Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

VÔ SINH

NHÂN SINH NÓI VÔ SINH
------------------------------
Hôm nay nhân ngày 30/3, kỷ niệm ngày sinh nhật của Quảng Kiến. Nương theo đạo lý sinh nhật hướng thượng, nguyện cầu Tam Bảo thường trú khắp cả mười phương gia trì hộ niệm cho song thân phụ mẫu đời này cũng như ở các đời kiếp trước thường được an lạc, tinh tiến tu hành trên con đường vô thượng để sớm giác ngộ, thể nhập với pháp giới tính như Phật. 
Tiếp theo các bài luận về Phật pháp căn bản, hôm nay hội tụ nhiều nhân duyên, chúng tôi xin chia sẻ về đạo lý " Vô sinh " của Phật Giáo. 

     Vô sinh là thiết yếu của nhà Phật, hiểu được Vô sinh là hiểu được Phật pháp, tu pháp Vô sinh là chính tu, chứng pháp Vô sinh là thật chứng thánh quả. Vậy Vô sinh là thế nào, chúng ta cần phải để tâm nghiên cứu. 
    Hôm nay gồm nhiều nhân duyên chúng tôi xin tóm lược lại các bài luận về đạo lý "Vô sinh":
    Chúng sinh không rõ bản thể bình đẳng vốn không sinh diệt, nên chính nơi diệu dụng của bản thể lầm lạc phân biệt, có năng liễu biệt và sở liễu biệt, thành ra có thân thể, có hoàn cảnh ngoài thân thể, phát sinh ra vọng tưởng càn loạn làm cho tâm niệm lăng xăng, theo cảnh mà có: ưa ghét buồn sợ, theo thân mà có đau già sống chết.  
     Chúng ta không biết vọng tưởng giả danh, lại nhận cái thân thể là mình, cái hoàn cảnh là thật tồn tại, nên cái gì thân thể ưa thì chúng ta ưa, cái gì thân thể ghét thì thảy chúng ta ghét, cái gì thân thể ưa thì chúng ta muốn ôm ấp về mình, cái gì thân thể chúng ta ghét thì muốn đẩy cho kẻ khác, vì vậy trong tâm đầy rẫy tham sân si, ngoài thân thì làm những nghiệp sát đạo dâm; đầu lưỡi thì phát ta những vọng ngôn, ác ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, gây ra những nghiệp dữ rồi phải chịu quả báo dữ trong tam đồ ác đạo. 
     Chư Phật, Bồ tát thương xót chúng sinh khổ sở nên dạy cho chúng sinh các pháp tu tập cho biết rõ thân thể, hoàn cảnh, bản lai là Vô sinh, thiết thật là Vô sinh, để dứt sạch nguồn gốc mê lầm và trừ diệt các sự khổ não. 
    Nói về lý Vô Sinh có rất nhiều luận của chư Tổ sư truyền lại, nay cắt nghĩa bốn câu kệ của Trung Quán luận để làm rõ đạo lý " Vô sinh":

"NHÂN DUYÊN SỞ SINH PHÁP
NGÃ TỨC THUYẾT THỊ KHÔNG
DIỆC DANH THỊ GIẢ DANH
DIỆC DANH TRUNG ĐẠO NGHĨA"

Câu "Nhân duyên sở sinh pháp", ý là vạn pháp đều do nhân duyên sinh. Nhân là nguồn gốc là nguyên nhân sinh ra quả, thông qua duyên là trợ lực làm cho nhân thành quả. Ví dụ như chiếc bàn, cấu tạo từ chân bàn, mặt bàn...kết hợp với nhân công thợ tạo thành đồ vật gọi là cái bàn, chứ thật ra chẳng có gì đáng gọi là cái bàn cả. Cho nên mới nói "nhân duyên sở sinh pháp". 
Câu "Ngã tức thuyết thị không", ý nói: các nhân duyên sở sinh pháp đó là chân không. Không ở đây là không có thể tính nhất định. Như cái bàn tuy gọi là bàn nhưng khi tháo rời các bộ phận thì không còn gọi là bàn được nữa. Hoặc như nói một toán quân 100 người, khi 100 người tách ra về nhà, mặc dù những con người đó vẫn không đổi nhưng toán quân đã không còn, nghĩa là cái " toán quân" vốn là Không, chỉ là giả danh không thật có. 
Có người lại hỏi: biết là không thật có tại sao khi nhìn cái bàn lại không lẫn sang cái ghế", chúng ta phải dùng câu thứ ba để trả lời. 
Câu thứ ba: " Diệc danh thị giả danh". Ý là chỉ có danh từ giả dối chứ không có thật thể. 
    Chúng ta vì không rõ mà nhận lầm cái thân thể này là mình, rồi đối đãi với hoàn cảnh mà có lớn bé, đẹp xấu , gần xa... Cái gì ở bên mình thị gọi là gần, cái gì không bên mình thì gọi là xa, cái gì lớn hơn thân thì gọi là to, cái gì nhỏ hơn thân thì gọi là bé. Cái gì ngăn ngại thân thì chúng ta cho là hữu hình, cái gì đối với thân này không ngăn ngại thì gọi là vô hình. Những cái đó toàn là những danh từ đối đãi so sánh do cái tâm phân biệt tạo thành, chứ không có thật thể. Chúng ta lại nương vào danh từ xa gần lớn nhỏ đó mà đặt tên cho muôn sự muôn vật, rồi cho là thật thể mà theo các danh từ đó mà tham mà sân mà si, mà gây những nghiệp vô thường, mà chịu những quả báo vô thường. 
   Các thói quen vọng tưởng đó làm cho chúng ta nhận cái không thành cái có, nhận cái danh làm thật. Muôn sự muôn vật đều từ vọng tưởng mà in tuồng là có. Vậy nên chúng ta xét lại tự tâm mà biết rằng cái bàn hiện đây chỉ là cái giả danh do tâm phân biệt của chúng ta tạo thành, chứ không chi khác. 
   Có người lại hỏi rằng: " vẫn biết cái bàn không có thật thể, cái bàn chỉ là giả danh, song nào có lợi ích chi cho sự tiến hoá của tâm trí".
   Đáp lại câu hỏi ấy, chúng ta nên lặp lại câu kệ thứ tư là câu "DIỆC DANH TRUNG ĐẠO NGHĨA".
  Trong kinh Phật thuyết kinh bốn mươi hai chương Đức Phật có nói bản hoài của Chư Phật mười phương ba đời đều mong muốn chúng sinh "rõ được Trung Đạo mà ra ngoài các pháp đối đãi". Vậy trung đạo đây chính là đường tu tập không chênh lệch, không thiên về bên Hữu, không thiên về bên Vô vậy. Nếu chúng ta thấy được toàn thể các pháp đều là chân không, đến khi thật chứng được chân không ấy, thì trong không có tâm, ngoài không có cảnh, còn chi đâu nữa mà ưa, ghét, buồn, sợ; còn ai đâu nữa mà đau, già, sống, chết. Được như vậy thì những nghiệp chướng tham, sân, si, những lối chấp có thật ngã, có thật pháp mới dứt trừ sạch và cái tính chân không mới hiện ra rõ ràng minh bạch. Chúng ta phải nương ở nơi tâm với cảnh đối hiện mà chứng cái tính chân không ấy, chứ không phải diệt tâm diệt cảnh mà chứng, như lối tu thiên không của ngoại đạo. 
    Chứng được Chân không rồi thì tâm tính mới vượt ra ngoài các hạng lượng của thời gian và không gian mới được tự tại giải thoát. Song giải thoát như vậy mới là giải thoát cho riêng về phần mình, chứ chưa đúng với toàn thể toàn dụng, rộng lớn với tự tâm. Chúng ta phải nơi chân không mà hiện các giả danh, tu hạnh lục độ để dìu dắt chúng sinh, đến khi Không tức là Giả, Giả tức là không mới thật chứng Trung Đạo. Mới nhập với toàn thể toàn dụng của pháp giới tính tự tâm.  Lúc đó trên mới đồng thể với chư Phật, dưới mới đồng thể với chúng sinh, tuỳ theo cơ cảm mà hoá độ, tuỳ theo căn duyên mà ứng hiện, nhưng cũng không lúc nào rời Trung Đạo cả. 
    Toàn thể các pháp đều là Chân Không, đều là giả danh, đều là trung đạo, nên đương khi nhân duyên hiệp lại tạo thành có sinh mà thật chưa hề có sinh, cái nghĩa " đang sinh bất sinh" đó, chính là đạo lý "Vô Sinh" của Phật giáo. 
    Rõ được cái Vô sinh trung đạo ấy rồi thì đối với gia đình, thị hiện làm người con thảo, đối với xã hội thị hiện làm người hành thiện lợi mình lợi người, không bổn phận gì là không hoàn thành, không việc lành gì là không làm, mà không lúc nào ra ngoài trung đạo. 
   Sinh diệt là tính chúng sinh, Vô sinh là tính giải thoát. Nhân những ngày Phật tử cả nước hướng tâm về đỉnh lễ Giác Linh Hoà Thượng Thích Trí Tịnh, kẻ hậu học chúng con nguyện tinh tiến tu học theo đạo hạnh của Ngài, nay ghi chép lại luận giải này chia sẻ với chư đạo hữu nguyện cùng "đồng sự" và sống theo đạo lý "Vô sinh" để báo đáp ơn đức hoá độ của Chư Phật Bồ tát và chư Tổ sư trong muôn một. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét