Bàn về Chân lý có nhiều, tùy theo sự gì, việc gì, điều mong muốn gì mà có cái lý riêng. Thế gian khi bàn về Chân lý thường nặng về lý của cái tình, khiến cho cái Chân ban đầu rất lớn đến đuôi lại nhỏ đi. Dụ như chân lý " muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy", hay " không thầy đố mày làm nên"... chữ Thầy ở đây là cần thiết cho hướng dẫn ban đầu, việc tiến bộ hay không thì phải tự mỗi cá nhân sam học, chứ coi như có thầy mà không chịu khó khổ công học hỏi thì cái nhân Thầy ban đầu lớn đến học trò lại chẳng học được gì, thì việc có thầy cũng như không vậy.
Các học giả phương Tây nói Chân Lý chính là sự thật, nghĩa là có thì nói có, không thì nói không, không thêm không bớt. Theo nghĩa này thì Chân lý chính là lý chân thật.
Theo Đạo Phật , nghĩa hai từ Chân Lý là Chân Như lý tính, là cái lý tính chân thật “ như như bình đẳng” của sự sự vật vật.
Cái Chân lý, cái lý chân thật đó người đạo Phật ai cũng nên biết rồi mới y như lý mà tu hành chứng quả, nếu không rõ sự thực, nhắm mắt làm càn thì tu chẳng biết tu thế nào, chứng chẳng biết chứng thế nào, thì dầu có cả ngày tụng kinh lần tràng hạt, rốt cuộc cũng thành ma ngoại mà thôi.
Việc đi tìm Chân lý cũng như người đi đường phải xét rõ lộ trình như xa hay gần, đi bằng xe ô tô hay tàu thủy, phí tổn hết bao nhiêu…, nếu không biết trước, nhắm mắt đi liều thì chắc chắn không đạt được mục đích mà lắm khi lại rớt xuống hố sâu, sa vào hang cọp, khổ sở kể sao cho xiết.
Đường tu hành theo Đạo Phật cũng vậy, trước hết cần biết chỗ chân thật; song đã biết rồi thì phải dụng công thực hành rồi mới đến nơi, chứ chỉ nói suông thì chẳng bao giờ chứng quả chân thật.
Lối tu hành theo Đạo Phật cốt nơi tham cứu và hành trì, mà hành trì lại phải căn cứ theo giới luật. Riêng phần giới luật cũng là một phép tu rất mau chóng có hiệu quả, trong đó cũng có nhiều tướng vi tế cần phải tham cứu chính chắn rồi mới hiểu rõ được. Có hiểu rõ rồi mới có thể thực hành trì giới.
Nhân giới mà sinh Định, nhân Định mà phát Tuệ, trong đó có nhiều tầng bậc, mà mỗi tầng bậc lại có hành tướng khác nhau, nên cần phải tham cứu nhiều năm mới hiểu rõ hết.
Phật pháp tuy không phải ở nơi văn tự, văn tự là ngón tay chỉ trăng, muốn thấy mặt trăng tất nhiên phải nương theo ngón tay chỉ. Theo luận Du Già Sư Địa, lý chân thật là lối biết rõ các pháp y như tính sở hữu ( Như sở hữu tính) và cùng tột tính sở hữu của nó ( Tận sở hữu tính).
- Như sở hữu tính. – Các pháp vẫn nhiều, song nếu y như tính chân thật của các pháp mà soi xét thời pháp nào cũng có tính vô thường, khổ, không, vô ngã.
Chúng ta xét trong muôn sự muôn vật, cái gì có thể chỉ ra đều là vô thường thay đổi, không một vật gì, không một cái gì là thường trụ. Thân thể của các loài sinh vật khi nhỏ, khi lớn, khi già thay đổi đã đành mà các món khoáng vật cũng thầm thầm dời đổi theo sự chi phối của hoàn cảnh.
Chẳng những sắc pháp mà tâm pháp cũng như vậy, khi ghét khi ưa, khi vui khi khổ, khi nhỏ thì dại, khi lớn thì khôn, khi đủ nhân duyên thì có, khi hết nhân duyên thì không, vẫn không có gì là nhất định. Thế mới biết tất cả các pháp đều có tính vô thường, vì vô thường nên gây ra các sự khổ; trẻ hóa già là khổ, mạnh hóa đau là khổ, sống hóa chết là khổ, có hóa không là khổ; người trong pháp giới vô thường mà không biết giác ngộ thời tất nhiên phải chịu các sự khổ.
Song xét ra các pháp là vô thường, giây lát đã thay đổi thế này thế khác thì quyết định không phải thật là tồn tại, vì rằng một cái xác thật tồn tại thế nào cũng phải có tính nhất định mới được. Nếu thay đổi mãi mãi, năm này không phải như năm trước, ngày này không phải như ngày qua, giờ này không phải như giờ khác thì con biết gì là gì được nữa. Mà đã không thể chỉ tính nhất định của các pháp là gì, thì còn nương vào đâu mà cho rằng thật tồn tại, là thật có.
Các pháp đều không phải thật tồn tại, đều không phải thật có nên pháp nào cũng đều là không cả.
Tính của các pháp đã là không thì các pháp quyết định không có tự thể, mà đã không có tự thể thì pháp nào cũng có tính vô ngã.
-
2. Tận sở hữu tính: - Vô thường, khổ, không, vô ngã là tính chân thật của các pháp. Song các pháp “vô thường, khổ, không, vô ngã” ấy nếu xét cho cùng tột thì đối đãi với nhau, lại có tính riêng của mỗi pháp, như lửa có tính nóng, đá có tính cứng v.v…
Trong thế gian, vì không biết các pháp y như tính sở hữu, chỉ biết những tính giả dối trong vòng đối đãi, nên thường lầm cái giả dối kia là chân thật.
Ví như người trong chiêm bao không biết mình đang chiêm bao, lại hết lòng xem xét vì sao ngựa lại hoá ra cọp, nước lại hoá ra lửa, gắng công tìm xét đủ vành đủ cách, song chỉ vì không biết là cảnh chiêm bao, nên dầu tìm xét bao nhiêu cũng chỉ tìm xét trong chiêm bao mà thôi. Thế gian cũng vậy, thế gian không biết các pháp là “ vô thường, khổ, không, vô ngã”, nên dầu gắng công soi xét đến đâu, rốt cuộc cũng chỉ ở trong vòng huyễn mộng.
Vì vậy nếu ai muốn rõ Chân lý cần phải y theo lý chân thật soi xét các pháp để cho rõ biết các pháp đều thật có tính “ vô thường, khổ, không, vô ngã”. Xét rõ như vậy rồi y theo tính chân thật đó mà hành động thời mới có thể chắc được vài phần tự chủ.
Hằng ngày tu tập quán xét như vậy mãi, đến khi từ tâm pháp cho đến sắc pháp đều thiết thật nhận rõ tính “ vô thường, khổ, không, vô ngã”, thì chứng được Vô sinh trí.
Đem Vô sinh trí ra mà thực nghiệm, xét rõ cùng tột tính riêng của các pháp mà liền nhận rõ các pháp là “ vô thường, khổ, không, vô ngã”, đến khi tuyệt đối tức là đối đãi, đối đãi tức là tuyệt đối. Thấy không thật có tuyệt đối, không thấy có đối đãi, chân thật rõ biết các pháp đều là “ vô thường, khổ, không, vô ngã” đều là như như binh đẳng, không phải sai biệt mà cũng không phải là vô sai biệt thì mới chứng được Vô pháp trí. Khi ấy mới biết sự thật là gì, khi ấy mới chứng được lý chân thật.
Chân thì không vọng, thật thì không giả, nếu còn đeo cái vọng cái giả bên mình thì không bao giờ thấy được lý chân thật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét