Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022


















KIẾN TRÚC  CHÙA DIÊN KHÁNH


Thoại đầu “em” hợp rồi tan

Bóng Chân lý kết lại tàn theo hương

Hoá ra, “em” vốn vô thường

Hoá ra, “em” để cúng dường Pháp thân.

Chuông chùa không đánh mà ngân

Vô vi tịch tĩnh cũng ngần ấy thôi!


Bàn về một công trình kiến trúc là nói đến sự kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật. Nghệ-thuật sáng tạo ra hình khối không gian còn kỹ-thuật  vật chất hoá những sáng tạo đó. 

Tiếp theo chuỗi bài viết chiêm nghiệm Phật học «  Từ Tướng tới Tính – Biểu tượng của giác ngộ » chúng tôi xin giới thiệu ý niệm sâu xa của việc ứng dụng giáo lý Phật đà vào xây dựng kiến trúc công trình nhà Tổ chùa Diên Khánh, ngõ hầu giúp độc giả phần nào thông qua « Tướng » trải nghiệm để nắm bắt « Tác-Dụng » rồi từ đó mà thông tỏ « Thể tính » thì cũng là rõ bản hoài của chư Thầy Tổ trong việc tôn tạo cảnh chùa, xây dựng đạo tràng, làm phương tiện để dẫn dắt chúng ta trên con đường tu đạo vô thượng. 

Khái niệm «Thể-Dụng-Tướng-Tính» là chư pháp thật tướng trong kinh Pháp Hoa, nói về vạn hữu trong pháp giới đều có hình TƯỚNG kết hợp với TÍNH chất thành ra THỂ. Thể có ảnh hưởng tạo ra tác dụng là DỤNG, Dụng này có sự tương tác ra xung quanh là TÁC. Tác có lực nhất định gọi là LỰC. Lực này tạo ra kết quả là QUẢ. Quả có cái đối ứng lại gọi là BÁO. Tất cả có sự kết hợp như vậy gọi là DUYÊN. Duyên nào cũng có nguyên nhân là NHÂN. Nhân đều có nguồn gốc là BẢN. Tất cả đều có duyên khởi trùng trùng gọi là MẠT ( cành lá rễ...). Phần thập như thị ( TƯỚNG, TÍNH, THỂ, TÁC, LỰC, QUẢ, BÁO, NHÂN, DUYÊN, MẠT, BẢN) nói về tính thường trụ của vạn pháp, gọi là "chư pháp thật tướng" 


Quán chiếu việc xây dựng các hạng mục kiến trúc Chùa như Tam Bảo, Nhà Tổ, Pháp đường, Tam quan, Trai đường, Tăng xá, Tẩn xứ…Bảy hạng mục chính này là hình-tướng kiến trúc làm phương tiện phục vụ cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh. Dưới góc nhìn « Thập như thị » tư tưởng ứng dụng ý niệm từ hình khối kiến trúc và mỹ thuật Phật giáo vào công trình nhà Tổ chùa Diên khánh thuộc về phần Tính. Việc xây dựng trang trí nội ngoại thất thuộc phần Tướng. Quá trình hoạt động chung thuộc về Lực-Tác-Quả-Báo-Nhân-Duyên-Mạt-Bản. Cụ thể các phần như sau :


Phần Tính chất

Tính chất của công trình nhà Tổ chính là ý niệm về việc tạo ra công trình với không gian trang nghiêm, thể hiện sự tịch mặc,  nơi tôn nghiêm, tôn trí hình tượng của Tổ để hàng đệ tử và Phật tử thập phương chiêm bái tưởng tới ơn đức hoá độ và công hạnh của chư Thầy Tổ để noi gương trên con đường tu đạo. Song song với các không gian chính đó, kiến trúc nhà Tổ chùa Diên Khánh còn có thêm không gian giảng pháp và không gian làm việc của ban trị sự.


Phần hình Tướng

Hình tướng công trình nhà Tổ gồm hình khối kiến trúc và hoạ tiết mỹ thuật trang trí. Công trình sau khi hoàn thành đã thể hiện được sự sáng tạo lớn trong việc kết hợp các không gian kiến trúc truyền thống với công nghệ hiện đại trong chế tác và tạo hình mỹ thuật. 

Việc bảo tồn và tuân thủ các giá trị kiến trúc của hệ cột, vì và mái đao truyền thống. Kiến trúc sư đã xử lý hài hoà theo ý tưởng của Thầy trụ trì về việc nâng không gian thờ tự lên cao và biến phần cơ đài (phần đế) thành không gian đa năng phục vụ cho việc giảng pháp và các chương trình Phật sự khác nhau. Để đáp ứng cho việc tập trung số lượng lớn Phật tử trong các sự kiện, giải pháp kết cấu công trình ứng dụng cấu trúc nhịp lớn, xử lý kiến trúc cột tạo ra không gian tránh bị vướng tầm nhìn. Đây cũng là ý niệm sự thuần chất và không còn vướng mắc trong đạo pháp.

Về hoạ tiết kiến trúc ngoại thất, công trình sử dụng hệ đố củng, được cách tân theo tỷ lệ và màu sắc của kiến trúc Việt Nam. Hoạ tiết mỹ thuật này thường được sử dụng trong kiến trúc Mật giáo, với ý niệm về các lớp cánh sen nâng đỡ lẫn nhau đương nở rộ. Soi chiếu ngược về thân tâm chúng ta sẽ cảm nhận được nhân quả tương tục trong tiến trình giác ngộ của chính mình.

Về mỹ thuật, trang trí nội thất ở công trình nhà Tổ chùa Văn Giang đã được định nghĩa lại hoàn toàn. Trần nhà bây giờ được cấu thành từ vật liệu hiện đại, gia công bởi công nghệ siêu chính xác CNC. Do không còn giới hạn về tạo tác thi công nên nội thất nhà Tổ bây giờ chính là không gian truyền thông hay nói đúng hơn việc chiêm ngưỡng và quán tưởng vào hình ảnh của Mandala với trung tâm là các chủng tử tự Om Mani Padme Hum (  ảnh minh hoạ trần) chính là những bài pháp thâm sâu. Cụ thể hình ảnh chữ OM tượng trưng cho Phật bộ, MANI tượng trưng cho Bảo bộ tức tai pháp, Padme tượng trưng cho Liên hoa bộ kính trọng pháp, Hum là kim cương bộ phá tà hiển chính. Việc quán tưởng về ý nghĩa của chủng tử hay ý niệm về Bản tôn sẽ giúp hành giả thâm nhập sâu vào pháp giới thể tính trí, đại diện bởi hình tượng đức Phật Đại Nhật được tôn trí ở trung tâm Mandala.  


Phần Dụng-Lực-Tác-Quả-Báo-Nhân-Duyên-Mạt-Bản

Phần Tính chất kết hợp với hình tướng thành ra Thể. Nhà Tổ chùa Diên Khánh đã tạo ra diện mạo công trình mới mà không mới. Mới ở đây là sự kết hợp sáng tạo Đông-Tây giữa lý tưởng Phật pháp thâm sâu và công nghệ hiện đại. Không mới là sự phù hợp với cảnh quan, đáp ứng và thoả mãn nhu cầu tâm linh của đông đảo quần chúng nói chung và đặc biệt với các pháp tử tu theo pháp môn Mật giáo nói riêng, phần này thuộc về Dụng.

Việc quy hoạch thiết kế và xây dựng cảnh chùa xét về mặt điển hình từ xưa tới nay, thông qua trục chính-đạo, được định vị bởi các công trình từ Tam quan đến Toà tam bảo và Nhà Tổ. Các hạng mục công trình phụ trợ khác tuỳ theo địa hình thế đất mà sắp đặt cho phù hợp. Việc tổ chức như vậy chính là môi trường giúp chúng ta mỗi khi vân tập về chùa có được sự thanh tịnh trang nghiêm toả ra từ hình khối kiến trúc và hoạ tiết trang trí mang đậm bản sắc Phật giáo, Sở-duyên-duyên này là cái duyên môi trường nuôi dưỡng và huân tập thiện pháp. Để rồi từ đó với chính Nhân là Phật tính thường trụ, chúng ta tu dưỡng ngay trong các nỗi khổ niềm đau của mình bằng sự ứng dụng giáo lý Phật đà vào thực tại đời sống, để cho mỗi mỗi hành động, mỗi mỗi ý niệm được thanh tịnh là Quả-Báo chân thật, đó là cội nguồn phát xuất niềm an lạc trong mỗi sát na sự sống, rồi với hạnh Đại thừa chúng ta chia sẻ, dẫn dắt kẻ hậu học để cùng tiến lên trong tương lai gần và làm tư lương cho chuỗi đời vô tận. Việc suy tư và đầu tư vào công trình nhà Tổ chùa Diên Khánh về dụng ý tối hậu chính là phương tiện để tạo ra Lực-Tác-Quả-Báo-Nhân-Duyên-Mạt-Bản như vậy.



 Tiểu kết

Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm Kinh, phẩm Nhập pháp giới nói về cảnh Thiện Tài đồng tử vấn đạo vị thiện tri thức ở thành Sư Tử Phất Tấn, trong điện Tỳ Lô Giá Na Tạng. Sau khi phát tâm Bồ đề, được Bồ Tát Văn Thù khuyến tấn trên con đường sam đạo từ các vị thiện tri thức, học Bồ Tát hạnh và tu Bồ tát đạo để thành Bồ đề quả. Ở điện Tỳ Lô Giá Na tạng ngài được Từ Hạnh đồng nữ Bồ tát giới thiệu pháp môn Bát nhã Ba la mật phổ trang nghiêm là sở đắc của Bồ tát từ ba mươi sáu hằng sa chư Phật. Cốt yếu của pháp môn này là mỹ-thuật-hoá-Phật-giáo. Việc quán sát hình ảnh khắp cung điện, từ trần vách, cột… »mỗi tướng mỗi hình đều hiện pháp giới Như Lai từ sơ phát tâm tu hạnh Bồ tát thành mãn đại nguyện, đầy đủ công đức, thành Đẳng Chính Giác, chuyển diệu Pháp luân, nhẫn đến thị hiện nhập Niết Bàn. Tất cả ảnh tượng như vậy đều hiện rõ cả. Như trong nước thanh tịnh đứng lặng, thấy khắp hư không nhật nguyệt tinh tú… » Do từ công phu quán tưởng ảnh tượng đó mà Bồ Tát tuỳ thuận xu hướng tư duy quán sát ghi nhớ phân biệt liền được phổ môn đà la ni, trăm vạn vô số môn đà la ni đều hiện tiền.

Như thế mới rõ, việc ứng dụng và Phật hoá mỹ thuật trong các công trình thuộc đạo tràng Chân tịnh Chùa hương, đặt biệt ở nhà Tổ chùa Diên Khánh là những bài pháp vô ngôn trợ duyên và giúp chúng ta tu để chứng Phổ môn Đà la ni. Hình tượng về điện Tỳ Lô Giá Na Tạng nói lên ý niệm về pháp môn mật thừa với Bản Tôn là Phật Tỳ Lô Giá Na ( Phật Đại Nhật ) mà hình ảnh và các biểu tượng chủng tử tự, ẩn chứa sắc nét trong từng hoạ tiết mỹ thuật kiến trúc nhà Tổ chùa Diên Khánh.

Vào đêm Đông không lạnh, nhân duyên dạo bước kinh hành trong dãy nhà Hữu vu chùa Diên Khánh, ngắm nhìn từng hòn đá, ngọn cỏ dưới ánh trăng thanh. »…tiếng chuông chùa không đánh mà ngân… » đã đưa chúng tôi vào sự tịch mặc, thông qua khoảng trống hình tròn giữa bức tường kết nối với công trình Tam Bảo, nhà Tổ hiện ra lúc-có, lúc-không trong từng góc nhìn sai khác, như-có, như-không trong từng  vị trí sai khác. Cái nghĩa Có-Không này xin hãy một lần tới chiêm bái để được thấy và biết.


Vạn pháp bản lai chẳng có-không

Có chăng thế tục nợ đèo bồng

Không là không tướng ta cần rõ

Diệu hữu, Chân Không vốn vẫn đồng.


Bài thơ viết tại chùa Diên Khánh nhân dịp về chùa vấn an Thầy :


Đêm Đông chùa vẳng, tiếng chuông ngân

Sóng ánh trăng thanh, cảnh sáng ngần

Ngọn cỏ đầu sương bừng tỉnh ngủ

Tháp vương đỉnh bạc chiếu xa gần

Tâm thôi tục luỵ trần không vướng

Vạn tượng sum la hiển pháp thân

Ai rõ Chân Không và Diệu hữu

Vô vi cảnh giới mới thêm phần.


(Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng)












 6