Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Tịnh độ


Phép tu Tịnh Độ


Thường ngày sau mỗi thời hành trì, dù là tụng kinh trì chú hay toạ thiền, chúng tôi thường kết thúc bằng lục hoằng thệ nguyện như sau:

Chúng sinh vô biên thề nguyện độ
Phiền não vô lượng thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phúc trí vô biên thệ nguyện tu
Như Lai vô số thệ nguyện thị giả
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Pháp môn tu Phật thật là vô lượng, người con Phật đã phát tâm Vô thượng Bồ đề thì phải tinh tiến tu học theo các pháp môn Phật dạy để dần thanh tịnh thân tâm, học rộng để đắc Bát Nhã trí, song song độ mình độ người để cùng giải thoát mọi sự huyễn hư. Cái nhân Tinh tiến nhiều đời nhiều kiếp như thế cái Quả vị lai sẽ hội đủ ba đức của Niết Bàn gồm: đại Pháp thân là thật thể, đại Bát Nhã là thật trí, đại Giải Thoát là thật dụng.

Về phương diện Y Báo, thành Phật chính là biến cõi thế giới của mình thành cõi Tịnh Độ, Tịnh là thanh tịnh không có uế trược, Độ là môi trường phong thuỷ xuất thế gian ( Sở duyên duyên) để hoá độ chúng sinh.

Như vậy, pháp tu Tịnh độ vốn vô lượng, học mấy cũng không tới, suy nghiệm mấy cũng không cùng. Nhân duyên cùng sam học cùng chư vị đạo hữu, Quảng Kiến tôi nay tổng hợp các bài giảng của Ngài Trưởng Giả Tâm Minh Lê Đình Thám mong mỏi chia sẻ kiến thức Phật học, tất cả cùng chiêm nghiệm và ứng dụng giáo lý của Phật, chắn chắn hiện tại sẽ được đôi phần tự chủ mà công đức tu học về sau thật khó thể nghĩ bàn.

Phép tu Tịnh độ vẫn vô biên vô lượng, nhưng ước lượng cũng có thể gồm trong ba cách là: phép tu thật chứng Tịnh Độ, phép tu Tạo thành Tịnh Độ, phép tu vãng sinh Tịnh Độ.

I. Phép tu thật chứng Tịnh độ

Phép tu này cốt để cho người tu hành thiết thật chứng được cảnh giới thanh tịnh.

          Kinh Hoa Nghiêm có câu “ Nhất thế duy tâm tạo”, nghĩa là mọi sư sự vật vật đều do tâm tạo ra. Đạo lý duy tâm rất vi diệu, nhưng trong đời sống bình thường cũng có thể xét nhận rõ ràng. Như trong một cảnh, đồng một việc, người ưa thì thấy đẹp hay ho, người ghét thì thấy xấu xa vụng về, đó là một ví dụ về hoàn cảnh thường tuỳ theo tâm niệm mà thay đổi. Ở giữa đời biết bao nhiêu cảnh làm cho người cười kẻ khóc, người vui mừng kẻ buồn tức; lại người đương vui thì thấy cảnh nào cũng tươi đẹp, người đương lúc buồn thì cảnh nào cũng đeo sầu, vậy là tâm tạo ra rõ ràng. Thế mà chúng ta không rõ lý duy tâm, gặp cảnh ưa thì nghĩ thật đáng ưa mà sinh lòng tham, gặp cảnh mình ghét thì làm ra những nghiệp sát, đạo, dâm, vọng, làm tổn hại cho mình cho người. Vì chúng ta còn tham chấp như vậy nên trong cảnh giới duy tâm, chúng ta mới phát ra năm điều ham muốn là Ngũ dục. Ngũ dụng là tài, sắc, danh, thực, thuỵ: Tài là ham muốn của cải, sắc là ham muốn sắc đẹp, danh là ham muốn danh tiếng, thực là ham muốn ăn uống, thuỵ là ham muốn ngủ nghỉ. Năm điều đó làm cho chúng ta say mê theo hoàn cảnh, dong ruổi theo hoàn cảnh, không lúc nào được thanh tịnh; mà tâm không thanh tịnh thì cảnh giới cũng hoá thành không thanh tịnh. Vậy người tu hành muốn thật chứng Tịnh độ trước hết cần dứt trừ năm điều ham muốn ấy, lấy sự dứt trừ ấy làm cái hy vọng, cái mục đích của cuộc đời mình, hằng ngày xét rõ cái nguyên nhân và cáu kết quả xấu xa của nó mà chán hẳn đi thì một ngày kia mới được ra khỏi vòng Ngũ dục và được tâm ly dục. Tâm được ly dục thì cảnh giới sẽ hoá ra an vui trong sạch, không còn gì làm cho tâm phải buồn rầu đau đớn nữa. Chừng ấy mới đem tâm ly dục mà tu phép Vô ngã để ra khỏi luân hồi, tu phép Bất nhị để chứng tính Chân như: Tâm càng thanh tịnh chừng nào thì cảnh giới càng thanh tịnh chừng ấy, đó là phép tu hành thật chứng Tịnh độ.          

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét