Hôm nay, ngày 8 tháng 4 AL, kỷ niệm ngày đức Phật thị hiện đản sinh. Phật tử chúng tôi nhớ nghĩ đến công ơn
giáo hoá của vị Đại Đạo Sư, Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, người thầy của
loài người và Chư thiên. Tưởng đến lời dạy đầu tiên của Phật: " Thiên thượng
thiên hạ duy ngã độc tôn", giáo lý vi diệu này Phật thuyết vào thời điểm đản
sinh, điều chân lý Ngài muốn dạy bảo chúng sinh thật đều ở trong câu nói này cả.
" Trên trời dưới đất, chỉ có Ta là tôn quý hơn cả".
Phật thị hiện tại cõi Sa Bà cũng vì muốn cho chúng sinh thấy được thế giới
huyễn hư khổ não. Sau khi chỉ cho chúng sinh biết được cái khổ ( tri khổ), ngài
lại dạy chúng sinh phương pháp để dứt nguyên nhân của khổ đau ( đoạn tập), giúp
cho chúng sinh hưởng được sự an vui của việc dứt trừ cái tâm chấp trước Ngã (
cái ta và cái của ta), vui vì lìa được cái tâm chấp Pháp ( thế giới của ta),
vui vì đoạn trừ được chấp trước ngã và pháp gọi là chứng Diệt. Tiếp đến ngài dạy
cho chúng sinh con đường để có được niềm an vui mãi mãi đó là con đường Bát
chính đạo ( con đường trung đạo ).
Việc sống đời với tâm " Duy Ngã độc tôn" ( tu đạo ) sẽ giúp chúng
sinh sớm đạt được Niết Bàn quả là nơi hết khổ đau, lìa sinh tử, an vui mãi mãi,
đó chính là cái Tuệ nhận rõ Pháp giới vũ trụ đều do tâm thức hoá hiện. Quan niệm
cái Ngã dù thế nào cũng chỉ là cái Tâm, do tâm thức mà có, " Duy Ngã"
cũng chính là lý " Duy Tâm". Sự sự vật vật đều từ tâm hoá hiện nên
tính của vạn hữu là Không Hai là "độc", bản tâm thường thanh tịnh
sáng suốt nên là " Tôn". Để cắt nghĩa rõ hơn câu “ duy ngã độc tôn”và
vì sao mà nói toàn thể Phật pháp đều ở trong câu nói này, chúng tôi xin phân giải
theo phương pháp giáo hoá của Phật như sau:
Phương pháp giáo hoá chúng sinh của Phật
không ngoài bốn món Tứ Tất đàn, bao gồm: Thế giới Tất đàn, Vị Nhân Tất đàn, Đối
trị Tất đàn và Đệ nhất nghĩa đế tất đàn.
1. Thế giới Tất
đàn, là phương tiện Phật dùng cái tâm phân biệt cái cảnh giới của chúng sinh mà
dạy bảo cho biết thế nào là Chân thế nào là Huyễn. Chúng sinh vì ưa cái ta và
cái của ta ( ngã ) nên Phật thuận theo tâm chúng sinh mà nói về Vô Ngã để phá
cái chấp Ngã.
2. Vị Nhân Tất
đàn, là thuyết pháp theo căn cơ cụ thể. Chúng sinh thường có cái tâm phân biệt
cao thấp nên Phật ra đời nói thẳng " thượng hay hạ thì Phật vẫn là cao quý
hơn cả" để cho chúng sinh biết mà quy kính theo.
Phật ngoài giáo hoá loài người còn giáo
hoá cả chư Thiên. Chư Thiên thường coi loài người là thấp kém về trí tuệ về
năng lực. Phật đản sinh thị hiện các điềm lành vi diệu và tuyên bố " Ta là
độc tôn" để cho chư Thiên kinh ngạc dõi theo đức hạnh của ngài từ khi sinh
đến khi nhập Niết Bàn mà phát tâm tu học theo.
3. Đối trị Tất
đàn, là cách thuyết pháp để đối trị lại tâm bệnh của chúng sinh. Thời Phật ra đời
đa phần chúng sinh tin vào Phạm Vương tạo ra vũ trụ, Vĩ Nựu là chúa muôn loài.
Muốn cho chúng sinh tin rằng Phật không phải do Phạm Vương tạo ra, cũng không
phải dưới quyền của Vĩ Nựu nên Phật nói " Thiên thượng thiên hạ, Duy ngã độc
tôn", Phật lại biết được về sau có nhiều kẻ ngoại đạo mượn danh Phật mà
truyền bá tôn giáo của mình, hoặc nói Phật là do Thượng đế cử xuống làm Giáo chủ,
làm cho chúng sinh mang tội huỷ báng Phật. Nên Phật nói " Thiên thượng
thiên hạ duy ngã độc tôn" để tuyệt trừ cái điều lợi dụng đó.
4.Đệ Nhất Nghĩa
đế Tất đàn, là Phật nói về bản tâm thanh tịnh của chúng sinh mà chúng sinh chưa
nhận biết, nhiều đời sống chết luân hồi khổ não, chúng sinh lấy cái phân biệt
hoàn cảnh làm tâm mình, lấy cái khối vật chất làm thân mình nên sinh ra các vọng
tưởng có chấp, có ngã, có pháp.
Cái lối chấp trước, Ngã đối với Pháp, Pháp
đối với Ngã, ngã đối với phi ngã, pháp đối với phi pháp, đối đãi với nhau mà hiện
ra các tướng như huyễn hư hoá, làm cho tâm niệm chúng sinh khi ưa khi ghét, khi
mừng khi sợ, tạo các nghiệp mê lầm, chịu các quả mê lầm, chẳng có khi nào được
tự tại. Muốn tự tại thì phải nương theo
giáo lý của Phật, nhận rõ toàn thể vũ trụ đều do tâm thức biến hiện, ngoài tâm
thức ra không có sự gì vật gì cả. Đó là cái phép Duy Ngã: duy thì không còn ngoại
vật, ngã thì chỉ có một tâm. Duy ngã là tuyệt đối trong các đối đãi, là chân
như trong các danh tướng; duy ngã chẳng có hai nên là độc; thường thanh tịnh
nên gọi là tôn. Đó là cái ý nghĩa của câu “ duy ngã độc tôn” theo thể tính của
tự tâm. Còn diệu dụng của tự tâm là chính nơi tuyệt đối mà hiện các đối đãi,
chính nơi chân như mà hiện các danh tướng. Tuy hiện ra các đối đãi mà đỗi đãi
không ngoài tuyệt đối, tuy hiện các danh tướng mà danh tướng tức là chân như.
Diệu dụng ấy ra ngoài cái có cái không, cái mê cái ngộ, thường tuyệt đối chân
như mà thường đối đãi danh tướng, thường đối đãi danh tướng mà thường tuyệt đối
chân như; không công dụng, không tạo tác mà hoá độ quần sinh; không nhân ngã,
không pháp ngã mà tức là chân ngã. Chân ngã ấy bao la trùm khắp, ra ngoài thời
gian và không gian, tự tại hoá độ quần sinh, để đầy đủ vô lượng công đức, đã đầy
đủ vô lượng công đức càng tự tại hoá độ quần sinh, nghĩ không tới, nói không
cùng, nên chỉ gượng gọi là Chân Ngã. Các vị Đại Bồ Tát cũng có Chân Ngã nhưng
chưa viên mãn; duy chân ngã của Phật mới hoàn toàn viên mãn; nên cũng duy có Phật
mới thật xứng với câu “ duy ngã độc tôn”.
Ý nghĩa của câu “ Duy ngã độc tôn” sâu
xa như vậy nên quyết định là Phật thuyết, chứ không phải do người sau thêm vào.
Toàn thể Phật pháp đều gồm trong câu ấy, nên người nhận rõ lý nghĩa câu ấy mà
tu hành thì quyết định thành đạo chứng quả.
Chúng tôi học theo tâm hạnh của người
đi trước nay tổng hợp ghi lại bài này nguyện chia sẻ cùng chư đạo hữu, mong mỏi
cùng nghiên cứu cho tường tận về nghĩa lý của từng câu Phật dạy rồi đem ra giảng
giải cho mọi người thì công đức không thể kể xiết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét