Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Thức Mạt na


Mạn đàm:

MẠT-NA THỨC - BÌNH ĐẲNG TÍNH TRÍ
-----------------------------------------------
( Nam mô Bình đẳng tính trí, Nam phương tự tính luân thân Bảo Sinh Như Lai, chính pháp luân thân Hư Không tạng Bồ Tát, Giáo lệnh luân thân Quân đồ lợi Minh vương. )

Khởi luận:
      Duyên có nhiều, nhân kỷ niệm ngày thành đạo của Bồ tát Quán Thế Âm, bậc đại Bi có nhân duyên cơ cảm nhất với chúng sinh ở cõi Ta Bà. Bồ tát thành tựu Đại Bi cũng đồng thời có được Đại Trí, bởi Bi và Trí là hai diệu dụng của Chân Tâm.

       Chúng tôi những doanh nhân Phật tử làm kinh tế, để tổ chức doanh nghiệp, lựa chọn chiến lược kinh doanh, để đàm phán với đối tác...tất đều phải dùng đến trí cả. Như trên, nếu trí tuệ chân chính thì đồng thời cũng sẽ làm việc đúng với hạnh từ Bi của Bồ tát. Việc có cơ hội cùng "đồng-sự", chúng tôi thường trao đổi về Phật học, đó như là một nhiệm vụ song song với quá trình phát triển doanh nghiệp tại các quốc gia, với hoạt động đa ngành nghề mỗi thành viên đều có nhân duyên tiếp xúc nhiều hạng người tại các nền văn hoá khác nhau, có tôn giáo khác nhau; Chúng tôi những người con Phật nương theo sự giáo hoá của chư Phật Bồ tát mà thực tập hành hạnh tự lợi lợi tha, nghĩa là với doanh nhân thì kinh doanh theo thiện nghiệp, nghĩa là làm những việc gì mà có lợi cho mình, có lợi cho người và có lợi cho xã hội.Tuỳ theo con đường tu chứng phù hợp mà có người tu thiên về hạnh từ Bi, có người tu thiên về Trí. Nói về tu thì có đốn-tu và tiệm-tu, Trong pháp giới chúng sinh có người tu rồi mới ngộ gọi là tuỳ-tín-hành, có người ngộ rồi mới tu gọi là tuỳ-pháp-hành.Buổi mạn đàm về Phật học hôm nay, nhân rõ được cốt lõi của bi Tâm có liên hệ xuất phát từ tính Bình-đẳng mà chúng tôi chia sẻ về nhân quả và bản chất hiện hành của trí- bình- đẳng. Bình đẳng tính trí này là một trong ngũ trí của Phật, gồm: Đại-viên- kính- trí, Thành- sở-tác- trí, Diệu- quán- sát- trí, Bình-đẳng- tính- trí và Pháp- giới- thể- tính- trí.
        Dẫn nhập:
      Kinh Đại Nhật có câu “ Tâm Bồ đề là nhân, Đại bi là căn bản, phương tiện là cứu kính”. Nhân thấy sự thống khổ mà động lòng thương xót, nhân động lòng thương xót mà phát tâm thực hiện các việc tự lợi, lợi tha; nhân làm việc tự lợi lợi tha mà trí tuệ được sáng suốt, nguyện lực được rộng lớn lần chứng được đức đại bi của các vị Bồ tát.Bồ tát thường hành hạnh ban vui, cứu khổ. Hạnh Từ Bi là bản tính chân thật của Bồ Đề. Cái vui, cái khổ thế tục chỉ là sự đối đãi vô thường. Câu “ phiền não tức Bồ đề”, ý là tính của phiền não cũng là tính của Bồ Đề. Chúng ta tu theo chính Duyên là hành theo các pháp môn của chư Phật để giác ngộ, tiến tới nhập một với pháp giới tính, nghĩa là trên đồng với chư Phật đồng một từ-lực, dưới đồng với chúng sinh đồng một bi-ngưỡng. Chữ “đồng” ở đây là Bình-Đẳng. Bình đẳng nghĩa là Không-Hai, nghĩa là cái tâm vô-phân-biệt, xa rời các pháp đối đãi.Như vậy bản tính cần thiết của doanh nhân Phật tử chính là thực hiện các việc kinh doanh trên nền tảng của sự bình-đẳng.Để hiểu về bình đẳng tính có nhiều, giới hạn ở bài viết này chúng tôi ghi lại vắt tắt buổi nói chuyện, nội dung chỉ nói về bản chất và hoạt động của thức thứ bảy là Mạt-na-thức, đây chính là cái thức quyết định các hành động của chúng ta có bình đẳng hay không.Mạt-na thức là thức thứ bảy trong trong Bát thức, gồm: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt na thức và A lại da thức.Thức là hay biết, là cái luồng tâm niệm có nơi mỗi chúng sinh, cái tâm-niệm sinh rồi diệt, diệt rồi sinh tiếp tục mãi như một dòng nước, chứ không đứng yên môt chỗ, nên thực tế, thức tâm là một luồng tâm niệm tiếp tục không gián đoạn.Xét nơi tâm niệm hiện tiền của chúng ta thì thấy có nhiều bộ phận hay biết khác nhau. Như năm thức trước ( nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân ) chỉ thu nhận từng bộ phận cảm giác nơi hoàn cảnh, như nhãn thức chỉ thu được sắc, nhĩ thức chỉ thu được tiếng… mà thôi. Chẳng những thế năm thức trước chỉ thu được cái cảnh chung chung nơi hiện tại, chưa phân tích hoàn cảnh ra từng hình tướng cụ thể và cũng chưa phân biệt rạch ròi vật này với vật khác.Cái thức tóm thâu được tất cả các cảm giác và phân biệt được vật này khác với vật kia, là thức thứ sáu tức là Ý-thức. Chính vì thế nên khi ý-thức chăm chú một nơi khác, như nghĩ một bài toán khó, thì tuy vẫn có thấy, có nghe, nhưng lại không biết rõ và nghe cái gì.Ý thức là cái thức phân biệt rõ biết sự này vật khác, chỉ phát khởi trong lúc còn thức, lúc ngủ nghỉ thì ý thức không phát khởi. Vì thế người ngủ say hoàn toàn không biết chung quanh mình đã xảy ra những việc gì. Nhưng trong lúc ngủ người ta vẫn ngấm ngầm biết có mình nên đến khi có người gọi thì liền tỉnh dậy và chính trong lúc tỉnh dậy, cũng biết được là mình tỉnh dậy chứ không phải người khác. Cái thức luôn biết có mình, tiếp tục mãi mãi, cả trong lúc ngủ, là thức thứ 7, có tên gọi là Mạt-na-thức. Do Mạt-na-thức tiếp tục nhận có cái ta riêng của mình, nên mặc dầu trong một đời, thân thể và trí thức có nhiều sự thay đổi, mặc dầu có những lúc ngủ mê, có những lúc bất-tỉnh nhân-sự, không còn biết gì, người đời vẫn cảm thấy có cái ngã thể riêng biệt, tiếp tục từ trẻ đến già, hình như không có thay đổi.Song Mạt-na thức đã nhận có cái ngã thể riêng biệt thì nó nhận cái gì làm ngã thể. Nó không thể nhận năm thức trước hoặc ý-thức làm ngã thể liên tục được, vì các thức ấy đều phát khởi một cách gián đoạn, không phải liên tục. Cái mà Mạt-na-thức nhận là ngã thể liên tục đó phải là một cái thức liên tục; thức đó là thức thứ tám, tức là cái thức làm cho có sống, đi đến có cảm giác, có phân biệt.Thức thứ tám có cái tên chung là A-đà-na-thức. Do A-đà-na thức nắm giữ tất cả chủng tử của mọi sự vật nên cũng có tên là Nhất-thiết-chủng-thức. Nơi chúng sinh, A-đà-na lại thường xuyên nắm giữ cái tập khí chủng tử nhận có cái ta riêng biệt, đồng thời cũng thường xuyên bị Mạt-na-thức chấp nhận là cái ngã-thể liên tục nên lại có tên gọi là A-lại-da-thức, nghĩa là Tạng-thức, hoặc là Ngã-ái-chấp-tàng-thức.Chúng ta tu là để dứt trừ Ngã chấp tướng và Pháp chấp tướng. Ngã chấp là chấp cái thân cái tâm vô thường của ta là thật có, Pháp chấp là chấp cái thế giới quanh ta là thật có.Như trên đã nói, cái thức thứ bảy Mạt-Na thức chính là cái thức chấp ngã. Thức này chấp Kiến-phần của thức thứ 8 là Ngã. Thức thứ 8 chứa đựng các chủng tử, (thiện ác, vô ký) do các thức trước huân tập. Nhiệm vụ của Mạt na thức là làm cho các chủng tử của thức thứ 8 hiện hành ra. Có thể hiểu thức thứ 8 ( A lại da thức ) là cái kho chứa hạt giống, thức thứ bảy như người bảo vệ, có nhiệm vụ trông giữ và xuất kho các hạt giống để cho ông Ý thức và năm thức trước dựa vào đó mà gieo trồng ra quả. Hạt giống thiện thì hoá hiện ra cái quả là cảnh giới tốt đẹp, hạt giống xấu thì hiện cảnh nghịch duyên. Mọi so đo tốt xấu, mọi phân biệt xa gần, hơn kém…đều một tay Mạt-na thức thâu tóm và quyết định. Ý thức dựa vào Mạt-na thức làm căn để nhận biết, cũng như mắt là căn kết hợp với sắc mà thành nhãn thức vậy.Duy thức học nói rằng, Mạt-na thức kết đồng với một tâm sở biệt cảnh là Tuệ-tâm-sở, tức là cái tâm sở lựa chọn, nhận xét nơi cảnh. Chính cái tuệ-tâm-sở này đã làm cho thức-thứ-bảy mê lầm chấp có nhân-ngã và pháp-ngã, nhưng cũng nhờ có tuệ-tâm-sở mà thức thứ bảy diệt trừ được ngã-chấp và pháp-chấp, đi đến kết hợp với bình-đẳng-tính-trí.Đã làm ông bảo vệ nên thức thứ bảy luôn hoạt động, Đặc tính trông giữ là luôn luôn xem xét nghiền ngẫm (hiện hành) ngày đêm không lúc nào ngừng nghỉ, cụ thể thức thứ 7 luôn chấp có nhân-ngã và pháp-ngã thì đó là cái chỗ nương ô-nhiễm cho sáu thức trước. Do các loài hữu tình như chúng ta có cái thức ấy nên trong khi thức cũng như khi ngủ luôn luôn ở trong mê lầm và phải chịu các thứ sinh tử.Chỉ khi nào thức thứ 7 được hoàn toàn thanh tịnh thì chúng ta mới hoàn toàn giác ngộ và vào được đạo vô thượng.Nói thêm về sự liên hệ giữa thức Mạt na và sáu thức trước: tất cả bảy thức này đều gọi là chuyển-thức. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Phật thuyết rằng: Bản lai tự tính vốn không có năng-sở, do bất giác vọng động lập ra có sở-tri mà tính minh của bản giác lại biết thành năng-tri, rồi khi năng sở đã lập, năng tri không thể vượt ra khỏi phạm vi của sở-tri nên nơi một thức tính lại chuyển thành nhiều thứ sai khác; đó là chuyển thức.
Nói về bất giác mà thành ra có năng có sở, Quảng Kiến tôi sau khi đọc Kinh Lăng Nghiêm có viết ra mấy câu như sau:
Bởi thấy Giác là Minh
Nên hình thành năng sở
Sáu căn cùng trăn trở
Ngăn ngại tự tâm mình.*
Chấp vọng ấy chúng sinh
Giác tâm mình tất ngộ
Vạn vật chẳng tế thô
Bồ đề thường tịch tĩnh.

      Thức thứ bảy khi được chuyển thành thanh tịnh, sẽ kết đồng với bình-đẳng-tính-trí là thường xuyên nhận thức không có nhân-ngã và pháp-ngã thì nó lại làm chỗ nương thanh tịnh cho sáu thức trước, như có bộ lọc tốt nên nước chảy qua luôn được tinh khiết vậy.
Ha ha!
Cuối cùng ta cũng đã tìm ra
"Thằng-giặc" lâu nay vẫn trong nhà
Sinh tử cũng đều do nó cả
Thấy rồi cho nhà, cho-luôn-Ta.
( ghi chú: thằng-giặc là nói đến Mạt-na thức. Cho-luôn-ta là nói về xả cái ngã chấp.)

Tiểu kết:
    Tỏ rõ được thức Mạt-na rồi thì chúng ta thường chú ý chính niệm để chuyển thức thành trí là bình-đẳng-tính-trí, để cho quá trình hoạt động kinh doanh mỗi mỗi quyết định, mỗi mỗi hành động từ thân, khẩu, ý đều được thanh tịnh, dứt trừ hết nhân-ngã và pháp-ngã, tạo ra môi trường sống làm việc an lành cho tất cả. Kinh doanh trên nền tảng bình-đẳng đó là được lợi mình, lợi người, lợi xã hội cũng là cốt lõi của hoạt động theo Chính-nghiệp, một trong tám con đường Bát-Chính-Đạo mà đức Phật đã thị hiện giáo hoá.
-------
(Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng -Bài viết ngắn được ghi lại này theo nhân duyên mạn đàm với anh Vạn Đạt chủ tịch DTV-Group, tại Paske, hoàn thành lúc 18 giờ ngày 19/7/2014, xuất hiện cầu vồng rất đẹp.)
---------
Nói thêm về nhân địa của Bồ tát khi tu chuyển thức Mạt-Na thành trí:
      "Các vị Bồ tát lên Sơ địa, tức là cực hỷ địa hoặc Hoan-hỷ -địa, thì những phân biệt ngã-chấp, phân biệt pháp-chấp đều được diệt trừ, thức thứ sáu thường ở trong song-không-quán, quán này ngăn không cho những câu-sinh-ngã-chấp, câu-sinh-pháp-chấp tự do phát khởi, nên lúc đó, thức thứ bảy cũng bắt đầu kết đồng với bình-đẳng-tính-trí; nhưng do sức của trí này còn yếu nên chưa lấn át được hoàn toàn những mê chấp trong thức thứ bảy. Đến bậc Bât-động-địa là Bát địa Bồ tát, thức thứ bảy hoàn toàn thanh tịnh, không còn nhân-chấp-pháp và ngã-chấp-pháp thì thức thứ sáu cũng thường xuyên ở trong song-không-chân-như. Lúc này thức thứ sáu kết đồng với Diệu-quán-sát-trí, thức thứ bảy kết đồng với Bình-đẳng- tính-trí, trụ tướng vô minh hoàn toàn diệt trừ và các vị Bồ-tát vào vô-dư-niết-bàn, không còn phải dụng công để dứt trừ các chi-mạt- vô- minh chấp có nhân-ngã và pháp-ngã nữa.Các vị Bồ tát diệt trừ ngã-chấp, pháp-chấp là diệt trừ hiện hành, chứ không phải diệt trừ chủng tử của các chấp ấy; các chủng tử vẫn còn nhưng bị trí-chân-như đối trị nên không còn khả năng hiện hành nữa. Khi vào Kim cương đạo, lên bậc Như-Lai thì tất cả chủng tử đều chịu ảnh hưởng của tự-nhiên-trí, vô-sư-trí, vô-ngại-trí, và hoà hợp thành nhất-thiết-chủng-trí."

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Đu đưa


Nhân duyên ăn trưa rồi xuống thăm anh em ở công trình, lại chiếc võng nghỉ trưa dưới gầm nhà sàn ở Paske Lào, hình như vẫn dành riêng cho tôi mỗi khi không có ai nằm.

À...tôi, nằm võng, võng đưa võng đưa...

     mãi ngân nga với câu ca trong một bài hát nói về cái đu đưa của tiếng võng mẹ ru. ngắm trời trông đất, chợt thấy cái hiện sinh trong cõi đời này ầu ơ ở tính tương đối, mọi sự đều đu đưa khi bên này khi bên kia: Từ trần gian lạc thú tới tiên cảnh phiêu du, rồi lại đu đưa sang cõi tử-cõi sinh, cõi tình-cõi hận...Cái chặng đường đu đưa đó có khi tới đỉnh núi cao để đủ duyên nhào xuống vực sâu, rồi đôi khi bò qua được nỗi khổ của mình thì vướng lại những niềm đau cho kẻ khác. Như vậy nguyên lý của cuộc sống vốn đã tiềm ẩn trong tiếng võng đưa từ thuở mới sinh, ta chóng mặt bởi vì khi ở bên này lại sợ phải về bên kia, cái chấp thủ mải mê này làm ta quên đi bản tâm thường trụ vốn an lạc, vốn không có đu đưa...
...hết ầu ơ, đu đưa rồi ta mới tỏ rõ cái tịnh cái thanh làm cho mọi sự đều là thành là thật, thì lại tự chủ nằm xuống cho võng đưa, võng đưa...
a...tôi, nằm võng, võng đưa võng đưa...

x

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Tìm em

D


Tìm em ở bến chân tâm
Giong thuyền Bát-Nhã âm thầm anh qua
Duy-thức tướng sóng gần xa
Lăng-nghiêm đại định bao la đất trời
Pháp-Hoa, một đoá sen tươi
Ngời trong ánh mắt mười phương ta bà
Chính Tà một thể Duy-Ma
Rời xa vọng tưởng Lăng-Già truyền trao
Tĩnh tịch mặc kệ Trần xao
Thấy em vẫn đó, chưa bao giờ rời!

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Thiện và Ác

Mạn đàm
T H I Ệ N    Á C
------------------
(theo quan điểm nhà Phật)

Phật Pháp ở thế gian cốt giúp chúng ta đoạn ác, tu thiện. Những việc gì làm mà có lợi cho mình cho người ở hiện tại và vị lai gọi là thiện. Điều gì có hại cho mình cho người ở hiện tại và vị lai gọi là ác. Thiện ác theo đó được chia thành ba phần:
- Hữu lậu ác,
- Hữu lậu thiện,
- Vô lậu thiện.
Ác ở thế gian có nhiều, có thể tóm gọn thành hai thứ là thập ác và ngũ nghịch:
+ Thập Ác ( mười cái ác):
1- Ba nghiệp về thân ( Sát sinh, Thâu đạo, Tà dâm )
2- Bốn nghiệp về khẩu: vọng ngôn, ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt,
3- Ba nghiệp về ý ( Tham, Sân, Si )
+ Ngũ Nghịch ( năm tội lớn ): Hại mẹ, hại cha, hại Alahan, phá hoà hợp Tăng, làm thân Phật chảy máu )
Thiện mà đem tâm nhân ngã để hành thì gọi là hữu lậu thiện, nghĩa là còn hạn chế. Hữu lậu thiện theo tính chất lại có: Chỉ thiện và tác thiện.
Đại ý của Phật pháp ở bài kệ:
Chư ác mạc tác.
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo.
Hai câu đầu bài kệ nói về thiện ác có nghĩa là các điều ác quyết không làm thuộc về chỉ thiện. Các điều thiện quyết làm thuộc về tác thiện... ).
Thiện ác là phép đối đãi, cho nên tuỳ theo địa vị mà cái nghĩa thiện và ác có khác. Thiện hữu lậu thì có cái quả báo hưởng phúc ở cõi nhân thiên, nhưng vì chưa giải thoát ngoài vòng sinh tử nên đối với Tạng giáo cũng gọi là ác. Duy chỉ có hạnh từ bi cứu người, tự độ mình, độ kẻ khác ra khỏi vòng sinh tử mới gọi là thiện. Song Tạng Giáo chỉ mới tự độ mình ra phân đoạn sinh tử và độ chúng sinh hữu duyên khỏi phân đoạn sinh tử nhưng chưa đoạn được pháp chấp nên đối với Thông giáo cũng còn gọi là ác. Thông giáo đoạn được tất cả vọng kiến của chúng sinh nên gọi là thiện, nhưng đối với Biệt giáo gọi là ác bởi vì chưa thấu rõ lý trung đạo. Biệt giáo thấy được lý Trung đạo nên gọi là thiện, nhưng Trung đạo của Biệt Giáo còn bức bách chưa độ sinh hoàn nên đối với Viên giáo cũng còn gọi là ác. Vậy Diệu viên Trung Đạo của Viên giáo mới thật là chí thiện. Đối với Viên Giáo thì thuận theo thực tướng là thiện, trái với thực tướng là ác, rõ suốt Viên lý là thiện, chấp trước Viên lý là ác. Thế mới biết đối với Viên Giáo- Bồ Tát duy có Viên lý thực tướng mới là thiện mà thôi.
Trên đây là nói đạo lý về Thiện, Ác từ Tạng giáo đến Viên giáo. Đối với hàng hậu học sơ cơ như chúng ta, việc tu Vô lậu thiện là đoạn trừ được Kiến hoặc và Tư hoặc, thuận theo tam pháp ấn là " Không, Vô tướng, Vô tác " để các việc ác quyết không làm, các việc thiện quyết làm. Khi hành bố thí thì không chấp vào mình là người bố thí, không chấp có người nhận bố thí, có vật để bố thí. Nghĩa là rời nhân ngã, thuận theo lý Trung Đạo mà lìa các pháp đối đãi. Khi đó trong không có tâm phân biệt, ngoài không bị hoàn cảnh ràng buộc, thì còn gì là ưa, ghét, buồn, sợ tức đoạn trừ được phiền não. Được như thế, sống như vậy mới là Vô lậu thiện.
Cho nên:
Muốn đến Tây Thiên
Phải hành thập thiện
Bỏ các ác hành
Tinh tiến đi nhanh
Chăm tu thiền định
Tuỳ duyên nhưng tịnh
Cứu khăp hữu tình
Pháp giới chúng sinh
Bồ đề tịch tĩnh.
( Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng)
-----