Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

Maha Tát đát đa, Bát lát đa


Xa xa
Dáng Hạc thong dong,
Đầy sân bóng đổ
trong ngần ánh trăng.
Trong ta
bóng tối đang nằm,
Bỗng! vần thơ cũ
trổ mầm đi ra...
...Ma ha
Tát đát đa!
Bát đát ra!

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Từ thiện Đạo Phật




Mạn đàm

TỪ THIỆN

(Tổng hợp: Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng)

Từ là thương xót, thiện là hiền lành; từ thiện là trước lòng trắc ẩn, tự nguyện làm những việc cứu tế, không thiên chấp một phương diện nào dẫu tinh thần hay vật chất. Chẳng những đói cho ăn, rét cho mặc là từ thiện mà bỏ công bỏ của lập Viện dưỡng lão cấp dưỡng  người già cả, lập Dục anh đường săn sóc lũ trẻ thơ, làm nhà thương cứu chữa tật bệnh, dựng trường học mở mang trí thức cho đến khuyên điều lành dạy lẽ phải, sửa đường sá, làm cầu cống, v.v… đều là việc từ thiện, vì giúp cho đời được bớt ít phần thống khổ.


          Thời mạt pháp hiện nay, tà kiến nổi lên rất nhiều, để cho việc tu hạnh Bồ Tát, tự lợi lợi tha được viên mãn, người con Phật phải phát tâm dũng mãnh tinh tiến, ngày đêm quán chiếu bằng trí Bát Nhã để thấy rõ được nguồn gốc của việc từ thiện, từ nguyên nhân đến kết quả mới mong giúp cho chúng sinh được cái an vui chân thật lâu dài. Vì nhân duyên này mà chúng ta những người phát tâm từ thiện phải dày công tìm hiểu, nhọc tâm suy ngẫm về bản chất công việc từ thiện.

Như vậy Thế nào là từ thiện thế gian, thế nào là từ thiện Đạo Phật?.

Từ thiện thế gian

         

Từ thiện thế gian gốc ở lòng nhân ái. Nhân ái là xét nơi mình mà nghĩ đến người, chẳng những không làm việc tổn hại mà thường thương xót, tự đặt mình nơi địa vị người và tìm cách làm điều lợi lạc. Lòng nhân ái rất đáng quý, nhưng vì lòng nhân ái thế gian thường chỉ để đối với các loài có ý chỉ, có tình cảm như mình nghĩa là đối với đồng loại mà thôi, nên không được rộng lớn và công đức thành cũng có hạn lượng ( giới hạn).

          Ở thế gian, công việc từ thiện đại khái do các nguyên nhân sau đây:

1. Một là do tư cách sẵn có: - Chúng tôi, trải đời này sang đời nọ, từ thân này đến thân khác, đã chịu biết bao điều thống khổ nên cũng đã nuôi sẵn hạt giống nhân ái, nay vì thiện duyên đặng sinh làm người, thì hạt giống ấy càng tấn phát. Vậy nên trước cảnh tượng thống khổ, lắm người đã sinh lòng trắc ẩn và tuỳ theo sức mình gắng làm các việc từ thiện.

2. Hai là do tập quán: - Tập quán là tập lâu thành thói quen, lược có hai phần:

a. Tập quán vì giáo dục, như được sinh trong gia đình hiền lành hằng ngày nghe lời dạy bảo, thấy cách thực hành, tập thành thói quen, rồi cũng hoá ra người từ thiện.

b. Tập quán vì việc làm, như đã ra tay làm việc từ thiện thì lần lần quen tính thường nghĩ đến người, xét công việc mọi người đều có quan hệ đến sự sinh tồn của mình và tự nhận có cái trách nhiệm làm việc lợi ích của mình và tự nhận có cái trách nhiệm làm việc lợi ích cho người để báo đáp ơn đức.

3. Ba là vì muốn tìm sự hạnh phúc cho mình: - Chẳng nói đến những người làm việc từ thiện với cái tâm không từ thiện để mưu cầu danh lợi mà họ đã nhận lầm đó là hạnh phúc; lắm bậc từ thiện vì thường tự đặt mình vào địa vị người nên đã có thể nhận cái hạnh phúc của người làm cái hạnh phúc của mình, mỗi khi làm từ thiện thì thấy được lợi lạc thì tâm trí nhẹ nhàng, tinh thần vui vẻ, đến nỗi về sau chỉ nhận sự ban bố hạnh phúc cho kẻ khác là hạnh phúc mà thôi. Sách Nho có câu “ tối thiện vi lạc” để miêu tả chỗ dụng tâm quý hoá ấy.

          Các việc từ thiện, nguyên nhân đã không đồng, công đức cũng vì đó mà sai khác. Về công đức, chúng ta có thể lược chia những người làm việc thế gian ra ba hạng:

          a. Hạng ham vui: - Hạng này tuy sẵn hạt giống nhân ái, song vì mải lăn lộn theo ngũ dục, xoay vần theo hoàn cảnh, nên tính nhân ái không có dịp phát hiện. Đến khi nghe có người hô hào tổ chức cuộc này, hội nọ để giúp đỡ cho kẻ bị nạn thì họ cũng sẵn lòng hưởng ứng trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng rồi hạt giống nhân ái lại ẩn nấp như cũ. Hạng này như cái chuông có đánh mới kêu, nên công đức không được bao nhiêu.

          b. Hạng vì danh lợi: - Hạng này làm công việc từ thiện để trông mong kiếm chút danh lợi, bỏ tiền trăm bạc ngàn chuộc một cái địa vị trong xã hội, mục đích cốt cho quan trên yêu chuộng, làng xóm nể vì, trong lúc sống được người để ý đến mình, đến khi chết được lưu danh muôn thuở. Hạng người này cũng quý hoá lắm tiếc vì phát tâm không được chính đáng nên kết quả có nhiều nỗi quanh co, lắm khi tuy mặt ngoài làm nhiều việc thiện rực rỡ mà trong u ẩn cũng cứ như làm điều độc ác, đến nỗi công đức không đền bù nổi ác báo.

          c. Hạng cầu hạnh phúc: - Hạng này hoặc vì vui với việc lành, hoặc vì biết lý nhân quả mà làm từ thiện. Công đức hạng này rất to tát nhưng vì còn tính vị kỷ, nên không khỏi so đo, phân biệt việc khó việc dễ, kẻ thân người sơ, lợi ích nhiều ít, công đức lớn nhỏ; nhân đó  mà kết quả cũng có hạng lượng.

 

Từ thiện Đạo Phật

 

Từ thiện Đạo Phật gốc nơi Từ, Bi, Hỷ, Xả.

Đạo Phật xét rõ thân chúng sinh chỉ là cái thân tạm trong một đời, đến khi chết lại phải theo nghiệp mà thụ sinh: Nghiệp lành thì lên những bậc trên, nghiệp dữ thì xuống những bậc dưới, nghiệp trung bình thì không lên không xuống, nhưng lắm khi lại sinh về thế giới khác. Đời này sang đời khác, chúng sinh luân hồi mãi mãi trong vô lượng vô số kiếp, nên chúng sinh nào cũng đã nhiều phen gặp gỡ nhau, làm bà con họ hàng, bạn bè quyết thuộc. Do đó đối với toàn thể chúng sinh, người Đạo Phật đều thương một cách bình đẳng không thiên vị đồng loại mà bỏ các loại khác.

          Đạo Phật lại xét những vui khổ ở đời đều đối đãi với nhau mà thành, cái vui thường đeo theo cái khổ và vui chỉ là sự hết khổ.

          Đạo Phật lại xét toàn thể chúng sinh đều có cái tâm như Phật; cái tâm ấy không vì sự mê lầm của chúng sinh mà sai khác. Chúng sinh đã có cái tâm như Phật, thì chúng sinh nào cũng đều có thể thành Phật, miễn có chí tu tập theo chính pháp.

          Do đó, người theo đạo Phật chẳng cho việc cứu khổ chúng sinh trong một thời gian là đủ mà cốt phải làm thế nào cho chúng sinh chứng rõ tâm tính và hưởng được hạnh phúc hoàn toàn như Phật.

          Vì cái chí nguyện ấy, người đạo Phật phát sinh ra bốn đức Từ, Bi, Hỷ, Xả.

          1. Đức Từ là thương chúng sinh như bà mẹ lành thương con. Bà mẹ chẳng những lo cho con được no ấm mà cốt nhất mong cho con về sau được thành những người học vấn uyên thâm, thành những bậc chính nhân quân tử. Đức từ cũng vậy, đức Từ chẳng những làm cho chúng sinh được vui vẻ về hiện tại, mà cốt nhất làm thế nào cho chúng sinh ra khỏi vòng khổ não, được cái vui nhẹ nhàng sáng suốt, lâu dài, bền chắc của những bậc giác ngộ.

          2. Đức Bi là đối với chúng sinh đương bị tai nạn đau khổ, phát tâm thương xót mà tìm cách cứu vớt. Đức Bi rất trọng yếu cho sự tu tập đạo Phật vì là cội gốc của muôn hạnh muôn đức. Nhờ có đức Bi, chúng sinh mới có thể phát tâm Đại Thừa, tu thành quả Phật. Nguyên nhân phát ra đức Bi vô biên vô lượng: có chúng sinh thấy người thiếu ăn thiếu mặc mà phát ra đức Bi; có chúng sinh thấy cõi đời vô thường, già đau, sống, chết không ngừng mà phát ra đức Bi; có chúng sinh vì thấy đời đau đớn về ái biệt ly khổ mà không biết đoạn lòng ái nên phát ra đức Bi; có chúng sinh thấy người đời tranh nhau trục lợi, lo buồn đau khổ mà không biết đoạn lòng tham nên phát ra đức Bi; có chúng sinh vì thấy người đời mê theo ngoại đạo tà giáo không biết tu tập chính pháp mà phát ra đức Bi; có chúng sinh vì thấy người đời không muốn tai nạn mà cứ tạo ra nhân khổ não nên phát ra đức Bi. Trong lúc ban đầu, người đạo Phật tuy cũng thương người, thương vật, làm việc cứu tế, dạy cách tu trì nhưng vì chưa phát ra trí tuệ, chưa đủ năng lực nên còn có chướng ngại, còn có hạn lượng.

          Về sau, chứng được Chân Như trí, đem cái diệu dụng của trí ấy mà làm việc từ thiện thì mới thật là đại bi, vì có thể cứu độ một cách rốt ráo vô lượng vô biên chúng sinh, không còn bị tình cảm phân biệt hạn chế.

          3. Đức Hỷ là vui mừng trong khi gặp gỡ chúng sinh, vì có gặp gỡ mới có thể cứu độ. Đức Hỷ làm cho người tu hành được tinh tiến. Trong lúc độ sinh gặp những sự khó khăn đau đớn cũng vui vẻ bước tới, dầu tự mình chưa giác ngộ. Đức Hỷ lại làm cho các chúng sinh vui lòng nghe lời dạy bảo, vì đức Hỷ có thể cảm hoá chúng sinh làm cho phát tâm hoan hỷ trong khi gặp gỡ.

          4. Đức Xả là nhận rõ muôn vật muôn sự đều chỉ là tướng đối đãi giả dối, không có tự tính nên không sinh lòng chấp trước. Nhờ đức Xả, người tu hành tránh được các điều danh lợi, các lòng kiêu mạn, các sự tham cầu, dầu là tham cầu Niết-bàn cho mình và giải thoát được ra ngoài hạng lượng. Nói tóm lại, Từ và Xả là cái quan niệm bề trong, Bi và Hỷ là cái đối niệm bề ngoài: nhờ có đức Từ và đức Xả nên đức Bi và đức Hỷ mới viên mãn.

          Cách thật hành từ thiện của đạo Phật có thể gồm trong bốn món nhiếp sự là: Bố thí, lợi hành, ái ngữ và đồng sự.

          1. Bố thí là gì? – Bố nghĩa là rộng, rộng khắp mọi người không phân biệt chỗ xa chỗ gần, xứ mình xứ người, không phân biệt kẻ thân người sơ, kẻ quen người lạ. Thí nghĩa là phân phát, phân phát những sự vật có của mình. Xem như vậy thì biết những người để của lại cho con không phải là bố thí, những người buôn bán đổi chác cũng không phải là bố thí.

          Bố thí là lấy của mình mà làm các thiện sự như giúp đỡ cho kẻ đói rét, cúng dường cho kẻ tu hành, v.v…

          2. Lợi hành là làm những việc lợi ích cho người như dắt dìu kẻ đui mù, cứu vớt kẻ tai nạn, an ủi kẻ lo buồn, giúp đỡ kẻ mệt yếu, hoặc làm những việc công ích như sửa đường sá, xây cầu cống, v.v…

          3. Ái ngữ nghĩa là lấy lòng từ bi mà thuyết pháp độ sinh; thuyết pháp độ sinh không ngoài bốn món Tất-đàn: Thế giới tất đàn, vị nhân tất đàn, đối trị tất đàn, đệ nhất nghĩa tất đàn.

           a. Thế giới tất đàn là thể theo lòng hy vọng của thế gian mà thuyết pháp để chúng sinh phát tâm nhàm chán các điều khổ não và tu tập cho đặng hoàn toàn hạnh phúc.

          b. Vị nhân tất đàn là tuỳ theo căn cơ mỗi người mà chỉ vẽ con đường tu hành

          c. Đối trị tất đàn là tuỳ theo phiền não mê chấp mà chỉ vẽ cách đối trị

          d. Đệ nhất nghĩa đế tất đàn là chỉ rõ chân như pháp tính để cho chúng sinh được giải thoát ra ngoài các hạng lượng, đối đãi.

          4. Đồng sự là đồng làm việc với nhau, như đồng hương, đồng tộc, đồng ở một công sở, đồng làm một chức nghiệp, v.v…, do đó mới làm cái gương đức hạnh, gây ra được thiện duyên và dắt dìu lần mọi người đều hiểu được chính pháp, tu được chính pháp và ra khỏi sông mê bể khổ.

          Công đức của công việc từ thiện theo đạo Phật là vô biên vô lượng. Dầu khi mới phát tâm, vì thương người thương vật đương chìm đắm trong biển sinh tử theo sức mình làm việc từ thiện có hạn lượng nhưng cái tâm từ, bi, hỷ, xả vẫn không hạn lượng nên công đức không thể kể xiết.

          Đại Nhật kinh có câu: “ Tâm Bồ đề là nhân, Đại bi là căn bản, phương tiện là cứu kính”. Nhân thấy sự khổ não mà động lòng thương xót, nhân động lòng thương xót mà phát tâm bồ đề, thực hành những việc tự lợi, lợi tha; nhân làm những việc tự lợi, lợi tha mà trí tuệ được sáng suốt, nguyện lực được rộng lớn, lần chứng được đức đại bi của các vị Bồ Tát. Do đức đại bi mà phương tiện hoá độ theo căn cơ chúng sinh đến khi công đức viên mãn tức là thành Phật.

          Thế mới biết làm việc từ thiện là một điều cốt yếu cho hàng Phật tử; vì ngoài việc từ thiện thì không thể nào đầy đủ công đức mà thành quả Phật.
 

 

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Tịnh độ


Phép tu Tịnh Độ


Thường ngày sau mỗi thời hành trì, dù là tụng kinh trì chú hay toạ thiền, chúng tôi thường kết thúc bằng lục hoằng thệ nguyện như sau:

Chúng sinh vô biên thề nguyện độ
Phiền não vô lượng thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phúc trí vô biên thệ nguyện tu
Như Lai vô số thệ nguyện thị giả
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Pháp môn tu Phật thật là vô lượng, người con Phật đã phát tâm Vô thượng Bồ đề thì phải tinh tiến tu học theo các pháp môn Phật dạy để dần thanh tịnh thân tâm, học rộng để đắc Bát Nhã trí, song song độ mình độ người để cùng giải thoát mọi sự huyễn hư. Cái nhân Tinh tiến nhiều đời nhiều kiếp như thế cái Quả vị lai sẽ hội đủ ba đức của Niết Bàn gồm: đại Pháp thân là thật thể, đại Bát Nhã là thật trí, đại Giải Thoát là thật dụng.

Về phương diện Y Báo, thành Phật chính là biến cõi thế giới của mình thành cõi Tịnh Độ, Tịnh là thanh tịnh không có uế trược, Độ là môi trường phong thuỷ xuất thế gian ( Sở duyên duyên) để hoá độ chúng sinh.

Như vậy, pháp tu Tịnh độ vốn vô lượng, học mấy cũng không tới, suy nghiệm mấy cũng không cùng. Nhân duyên cùng sam học cùng chư vị đạo hữu, Quảng Kiến tôi nay tổng hợp các bài giảng của Ngài Trưởng Giả Tâm Minh Lê Đình Thám mong mỏi chia sẻ kiến thức Phật học, tất cả cùng chiêm nghiệm và ứng dụng giáo lý của Phật, chắn chắn hiện tại sẽ được đôi phần tự chủ mà công đức tu học về sau thật khó thể nghĩ bàn.

Phép tu Tịnh độ vẫn vô biên vô lượng, nhưng ước lượng cũng có thể gồm trong ba cách là: phép tu thật chứng Tịnh Độ, phép tu Tạo thành Tịnh Độ, phép tu vãng sinh Tịnh Độ.

I. Phép tu thật chứng Tịnh độ

Phép tu này cốt để cho người tu hành thiết thật chứng được cảnh giới thanh tịnh.

          Kinh Hoa Nghiêm có câu “ Nhất thế duy tâm tạo”, nghĩa là mọi sư sự vật vật đều do tâm tạo ra. Đạo lý duy tâm rất vi diệu, nhưng trong đời sống bình thường cũng có thể xét nhận rõ ràng. Như trong một cảnh, đồng một việc, người ưa thì thấy đẹp hay ho, người ghét thì thấy xấu xa vụng về, đó là một ví dụ về hoàn cảnh thường tuỳ theo tâm niệm mà thay đổi. Ở giữa đời biết bao nhiêu cảnh làm cho người cười kẻ khóc, người vui mừng kẻ buồn tức; lại người đương vui thì thấy cảnh nào cũng tươi đẹp, người đương lúc buồn thì cảnh nào cũng đeo sầu, vậy là tâm tạo ra rõ ràng. Thế mà chúng ta không rõ lý duy tâm, gặp cảnh ưa thì nghĩ thật đáng ưa mà sinh lòng tham, gặp cảnh mình ghét thì làm ra những nghiệp sát, đạo, dâm, vọng, làm tổn hại cho mình cho người. Vì chúng ta còn tham chấp như vậy nên trong cảnh giới duy tâm, chúng ta mới phát ra năm điều ham muốn là Ngũ dục. Ngũ dụng là tài, sắc, danh, thực, thuỵ: Tài là ham muốn của cải, sắc là ham muốn sắc đẹp, danh là ham muốn danh tiếng, thực là ham muốn ăn uống, thuỵ là ham muốn ngủ nghỉ. Năm điều đó làm cho chúng ta say mê theo hoàn cảnh, dong ruổi theo hoàn cảnh, không lúc nào được thanh tịnh; mà tâm không thanh tịnh thì cảnh giới cũng hoá thành không thanh tịnh. Vậy người tu hành muốn thật chứng Tịnh độ trước hết cần dứt trừ năm điều ham muốn ấy, lấy sự dứt trừ ấy làm cái hy vọng, cái mục đích của cuộc đời mình, hằng ngày xét rõ cái nguyên nhân và cáu kết quả xấu xa của nó mà chán hẳn đi thì một ngày kia mới được ra khỏi vòng Ngũ dục và được tâm ly dục. Tâm được ly dục thì cảnh giới sẽ hoá ra an vui trong sạch, không còn gì làm cho tâm phải buồn rầu đau đớn nữa. Chừng ấy mới đem tâm ly dục mà tu phép Vô ngã để ra khỏi luân hồi, tu phép Bất nhị để chứng tính Chân như: Tâm càng thanh tịnh chừng nào thì cảnh giới càng thanh tịnh chừng ấy, đó là phép tu hành thật chứng Tịnh độ.          

 

Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Diệu pháp Liên Hoa


KINH PHÁP HOA
HUYỀN NGHĨA
 

Bài thơ:
CHƯ PHÁP THẬT TƯỚNG
-----------------------------------
Tướng trắng Tính vàng Thể đó mà
Sum la diệu Dụng một cành hoa
Nhân Duyên hạt giống sinh bông, Quả
Sáng-tối nhỏ-to Lực Tác ra
Duyên Khởi trùng trùng gốc (Bản) tới ngọn (Mạt)
Pháp môn Tích, Bản lý gần xa
Ta Bà Phật hiện bày tri kiến
Pháp giới rõ là : một đoá hoa!
-----------------------------( Quảng Kiến)
Ghi chú:
Chư Pháp thật tướng là điều đức Phật chỉ thẳng cho chúng sinh biết rõ hình tướng chân thật của pháp giới ở ngay phẩm phương tiện Kinh Pháp Hoa. Nói đến thật tướng của chư pháp là nói đến vạn hữu trong pháp giới, các pháp đều có hình TƯỚNG kết hợp với TÍNH-chất thành ra THỂ. Thể có ảnh hưởng tạo ra tác dụng là DỤNG, Dụng này có sự tương tác ra xung quanh là TÁC. Tác có lực nhất định gọi  là LỰC. Lực này tạo ra kết quả là QUẢ. Quả có cái đối ứng lại gọi là BÁO. Tất cả có sự kết hợp như vậy gọi là DUYÊN. Duyên nào cũng có nguyên nhân là NHÂN. Nhân đều có nguồn gốc là BẢN ( gốc). Tất cả đều có duyên khởi trùng trùng gọi là MẠT ( cành lá rễ...). Phần thập (10) như thị ( TƯỚNG, TÍNH, THỂ, TÁC, LỰC, QUẢ, BÁO, NHÂN, DUYÊN, MẠT, BẢN) nói về tính thường trụ của vạn pháp, gọi là "chư pháp thật tướng". Rõ được thật tướng thì thấy được tính “Duyên Khởi trùng trùng gốc (Bản) tới ngọn (Mạt)” là thật tính của các pháp, năng quán sát sự sự vật vật như vậy đến khi thành thục thì gọi là “kiến tính thành Phật”, đó cũng là ý bản hoài của chư Phật, để cho chúng sinh thấy rõ sự việc Phật đản sinh là “Ta Bà Phật hiện bày tri kiến”. Cái tri kiến này, như cái thấy của ngài Ma ha Ca Diếp trong hội Linh Sơn được Phật ấn chứng làm Tổ Thiền tông,  khi đức Phật đưa cành sen lên thì ngài mỉm cười ( niêm hoa vi tiếu ).
Ta đã có Chánh pháp Nhãn tàng, Niết bàn Diệu tâm, Thực tướng Vô tướng, nay phó chúc cho Ma Ha Ca Diếp.”
Lời phó chúc trên của Phật cho ngài Ca Diếp là tông chỉ của thiền tông 32 đời Tổ Sư. Cốt lõi cũng ở “ Thực tướng Vô tướng”. Chư pháp thật tướng cũng chính là chư pháp Thực tướng. Thực và Vô tướng này của các pháp chính là điều Phật muốn chúng sinh “Tri kiến”, đó chính là huyền nghĩa mà Phật thấy nghe về chư pháp.
            Kinh Pháp Hoa huyền nghĩa, ý chỉ thẳng về Chân tâm hay Tri kiến Phật, ở phẩm nói về chàng Cùng-Tử có viên ngọc quý đeo ở trong người mà không biết lại phải nhọc công lặn lội đi ăn xin khắp nơi. Viên ngọc quý này như Tổ sư Nhất Không từng nói với ngài Bao Thanh Thiên ( Bao Công ):
                       
Ta có viên ngọc quý
Bấy lâu bụi lấm đầu
Ngày nay thân tâm sạch
Rũ bỏ mọi tình sầu
Tâm ta là nguồn sáng
Soi chiếu khắp nơi nơi
Trăng thanh là phú quý
Gió mát là công danh
Cho vui là chí nguyện
Cứu khổ ấy thực hành

Ngài Nhất Không Tổ sư muốn nói với Ông Bao Công về “viên ngọc quý”, “ bụi lấm”, “ ngày nay thân tâm sạch”, “rủ bỏ mọi tình sầu” là TƯỚNG.  Câu “ tâm ta là nguồn sáng” là TÍNH. Câu “ soi chiếu khắp nơi nơi” là DỤNG. Tướng cộng Tính là Thể, phát ra diệu DỤNG từ bi phổ độ chúng sinh hiện tướng là đại Hạnh Phổ Hiền, với tứ dụng của Bồ Tát là: từ, bi, hỷ, xả. Thể, dụng, tướng, tính, chính là nói  đến nhân quả đồng thời của Hoa Sen hay Liên Hoa, nghĩa là nói đến duyên khởi trùng trùng, vì nhân làm ra quả, quả lại làm nhân mới…, dụ như cái xấu lại là nhân của cho cái tốt ( câu chuyện rắn cắn ngón tay!), đó cũng là mật nghĩa của câu: “ phiền não tức Bồ Đề” vậy. Sự sự việc việc xét cho cùng tột như vậy thì không có cái gì là chủ thể, không có điều gì là luôn đúng là luôn sai, không có ai là quyết định được sự việc mà không dựa vào nhân duyên của nhiều người trong pháp giới… Cái này đối với cái kia âu cũng là ở quan niệm mà không phải thật có, như vậy là mọi vật không sai khác, mà cũng không phải không sai khác. Tính Không-Hai này được ngài Đại Bồ Tát ở cõi nước Diệu Hỷ Phương Đông là ngài Duy Ma Cật đã hiện tướng Cư sĩ xuống cõi Ta Bà thuyết giảng với các vị đại đệ tử của Đức Thích Ca.

            Kinh Phật thuyết có nhiều, song cốt yếu vẫn để cho chúng sinh thấy rõ được Tri kiến Phật, thấu rõ chúng sinh nào cũng được thành Phật vào đời tương lai ( kể cả ông Đề Bà Đạt Đa từng nhiều lần hại Phật) ở phẩm Phật thụ ký, thời gian nhanh hay chậm phụ thuộc vào tâm tinh tiến của mỗi cá nhân chúng sinh…

            Tri kiến Phật mà đức Phật chỉ bày trong Pháp Hoa Kinh như vậy là tính duyên khởi trùng trùng của pháp giới. Pháp giới có vô cùng vô tận thì cũng duyên khởi từ những điều tưởng như rất nhỏ, như một bông hoa vậy thôi. Đó là huyền ý hai câu cuối của bài thơ chư pháp thật tướng:
 
“ …Ta Bà Phật hiện bày tri kiến
Pháp giới rõ là một đoá hoa.

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Chân Lý

Mạn đàm về Chân Lý




Bàn về Chân lý có nhiều, tùy theo sự gì, việc gì, điều mong muốn gì mà có cái lý riêng. Thế gian khi bàn về Chân lý thường nặng về lý của cái tình, khiến cho cái Chân ban đầu rất lớn đến đuôi lại nhỏ đi. Dụ như chân lý " muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy", hay " không thầy đố mày làm nên"... chữ Thầy ở đây là cần thiết cho hướng dẫn ban đầu, việc tiến bộ hay không thì phải tự mỗi cá nhân sam học, chứ coi như có thầy mà không chịu khó khổ công học hỏi thì cái nhân Thầy ban đầu lớn đến học trò lại chẳng học được gì, thì việc có thầy cũng như không vậy.
Các học giả phương Tây nói Chân Lý chính là sự thật, nghĩa là có thì nói có, không thì nói không, không thêm không bớt. Theo nghĩa này thì Chân lý chính là lý chân thật.
              Theo Đạo Phật , nghĩa hai từ Chân Lý là Chân Như lý tính, là cái lý tính chân thật “ như như bình đẳng” của sự sự vật vật.
              Cái Chân lý, cái lý chân thật đó người đạo Phật ai cũng nên biết rồi mới y như lý mà tu hành chứng quả, nếu không rõ sự thực, nhắm mắt làm càn thì tu chẳng biết tu thế nào, chứng chẳng biết chứng thế nào, thì dầu có cả ngày tụng kinh lần tràng hạt, rốt cuộc cũng thành ma ngoại mà thôi.
              Việc đi tìm Chân lý cũng như người đi đường phải xét rõ lộ trình như xa hay gần, đi bằng xe ô tô hay tàu thủy, phí tổn hết bao nhiêu…, nếu không biết trước, nhắm mắt đi liều thì chắc chắn không đạt được mục đích mà lắm khi lại rớt xuống hố sâu, sa vào hang cọp, khổ sở kể sao cho xiết.
              Đường tu hành theo Đạo Phật cũng vậy, trước hết cần biết chỗ chân thật; song đã biết rồi thì phải dụng công thực hành rồi mới đến nơi, chứ chỉ nói suông thì chẳng bao giờ chứng quả chân thật.
              Lối tu hành theo Đạo Phật cốt nơi tham cứu và hành trì, mà hành trì lại phải căn cứ theo giới luật. Riêng phần giới luật cũng là một phép tu rất mau chóng có hiệu quả, trong đó cũng có nhiều tướng vi tế cần phải tham cứu chính chắn rồi mới hiểu rõ được. Có hiểu rõ rồi mới có thể thực hành trì giới.
              Nhân giới mà sinh Định, nhân Định mà phát Tuệ, trong đó có nhiều tầng bậc, mà mỗi tầng bậc lại có hành tướng khác nhau, nên cần phải tham cứu nhiều năm mới hiểu rõ hết.
              Phật pháp tuy không phải ở nơi văn tự, văn tự là ngón tay chỉ trăng, muốn thấy mặt trăng tất nhiên phải nương theo ngón tay chỉ. Theo luận Du Già Sư Địa, lý chân thật là lối biết rõ các pháp y như tính sở hữu ( Như sở hữu tính) và cùng tột tính sở hữu của nó ( Tận sở hữu tính).
  1. Như sở hữu tính. – Các pháp vẫn nhiều, song nếu y như tính chân thật của các pháp mà soi xét thời pháp nào cũng có tính vô thường, khổ, không, vô ngã.
Chúng ta xét trong muôn sự muôn vật, cái gì có thể chỉ ra đều là vô thường thay đổi, không một vật gì, không một cái gì là thường trụ. Thân thể của các loài sinh vật khi nhỏ, khi lớn, khi già thay đổi đã đành mà các món khoáng vật cũng thầm thầm dời đổi theo sự chi phối của hoàn cảnh.
       Chẳng những sắc pháp mà tâm pháp cũng như vậy, khi ghét khi ưa, khi vui khi khổ, khi nhỏ thì dại, khi lớn thì khôn, khi đủ nhân duyên thì có, khi hết nhân duyên thì không, vẫn không có gì là nhất định. Thế mới biết tất cả các pháp đều có tính vô thường, vì vô thường nên gây ra các sự khổ; trẻ hóa già là khổ, mạnh hóa đau là khổ, sống hóa chết là khổ, có hóa không là khổ; người trong pháp giới vô thường mà không biết giác ngộ thời tất nhiên phải chịu các sự khổ.
       Song xét ra các pháp là vô thường, giây lát đã thay đổi thế này thế khác thì quyết định không phải thật là tồn tại, vì rằng một cái xác thật tồn tại thế nào cũng phải có tính nhất định mới được. Nếu thay đổi mãi mãi, năm này không phải như năm trước, ngày này không phải như ngày qua, giờ này không phải như giờ khác thì con biết gì là gì được nữa. Mà đã không thể chỉ tính nhất định của các pháp là gì, thì còn nương vào đâu mà cho rằng thật tồn tại, là thật có.
       Các pháp đều không phải thật tồn tại, đều không phải thật có nên pháp nào cũng đều là không cả.
       Tính của các pháp đã là không thì các pháp quyết định không có tự thể, mà đã không có tự thể thì pháp nào cũng có tính vô ngã.
    2. Tận sở hữu tính: - Vô thường, khổ, không, vô ngã là tính chân thật của các pháp. Song các pháp “vô thường, khổ, không, vô ngã” ấy nếu xét cho cùng tột thì đối đãi với nhau, lại có tính riêng của mỗi pháp, như lửa có tính nóng, đá có tính cứng v.v…
Trong thế gian, vì không biết các pháp y như tính sở hữu, chỉ biết những tính giả dối trong vòng đối đãi, nên thường lầm cái giả dối kia là chân thật.
Ví như người trong chiêm bao không biết mình đang chiêm bao, lại hết lòng xem xét vì sao ngựa lại hoá ra cọp, nước lại hoá ra lửa, gắng công tìm xét đủ vành đủ cách, song chỉ vì không biết là cảnh chiêm bao, nên dầu tìm xét bao nhiêu cũng chỉ tìm xét trong chiêm bao mà thôi. Thế gian cũng vậy, thế gian không biết các pháp là “ vô thường, khổ, không, vô ngã”, nên dầu gắng công soi xét đến đâu, rốt cuộc cũng chỉ ở trong vòng huyễn mộng.
Vì vậy nếu ai muốn rõ Chân lý cần phải y theo lý chân thật soi xét các pháp để cho rõ biết các pháp đều thật có tính “ vô thường, khổ, không, vô ngã”. Xét rõ như vậy rồi y theo tính chân thật đó mà hành động thời mới có thể chắc được vài phần tự chủ.
Hằng ngày tu tập quán xét như vậy mãi, đến khi từ tâm pháp cho đến sắc pháp đều thiết thật nhận rõ tính “ vô thường, khổ, không, vô ngã”, thì chứng được Vô sinh trí.
Đem Vô sinh trí ra mà thực nghiệm, xét rõ cùng tột tính riêng của các pháp mà liền nhận rõ các pháp là “ vô thường, khổ, không, vô ngã”, đến khi tuyệt đối tức là đối đãi, đối đãi tức là tuyệt đối. Thấy không thật có tuyệt đối, không thấy có đối đãi, chân thật rõ biết các pháp đều là “ vô thường, khổ, không, vô ngã” đều là như như binh đẳng, không phải sai biệt mà cũng không phải là vô sai biệt thì mới chứng được Vô pháp trí. Khi ấy mới biết sự thật là gì, khi ấy mới chứng được lý chân thật.
Chân thì không vọng, thật thì không giả, nếu còn đeo cái vọng cái giả bên mình thì không bao giờ thấy được lý chân thật.