Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Mạn đàm về " Tùng tướng nhập tính "

Tất cả các pháp theo tâm phân biệt thì có hình tướng của sự vật. Khi tâm phân biệt thay đổi thì hình tướng của sự vật cũng thay đổi. Như vậy thực tế sẽ là bất khả tư nghì ra ngoài đối đãi như sinh diệt, có không, đồng dị, khứ lai. Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật Đại Từ Đại Bi thị hiện trên cõi Ta Bà dùng đủ cả phương tiện Khai Thị Ngộ Nhập chỉ đường cho chúng sinh thấy được Phật tính của chính mình để thành Phật như Ngài, cho đến nay trải hàng ngàn năm lịch sử giáo lý của Ngài vẫn ngự khắp cả mười phương, cứu khắp muôn loài. 

Bàn về khái niệm " Tùng tướng nhập tính", chính là nói về các pháp môn tu hành của chư Phật Tổ chỉ bày. Pháp môn của Phật thì khi quyền khi thật, tuỳ thuận theo căn cơ của từng chúng sinh. Có lúc Ngài dùng Tướng để dẫn cho chúng sinh rõ được cái Tính bất sinh bất diệt. Có khi ngài dùng Tính để chỉ cho chúng sinh thấy tướng Tâm là huyễn hoá. Phương tiện thì nhiều nhưng gom lại chủ yếu là các môn về Pháp Tính và Pháp Tướng. Phương tiện chư Tổ gọi là ngón tay chỉ Trăng, nhiều người tu chấp vào ngón tay mà để cho trăng cũng không thấy mà ngón tay cũng chẳng còn. Để hiểu thấu về điều này nay bàn về hai chữ Phương Tiện: Chữ Tiện nghĩa gốc là thủ đoạn, các từ ghép như bần tiện, đê tiện... Chữ Phương nghĩa là Chính. Như vậy các pháp môn tu hành là nơi chư Phật Tổ dùng thủ-đoạn-chân-chính để dẫn dụ những đứa con ham chơi trong "nhà lửa" không biết là sắp chết cháy của mình thấy hoạ, biết mà ra ngoài để thoát cái khổ não. Sau khi ra ngoài thì Phật lại dùng phương tiện khác để giúp cho chúng sinh nhận rõ được thật tính của pháp giới. Các pháp môn phương tiện như vậy tuỳ theo tiến trình giác ngộ của chúng sinh mà có pháp tiểu trung đại thừa. Cụ thể như nhân tu theo Tứ diệu đế thì đắc quả tiểu thừa A la hán. Nhân tu thập nhị nhân duyên đắc quả trung thừa Bích Chi.  Nhân tu Lục độ ba la mật thì quả là Bồ Tát đại thừa. Tiến lên tu hành để diệt hết vi tế vô minh là câu-không thì đắc quả Phật tối thượng thừa. 

Trong pháp môn Phật Tướng tông là Duy thức học có nói đến khái niệm " TÒNG TƯỚNG NHẬP TÍNH", đây là phép tu thuộc về Pháp Tướng. Phật từ bi nói rõ cho chúng ta cái hành biến của Tâm. Cái tâm lâu nay chúng ta tưởng là tâm mình chẳng qua đã bị nhầm bởi cái tâm phân biệt. Tâm trong Duy Thức nói có 100 tâm pháp, lại biến hiện như huyễn như hoá với pháp giới (đới chất cảnh). Việc chỉ ra hành biến của Tâm thức giúp ta nhận rõ cái tướng của tâm là huyễn ảo, cỗi gốc của sự huyễn hoá này là vọng niệm chấp ngã và chấp pháp, xa rời được nó là quy về với bản tính vô phân biệt ( tính cảnh ) của Đại thừa Bồ Tát ( Sa ma tha ). 

Thực tại thông qua cái tâm mong cầu, cái cảnh hiện tiền trong cuộc sống mà quán chiếu để nhận diện được tính vô ngã vô thường khổ không của sự vật hiện tượng. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, công việc nào, suy tính nào đều quán sát kỹ càng ( gọi là tỉnh thức với hiện tại ) cho đến khi thuần thục. Pháp quán chiếu này kinh sách gọi là Quán Chiếu Bát Nhã. Trở về với tính bình đẳng hay là đình chỉ vọng niệm, theo kinh Viên Giác gọi là Không-Quán. Đối với QK thông thường nhìn vào hình vào cảnh vào sự mà quán sát rồi rãnh rang dùng văn từ viết theo thể thơ để kết luận vấn đề. Dụ như thấy bông sen nở thì quán các đặc tính xuất thế gian của sen, quán cái tính nhân quả đồng thời của sen rồi viết thành câu thơ ngắn để tặng người cùng ngắm: 

"Trắng vàng tướng tính Thể bông hoa

Diệu dụng sum la cũng thế mà 

Cành lá nhân duyên sinh ra quả

Pháp giới trùng trùng: bất-giác ra. "

Hoặc có khi nhàn nhã quán cái tính nhất như của pháp giới từ bông sen mà viết:

"Thanh tịnh nhưng sắc chẳng nhạt nhoà

Liên Hoa diệu pháp diệt tà ma

Chúng sinh Lục đạo nhờ ơn Phật

Thấy pháp giới là một đoá hoa. "

Xưa nay chư Thầy Tổ giáo huấn chúng ta thường phải tỉnh thức trong từng phút giây của cuộc sống. Tuỳ thuận theo duyên mà chính niệm không để mất. Được như vậy là luôn sống trong Định.  Gọi là " Tự tịnh kỳ ý ". Cuộc sống từ thân tâm sẽ có Hỷ, Lạc, An, Tĩnh. 


Phần trên là QK nói về việc dụng Tính để nhận rõ và dẹp bỏ cái vọng niệm là tướng của Tâm. Trong thực tế của chúng ta hiện nay chusng ta bi sự vật hiện tượng chi phối nhiều. Việc lựa phải làm cái gì, phải như thế nào là điều vô cùng khó khăn. Có khi quán thấy mọi sự tướng đều huyễn hoá, vậy câu hỏi chúng ta đặt ra: vậy còn Tác sự làm gì?...Đây là vấn đề lớn, Nhiều khi mới tu dễ bị cái phần Lý này làm cho thành ra bệnh chấp Lý bỏ Sự. Phải hiểu là cái tâm thức chúng ta huân tập ô nhiễm từ nhiều đời nhiều kiếp. Đức Phật dạy trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm về việc cởi nút khăn, theo lý thì cần mở từ trung tâm nhưng vì cột làm sáu nút thì nay cởi ra cũng phải tuần tự từng nút mà cởi hết sáu nút đã thắt. Ý nói về Lý thì có thể giác ngộ nhanh nhưng về Sự thì phải thứ lớp mà trừ. Như vậy biết cái tướng là giả dối không thật nhưng nếu chấp vào thì lại ra mê muội mà đối đãi thành cảnh giới khổ não. Bồ tát phải làm các việc công đức để khuyên chúng sinh bỏ vọng niệm mà trở về với tính vô phân biệt. Việc làm công đức để mục đích tạo thành Chính niệm mà trừ đi vọng niệm. Làm như vậy, quán như vậy gọi là Huyễn Quán hay Giả Quán ( Vi pat xa na ). 

Việc thấy rõ được bản tính Chân Như của pháp giới trong đó Chân là chân thật, Như là không khác. Tính Chân thật này là tính bất sinh bất diệt ra ngoài đối đãi. Nhận rõ bản tính của pháp giới là trùng trùng duyên khởi mà tuỳ duyên bất biến, bất biến mà tuỳ duyên. Sống như thế quán như vậy gọi là Trung Quán.  Từ đó thấy pháp giới là bình đẳng. Trên đồng với chư Phật đồng một Từ lực, dưới đồng với chúng sinh đồng một Bi ngưỡng. Đây là nhất chân pháp giới của chư Đại Bồ Tát đã viên mãn quả Phật tối thượng thừa tức là thành Phật như chư Phật ở thời Quá Khứ. Các vị Bồ Tát tương lai cũng sẽ thành Phật nếu tu theo ba phép quán nêu trên. Nhất tâm tam quán này là phần chi tiết của Ngũ Ba La Mật trong Thập độ ba la Mật. 

Nhân duyên bàn về khái niệm " Tùng tướng nhập tính" với bạn Đạt Lê mà Quảng Kiến mạo muội dùng cái tri kiến nhỏ nhoi tổng hợp lại ngắn gọn pháp môn hằng ngày tu tập của mình. Hy vọng gặp được các vị Tôn túc, thiện hữu Đại thừa chỉ bảo thêm cho thì quý lắm thay. Việc trao đổi sẽ làm cho quá trình văn tư tu thêm sâu rộng, làm cái chính Duyên để từ thế gian tiến lên Xuất thế gian. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét