Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

Đại Ngã và Phật Tính

Thần ngã ( Đại Ngã ) và Phật Tính
( Hậu học Quảng Kiến tổng hợp )

Có nhiều ngoại đạo nói: Ngã riêng của các loài: Thần, Người, Quỷ, Vật là tiểu Ngã. Có một thượng đế là Đại Ngã tức Thần Ngã sinh ra tất cả. Đây chính là thường kiến thượng đế như Phật giáo Đại Thừa đã nói ở nhiều các khế kinh. Các khế kinh này bằng tiếng Phạn đã có từ lâu đời ở miền Bắc Ấn Độ. Từ thế kỷ thứ 8 trở đi quân xâm lược nước ngoài xâm chiếm Ấn độ phá huỷ các kinh này đến nay chỉ còn rất ít ở miền Bắc Ấn độ, Tây Tạng và các nước như Ta-gi-ki-xtan, Nga, Mông Cổ hoặc khắc trong hang đá ở Tây Bắc Trung Quốc, Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan. Vì thế gây ra sự hiểu nhầm là không phải Phật nói, do các vị Tỷ Khiêu Bắc Ấn độ và Trung Quốc nói ra.
Từ một thứ sinh ra nhiều thứ khác nhau các bạn thử nghĩ xem điều đó có lý hay vô lý. Ví dụ, cái một lớn là Đại Ngã là cái gì mà lại sinh ra loài quỷ hại người, rồi lại sinh ra thần cứu người, rồi lại sinh ra súc vật để người ăn. Nếu thật có cái Đại Ngã thượng đế này thì là một điều quá khôi hài vì tạo ra nhiều cái bất công vô lý rồi chính họ lại bảo phải nghe lời thượng đế để trừ bỏ mọi điều vô lý như trên, thì chứng tỏ thượng đế ( Đại Ngã = Thần Ngã ) không phải là toàn năng. Nếu toàn năng thì phải tạo ra cái bình đẳng, chứ tại sao lại tạo ra các cái bất bình đẳng như thế. Thậm chí còn tạo ra nhiều bạo chúa giết dân lành thì cái lý bình đẳng đó ở đâu, ai chịu trách nhiệm cho cái bất bình đẳng này. 
Nếu Đại Ngã là người toàn trí thì phải có trí tuệ tạo ra nhiều người có trí tuệ nhỏ. Tại sao lại tạo ra bao nhiều người ngu si để người có trí tuệ phải mất công giáo dục huấn luyện mãi đến mấy nghìn năm nay vẫn chưa hết người ngu si. Thậm chí ở một số nơi, kẻ ác tăng thêm, người lương thiện ít đi thì ai là thủ phạm của sự bất công này.
Vì vậy phải hiểu đúng theo giáo lý Đại Thừa Phật giáo là luật Nhân Quả như sau:
Người làm việc thiện nhiều thì đời sau sẽ thành thần để cứu người còn là người trên trái đất.
Người làm nhiều việc ác thì thành súc vật ở đời sau để đền tôi ác mình đã gây ra với nhiều người đời trước.
Người làm ác nhiều hơn thiện thì thành Quỷ tìm cách mê hoặc những người nhút nhát cũng biết thành quỷ như họ ở đời kiếp sau.
Tất cả những sự kém trí tuệ là vì chưa có trí tuệ toàn diện. Tất cả mọi sự độc ác là vì chưa có tâm biết nghĩ mình và tất cả mọi loài đều phải giúp đỡ lẫn nhau thì mới có cái năng lực gọi là toàn năng trong toàn thể xã hội loài người.
Tất cả những sự hơn kém nói trên đều từ nguồn gốc chung là không biết chính mình có Phật tính. 
Nhiều người hiểu sai Phật tính giống như Đại Ngã. Phật tính hoàn toàn khác vì đó là tính chung của tất cả các loại có thân thể và có tâm trong thân thể đó. Đó là tính biết kính trọng nhau, vì hiểu rằng mình đều có Phật tính.
Chính vì Phật tính là tính sáng suốt, tính thanh tịnh, tính cứu giúp nhau ( từ bi ). Vì tất cả ai có thân tâm cũng đều có tính đó từ lâu đời nhiều kiếp đến nay cho nên nói Phật tính là bình đẳng là không bao giờ bị tiêu diệt ( bất diệt ).
Không có thượng đế nào sinh ra Phật Tính, do đó Phật tính là Bất sinh.
Đến đây ta phải hiểu thêm là dù tất cả mọi loại đều có Phật tính nhưng chính họ lại quên. Họ quên vì họ mải mê theo đuổi cái hình dáng bề ngoài của thân thể thích cái thân đẹp, ghét cái thân xấu, lại tìm mọi cách vơ vào cho mình cái đẹp đẩy cho người khác loài khác cái xấu. Quen như thế mãi thì gọi là tham, ai nói mình tham thì mình không nhận lại cáu với người ta là sân. Có tham có Sân thì lại thêm Si mê. Rồi lại tham sân si mãi mãi cho đến nay thì làm sao có thể quay lại nhớ mình có Phật tính được nữa. Thế gọi là đã luẩn quẩn lại thêm luẩn quẩn, đã quanh co lại lắm quanh co.
Do đó, từ nhiều đời kiếp đến nay từ Phật tính bình đẳng này nhiều người đã dựa vào tu luyện trừ bỏ cái tham sân si từ gốc đến ngọn từ nhỏ đến lớn. Các vị này đã thành tựu quả vị về tâm ý, ý thức đến chỗ cao quý nhất là Phật. Các đức Phật có nhiều, chứ không phải có một như thượng đế, càng chứng minh cho chân lý là bình đẳng cho nên có nhiều Phật bình đẳng. Thành Phật không phải là có quyền ban phát muốn làm gì thì làm. Nếu Phật dạy mà ai chưa hiểu thì vẫn chưa thể thành Phật được. Chớ hiểu sai là Phật không biết cách dạy chúng sinh. Chỉ vì chúng sinh là loài có tính mạng, có tâm nhưng vì tham sân si lại giết tính mạng của loài khác để cho thoả mãn cái tham ăn tham uống của mình thì Phật chưa bảo được những người này. Họ quá vô duyên Phật chưa cứu được người vô duyên. Đến khi họ chịu hậu quả đau đớn bắt đầu biết hối hận thì là lúc Phật có thể dạy bảo họ được. Đó gọi là chưa độ, chứ không phải không độ được chúng sinh.
Lại có những người đã hối hận, bắt đầu bỏ tham sân si là 3 cái độc ác nhưng Phật vẫn chưa độ được họ vì theo luật nhân quả họ phải chịu trả nợ những tội ác họ đã gây ra rất nhiều trong nhiều đời kiếp. Đến khi trả nợ được rất nhiều rồi chỉ còn chút ít thì họ mới được Phật dạy bảo và nhanh chóng thành tựu việc tu luyện để họ sẽ thành Phật ở đời tương lai.
Do đó thành Phật là việc rất giản dị, vì chỉ quay lại với Phật tính sẵn có chứ không phải sáng tạo ra cái gì mới lạ. Nhưng cũng rất cao quý vì một người thành Phật thì giúp được rất nhiều người trừ mê, quay về chỗ giác ngộ là hiểu đúng mình có Phật tính đã chót bỏ quên, hiểu đúng mình đã hết mê muội có sự nhận thức đúng đắn, lại cũng giúp được nhiều người được như thế.
Đây là sự khác nhau của Thần Ngã và Phật tính. Tức là cái bình đẳng thì phải khác với cái bất bình đẳng. Cái giản dị thì phải khác với những cái hoang phí ảo tưởng. 
Điều chúng ta mong muốn là tất cả những ai muốn thành công tốt đẹp thì phải biết cái nhân tốt này là Phật tính, cái duyên tốt này là phải có giúp nhau thực hành theo Phật tính thì sẽ có kết quả lớn là thành Phật ở tương lai. Đó gọi là tương xứng là hoà nhập là trở về với nguồn gốc không phải là cái hoang đường ảo tưởng như người ta nói đã tu cao thì muốn làm gì thì làm, muốn ăn gì thì ăn, muốn uống gì thì uống. Nhiều cái muốn như thế thì sẽ thành vua của các loài ác gọi là Ma vương. Nhiều cái tham muốn là cái nhân ác, Ma vương là quả ác thì sẽ dẫn đến cái quả ác hơn là chỗ chịu khổ gọi là địa ngục. Ở địa ngục nếu biết hối hận thì còn có ngày ra. Nếu khôgn thì mãi mãi khổ ở các địa ngục đó.
Vậy các bạn hãy tự lựa chọn con đường đi cho chính mình. Đó gọi là Biển khổ mênh mông, quay đầu là tới bến. Cũng gọi là bóng tối lâu năm ánh sáng mặt trời chiếu đến thì lập tức tối hết sáng sinh ra. Cũng gọi là biết quay lại lúc lầm đường, biết dừng chân trước vực thẳm.
Mong rằng tất cả mọi ngừời cần hiểu thêm chúng ta ai cũng có cái tài riêng thì phải biết bổ sung cho nhau để cho có một xã hội hoàn thiện nhất. Đấy cũng là cái mà chư Phật gọi là các cõi Tịnh Độ của chư Phật là trường dạy học lớn tốt đẹp nhất cho mọi người cho đến tất cả chúng sinh. Ở đó có những ông thầy giáo gọi là A Di Đà, nghĩa là sáng suốt vô cùng, sống lâu vô cùng, đúng với cái nghĩa Phật tính là sáng suốt, không phải thượng đế sinh ra là Bất sinh, không phải kẻ nào tiêu diệt được Phật tính đó là Bất diệt. 
Đấy cũng chính là mỗi chúng ta là thượng đế của chính chúng ta, cũng như người ta thường nói khách hàng là thượng đế. Nhiều khách hàng tức là nhiều thượng đế. Không bao giờ chỉ có một cái gọi là thượng đế.