Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Phong Thái Thiền Tông

 
"Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói ăn, khát uống, mệt nghỉ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền."
                                                                   (Sơ Tổ Trúc Lâm Đại Đầu Đà - Trần Nhân Tông)

       Bài Cư trần lạc Đạo của ngài Điều Ngự Giác Hoàng Sơ Tổ phái Thiền Trúc Lâm nói lên gia phong, cốt cách Thiền của Ngài.
       Có một vị Tăng hỏi ngài:
              Gia phong Hòa thượng thế nào?.
       Ngài đáp:  
"Áo rách che mây, sáng ăn cháo, Bình xưa tưới nguyệt, tối uống trà."
Thật sâu sắc! Mặt trời lên cao, những gợn mây trôi lững lờ chỗ dày chỗ trống lỗ chỗ giống như ta mặc chiếc áo rách. Thật hay vì như thế Ta với Trời không khác. Mặc áo rách, sáng ăn cháo chiều tưới hoa và tối uống trà. Vậy là đúng với câu " Bình thường tâm thị Đạo", nghĩa là trong tất cả sự ăn mặc, lao động, uống trà, chư Tổ Trúc Lâm vẫn giữ tâm bình thường, đó là gia phong của ngài.
Theo Lục Tổ Đàn Kinh, chuyện về Thiền sư Bạch Vân Thủ Đoan là vị Tăng nhân phái Dương Kỳ Tông Lâm Tế đời Tống nói với các đệ tử rằng: "Phật Thích Ca có tứ hoằng thệ nguyện là : Chúng sinh Vô lượng thề nguyện độ, Phiền não vô tận thề nguyện đoạn, Phật học vô lượng thề nguyện học, Phật Đạo vô thượng thề nguyện thành. Nay ta cũng có tứ hoằng thệ nguyện. Đó là : Đói thì phải ăn cơm, rét thì mặc ấm, lúc mệt thì duỗi chân ngủ, lúc nóng thì hóng gió mát." Điều này nói về quan điểm tu hành của Thiền Tông. Thiền tông không nhấn mạnh phương thức tu hành mà nhấn mạnh tới thực chất của việc tu hành. Mục đích tu hành của Thiền tông là muốn kẻ tu hành phải quay về với ý nghĩa trọng yếu của tự tính, mà phương thức tu hành là không nên câu nệ vào việc ngồi thiền đọc kinh giản đơn. Cho nên những hoạt động trong cuộc sống thường ngày chính là phương thức tu hành tốt nhất.
    Khái niệm "Kiến tính thành Phật" của Thiền tông cho rằng Phật không phải là một thứ lý luận hay học thuyết mà là một thứ trạng thái của tâm tính, nếu như kẻ tu hành có thể kiến chứng được tự tính thanh tịnh, thì có thể thành Bồ Tát, thành Phật.
   Nhân ngày Vía của ngài Điều Ngự Giác Hoàng Sơ Tổ phái Thiền Trúc Lâm, kẻ hậu học Quảng Kiến theo duyên và ý Thiền của Ngài xin đề mấy câu:

"Tùy duyên đối cảnh không đảo điên
Bỏ hết bao nhiêu nỗi ưu phiền
Ngày nay ta trụ nơi trần thế
Học Tổ Trúc Lâm một chữ Thiền."
                                      (Quảng Kiến-Nguyễn Việt Hồng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét