Pháp Phật có
nhiều, mỗi mỗi pháp môn đều căn cứ theo căn tính của chúng sinh mà thiết lập. Về
sự tướng có khác nhưng về Chân lý chỉ có một "vị". Đó là vị giải-thoát, “giải” là
làm cho thay đổi nhận thức sai lầm về thực tại của đời sống, “thoát” là rời những
ràng buộc làm cho chúng ta mất sự tự do. Kinh Pháp Bảo Đàn nói “ Phật pháp bất
ly thế gian giác”, nghĩa là sự giác ngộ của Phật bắt nguồn trên nhận thức của người
đời (pháp-thế-gian) hay từ nhận thức thường nghiệm mà thành tựu.
Ở bài viết này chúng tôi căn cứ trên sở học của người xưa về Dịch-học mà luận giải về bản chất của vạn pháp theo góc nhìn của Thiền học. Thiền là phép quán sát sự vật hiện tượng theo thật tướng thật tính, nghĩa là bóc bỏ hết những màng duyên sinh nhằng nhịt những quan niệm sai lầm của nhận thức về thế giới của chúng ta và về tâm thức của chúng ta. Dịch-học chính là bộ môn khoa học thế gian mô tả lại môyj phần các mối quan hệ sinh và diệt của duyên-sinh của thế giới vật chất và thế giới tâm thức. Để hiểu về duyên sinh có nhiều, giới hạn ở bài nghiên cứu này chúng ta bắt đầu dùng dịch học để dự đoán tương lai của chính mình, rồi từ đó phân tích các khái niệm, truy tầm nguyên nhân. Khi đã rõ được tự-tâm của mình rồi thì mọi sự tướng dù ẩn hay hiện, dù đã sinh hay đã diệt...mỗi mỗi đều rõ ràng không còn vướng mắc. Đây cũng chính là sự thấy biết khác nhau giữa phàm phu và thánh nhân vậy.
Chúng ta
sinh ra mỗi người đều có ngày tháng năm sinh riêng khác, gồm có số năm sinh, số
tháng sinh, số ngày và số giờ sinh nhất định. Vì đã sinh ra vào năm tháng ngày
giờ đó rồi nên không thể lại quay vào sinh lại để chọn giờ khác tháng khác được
nữa. Cho nên mới nói “Số không đổi được”. Vì điều này mà nhiều người quan niệm
sai lầm là Số đã an bài. Sự thật số không đổi chỉ là khái niệm số-học chứ không
phải số-mệnh là diễn biến cuộc đời từ khi sinh đến khi tử của mỗi người đã được
lập trình sẵn. Nếu như vậy thì chúng ta khác cái máy ở chõ nào!?.
Con người ta
sinh ra vào thời điểm nào, tại địa điểm nào trong thế giới bao la rộng lớn này
tất phải có nguyên nhân, người khoẻ mạnh, người ốm yếu, người giàu, kẻ nghèo khổ…
chắc chắn phải có nguyên do. Đi tìm câu hỏi này đồng nghĩa với việc suy tư về
cây lúa. Cây lúa mọc ở nơi khô cằn khác với cây lúa mọc ở nơi phù sa tươi tốt.
Lúa cũng tốt hơn khi phát triển ở thời tiết ôn hoà mát mẻ, vào thời điểm khô hạn
dù cố gắng chăm bón thì cũng chỉ ra bông bé hạt lép mà thôi. Như vậy cây lúa tuỳ
theo điều kiện sinh trưởng mà có kết quả khác nhau. Từ thời điểm gieo mầm cho đến
việc bón phân, cần, giống…tập hợp những yếu tố này gọi là Duyên. Duyên chính là
điều kiện.
Con người ta
cũng vậy, sướng khổ đều có nguyên nhân. Đơn giản như cây lúa mà còn khó suy lường
huống hồ con người ta nay đây mai đó, môi trường sống sai khác, quan hệ phức tạp,
tính cách thay đổi hằng ngày, chịu ảnh hưởng của khí hậu thổ nhưỡng văn hoá
vùng miền...Như người miền trung thì có khi hiền hoà ( chữ Thuận là thật đức của
quẻ Khôn theo Dịch học), có khi dữ tợn ( chữ Nghịch), hầu hết các cuộc khởi
nghĩa cách mạng đều bắt đầu xuất phát từ miền trung. Người miền Nam theo vị trí
địa lý của dịch học thuộc quẻ Ly hoả, tính cách có người rất huy hoàng tráng lệ
là được cách thật đức, có kẻ tâm hồn lại trống rỗng là cách hư đức của quẻ
Ly…Con người sống trong mối qua hệ nhiều tầng nhiều lớp như vậy để dự đoán một
sự vật hiện tượng liên quan đến con người quả thật không phải là điều đơn giản.
Giới hạn quyển
sách này chúng tôi muốn giới thiệu một góc nhìn về bản chất Dịch học dưới
phương pháp Nhân Minh luận của nhà Phật.
Nói về pháp
Nhân Minh của nhà Phật chính là việc thông qua kết quả (lập Tông) để xét lại mối
quan hệ của Nhân và Duyên. Như việc thành tựu Đại pháp thân là do nhân tu Bồ đề
tâm, hay quả Nhất thiết trí do nhân tu Bát Nhã…
Nhân tu
Từ việc theo dõi sự phát triển
trong suốt vòng đời của cây lúa qua nhiều ngàn năm con người đã rút ra được
kinh nghiệm và dự đoán được kết quả phát triển, mỗi khi có sự thay đổi của một
trong các yếu tố cấu thành hay nói cách khác là thay đổi duyên. Phương pháp dự
đoán về con người cũng dựa trên kinh nghiệm như vậy. Do con người được cấu
thành bởi nhiều thành phần phức tạp. Tổng hoà gồm phần thân và phần tâm. Để
đoán biết được sự phát triển theo từng giai đoạn sinh lão bệnh tử cho đến việc
thành bại của công việc trong cuộc sống theo phân tích trên thì chúng ta phải
tìm hiểu được các nhân và duyên của con người. Dựa vào đó mà luận đoán được kết
quả. Người nào nắm chắc được cấu trúc phát triển và các thay đổi của duyên thì
sẽ dự đoán chính xác.
Đời người
trăm năm, chẳng mấy ai có thể đủ thời gian để học hết kinh nghiệm của thế giới
vô cùng này ấy vậy mà xưa nay có nhiều vị Tổ sư để lại các bài sấm ký dự đoán
tương lai cho suốt hàng ngàn năm sau rất đúng.
Kinh Phật
thuyết có rất nhiều điều mà đức Phật đã dự đoán trước về tương lai. Trong kinh
Đại Bát Niết Bàn, Phật dạy, về sau này, sau khi ta nhập diệt, chúng sinh ở vào
thời mạt pháp làm ra nhiều sự huyễn hư tạo ra lắm bệnh quái dị, tâm tham sân si
nổi lên đánh giết nhau, đến cực vi cũng làm hại được chúng sinh.” Cực-vi mà đức
Phật nói đó chính là bom nguyên tử ngày nay vậy.
Gần hơn,
cách đây khoảng 1000 năm có Tổ sư Quý An để lại bài sấm ký như sau:
“ Thụ căn diểu
diểu
Biểu Mộc
thanh thanh
Đào hoa mộc
lạc
Thập bát tử
thành
Đông A nhập
điện
Dị Mộc tái
sinh
Đoài cung ẩn
tinh
Lục bát niên
gian
Thiên hạ
thái bình.”
Đây là bài sấm
ký nói đến kết quả và thứ tự của các triều đại từ thời nhà Đinh đến nhà Tiền
Lê, Nhà Trần, nhà Hậu Lê…dự đoán tới năm 2018 của nước Đại Việt.
Hay như bài
sấm của Bạch Vân Cư sỹ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm:
“ Ta tai
thiên hạ nhược bềnh bồng
Nam Bắc kỷ
hà nhược lộ thông
Hồ ẩn trung
sơn Mao tận bạch
Kình dương hải
ngoại huyết lưu hồng
Kê minh Thỏ
ngọc thiên khuynh Bắc
Ngưu xuất
lam điền Nhật chính đông
Nhược đãi
ưng lai sư tử thướng
Thế gian cộng
hưởng thái bình phong”
Bài sấm ký của
cụ Trạng Trình dự đoán về vận cục của nước Đại Việt theo hai câu cuối bài sấm của
Tổ sư Quý An.
Hiện nay
chúng ta đã chứng minh và trải nghiệm được các bài sấm xưa là đúng với diễn biến
thực tế. Trên thế giới có nhiều nhà tiên tri cũng có khả năng dự đoán tương lai
rất chính xác. Vậy câu hỏi đặt ra: tại sao họ lại có thể đoán biết được kết quả
tương lai!?
Quay trở lại
việc trồng lúa thì chúng ta biết được sẽ có hạt lúa chắc hay lúa tép bởi ta nắm
bắt và biết được các yếu tố sẽ tác động lên quá trình phát triển của cây lúa.
Cũng như vậy, đức Phật cho đến các vị Tổ sư và nhà tiên tri đã nắm bắt được các
điều kiện và diễn biến của một sự vật và hiện tượng rồi từ đó rút ra được quy
luật phát triển. Căn cứ vào quy luật đó mà dự đoán về người về sự vật khác nhau
tương ứng.
Dự đoán một
sự vật hiện tượng xuất hiện và diễn biết trong một quãng thời gian dù là về quá
khứ hay tới tương lai chính là việc nắm bắt được sự tác động của nhiều yếu tố ảnh
hưởng lẫn nhau nhiều tầng nhiều lớp như vậy. Nhà Phật đã rút ra được quy luật bản
nhiên của sự vật hiện tượng gọi là luật Nhân Quả.
Theo đó mới
thấy, ai nắm được then chốt của nhân quả thì có thể thay được tương lai đổi được
hiện tại.
Nhiều người
rất ngạc nhiên và khó hiểu vì khi đọc ngày tháng năm sinh của mình thì có người
sẽ nói ra được tổng quan cuộc đời của họ. Phép xem ngày tháng năm và giờ sinh (
tứ trụ) để dự đoán như vậy có nhiều. Cụ thể phép an sao của ngừoi Ấn độ do Ngài
Thiện Vô Uý Đường Tam Tạng truyền vào Trung Quốc là sử dụng mười hai sao an
liên tiến trên mười hai địa chi theo năm tháng ngày giờ từ sao Thiên Quý tại
cung Tý đến Thiên Thọ tại cung Hợi rồi căn cứ vào ý nghĩa các sao tại các cung
an mà luận đoán. Ngoài ra còn các pháp dự đoán khác dựa vào nền tảng âm dương
sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái kết hợp thành 64 quẻ kép rồi
căn cứ theo ngũ hành tương sinh tương khắc của các hào với ngũ hành của người
mà đoán biết về quá khứ và tương lai. Pháp môn này dựa trên nền tảng của Chu Dịch,
về cơ bản khá chính xác…
Các phép dự
đoán tương lai kể trên chính là việc căn cứ vào kinh nghiệm nhiều đời của nhiều
người, từ đó rút ra được các quy khác nhau như luật âm dương, ngũ hành…
Xét thế mới
biết tất cả các pháp môn cho đến diễn biến của mọi sự vật hiện tượng đều tuân
theo quy luật Nhân Quả đều dựa trên nguyên Nhân kết hợp với điều kiện là Duyên
mà trổ Quả tương ứng.
Chúng ta
đang trên đường tìm hiểu và suy ngẫm các phương pháp để dự đoán sự việc thì điều
cốt yếu là phải thông tỏ được Nhân Quả.
Nói về Nhân
Quả thì có nhân hiện tại sinh quả hiện tại, có nhân quá khứ sinh quả hiện tại.
Nhân làm quả rồi quả lại làm nhân bồi đắp tầng tầng lớp lớp như vậy thật là
thiên biến vạn hoá không khi nào ngừng nghỉ. Các sách viết về Chu Dịch trong Hệ
từ nói: “Dịch chi vi thư dã, bất khả viễn, vi đạo dã lũ thiên, biến động bất
cư, chu lưu lục hư, thượng hạ vô thường, cương nhu tương dịch; bất khả vi điển
yếu, duy biến sở thích.” ( Sách dịch không thể xa lìa được; đạo Dịch luôn dời đổi,
biến động chứ không ở yên một chỗ, trôi chảy bao quanh khắp cả sáu cõi, đi lên
đi xuống không theo quy luật nhất định nào, cương nhu thay đổi nhau, không thể
lấy nó làm chuẩn mực cố định; mà chỉ thích hợp với sự biến hoá thay đổi). Trích
hệ từ này mới hay Tông chỉ của Dịch cũng chính là nói lên một phần của luật
nhân quả. Sự biến đổi mà Dịch nói đến chính là sự tác động của nhân quả tương tục
từ ngày đến đêm… từ thời này sang thời khác của các sự vật hiện tượng khác
nhau.
Xét thêm về
phong thái “ ngã tắc thị ư dĩ, vô khả vô bất khả” của cụ Khổng Tử cũng như vậy.
Ý câu này nói là điều gì cũng không thể và điều gì cũng có thể. Nghĩa của
không-thể là xét đến khía cạnh nắm bắt được then chốn của nhân quả, nghĩa của
có-thể là nương theo nhân quả mà xét biết được sự việc vậy.
Tổ sư đời thứ
sáu của Thiền Tông Trung Hoa là Lục Tổ Huệ Năng là một người không biết chữ,
sau một lần gánh củi đi bán, được nghe người tụng kinh Kim Cương đến câu “ Ưng
vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm” (thì hoát nhiên đại ngộ. Ngài ngộ cái gì đây?. Nói
về sở ngộ trong nhà Phật thì vô cùng nhưng tựu chung cũng là nắm bắt được bản
chất của vạn pháp nghĩa là nắm được then chốt của nhân quả trùng trùng. Triệt
ngộ là thời điểm mà hành giả tu Phật trực nhận được thực tướng của mọi sự vật
hiện tượng, nắm bắt được quy luật biến hiện của tâm của vật chính là nhập một với
pháp giới tính trùng trùng duyên khởi. Nghĩa là nắm bắt được các nhân và duyên
tác động qua lại nhiều tầng nhiều lớp như thế nào…Kinh Phật có nói: trong một
trận mưa chư Phật có thể biết được có bao nhiêu hạt mưa là ở khả năng thông tỏ
được Nhân Duyên Quả.
Chúng ta trở
lại phân tích các khía cạnh và vấn đề của việc dự đoán tương lai của Kinh Dịch
theo kiến giải của Thiền. Thiền ở đây là sự quán chiếu soi xét đúng với sự thực.
Như trên đã
nói để đoán biết được kết quả tương lai của con người chúng ta phải hiểu rõ được
sự phát triển và các ảnh hưởng đến cá nhân đó. Con người có phần thân và phần
tâm. Phần thân được cấu tạo bởi tứ đại là địa thuỷ hoả phong. Địa là phần vật
chất như xương thịt nội tạng, thuỷ là phần máu mủ, hoả là phần hơi ấm, phong là
phần khí trong người. Phần Tâm mà người đời gọi là phần hồn, nhà Phật gọi là Thần
thức gồm Kiến đại và Thức đại.
Kiến đại là
phần thấy biết của sáu căn với sáu trần, phần này chính là thói quen được huân
tập nhiều đời kiếp, cũng là căn cứ giải thích cho khái niệm năng-khiếu khác
nhau của người đời. Như có người sinh ra đã sáng tác được âm nhạc, lại có kẻ
sinh ra đã có năng khiếu về hội hoạ, về thể thao, về khoa học khác nhau…
Thức đại
chính là sự lưu giữ các phân biệt, hay nói đủ là Tàng thức, nơi tàng trữ các chủng
tử của chư pháp. Chủng tử là hạt giống của thiện nghiệp và ác nghiệp của mỗi
người. Thức-đại này làm căn bản cho các căn duyên với các trần mà hoá hiện ra
thế giới tương ứng
...còn tiếp...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét