Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014
VÔ SINH
Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014
Nghiệp với tử vi
Đạo đâu có "hữu" để tung hê
Ngày ngày chính niệm thường tinh tiến
Chưa được Pháp-Thân cũng Bồ-Đề.
Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014
Đạo Phật là một triết học?
Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014
VÔ MINH
Thấy khổ vô tình
Chẳng gần thật tính
Theo Giả xa Chân
Sống chỉ mỗi mình
Vô minh !!!
.....
Đời xưa có người hoạn quan hỏi một vị Quốc Sư, " Chi là vô minh ". Vị Quốc sư không trả lời, dạy lại rằng " thời mạt pháp này, bọn ngu si cũng tìm tòi hỏi đạo Phật". Người hoạn quan kia nổi giận đỏ mặt. Ngài Quốc sư cười nói rằng " đó là vô minh, vô minh là đó, ông còn hỏi tôi làm chi nữa".
Suy đó mới biết có tham có sân là vô minh, có ngoại cảnh, có thân riêng mình, có tâm của riêng mình là vô minh, cho đến có mình ngộ, mình chứng, có chứng, có ngộ đều là vô minh cả.
Vô minh như bụi, Phật tính như gương. Tu cho bụi vô minh lau sạch hết rồi, thì gương Phật tính hiện ra trong suốt.
(Tu Pháp môn Bố thí, trì giới, An nhẫn thành tựu, được trí xuất thế gian là Đại Viên Kính Trí. )
ĐẠO PHẬT
Bàn về chữ "ĐẠO" PHẬT
---
Có người thấy chúng tôi thường viết thơ hay viết luận về Phật pháp thì nghĩ là không nên, và cho rằng chưa chứng đạo thì chưa nên nói. Thật ra hiểu vậy là chưa đầy đủ về đạo Phật.
Phần nhiều người ta nghe nói đến đạo Phật thì trong trí đã tưởng tượng những phép thần thông có thể làm cho lòng yêu cầu của thế gian đều đạt được mục đích. Lại có người tưởng rằng đạo Phật là môn triết học cao thượng do một bậc hiền triết khác dựng nên. Nhưng thật ra đạo Phật không phải là ở nơi thần thông và cũng không phải là triết học nữa.
Chúng ta những người Phật tử tu đạo suốt quá trình Văn Tư Tu để đi đến nơi "Bảo Sở" là chỗ không còn phiền não mê lầm. Khi học hỏi, bàn luận về nghĩa Kinh cốt nắm bắt chỗ chân vọng để tư lương để làm nhân, làm duyên cho sự tu hành được Chính.
Có câu:
" Thiền Đạo vô ngôn, hoa cỏ nói
Kinh thư đa nghĩa, nước trăng cười"
Kinh Phật thuyết có nhiều, gồm kinh liễu nghĩa, kinh bất liễu nghĩa..., nếu sơ suất không suy xét kỹ càng thời "y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan" cho nên khi nói về nghĩa kinh dễ bị nước và trăng nó cười là ý của câu thơ thứ hai.
Biết vậy nhưng đối với những kẻ hậu học sơ cơ như chúng ta, khi đã có lòng tin Phật, phát tâm nương tựa Tam Bảo, thời phải nghiên cứu kỹ lưỡng giáo lý, tránh như kẻ vớ được bát mật, lo ôm bát chạy, không nhìn đường mà rơi xuống hố hiểm.
Tiếp theo chuỗi bài viết chiêm nghiệm về Phật học, hôm nay nhân duyên từ bạn sinh viên có nick FB: Tom Tom, chúng tôi chia sẻ về chữ " Đạo" trong Đạo Phật.
Nói về Đạo thì có nhiều: đạo ăn, đạo uống, đạo cha con chồng vợ, đạo sinh, đạo tử... Những đạo này xét kỹ đều không cố định, thay đổi theo quan niệm, thay đổi theo vùng miền nên không phải là chữ đạo nhà Phật. Cụ thể, đạo ăn thì ở Trung Quốc khác Nhật Bản, phương Đông khác phương Tây. Xét đạo tử ở các nước Đông Nam Á, khi có người chết thời phải làm lễ khâm liệm, rồi tiến hành chôn cất ( an táng) kỹ lưỡng mới đúng với luân lý, nhưng đạo tử ở Ấn độ thì bỏ xác xuống sông Hằng mới là phải lẽ.
Về phương diện tôn giáo, người thờ lửa thì cho người thờ nước là sai. Người thờ thánh thì cho rằng người thờ thần là quấy, nên chữ "đạo" cũng theo đó mà thay đổi, không có thể tính nhất định. Mà không nhất định thì không phải là "đạo" nhà Phật.
Xét chữ "đạo" theo nghĩa đen là con đường mới đúng với chữ "đạo" nhà Phật. Con đường ở đây không phải là con đường đi của thân thể mà là con đường tiến hoá của tâm thức, phải có nghĩa lý rõ ràng mới là con đường nhà Phật. Tuy nhiên, lấy đường đi của thân để so sánh cũng không phải là không chính xác. Như thân thể chúng ta muốn đi Sài Gòn thời ta cần phải xác định rõ phương hướng, đang ở miền Trung thì phải đi về phía Nam, nếu đi hướng khác là sai lệch không biết bao giờ mới đến nơi. Trước khi đi phải tìm hiểu bản đồ, địa lý và nhờ sự hướng dẫn của người từng trải để biết lộ trình với các mốc giới, cảnh quan tại từng điểm đến trên đường đi để tránh lầm đường lạc lối, cứ như vậy mới tới được Sài Gòn một cách chính xác. Tu Đạo Phật cũng như vậy, cần phải học và tìm hiểu kỹ giáo lý, người từng trải ở đây là Đức Phật, người đã đi đến đích cuối cùng, ngài chỉ bày lại cho chúng ta thông qua tam tạng kinh điển. Quá trình học hỏi gọi là tri đạo. Học chắc chắn, đến khi thấy như rõ ràng con đường trước mắt gọi là kiến đạo. Sau đó mới thực hành từng bước, đi đến đâu biết đến đó gọi là tu đạo. Dần dần tiến đến đích cuối cùng là nơi chỉ có khổ không có vui, chỉ có thường không có vô thường, chỉ có thật không có giả... Đó chính là Phật địa. Lộ trình đến đó mới chính là con đường mà chư Phật đã đi và đã đến.
Xét vậy mới biết Đạo Phật không phải là tôn giáo thần quyền mà là một con đường, để chúng ta đi đến sự giải thoát, cũng gọi là chứng quả Niết Bàn.
Niết Bàn là quá trình tu hành để thành tựu được ba đức sau:
1- Đại Pháp thân: vô tướng vô vi là nhập một với pháp giới tính
2- Đại Bát Nhã là trí tuệ soi rõ, cùng tột nguồn gốc của các pháp
3- Đại giải thoát là lìa các tập nhân, dứt sạch chủng tử phiền não, rời hai món ngã chấp và pháp chấp.
Ba đức vô thượng Niết Bàn này phải tự thân mỗi người dụng công tu hành, vì không có ai đi thay chúng ta được. Cho nên:
Mọi sự đều phải tự ta
Cơm ăn áo mặc cũng thế mà
Đường xa vạn dặm đi là tới
Muôn nẻo luân hồi: bước chân ra!
( Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng )
Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014
Ta là Ai? ( tiếp theo và hết )
Mạn đàm
TA LÀ AI và AI LÀ TA! ( tiếp theo )
Hôm trước chúng tôi đang đi tìm cho ra cái ta thật sự, cái ta chân thật là gì. Những cái thấy được như thân thể, nghe, nhớ và nghĩ cũng không phải là ta bởi chúng thay đổi luôn luôn và chỉ có danh chứ không có thật, mà không có thật thì biết chỉ cái gì là ta.
Hay thử lấy cái biết có ta làm cái ta chăng? Cũng không được. Như ta nói " biết có cây ", thì cái cây khác, cái biết khác. Không phải là một. Như vậy " biết có ta" thì có cái ta riêng và cái biết riêng. Nếu không phải thế chẳng lẽ có một cái biết suông lại tự hoá thành cái "biết có ta" được.
Chúng ta muốn vì cái Ta, thì phải tìm cho ra cái ta thật sự, nếu không suốt đời chỉ lo cung phụng cái chẳng phải ta mà cứ tưởng là ta. Dụ như cái thân coi là mình, nhưng mình có tự chủ được đâu, muốn cho nó lành thì nó vẫn đau, muốn cho nó trẻ thì nó cứ già, muốn cho nó sống thì nó cứ chết. Cho nên cái ta chân thật quan trọng biết bao. Không tìm được thì mọi cố gắng vì ta sẽ trở nên vô ích.
Chúng ta chỉ vì biết có ta nên mới biết có người khác không phải ta, có vật khác không phải ta. Như vậy cái ta nó nằm ngoài phạm vi của cái biết thì cái ta đó bình đẳng, không thân không sơ, không nhân ngã.
Vậy cái ta chân thật là không có phân biệt, cho nên người người cũng là ta, vật vật cũng là ta, là tất cả pháp giới đều là ta cả.
Hôm nay nhằm ngày 19 tháng hai năm Giáp Ngọ, là ngày Khánh Đản Bồ Tát Quán thế Âm. Bồ Tát ở kiếp lâu xa đã giác ngộ được cái ta chân thật, Ngài thường dùng 32 ứng hoá thân vào khắp nẻo luân hồi để hoá độ chúng sinh. Kinh có nói "Bồ tát hoá độ chúng sinh nhưng thật chẳng có chúng sinh nào được hoá độ", đó là ở cái lý Nhất Chân pháp giới của Bồ tát thể nhập được, là chỗ Bồ Tát nhận rõ được và hằng sống vì chúng sinh, cũng chính là vì cái ta chân thật bình đẳng.
Như vậy khi biết được cái ta chân thật là cái ta không có phân biệt rồi thì chúng ta tu mà không chấp mình tu, bố thì mà không chấp vào năng sở là người bố thí, vật bố thí và người được bố thí..., không giới hạn ở tướng số mục thì được cái vô lượng vô biên. Tự tại tu cái vô tu, niệm cái vô niệm mà hành cái hạnh thượng cầu Phật đạo hạ hoá chúng sinh.
Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014
Bàn về cái Ta
Vị ngã ( Vì Ta )
Hồi trước tôi thường tìm hiểu về khoa học, mê về cách sáng tạo các sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại như máy tính,ô tô cho đến các mặt hàng tiêu dùng mang tính chất xa xỉ. Ngoài tìm hiểu từ sách vở về chuyên môn, rảnh rang thường tìm đọc về tứ thư ngũ kinh rồi Kinh dịch, phong thuỷ, tử vi, độn toán... là các môn khoa học phương Đông, nhân duyên được gặp một số cao nhân chỉ điểm thêm cho mà được tự tại ứng dụng trong công việc nên ít phải gu-gờ và nhờ vả.
Mấy năm gần đây học được Phật pháp, mới biết Phật pháp rất thích hợp cho trí tuệ nghiên cứu. Phật pháp chẳng phải bắt người ta tin về những việc mù mờ viễn vông, mà chính là dạy cho người ta biết suy nghiệm về nghĩa về lý chân chính mà tin, tin là tin ở chỗ mình đã suy nghiệm ra, chứ không phải tin xằng tin bậy. Phật pháp lại là một giáo lý quý báu, hễ ai hiểu được, tin được, thời tự nhiên phiền não nhẹ nhàng, tinh thần khoan khoái, tự mình làm chủ được mình, khỏi bị cảnh giới xô đẩy ràng buộc mà rơi vào khó khăn phiền não. (thế mất trắng, như kiểu đầu tư bầy đàn bị các nhà đầu cơ tạo sóng, vì không sáng suốt mà thua từ bất động sản, buôn vàng cho đến một số mặt hàng kinh doanh kỳ quái như thu mua con đỉa ( quý vị tìm xem trò lừa của một số thương nhân TQ ở Việt nam)... Đó là nói về việc kinh doanh. Còn trong đời sống thì tránh được nhiều phiền nhiễu gay ra từ cái hơn cái kém, các được cái mất, cái ưa cái ghét... )
Chúng tôi nhờ tin ở Phật pháp được lợi ích như vậy, lại biết được chư Tổ xưa, đến một số vị có sở Tu sở Chứng hiện nay từ Tu Phật mà được cái tự tại an lạc, vì thế nên chúng tôi phát nguyện tinh tiến vừa làm vừa tu và thường chia sẻ với bạn bè hữu duyên về Phật học. Cũng nhờ vậy mà học hỏi thêm được nhiều. Nay có người bạn hỏi về cái Ngã ( cái Ta ), chúng tôi không ngại cái sở học kém cỏi mà phô bày ra để cùng bàn luận cho thấu suốt cũng là để cho được lợi ích chung. Những điều chúng tôi nói ra cũng là học được từ các bậc Thầy đi trước đã từng chiêm nghiệm, nay chúng ta tiếp bước theo sau phải nên vừa học hỏi, học tập, rồi ứng dụng vào đời sống để cho có ích là lợi cho mình, lợi cho người và lợi cho xã hội.
Pháp Phật thì nhiều vô lượng nhưng chung lại cũng không ngoài pháp tứ đế là: Tri Khổ (biết cái khổ). Đoạn Tập ( đoạn các nguyên nhân gây ra khổ), Tu Đạo ( phương pháp diệt các nguyên nhân khổ ), Chứng Diệt ( chứng cái hiệu quả " phiền não chướng diệt" và " sở tri chướng diệt ". Trong cái học cái tu Phật phải chú ý rằng: tu đạo chẳng phải để biết những lý thuyết cao siêu, mà ở chỗ xét tìm một đạo lý chân chính, để đủ năng lực dứt trừ các tập nhân rồi tu tập là ứng dụng trong cuộc sống để cho thoát ly ra ngoài các sự khổ não và được tự tại giải thoát.
Cho nên trong khi chúng ta học kinh là học cho rõ đường lối tu hành, chứ không phải là nhớ thêm ít câu chuyện huyền diệu; điều này chư Tổ sư đã dạy bảo rất kỹ.
• Nay bàn riêng và kỹ lưỡng về cái Ta ( về Ngã ).
Chúng ta làm việc cho ta, lo lắng cho ta, cho đến làm lành, tu tập cho ta cũng là đều vì Ta cả.
Lòng vì ta đó là thường tình, nhưng muốn vì ta cho đúng thì phải biết cái ta cho chắc chắn. Như muốn giúp ai việc gì thì phải biết tên biết mặt biết việc rõ ràng rồi mới giúp được. Cho nên làm gì cho ta thì cũng phải xét cho biết cái ta kia thế nào mới được.
Vậy Ta là gì?, cái gì là ta?
Thân thể này là ta chứ gì? Hầu như ai cũng nói vậy, nhưng xét ra thân lúc nhỏ khác, lớn lên khác, lúc đau ốm khác, thân lúc già khác, vậy biết chỉ thân nào là ta?. Như trong một hơi thở, thán khí đi ra, dưỡng khí đi vào, thân thể thay đổi, biết lấy thân trước hơi thở là ta hay thân sau hơi thở là ta?. Huống chi thân thể ta gom góp bởi các tế bào, mà tế bào thì lại ko sống lâu, một thời gian ngắn đã chết, vậy tế bào lớp mới là ta, hay tế bào lớp cũ là ta?
Đã vậy, thân quá khứ không còn, thân vị lai chưa tới, thân hiện tại thay đổi luôn luôn, nháy mắt đã là thân quá khứ. Vậy làm sao chỉ cái thân nào là ta được.
Khi đã có Ta thì phải có cái tính chất nhất định. Cái thân không phải là ta vậy cái thấy cái nghe là ta?
Nếu cái thấy cái nghe là ta thì khi ngủ cái thấy cái nghe liền mất, mất thì cái ta chết theo. Hoặc khi vừa thấy vừa nghe một lần, chẳng lẽ lại có hai cái ta cùng tồn tại?.
Xét cái nhớ nghĩ là ta xem sao!?.
Chúng ta ngày nay biết có ta thật là nhờ trí nhớ, nếu không khi ngủ dậy quên sạch, thành ra người khác không biết mình là ai nữa. Nhưng nếu lấy suy nghĩ tưởng nhớ làm ta thì khi không nhớ nghĩ nữa cái ta phải mất đi, vậy ta cũng mất theo. Làm sao khi ngủ còn sống, mơ và còn thức dậy được nữa.
Hay xét ta là hiệp lại của những cái trên?. Cũng không được vì chúng đều thay đổi luôn luôn chỉ có danh không có thật, thì biết chỉ cái gì là ta?
---
Trưa nay gõ đến đây vậy, hôm sau sẽ bàn tiếp để tìm cho ra cái ta thật sự, cái ta chân thật là gì.