Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Từ tướng tới tính, biểu tượng của giác ngộ ( Pháp giới tính trùng trùngduyên khởi )


      Trộm nghe: Trời Đất thường có lý, Đông Hạ, Thu Xuân đều vô tình. Ngắm Trời trông Đất ai ai cũng biết được mọi sự do nhân duyên tập thành. Bậc trí giả xưa nay ngửa mặt xem Trời, vạch lá dò Đất mà biết rõ cơ sự bởi Trời Đất vận hành thời có tượng, nhưng lắm việc không thông cũng bởi Lý nó vô hình. 
Kệ rằng: 
"Hữu tình đến gieo giống,
Nhân đất quả lại sinh,
Vô tình vốn không giống,
Không tính cũng không sinh."
      Thiết nghĩ: Cái nghĩa sâu xa thì vô cùng mà sự hiểu biết khác nhau lại ở cái tâm phân biệt.
Chư Phật ra đời chỉ nhằm mục đích là dạy bảo, chỉ bày cho chúng sinh giác ngộ tỏ rõ được Lý Sự viên dung và thật chứng pháp giới tính như Phật. Các pháp là những sự vật hiện tượng có tên gọi, có thể nghĩ được, có thể nói, mỗi mỗi pháp đều có giới hạn riêng thì gọi là pháp giới. Pháp giới tính là tính bản nhiên của vũ trụ. Tính bản nhiên ấy là tính " trùng trùng duyên khởi", nghĩa là tính ảnh hưởng dây chuyền của một sự vật đối với tất cả sự vật, của tất cả sự vật đối với một sự vật. 
Một công trinh kiến trúc là một pháp trong pháp giới, dù lớn dù bé cũng chiếm hữu một khoảng không gian, tạo ra và tác động qua lại đến cảnh quan xung quanh và con người hoạt động trong đó. Sự ảnh hưởng đó có cái trực tiếp có cái gián tiếp thông qua một hay nhiều lớp hoặc một hay nhiều tầng, do đó tác động cũng không giống nhau. Trong ảnh hưởng phức tạp của tất cả sự vật làm cho một sự vật xuất hiện và chuyển biến, đạo Phật đã rút ra một quy luật bản-nhiên là luật nhân quả.
    Tiếp theo chuỗi bài viết " Từ Tướng tới Tính, biểu tượng của Giác ngộ" chúng tôi xin giới thiệu việc ứng dụng tính bản nhiên của pháp giới vào việc thiết kế các hạng mục kiến trúc tại Chùa Thiên Trù từ Thượng Toạ Thích Minh Hiền và các Kiến trúc sư, Họa sĩ, Nghệ nhân trong đạo Tràng Chân Tịnh Chùa Hương.
Nói về Tính bản nhiên của vũ trụ là nói về pháp giới tính. Tính bản nhiên đó là tính " trùng trùng duyên khởi". Quá trình tu hành là quá trình tham gia vào các Đạo Tràng để học hỏi, học tập, học hành, để viên mãn Tam Vô lậu học. Đạo tràng Tịnh Độ theo Mật Giáo có tên gọi là Mạn Đà La, nơi giáo hoá chúng sinh của Chư Phật. Thế gian pháp về mặt kiến trúc và đồ họa đạo tràng Tịnh độ thường được biểu hiện bởi các đồ hình Mạn Đà La. 
Tại chốn Tổ Chùa Hương, chư Tổ xưa nay đã giác ngộ được giáo lý của chưa Phật, phương tiện xây dựng chùa và thành lập đạo tràng để hoá độ thập phương quần chúng. Đạo tràng Chân Tịnh được xây dựng và phát triển với tâm nguyện tiếp nối ý chư Tổ nhiều đời, truyền trao pháp môn giác ngộ Mật Tông Đại Thừa, là một trong những pháp xuất thế gian tối thượng thừa, giúp chúng đệ tử Phật tu học để thấy rõ được nguồn gốc của pháp giới là Chân, hết đi các vọng niệm là Tịnh. Thế mới biết hạnh nguyện của chư Tổ rộng lớn vô cùng, các Ngài vừa tu hành tự độ mình lại không quản ngại hiện bày phương tiện để độ người.
Quá trình khổ công xây dựng tôn tạo cảnh chùa của chư Thầy, Tổ cũng để tạo ra cái Sở Duyên Duyên là cái duyên môi trường hoá độ chúng sinh. Cấu trúc Chùa Thiên Trù nằm trong tổng thể thánh tích Chùa Hương. Giải pháp tổ chức mặt bằng hình thành bởi trục Chính Đạo, định vị từ hạng mục công trình: Tam Bảo, Nhà Tổ, Gác Chuông, Tam Quan. Bên Tả vu ( trái) là khu vực nội tự, bên Hữu vu (phải) gồm các công trình Tháp Chân Tịnh, nhà Trai đường và Hiển Lâm Các.
Hiển Lâm Các là công trình được xây dựng mới nhất, theo dạng thức Đàn - Thành với cấu trúc đa năng, phục vụ cho việc giảng pháp, hoạt động lễ hội, không gian bảo tàng, triển lãm nghệ thuật nhiếp ảnh và hội họa Phật Giáo.
Giải pháp kiến trúc Hiển Lâm Các về mặt bằng được thiết kế dựa trên đồ hình Mạn Đà La. Mạn Đà La là một " sơ đồ" có tính biểu tượng của vũ trụ và các thành phần của vũ trụ, hoặc chính là bản tâm con người. 
        Cấu trúc không gian Hiển Lâm Các gồm có bốn cửa ra vào được tổ chức thành trục chính hướng về Bảo tháp Chân Tịnh, ý tưởng quy hoạch này như định rõ về ý niệm Phật tính thường trụ bất sinh bất diệt. Bố cục Bốn sảnh ra vào công trình chính là bốn cánh cửa giải thoát, đây cũng là bốn diệu dụng của Chân Tâm, bao gồm: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Tứ vô lượng tâm này là pháp môn tu hành để tiến lên thể nhập với pháp giới tính của tự tâm.
     Hình khối công trình là tổ hợp tầng tầng lớp lớp của hệ cấu trúc mái đao truyền thống. Giải pháp thu mái theo các tầng thể hiện ý niệm về việc tịnh hoá của Thân - Khẩu - Ý, Tam mật này theo tiến trình tu chứng sẽ được thanh tịnh, là dần thể nhập vào phần Chân - Không của Thiên tĩnh ( giếng trời- phần không gian xuyên suốt từ tầng một lên lới mái). Quán chiếu kiến trúc các lớp mái Hiển Lâm Các cũng giúp chúng ta phần nào thấy được tính trùng trùng duyên khởi của pháp giới.
     Cấu tạo công trình chủ yếu là gạch nung, đá xanh tự nhiên, gỗ và kim loại... Các vật liệu xây dựng này kết hợp với mảng tường sơn màu sáng tối, được tính toán phù hợp và hài hoà cùng cảnh quan tổng thể khuôn viên chùa Thiên Trù. Thành phần cấu tạo nên công trình cũng chính là các nguyên liệu truyền thống bắt nguồn từ yếu tố tự nhiên. Quán sát và soi chiếu về điều này mới hay pháp giới đều được cấu tạo cùng một chất liệu, như Duy thức học quan niệm vạn pháp Duy Thức. Việc lựa chọn nguyên vật liệu để xây dựng nên công trình bền vững cũng như quá trình huân tập chủng tử thiện lành, loại bỏ đi chủng tử bất thiện của tâm thức, đó chính là sự chuyển hoá và xây dựng Tâm giác ngộ, xây dựng được công trình bền vững trước mưa bão khắc nghiệt, vô thường của thời gian.
Nội thất toà Hiển Lâm Các với không gian trung tâm là Thiên Tĩnh ( giếng trời). Cấu trúc này giúp công trình không bị giới hạn về chiều cao trần nhà, việc bố trí nội thất theo đồ hình Mạn Đà La tạo ra sự tích và tụ không gian rất quyền biến, phù hợp với nhiều công năng sử dụng khác nhau. Điểm đặc biệt trong không gian nội thất Hiển Lâm Các là kết cấu mái được thiết kế theo dạng thức Mạn Đà La Ngũ Trí Như Lai. Quá trình hoạt động trong Hiển Lâm Các làm cho chúng ta có cảm giác như đang hiện hữu trong cõi Tịnh độ của chư Phật. Dõi theo trục chính đạo từ phương và hướng của kết cấu mái là hình tượng mang tính tượng trưng của Chư Phật và các Pháp khí Mật Tông. Việc quán tưởng Mạn Đà La này chính là pháp môn Mật Giáo Đại Thừa giúp cho người thực hành có thể trực nhận được những nguyên lý sâu kín nhất của pháp giới và cũng có nghĩa là những nguyên lý sâu kín nhất trong nội tâm của chính mình.   
Tổng thể công trình Hiển Lâm Các với cấu trúc và hoạ tiết nội, ngoại thất như là thể hiện cho quá trình giác ngộ chính là quá trình chuyển hoá bát thức thành tứ trí: 
- Nhãn nhĩ tỉ thiệt thân thức sau khi giác ngộ sẽ biến thành Thành sở tác trí, được biểu tượng bằng Phật Bất Không Thành Tựu (Amoghasiddhi)
- Ý thức sau khi giác ngộ sẽ biến thành Diệu Quán Sát trí, được biểu tượng bằng Phật Vô Lượng Quang (Amitabha)
- Mạt-na thức khi giác ngộ sẽ biến thành Bình Đẳng Tính trí, được biểu tượng bằng Phật Bảo Sanh (Ratnasambhava)
- Alaya thức khi giác ngộ sẽ biến thành Đại Viên Kính trí, biểu tượng bằng Phật Bất Động (Akshobyha).
- Trí Huệ toàn mãn gọi là Pháp Giới Thể Tính trí, được biểu tượng bằng Phật Đại Nhật (Mahavairocana)
Công trình Hiển Lâm Các cũng như vạn vật trong pháp giới, là lớn hay là nhỏ, là rộng hay là hẹp...đều từ cái tâm phân biệt của chúng ta. Việc thiết kế và xây dựng công trình dựa trên nền tảng triết lý Đạo Phật, cụ thể là việc ứng dụng tính bản nhiên của Pháp giới vào kiến trúc nội ngoại thất đã tạo ra công trình Hiển Lâm Các độc đáo, dung thông được với cảnh quan linh thiêng chốn Tổ Chùa Hương, nơi trác tích tu hành của Bồ Tát Quán Thế Âm. 
Hãy trở về với pháp giới tính của tự tâm để có thể thấy và biết..., thật là:
Ở nơi tâm địa mới chân tu
Vui xuất thế gian lục căn thu
Thi thoảng dạo chơi đầu chóp núi
Cười to một tiếng biến không hư. 
(Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng) 
Date: 15/01/2014
To: Tập san chùa Hương
Từ Tướng tới Tính, biểu tượng của Giác ngộ
 Bút giả :Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét