Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

Bài Tham luận Quốc thái dân an Phật đài

Bài viết:
CHÍNH NHÂN, CHÍNH DUYÊN VÀ NGHIỆP BÁO TỪ VIỆC CÔNG ĐỨC XÂY DỰNG PHẬT ĐÀI TÂY THIÊN

Khởi Luận
Tất cả các pháp theo tâm phân biệt thì có hình tướng của sự vật. Khi tâm phân biệt thay đổi thì hình tướng của sự vật cũng thay đổi. Như vậy thực tế sẽ là bất khả tư nghì ra ngoài đối đãi như sinh diệt, có không, đồng dị, khứ lai. Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật Đại Từ Đại Bi thị hiện trên cõi Ta Bà, dùng đủ cả phương tiện Khai Thị Ngộ Nhập, chỉ đường cho chúng sinh thấy được Phật tính của chính mình để thành Phật như Ngài, cho đến nay trải hàng ngàn năm lịch sử, giáo lý của Ngài vẫn ngự khắp cả mười phương, cứu khắp muôn loài.
1- Bàn về CHÍNH NHÂN
Ngày nay, chúng ta nhờ ơn Phật và chư Tổ chỉ dạy mà dần nhận thức đúng với thực tại hiện sinh, phân biệt chân ngụy, diệt vọng trừ niệm, có được sự tự chủ phần nào trong đời sống tâm linh. Quá trình giác ngộ chính là tiến trình trở về với bản tâm thanh tịnh sẵn có. Như nguồn nước vô tận, lại lưu xuất ra các dòng nước mát lành để nuôi dưỡng tâm Bồ đề của chúng sinh, vạn vật. Bốn dòng tịnh thuỷ hữu ích của bản Tâm chính là hạnh Từ Bi Hỷ Xả. Tứ vô lượng tâm này cũng là Sự và cũng là Lý để hoá độ, giúp cho người tu có được con đường mà trở về với cội nguồn “ Bản lai diện mục” là " minh tâm kiến tính". 
Phương tiện có nhiều, chư Phật, chư Tổ thuận theo nhận thức của người đời mà thuyết pháp, khi quyền khi thật, pháp môn thiện xảo đó có khi giúp người thông qua sự tướng, soi xét, suy tư mà thông tỏ Tự-Tính, lại tùy theo căn cơ mà các ngài chỉ thẳng bản Tính của pháp giới ( viên thông ). Chúng sinh tuỳ theo nghiệp lực mà có sự nhận thức khác nhau nên tiến trình giác ngộ cũng theo đó mà sai biệt. Từ xưa đến nay, chư Thầy Tổ không quản gian nan, từ bi hiển bày đủ mọi phương tiện để dẫn dắt đệ tử và kẻ mới học thâm nhập pháp môn giải thoát. Đại phương tiện như vậy mới chính là nội dung đạo lý " tuỳ-duyên" của Sơ tổ Trúc Lâm.  
Xã hội hiện đại phát triển nghiêng về vật chất và khoa học hữu vi. Con người sống dựa nhiều vào công nghệ tiện ích mà đánh mất giá trị tâm hồn ( tâm thức), dẫn đến mất cân bằng trong cuộc sống. Sứ mệnh giáo hoá giúp người giải quyết nỗi khổ niềm đau trở nên trọng đại hơn. Phương tiện hóa độ lại cần phải thiện xảo hơn. 

2- Bàn về CHÍNH DUYÊN
Kinh Kim Cương, Phật thuyết “ ...phàm sở hữu tướng, gia thị hư vọng...”.  Tôn chỉ của thiền Tông là “...bất lập văn tự, ngoại giáo biệt truyền...”. Nghĩa là ly tướng để phá vọng niệm, trở về với tự tính thanh tịnh Tâm. Đây là viên thuốc đặc biệt do Phật và Tổ chế ra nhằm điều trị tận gốc bệnh khổ về sinh diệt của chúng sinh.
Nhân vậy có người hỏi rằng: Tôn chỉ chung của Thiền Tông là Vô tướng, tại sao lại đi tôn tượng Phật lớn là hữu tướng, thế có phạm lỗi tương vi ( trái ngược) pháp chăng?
Đáp rằng:
Ngoài danh hiệu Đại-Y-Vương là dùng thuốc pháp để trị bệnh khổ, đức Phật được tôn xưng là Đại-Đạo-Sư bởi Ngài khéo dùng huyễn để trị huyễn. Giáo lý “Tu cái Vô tu, niệm cái vô niệm, hành cái vô hành...” Nghĩa là dùng chính niệm để trừ vọng niệm, dùng tướng để phá tướng. Cũng là hiện tướng để hóa độ mà không bám chấp, thực hiện tôn tượng mà không tạo tác vọng niệm. Đây là pháp môn vô-tướng đối trị thù thắng và phù hợp với nhận thức thường nghiệm hiện nay của đông đảo người tu Phật.
Kết hợp giữa vô-tướng để tự lợi và hiển-tướng để lợi tha như vậy, Quý Thầy ở Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, cùng với Phật tử, thiền sinh trên toàn quốc đã và đang phát tâm, góp công góp của xây dựng và tôn tạo tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đá hoa cương tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, mục đích xây dựng đạo tràng ( thiền viện) trang nghiêm thanh tịnh, làm Sở duyên duyên là môi trường cho chúng ta hiện thời và con cháu sau này, chiêm bái, kính lễ và tưởng tới đức hạnh của Phật, rồi từ thắng duyên đó mà phát tâm Bồ Đề rộng lớn, noi gương đức Phật tu thiền định, thực hành hạnh ban vui cứu khổ. Người người như vậy, nhà nhà như thế sẽ tạo ra quốc thổ thái bình thịnh vượng, dân chúng an lạc. Quốc – Thái – Dân – An chính là diệu dụng, là mục tiêu của Quý Thầy và sự cần thiết để chúng ta, mỗi người mỗi nhà góp phần, dù lớn dù bé, tùy theo điều kiện, cùng hỗ trợ tác thành đại Phật tượng cao 49 m. Ý niệm đức Phật tọa thiền đạt Đại giác ngộ trong suốt 49 ngày dưới cội Bồ đề thuở xưa được tái hiện chân thực, mang tư tưởng hoằng pháp lợi sinh rộng khắp.
Dự án Phật đài tại Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên thành tựu sẽ là nơi hướng tâm và là điểm du lịch tâm linh của thập phương nhân dân trong và ngoài nước. Tượng Phật ngự trên đỉnh núi đá trong khuôn viên Thiền viện Trúc lâm Tây thiên chính là bài pháp Vô-ngôn, “tùng tướng nhập tính”, giúp cho mọi người nương theo hình tướng mà thể nhập với bản tính. Hình tướng cụ thể ở đây mô phỏng 32 tướng tốt với 80 vẻ đẹp của Phật, mang sắc thái gần gũi với người Việt nam, ngoài không gian hình tượng Phật còn có phần tháp mười tầng nằm trong thân tượng, biểu trưng cho thập pháp giới đầy đủ tích Phật với quá trình giác ngộ và phát triển thiền phái Trúc Lâm từ Sơ Tổ Trúc Lâm điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông. Việc chiêm bái hình tượng và hình ảnh sẽ giúp chúng ta thấu tỏ được nền tảng giáo lý, pháp môn tu để chứng, rồi hằng ngày soi chiếu lại thân tâm, thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành vi trong đời sống hiện tại, hướng tới quả vị giải thoát như Phật trong thời tương lai. Nói như vậy mới rõ giá trị hữu hình và vô hình rộng lớn của việc tôn tạo Quốc thái dân an Phật đài.
3- Bàn về NGHIỆP BÁO
Chúng tôi, hàng Phật tử hậu học. Nhờ ơn Quý Thầy giáo hóa bấy lâu, nhận thức rõ về Tứ-trọng-ân mà tinh tiến tu tập. Lại hiểu được nghiệp-duyên sâu dày đã tạo tác từ vô thủy đến nay, có thiện, có ác. Thấu rõ phần nào con đường tu học là việc phá huyễn lập Chân, năng tu thiền định để thanh tịnh thân tâm, thường hành Phật sự để tự lợi, lợi tha ( giúp mình giúp người). Tất cả những việc như vậy về Thân Khẩu Ý mỗi mỗi đều hướng đến thiện nghiệp, làm tư lương cho thời tương lai. 
Con người ta theo lý vô thường của Thất-đại, tuân theo luật Sinh lão bệnh tử. Hoàn diệt theo không gian và thời gian không lường, nhưng công phu tu hành, nghiệp thiện, nghiệp ác theo nghiệp báo từ gieo nhân mà sinh quả có sai khác.  
Cụ thể, người hỏi rằng: ở đời chúng ta có khi làm thiện, có khi làm ác không chừng, vậy về sau theo cái nghiệp báo nào để luân hồi và thọ quả báo?
Đáp rằng:
Về vấn đề này chúng tôi xin lược ghi từ bài giảng trong cuốn Phật học thường thức của Cụ Tâm Minh Lê Đình Thám do Hòa Thượng Pháp Chủ Thích Phổ Tuệ diệu đính và xuất bản như sau:
“Nghiệp báo là nhân quả trong đường luân hồi. Nghiệp là hoạt động về thân thể, về lời nói hay ý nghĩ, và kết quả đền đáp lại những hoạt động ấy, thì gọi là nghiệp báo. Những hoạt động có quả báo rõ ràng, chia làm 3 thứ:
Thiện nghiệp là những việc lành, có lợi cho người và đem lại quả báo tốt cho mình
Ác nghiệp là việc dữ, có hại cho người và đem lại quả báo xấu cho mình.
Bất động nghiệp túc là hành động tu luyện tự tâm, làm cho không lay động trước cảnh ngũ dục, những cảnh khổ vui và những cảnh có hình tướng. Tu luyện như thế gọi là tu thiền định.
Trong một đời, ít ai chỉ làm điều thiện hay chỉ làm điều ác, nên nghiệp báo cũng tùy theo sự tổng hợp ảnh hưởng của các điều thiện, ác đã làm. Ảnh hưởng điều thiện chừng nào, thì lên cao chừng ấy, ảnh hưởng điều ác chừng nào, thì xuống thấp chừng ấy, nếu ảnh hưởng thiện ác xấp xỉ ngang nhau thì quả báo không thay đổi. 
Những hành động tu tập thiền định, tức là Bất động nghiệp có tác dụng rất lớn. Người tu hành được định nào thì thụ sinh theo định ấy, các nghiệp khác không thể lay chuyển được.
Ngoài Bất động nghiệp ra,còn có những nghiệp đặc biệt, có thể lấn át phần nào ảnh hưởng của các nghiệp khác, đó là Cực trọng nghiệp, Tích tập nghiệp, Cận tử nghiệp. Trong đó, Cực trọng nghiệp là những nghiệp lành, nghiệp dữ rất to lớn, ảnh hưởng nghiệp báo chung như làm những việc Phật sự lớn có ích lợi cho nhiều người sẽ quyết định phần lớn sự đi lên các cảnh giới cao của Thập pháp giới trong đường luân hồi.”
Tạm kết:
Căn cứ vào nhân quả nghiệp báo, như vậy mới thấy việc tinh tiến tu Thiền định và thực hiện các công việc Phật sự lớn sẽ quyết định rõ con đường tiến lên trong tương lai. Tham gia vào quá trình tôn tạo Quốc thái dân an Phật đài chính là thực hiện Cực-trọng-nghiệp nêu trên, theo nhân quả nghiệp báo đó sẽ quyết định cho chúng ta, con cháu chúng ta có được phúc báo hiện tiền tốt đẹp và đạt cảnh giới cao trong đời tương lai. Phật đài Tây thiên cấu trúc bằng đá hoa cương, đây là chất liệu tồn tại hàng ngàn năm, đồng thời với thời gian đó sẽ làm lợi ích cho vô số thế hệ, dẫn-nghiệp này tạo ra phúc báo vô lượng. Từ việc công đức tôn tượng sẽ là thắng duyên cho chúng ta trên con đường đi đến quả vị giải thoát tối hậu.
Công đức xây dựng Phật Đài chính là việc cực thiện, cực lành, là nhân duyên hiếm có trong nhiều thập niên trở lại đây. 
Để kết thúc bài tham luận, xin nói theo lời người xưa, thay cho sự khuyến tấn, chúc nguyện Phật sự tôn tượng Quốc thái dân an sớm được viên thành:
Kìa như cây cỏ vô tri, còn phải nhờ thiện duyên mới nên thiện quả; huống hồ loài người có biết, lại chẳng bởi lành mà thành lành. Những mong hình tượng và giáo lý của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật lưu khắp, trải hết vô lượng không gian và thời gian vô cùng, phúc trí ấy tỏa xa, hàng Phật tử chúng con nay nguyện tinh tiến tu đạo, hành Phật sự để vị lai được Giác ngộ bình đẳng với chư Phật ở khắp mười phương ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai.
Thơ, tổng luận
Muốn đến Tây thiên
Năng hành thập thiện
Bỏ các ác hành
Tinh tiến đi nhanh
Chăm tu thiền định
Tùy duyên nhưng tịnh. 
Cứu khắp hữu tình
Ngộ tính Chân không. 
Tinh tiến tu tâm
Thiền Viện Trúc Lâm 
Nhập pháp thậm thâm 
Tâm không Tâm Có
Thấy rõ chẳng nhầm.
Đó là cốt lõi
Chẳng còn thưa hỏi
Vì còn lời nói
Chẳng phải Chân Thiền
Ở cõi Tây Thiên.
Kính lạy Đấng Thế Tôn, Bậc Chính Đẳng Chính Giác Thích Ca Mâu Ni Phật!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét