Thưa Thầy,
Trong bộ luận Đại Trí Độ, có nói về hai phương diện của một pháp: “sở hữu tính” (tính riêng biệt) và “tột sở hữu tính” (tính phổ quát, bản thể tối hậu). Cũng vậy, các kinh Duy Thức và Lăng Già dạy rằng, “tự chứng phần” của mỗi chúng sinh là riêng biệt, tốt xấu tùy theo nghiệp duyên huân tập. Tuy nhiên, "bản thể chân thật không” - lại đồng nhất nơi tất cả. Đây chính là ý nghĩa của “Duy Thức Tính”, cũng là “tột sở hữu tính” mà Bồ-tát Long Thọ đề cập từ trong bộ Bát Nhã.
Ví như nước có tính ướt, lửa có tính nóng - đó là “sở hữu tính”. Còn "tột sở hữu tính", tức tính chân không, là điều mà kinh Lăng Nghiêm giảng:
“Tính thủy chân không, tính không chân thủy;
Tính hỏa chân không, tính không chân hỏa.”
Đây là nghĩa sâu của lý “không”, mà Thầy cần quán chiếu kỹ lưỡng hơn để nhận ra đạo lý viên dung trong pháp giới.
Nay xin bàn chi tiết về thật đức và hư đức của ngũ hành (Kim, Hoả, Mộc, Thổ, Thuỷ). Thật đức hay hư đức chính là cảnh giới mà mỗi người cảm nhận tùy theo nghiệp thức. Từ tướng phần (cái được thấy) thông qua kiến phần (cái thấy) mà hình thành tự chứng phần (cái biết riêng của mình) – tức là cái “ngã” của mỗi chúng sinh. Cái ngã này, tùy theo chủng tử huân tập nơi A-lại-da thức, chiêu cảm ra cảnh giới tốt hoặc xấu.
Thật đức là pháp thuận duyên, giúp tăng trưởng quả thiện. Ngược lại, hư đức là pháp trái duyên, khiến nhân thiện gặp trở ngại, hoặc dẫn đến quả xấu. Như vậy, tốt hay xấu không nằm ở pháp, mà ở cách vận hành của các pháp trong sự tương tác nhân quả. Đây cũng chính là ý nghĩa của “bất cấu bất tịnh” trong Bát Nhã.
Cụ thể:
• Thuỷ biểu hiện tín và bất tín, hình thái là hãm hoặc tụ.
• Hoả biểu hiện trí và ngu, thật đức là tráng lệ, hư đức là trống rỗng.
• Địa biểu hiện nhân và bất nhân, thật đức là thuận, hư đức là nghịch.
• Kim biểu hiện nghĩa và bất nghĩa, thật đức là kiện (mạnh), hư đức là nhược (yếu).
• Mộc biểu hiện lễ và bất lễ, trạng thái là linh động hoặc trì trệ bất hòa.
Ngũ hành thuộc về ba đại trong bảy đại mà Đức Thế Tôn giảng trong kinh Thủ Lăng Nghiêm: Địa đại, Thuỷ đại, Hoả đại. Trong Địa đại có ba yếu tố: Thổ, Kim, Mộc. Tiếp đến là Không đại (là vô tướng của ngũ hành) và Phong đại (sự vận động của ngũ hành). Hai đại cuối là Kiến đại và Thức đại, thuộc về tâm pháp, 5 đại trước thuộc về sắc pháp.
Người tu, khi bắt đầu cần thấu rõ bản chất, tính, tướng, dụng, của ngũ hành, tiến lên quán thông bảy đại, dần đạt đến viên thông pháp giới. Theo kinh Viên Giác, ba đại đầu giúp phá ngã chấp nơi sắc pháp, còn bốn đại sau phá pháp chấp nơi tâm pháp. Đây chính là mục tiêu tối hậu của sự tu tập – vượt thoát cả tướng hữu vi lẫn vô vi, đạt đến chân như bình đẳng.
Lời lẽ nơi đây khó trọn ý, mong Thầy quán xét thêm và chúng ta sẽ cùng nhau bàn rộng hơn vào dịp khác.
Kính bút.