Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

A đà na thức

Hỏi: 
Khi đã hoàn bị A đà na thức có còn bất giác mà đối 
cực khởi vọng niệm hay không?
Đáp:
Câu hỏi của bạn khá sâu xa về Phật học. Với Phật tử chúng ta, tu Đạo khó nhất là ở cái tâm còn phân biệt, chính là ở cái "danh", cái "tự" cái này đối với cái khái niệm kia. Để rời cái Tâm phân biệt đó Đức Phật dạy các pháp môn để nhận thức được Đệ nhất nghĩa đế tuyệt đối và thấu rõ Trung Đạo. Về quá trình tu hành thì thấu rõ được Tự tính thanh tịnh Tâm, thứ lớp hành theo Bát chính Đạo để được chính Niệm trong từng sát na. Dần tiến lên như vậy là đã loại bỏ đi chủng tử bất thiện, việc huân tập chủng tử thiện lành chính là quá trình để cho thức A Lại Da thành Tàng thức, trở về cái gọi là Bản lai diện mục hay Phật tính, đó cũng là việc nhập một với Pháp giới tính tự tâm. Thành Phật chính là quá trình làm cho Tâm được thanh tịnh và Tướng được thanh tịnh. Cả Tâm và Tướng được viên mãn kết hợp với trí tuệ huyền diệu mầu nhiệm ( đại Bát Nhã ) thì gọi là Đại Pháp Thân. Từ Pháp Thân là chính mình chư Phật tự thụ dụng gọi là Tự thụ dụng thân, Tha thụ dụng thân là thân giáo hoá Bồ Tát. Hai thân thụ dụng này gọi là Báo Thân. Vì là nhân thanh tịnh, duyên thanh tịnh nên quả là Báo thân cũng thanh tịnh. Việc bạn hỏi, là khi đã hoàn bị, A đà na thức có còn bất giác mà đối cực khởi vọng niệm hay không?, điều này là không thể bởi khi đã thuần thiện không còn nhân chủng tử bất thiện thì quả cũng là chính thiện, đây cũng là giải thích cho chữ Định, nghĩa là thuần nhất. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm ngài A nan cũng đã hỏi Phật về điều này, đức Phật từ bi đã nói với Ông A Nan, ví như vàng khi ở thể quặng còn lẫn tạp chất, khi đã tinh tuyện thành thỏi vàng nguyên chất rồi thì có lý đâu lại trở thành quặng nữa!"
Về vấn đề vọng niệm khởi trong từng sát na còn nhiều hơn thiện niệm. Theo Luận A tỳ Đàm nói một sát na vào khoảng 120 phần của một cái nháy mắt ( Đán Sát Na ), trong khoảng một sát na có tới 900 niệm dấy khởi sinh diệt. Theo môn Pháp-tướng-tông là duy-thức thì có tới 100 pháp ( tâm), trong 52 tâm sở hữu pháp chỉ có 11 thiện tâm pháp... Nói như vậy để biết là chúng ta khi còn phàm phu thì tâm phiền não là vọng niệm từ các thói quen mê lâm từ vô thuỷ khởi phát liên tục qua thân khẩu ý. Việc xuất hiện ở đời của Chư Phật là đại sự nhân duyên, cũng là để chỉ bày cho chúng sinh biết, tu theo lời đức Phật, mà xa rời vọng niệm, phá đi cái ngã chấp tướng và pháp chấp tướng, là Ngã không và Pháp không cho đến phá Câu Không là cái đối đãi vi tế của ngã-tướng và pháp-tướng. Thấy như vậy là Thấy vấn đề ( Khổ đế), hiểu như vậy là Nhận Diện được vấn đề ( Tập đế ), thấy hiểu rồi thì sống theo cái Tâm thanh tịnh là: 
" Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo"
Thế là Giải quyết được vấn đề ( Diệt đế, Đạo Đế ). Đó là con đường thành Phật chính là con đường trở về với Bản Tâm thanh tịnh là nhập một với Pháp giới Tính của pháp-giới vũ-trụ. ( Vũ là không gian vô cùng, Trụ là thời gian vô tận ) 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét