sự tinh không, Tuệ là sự sáng suốt, 4T này gọi là Lý.
Như vậy là Số có trước Lý có sau. Đặt thành phân số: SỐ/LÝ. Đây mới là số mệnh của một con người. Số thì không thay đổi được rồi. Nó là phần tĩnh, bị động. LÝ là phần động, làm thay đổi được số.

Đứng trên phương diện thuyết Nhân Duyên Quả của nhà Phật thì Số tử vi là dự báo biệt nghiệp của chúng sinh có thể gọi là cái Nhân từ đời quá khứ nay đời này ắt có QUẢ tương ứng (theo số tử vi).Ví như trong lá số tử vi rất nhiều người cung đại vận có sao Thiên Cầm và sao Thiên Bồng hãm địa, báo hiệu dễ bị nghiệp Tù đày nhưng do tu Tâm đức nên qua đại vận đó mà không xảy ra việc gì cả, như vậy là số tử vi báo sai chăng?. Sự thật các thiên tinh trong lá số Tử vi chỉ là dự báo, sở dĩ vượt qua được biệt nghiệp là do tu chỉnh để đổi vận xấu thành vận tốt. Cũng là việc điều chỉnh cái DUYÊN để cho cùng một Nhân nhưng Quả lại khác nhau.
Các vị Hiền Thánh xưa nay cũng đi lên từ chúng sinh vì các vị chủ động được LÝ  (Sự tu Tâm để được Phúc và Trí). Lý càng lớn thì Số càng nhỏ. Tới mức mà Số sẽ không ảnh hưởng được vận mệnh ta nữa vì ta có Phúc lớn, Đức lớn (Lý lớn).     
Như vậy  : Những người cứ Số là ngu - Ta thì lấy đức mà Tu với Hành.
(Ý: còn là người thì ngu thật bao giờ siêu phàm như các vị Thánh mới hết ngu.)
Bởi ý nghĩa Số và Lý thâm sâu như thế nên các vị Thánh nhân mới gọi chung mấy môn (Tý, sửu, dần, mão. Giáp, ất, bính, đinh...) là LÝ SỐ chứ không gọi là SỐ LÝ, vì LÝ quyết định được SỐ.
Do đó vận mệnh con người không phải do Số đã an bài. Cho nên Số xấu đẹp không quan trọng, quan trọng là mình tu Thân tu Tâm thế nào. 

Vô Vi


Luận giải về VÔ VI




(Quảng Kiến viết mấy câu này tặng chơi người bạn nhân việc được mời đi cổ vũ cho một trận thi đấu.
Viết về Vô Vi nên cũng nhân duyên lấy Sự để nói về Vô vi vậy) 


Vô Vi theo tư tưởng của Đạo Lão
 Luận về hai chữ Vô Vi, Lão Tử nói" Vi vô Vi nhi Vô bất vi" sơ sơ nghĩa là "Không làm gì mà không gì là không làm". Trong Đạo Đức kinh viết: “vạn vật trong trời đất sinh từ có (hữu), (hữu) có sinh từ không (vô). Hữu vô đều từ thiên đạo”. Cái Vô vi của Đạo Lão là ngăn không cho làm các việc bất thiện thì không cần phải diệt trừ cái ác. Là Không để Không như dòng nước chảy tùy thuận tự nhiên; trong ống thì dài mà trong bầu thì tròn, theo chỗ thấp mà chảy để ra Bể lớn (Đạo) chứ không nên tranh nhau cực nhọc leo cao, để rồi cái có được cũng chỉ là dòng suối ngọn thác leo lắt, làm sao bì được với Bể cả mênh mông. Không cho làm việc ác để Không phải ngăn chặn kẻ ác đấy là Đạo của trời đất là cái Lý thiện của vạn vật. Khi đã Thiện thì không có sự tranh chấp, hờn oán, hơn kém, phân biệt dẫn đến mọi sự phát triển tự nhiên, như thế gọi là Đạo của Lão Tử. 
Vô Vi theo tư tưởng của Đạo Phật
Phật thuyết Kinh bốn mươi hai chương, trong chương đường tu chân chính có nói: “Vị sa môn xuất gia, đoạn cái muốn, trừ cái ưa, biết tâm nguyên của mình, thấu thâm lý của Phật, ngộ pháp Vô vi,trong không được cầu gì, ngoài không được cầu gì, tâm không ràng buộc với Đạo, cũng không gây kết các nghiệp, không niệm, không làm, không tu, không chứng, không trải qua các vị mà tự thành cao quý hơn cả, thì gọi là Đạo”
Về Ngộ pháp Vô vi theo Thiểu thừa và Đại thừa cũng có khác nhau. Pháp Vô Vi ước lượng có sáu thứ là Trạch diệt Vô vi, Phi trạch diệt Vô vi, Tưởng thụ diệt Vô vi, Hư không Vô vi, Bất động Vô vi Và Chân Như Vô vi. Nội dung Vô vi là theo chính quán đoạn trừ cả Ngã chấp và Pháp chấp,đoạn trừ hết câu sinh ngã chấp, câu sinh pháp chấp. Diệt hết các tưởng thụ thế gian với xuất thế gian không còn một pháp nào cả. Đại thừa quan niệm hư không vô vi là các pháp thế gian và xuất thế gian đều là Chân không, không có tự tính, đều hiện ra bao nhiêu các pháp hữu vi và vô vi nhưng sự thực không có pháp nào cả. Chân như Vô vi là pháp không Chân như, song không chân như, tĩnh tịch Chân như.
Vô Vi theo tư tưởng của Đạo Phật là Pháp không có tạo tác, lìa sinh diệt biến hóa và luôn luôn thường trụ. Vô vi vốn là tên khác của Niết-bàn.

Vô Vi trong văn hóa của Nhân dân

    Trong truyện Tây Du Ký, Bồ Đề lão Tổ đặt tên cho Mỹ Hầu Vương theo bài thơ sau:

“Hỗn mang mới mở vốn không họ
Phá hết mịt mờ phải Ngộ Không” 

Cái tên Ngộ Không ý muốn phá hết mịt mờ phải Ngộ được Không. Không trong Đạo Lão là không làm, hay không cho làm các việc ác (…Ngộ…) để không phải ngăn chặn cái ác tức (…Phá hết mịt mờ...).Cái Lý đạo của Lão tử có ý: vạn vật trong vũ trụ có được Tự nhiên (có Đạo) tức là có được tính Thiện. Khi chúng sinh đã sẵn có tính thiện sẽ tinh tiến tu Theo Đại thừa Phật Giáo, từng bước tu theo Đại thừa thì thể nhập được thật tướng Đại Thừa sẽ có được trí tuệ sáng suốt, cái trí tuệ này là trí tuệ Bát nhã tính Không. Thấu rõ Tính Không thì phá được Vô minh (…hết mịt mờ…), phá vỡ được vòng luân hồi bởi hiểu được vạn vật không có tự tính tức Ngộ được Không.
Mỹ Hầu Vương  sau khi có được tên là Ngộ Không rồi để đạt được quả vị Đấu chiến thắng Phật còn phải gian khổ tu hành dốc hết sức mình phò trợ Đường Tăng thỉnh kinh. 
Như vậy Ngộ được Không rồi cũng chỉ là bước đầu của con đường đi tới quả vị Vô thượng Chính Đẳng Chính Giác. Tổ Long Thụ nói trong Luận đại trí độ rằng: Liễu (Ngộ) Đạo chưa phải là đắc Đạo, muốn đắc đạo cần phải tu Quán niệm thành thục để nhập vào bản Thể Chân Không như khế kinh Đại Bát Nhã đã dạy.

 

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Tinh Tiến Ba la mật

Tinh tiến là một trong Thập đạo Ba la mật gồm: Bố thí, Trì giới, An nhẫn, Tinh tiến, Thiền định, Bát Nhã, Đại nguyện, Đại lực, Đại phương tiện, Nhất thiết chủng trí của chư Phật và các vị Đại Bồ Tát.
Nhân kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh Phật Lịch 2565 (ngày 15 tháng 8 âm lịch năm 2012) , cũng là dịp kỷ niệm 03 năm Quảng Kiến quy Y tam bảo. Bước sang tuổi đạo thứ 4 ứng với chữ Tinh tiến trong Thập Đạo Ba la mật. Quảng Kiến dùng chút ít sở học về âm nhạc của mình cùng với ca từ xưng tán  Đức Bản Sư  thành tâm viết  ca khúc: Tinh tiến ngày Phật đản sinh.
    Nội dung bài hát nói về hai vấn đề cốt lõi:
Một là: Ngũ phần giải thoát: Giới hương, Định hương, Tuệ hương, Giải thoát hương, Giải thoát tri kiến hương.
Hai là: Hạnh tu Tinh tiến. Con đường đầu tiên của hạnh Bồ Tát,  căn bản của việc tu đạo đó là Tinh tiến Ba La Mật. Bồ Tát Thế Thân dạy, tinh tiến có hai môn:
                                             1 -Vì cầu vô thượng Bồ Đề
                                             2 -Vì muốn cứu độ chúng sanh rộng khắp

Do hai lý do đó mà khởi tâm tu pháp Tinh tiến Ba la mật vậy.

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Hương Sen màu nhiệm


Hương sen 8.JPG

VI DIỆU HƯƠNG SEN MẦU NHIỆM


Vi diệu nhân duyên Phật đản sinh
   Hương giang một dải nối hai miền
Sen vàng bảy đóa nâng gót ngọc
    Mầu nhiệm cơ thiền độ chúng sinh.
 Đề tặng TT. Thích Minh Hiền
(Chương trình Hương Sen Màu Nhiệm lần thứ 3
tổ chức nhân ngày Phật Đản tại thành phố Huế)

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Phong Thủy Thế Gian đến Xuất Thế Gian


Mạn đàm
Phong Thuỷ từ Thế Gian đến Xuất Thế Gian
(Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng)
"Đời người một trăm tuổi
Mình mới được ba nhăm
               Như vậy
Ngoảnh đi chưa tới nửa
 Ngoảnh lại chửa bao năm"
               Lại thấy
Giàu sang thời do Đức
Chư Phật chẳng để nhầm
               Cho nên
Sướng khổ tùy ý niệm
Việc gì phải lăm tăm" 
(1)
      Trộm nghe: Trời Đất thường có lý, Đông Hạ, Thu Xuân đều vô tình. Ngắm Trời trông Đất kẻ thường cũng biết được mọi sự do nhân duyên tập thành. Bậc trí giả ngửa mặt xem Trời, vạch lá dò Đất mà biết rõ cơ sự bởi Trời Đất vận hành thời có tượng, nhưng lắm việc không thông cũng bởi Lý nó vô hình. 
Kệ rằng: 
Hữu tình đến gieo giống,
Nhơn đất quả lại sinh,
Vô tình đã không giống,
Không tính cũng không sinh. 
(2)
      Thiết nghĩ: Cái nghĩa sâu xa thì vô cùng mà sự hiểu biết khác nhau lại tùy theo tâm tính.
       Xuyên suốt xưa nay người ta thường tin vào Phong Thủy cũng bởi vì nó quyết định đến lành dữ, giàu nghèo. Việc tạo ra nhân tài hay tà ma do cách cuộc Địa lý hay chỉ là quan niệm?.
      Bàn về phong thủy dương trạch hiện đại tạm chia làm ba cách: Nhà ở Đô thị, Nhà ở nông thôn, Nhà ở Sơn cốc. Về cơ bản thì nhà ở Sơn cốc lấy tàng phong làm tốt, nhà ở thôn quê lấy thủy làm trọng, nhà ở đô thị lấy cách cuộc hình thể làm hay. Sâu hơn "Sơn thủy trung can tập" viết: Núi hướng về không bằng có dòng nước hướng về, dòng nước hướng về không bằng có dòng nước vây quanh, dòng nước vây quanh không bằng có dòng nước tụ, nước tụ thì Long hội, mà Long hội thì đất lớn". Ngày nay quan niệm Nước trong phong thủy hiện đại chính là hệ thống giao thông, việc tìm được cuộc đất tốt thời lại theo Thủy Long Kinh để được "Cần lộ quẩn quanh ôm ba mặt, dáng như kim thành, đi đến có tình, khí thế lớn có thể làm nơi ở của Đế vương"
Đấy là bàn về đại cuộc còn về hình thể đất Phong thủy chia thành 5 loại chính theo ngũ hành, sách xưa gọi là Ngũ tinh:
1. Mộc tinh là vùng đất hình dài, thẳng.
2. Hỏa tinh là thế đất nhọn, nhô cao, chân rộng.
3. Thổ tinh là thế đất vuông, vững chắc.
4. Kim tinh là miếng đất ngay ngắn hình tròn hoặc hình tròn méo ( Ô van).
5. Thủy tinh là miếng đất uốn lượn
       Về thuộc tính Mộc tinh thuộc Văn tinh, Hỏa tinh thuộc Lộc tinh, Thổ tinh thuộc tài tinh,  Kim tinh thuộc Võ Tinh, Thủy tinh thuộc Tú tinh. Theo môn Kỷ hà học ( môn hình học phẳng và hình học không gian) thì Mộc tinh thuộc hình chữ nhật, Hỏa tinh hình nón, Thổ tinh hình vuông, Kim tinh hình tròn hay bán cầu Thủy tinh hình zích zắc uốn lượn.
Địa hình thực tế rất ít có một địa cuộc thuần mà thường pha lẫn  các loại vừa Thổ vừa Kim. Phần Thổ hơn thì gọi là Thổ đới Kim, phần Kim nhiều hơn thì gọi là Kim đới Thổ.
      Người xưa đặt ra phép Cửu tinh dựa trên Ngũ tinh. Cửu tinh gồm 9 loại được lấy theo Cửu diệu (9 vì sao) là Tham Lang (Thiên Bồng), Cự Môn ( Thiên Nhuệ), Lộc Tồn ( Thiên Xung), Văn Khúc (Thiên Phụ), Liêm Trinh (Thiên Cầm), Vũ khúc ( Thiên Tâm), Phá Quân ( Thiên Trụ), Tả Phù (Thiên Nhậm), Hữu Bật (Thiên Anh). 
Quy về ngũ hành :
-        Thiên Bồng Quẻ Khảm (+ Thủy), đi với Tham Lang là sao Thiên Không (-Thủy) thuộc Thủy tinh;
-        Cự Môn (Thiên Nhuệ âm Thổ), Lộc Tồn (Thiên Xung dương Thổ) thuộc Thổ tinh;
-        Văn Khúc (Thiên Phù âm Mộc) Lộc Tồn ( Thiên Xung dương Mộc) thuộc Mộc tinh;
-        Hữu bật (Thiên Anh âm Hỏa),Liêm trinh ( Thiên Cầm dương Hỏa) thuộc Hỏa tinh;
-        Vũ Khúc (Thiên Tâm dương Kim), Phá Quân ( Thiên Trụ âm Kim)
Biến thể trong địa hình của Cửu tinh:
Sao Thiên Bồng (Tham Lang), Thiên Không thuộc Thủy, ta thường nói văn chương như sóng vỗ như nước trào nên là cách văn Văn tinh, Thiền Phù (Văn Khúc) và Thiên Xung (Lộc Tồn) ngũ hành thộc Mộc, có hình nhô thẳng cao vút hình tượng giống như cây bút nên Văn Khúc, Lộc Tồn cũng tượng trưng cho văn chương, quý nhân.
Lời văn câu văn và chữ viết như sóng nước cho nên tiêu biểu là Thiên Bồng tinh quân và thiên Không tinh quân. Thủy là mực viết thì phải có bút viết, giấy và bàn viết. Tiêu biểu cho giấy viết và bàn viết là sao Thiên Xung (+ Mộc quẻ Chấn). Còn cây bút viết thì uyển chuyển biến hóa cho nên tiêu biểu là sao Thiên Phù (quẻ Tốn -Mộc).
Bàn thêm về ý nghĩa của các thiên tinh trong môn Tử vi như sau:
Sao Văn Xương, Văn Khúc tượng trưng cho tình cảm và trí tuệ. Ngài Hi Di tiên sinh đặt ra cách Xương, Khúc thiên về chuyên khoa còn sao Hóa Khoa thì thiên về liên ngành. Cúng vì lẽ đó, nên khó ai vượt nổi Văn Xương, Văn Khúc trong chuyên môn sở trường. Cái học của Hóa Khoa chuyên về chiều rộng, còn cái học của Văn Xương , Văn Khúc nặng về chiều sâu. Sao Thiên Không (Tham Lang) chỉ sự thông minh của hạng mưu sĩ.
Để trợ lực cho khoa bảng trong hệ thống 108 thiên tinh trong hệ tử vi có sao Đế Vượng, Tràng Sinh, Tả Phù ( Thiên Nhậm), Hữu Bật (Thiên Anh), Sao Cự Môn ( Thiên Nhuệ), Lộc Tồn (Thiên Xung) là những thiên tinh bổ sung cho sức học sâu rộng hơn.
Xét về vị trí của Văn Tinh là các sao học vấn cần nhất phải thủ tọa ở các cung cường của đương số như cung Mệnh, cung Thân, Cung Quan. Vì Văn tinh là các sao dự đoán trong hiện kiếp như Mệnh, Thân, Quan hay Tài. Nếu đóng ở cung Phúc thì sự học vấn được dự đoán như ở tiền kiếp. Mặt khác văn tinh phải đi kèm với quý cách thì cái học mới có chỗ dụng, cụ thể như học mà được làm quan, có nghề nghiệp vững chắc. Nếu chỉ có văn tinh thuần túy quần tụ thì điều đó có thể có nghĩa như một người uyên bác, học rộng, không mấy thực tế, đắc dụng ở học đường hơn là ở ngoài đời.
Tùy theo vị trí của văn tinh, phải xét đến Ngũ hành. Nếu có nhiều tương sinh Ngũ Hành giữa Văn tinh với cung tọa thủ và với hành của Bản Mệnh thì học vấn càng dễ dàng, càng cao. Vấn đề lượng giá khoa bảng tùy thuộc nhiều hàm số, cần được cân nhắc tinh vi mới thấu đáo các uẩn khúc.
Cuộc đất tập hợp các hình thái và tính chất Văn Cách như vậy được cho là sẽ tạo ra nhiều nhân tài văn học. Một điều khá đặc biệt là hình thể của Văn Khúc lại giống kiến trúc các tòa tháp 7 hoặc 9 tầng của Nhà Phật. Bởi vì ý nghĩa này mà xưa nay thường tôn tạo tháp để " trấn Sơn, áp thủy, trừ tà ở những nơi tận cùng sơn mạch, trên đỉnh núi, bên nguồn nước... đồng thời tôn lên hoặc bổ vượng các khiếm khuyết của địa thế.
Các tháp nổi tiếng ở Trung Quốc như Song Tháp ở Thái Nguyên, Văn Xương ở Hồ Bắc... Ngoài biểu trưng Phật Giáo thì đều gắn lền với yếu tố phong thủy do các thân sĩ địa phương mong cầu vùng đất tại đây "hưng thịnh văn phong", Cổ nhất là tháp Văn Phong ở huyện Chung Dương, tỉnh Hồ Bắc, xây dựng từ năm 880 đời Đường. Tháp cao 16 m, có 22 cấp, hình dạng như cây bút khổng lồ, là nơi để văn sĩ bốn phương lên du ngoạn, tìm tứ lạ.
      Việt Nam có tháp cổ Tường Long nằm trên đỉnh núi Ngọc thuộc quận Đồ Sơn Hải Phòng. Tòa tháp này đang được phỏng dựng xây mới cao 36,09 m gồm 1 tầng với chân tháp hình vuông có kích thước 25,86 x 25,86, được tổ chức bốn lối lên xuống đăng đối nhau, bên trong tôn tượng Phật A Di Đà tọa trên tòa sen bằng đá.  Về phương diện phong thủy Tháp Tường Long năm trên tay Long của một khí mạch khá lớn, long mạch này kết Huyệt Oa tại vị trí khu vực Đình Ngọc. Huyệt này khá điển hình và dễ nhận ra với hình Oa rộng rãi, có thế có lực, Địa Nhục đầy đặn báo hiệu một vùng sinh khí thịnh vượng. Mặt khác Long mạch này nằm trên tuyết Tây Bắc Đông Nam nên có được thế cục "Tam Nguyên Bất Bại". Tuy nhiên huyệt này có một nhược điểm lớn là Tay Long thấp hơn Tay hổ lại có dáng không phù củng làm tán khí. Cách cuộc này ứng với " Tiểu Nhân, Người dưới lấn át người trên". vì đã hiểu rõ điều này nên các Cao Tăng xưa (thời vua Lý Thánh Tông) đã cho dựng Tháp để tụ Khí mạch, lấy lại uy thế cho tay Long, áp chế Tay Hổ tạo ra một huyệt trường hoàn chỉnh. Đấy là một dẫn chứng cụ thể về việc dùng Tháp để bổ khuyết và làm vượng các thế đất chưa hoàn chỉnh.
       "Thần Siêu" Nguyễn Văn Siêu từng viết: “ Xưa lấy hốc đất làm nghiên, chú giải Đạo Đức Kinh, nghiền ngẫm bên nghiên lớn, viết sách Hán Xuân Thu. Từ đá tách ra làm nghiên, chẳng có hình dáng. Không vuông không tròn, dùng vào mọi việc thật kỳ diệu. Không cao không thấp, ngôi ở chính giữa. Cúi soi hồ Hoàn Kiếm, ngửa trông ngọn Bút đá, ứng vào sao Tam Thai mà mọi biến đổi. Ngậm nguyên khí mà mài hư không”. Bài minh này được khắc ở thân đài Nghiên cạnh tòa tháp Bút ( sao Tấu Thư ) cao 7 tầng. Hình của tháp Bút là ngọn bút phóng thẳng lên trời như thể hiện khí thế ba chữ “ Tả Thanh Thiên” khắc ở chân tháp.
      Người xưa tin rằng tạo tháp làm hưng khởi việc học, khoa cử đỗ đạt. Thường những địa phương nào kém đường học vấn, lâu năm không có người đỗ đạt thì chọn đất dựng Văn bút tháp. Thời xưa ở Huyện Kinh Dương Trung Quốc có vùng đất phong thủy rất tốt nhưng bao năm việc học không phát, không có người đỗ đạt. Có Quang thượng thư Lý Đạt thỉnh thầy phong thủy đến xem, thấy phía bắc có núi Bút Gia, hình như giá bút mà không có bút; phía Nam có sông Kinh như dòng mực lớn, chỉ chờ bút chấp vào, bèn chọn hướng đông nam lập tòa Sùng Văn Tháp. Cũng kỳ lạ từ đó trở về sau, đất Kinh Dương xuất hiện văn tài rất nhiều.
            "Dương trạch tam yếu" nói rằng: "Phàm các tỉnh, phủ, huyện, thị mà đường học hành bất lợi, đường khoa cử không phát thì nên chọn tại các hướng Giáp, Tốn, Bính, Đinh mà dựng văn bút tháp, chỉ cần cao hơn núi thì khoa giáp sẽ phát. Hoặc lập tháp trên núi, hoặc dựng tháp cao ở đất bằng, đều gọi là văn bút tháp". Trong các kinh thành xưa, thường thì Văn bút tháp và Khuê văn các được dựng ở phương Tốn, tức hướng đông nam. Khuê tức sao Khuê thuộc chòm Bạch Hổ, là một trong "Nhị thập bát tú" - 28 ngôi sao trên đường hoàng đạo, người xưa tin rằng sao Khuê là chủ tể về văn vận.
Theo phong thủy học, hướng đông nam trũng, đất nhẹ, địa khí tràn ra, khó có nhân tài, vì thế dựng tháp để trấn địa. Kinh Dịch lại nói: "Tượng của Tốn là gió, gió thì theo, không vật gì mà không lợi". Người xưa xem hướng Tốn là "phủ của văn chương" nên dựng tháp hình ngọn bút như là biểu tượng của giáo hoá, học hành.   
 “Nhất vị Nhị hướng” là khẩu quyết về trọng khinh trong việc chọn hình thể đất, hình dáng vật kiến trúc để làm hưng vượng và khắc chế khiếm khuyết của các cách cuộc nêu trên để đắc vị và hướng. Khoa học phong thủy xưa nay tồn tại nhiều trường phái khác nhau như: Loan Đầu, Huyền Không, Bát Trạch, … Cho nên ứng dụng kết hợp các phép khác nhau để kết quả được như sở nguyện là việc hết sức khó khăn. Đôi khi được hướng thì xấu vị, đạt vị lại hỏng cách…
Do đó tùy theo địa cuộc và tính chất mà vận dụng. Xuất thế gian thì phải chú trọng phần Thể và Dụng. Thể tọa ở phía bên trái, Dụng ở phía bên phải. Thế gian thì trọng cấp trên, trọng Trưởng thì ưu tiên tay Long áp chế tay Hổ. Như vậy là để đúng với “ Hổ phải sâu dày mà Long thì trường thoáng.”.
Quá trình định vị và xây dựng công trình phải chú ý các việc khác nhau như việc chọn ngày giờ khởi công, phương vị động thổ. Việc chọn thời khắc thực hiện là để được thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ngày nay còn truyền lại nhiều phép xem giờ tốt như Mai Hoa Dịch Số, Ngũ Linh Dịch học. Hướng của công trình phải tránh bị phạm vào Bát Sát  và Hoàng Tuyền. Đây là phép Lý Khí, căn cứ theo phân kim của La kinh . Theo ca quyết sau để tránh:
Phạm vào Hoàng tuyền:
Canh, Đinh, Khôn thượng thị Hoàng Tuyền
Ất, Bính tu phòng Tốn thủy tiên
Giáp, Quý hướng kim lư kiến Cấn
Tân, Nhâm thủy lộ phạ đương Càn.
Phạm Bát sát :
Khảm Long (Thìn), Khôn Thố (Mão), Chấn sơn Hầu (Thân)
Tốn Kê (Dậu), Kiền Mã (Ngọ), Đoài Xà (Tỵ) đầu
Cấn Hổ (Dần), Ly Trư (Hợi), vi Sát Diệu
Phạm chi Trạch Mộ, nhất tề hưu.
Vậy mọi việc đã rõ, cách cuộc, hình thể tốt xấu phương vị đúng sai đều có thể dò và có thể tìm. Câu hỏi đặt ra là tại sao người không biết phong thủy lại làm Vua làm Quan. Còn người biết phong thủy vẫn chỉ là thầy Địa Lý..?
"Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau" 
 (3)
  Tổ sư Quách Phát là người sáng lập ra khoa địa lý vào thời nhà Tần thế kỷ thứ IV sau CN có nói: “Tiên tích đức hậu tầm long” nghĩa là đầu tiên hẵng tích tụ lấy cái phúc đức cho mình trước đã sau đó tìm đất long mạch mới thành công.
      Việc này phù hợp với lời dạy của Đức Phật ở kinh Thủ Lăng Nghiêm. Khi nói về phép viên thông Địa Đại,  Đức Phật nói Ông trì Địa Bồ tát tu pháp môn này chuyên môn làm việc phúc đức làm đường, làm cầu, làm nhà cho dân chúng. Sau này Trì Địa Bồ Tát gặp Đức Phật Không Vương Như Lai. Đức Phật dạy ông làm việc tốt này nhưng cần phải hiểu cái tâm. Tâm có bình đẳng tốt đẹp thì thế giới mới bình đẳng tốt đẹp.
Khế kinh đại Thừa Pháp Tướng Tông có nhiều bài nói về cái duyên. Trong bốn duyên là Nhân Duyên , Đẳng vô gián duyên, Sở duyên duyên, Tăng thượng duyên. Suy luận về việc thế gian thì Nhân duyên là cái duyên của Nhân tài, Tăng Thượng Duyên là cái duyên của Thiên tài. Sở Duyên Duyên là cái duyên của Địa tài. Nhân tài là nhân hòa nhân sự, Thiên tài là thiên văn thiên thời. Địa tài là Địa lý, địa lợi. Còn cái duyên thứ tư là Đẳng Vô Gián Duyên là duyên chung của cả ba Thiên Địa Nhân.
Phong thủy Địa lý là pháp thế gian là cái phần tướng của Sở Duyên Duyên. Cách cuộc tốt đẹp của phong thủy sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho xã hội, tạo ra nhiều thế hệ nhân tài. Tích tụ lâu ngày sẽ tạ ra nền văn hiến. Cái văn hiến của thế gian nếu biết dùng đúng chỗ đúng lúc thì cũng là cái duyên cho chúng sinh xuất thế gian theo Phật Pháp.
Phật Giáo Đại Thừa có dạy Bồ Tát thi hành phương tiện Ba La Mật cứu độ chúng sinh thì phải giỏi Ngũ minh: Thanh Minh ( môn học về ngôn ngữ văn chương), Công xảo minh (Môn học về lịch toán, Kỹ thuật, công nghệ), Y phương Minh (Môn học về y dược, Chú pháp), Nhân Minh (Môn học về luận lý) và Nội Minh là đạo lý cơ bản của Phật Pháp Đại Thừa để chúng sinh thực hành các môn đó xuất thế gian. Nội minh này là cơ bản của văn hiến. Văn hiến trong Đạo Phật chính là viên thông Thủy Đại và viên thông Địa Đại. Ở trong địa đại thì Thổ + Thủy sẽ là Mộc tương ứng với Thiên Xung tinh quân và Thiên Phù tinh quân. Ở trong thủy đại tương ứng với Thiên Không tinh quân và Thiên Bồng tinh quân. Tiến lên đại thừa xuất thế gian thì Thiên Bồng tinh quân là thị giả của Đông Phương Tối Thắng Tịnh Độ Vận Ý Thông Đắc Như Lai còn Thiên Xung tinh quân chính là thị giả của Đông phương Diệu Viên Tịnh Độ Kim Sát Thành Tựu Như Lai.Thiên Phù tinh quân là đệ tử của Đông Phương Tịnh Trụ Tịnh Độ Quảng Đại Trí Biện Như Lai (Kinh dược sư Bản Nguyện).
Chiếu lại với lời dạy của Tổ sư Quách Phát thì cái Lý về địa lý thế gian từ tâm đức mà ra, thì cái địa lý xuất thế gian mà đức Phật Không Vương dạy cũng từ cái tâm bình đẳng tốt đẹp mà ra. Dù Xuất Thế Gian có cao quý hơn Thế Gian nhưng xuất phát điểm ban đầu là cái Tâm sẽ quyết định cái Vật là địa lý.
Kết:
Có Tâm thế gian tốt đẹp là có thiện hữu lậu. Có thiện hữu lậu thì sẽ có Long Mạch tụ chính khí.

Có Tâm xuất thế gian bình đẳng thì sẽ có các cõi Tịnh Độ thập phương thanh tịnh tốt đẹp.

“Đất tâm vốn không sanh,

Nhân đất từ duyên khởi,

Duyên giống chẳng ngại nhau,
Hoa trái cũng như thế”
(4)
***
(Phần tiếp theo: Kiến trúc cõi Tịnh Độ)
 Mười thiên tinh thị giả của bảy Đức Phật và hai Đại Bồ Tát:
1. Nam mô Đông Phương Tối Thắng Tịnh Độ Vận Ý Thông Đắc Như Lai cập thị giả Thiên Bồng, Thiên Không tinh quân.
3. Nam mô Đông Phương Diệu quang Tịnh Độ Quang Âm tự tại Như Lai cập thị giả Thiên Nhuệ tinh quân.
4, Nam mô Đông phương Diệu Bảo Tịnh Độ Kim Sắc Thành Tựu Như Lai cập thị giả Thiên Xung tinh quân.
5. Nam mô Vô Ưu Tối thắng Cát Tường Như Lai Đông Phương Vô Ưu Tịnh Độ cập thị giả Thiên Phù tinh quân.
6. Nam mô Tịnh Trụ Tịnh Độ Quảng Đại Trí Biện  Như Lai cập thị giả Thiên Cầm tinh quân.
7. Nam mô Đông Phương Tịnh Lưu Ly Tịnh Độ Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai cập thị giả Thiên Trụ tinh quân.
8. Nam mô Tây phương Diệu Viên Tịnh Độ Hoa Tạng Trang Nghiêm Bồ Tát cập thị giả Thiên Nhậm tinh quân.
9. Nam mô Tây phương Diệu Hỷ Tịnh Độ An Lạc Tự Tại Bồ Tát cập thị giả Thiên Anh tinh quân.

(1) Xích Đằng Cư Sĩ
(2) Tổ Hoằng Nhẫn
(3) Tố Hữu
(4) Tổ Sư Thiền Tông Ấn Độ