Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Phật Học - 1000 năm Đông Du


Trích trong tập ký: 1000 năm Đông du – Quảng Kiến (Nguyễn Việt Hồng)

 (bài đăng tại trang 54,55,56,57 tạp chí Chùa Hương năm 2011)
...Trò hỏi: " Bạch Thầy thế nào là đạo?" Thầy đáp: "Núi đẹp quá".
Trò hỏi: "Bạch Thầy trò hỏi đạo sao Thầy đáp núi đẹp?" Thầy đáp: "Giờ ngươi chỉ biết có núi đẹp chớ có đạt đạo mà nói đạo!".
            Đệ tử từ khi sinh ra đến nay mắt thấy cái đẹp thì thích, tay chạm vật quý thì ham, nghe điều khen thì vui, gặp điều xấu thì buồn... mà không thấy được điều chân thật ẩn chứa bên trong.
... ngày 7 tháng 10 năm 2010...
Lần đầu mục sở thị đệ tử chỉ thấy được vẻ đẹp từ hòn đá, bụi cây, thảm cỏ, sỏi và cát toát ra từ một khu vườn. Nghệ thuật sắp đặt đã khoác lên vườn Nhật một vẻ đẹp đơn sơ mà cuốn hút, khiến cả thế giới hiện đại đang ra sức học hỏi vẻ đẹp đó, nhưng có được bao nhiêu người cảm nhận được giá trị thẩm mỹ Thiền ẩn dấu trong từng chi tiết của hòn đá vốn xù xì thô kệch, được tôn lên bởi biển cát mênh mông tưởng như vô tận hay bởi thảm cỏ xanh mướt êm đềm. Cái mà đệ tử có được ngay lúc này là khoảnh khắc yên bình tĩnh lặng hiếm có giữa cuộc sống hối hả nhộn nhịp thường ngày khi đứng trước khu vườn đá tại konzasan - osaka.Ở đây người ta gọi là vườn Thiền. Thầy dạy rằng trong Thiền phái, chủ nghĩa đơn giản và sự suy ngẫm trong yên lặng là những bước rất quan trọng để khai sáng tâm hồn cũng như lý trí. Như vậy mục đích thiết kế của Vườn Nhật một cách đơn giản với yếu tố chủ đạo là đá, chính là để tạo ra sự cô độc và tách rời khỏi thế giới hiện tại cho người đời chiêm ngưỡng. Điều này khiến ta trở nên tập trung hơn, có thể cảm nhận được sâu sắc hơn hương vị của không gian, với sự tôn nghiêm và thành kính. Đệ tử cảm tạ Thầy đã khai sáng và thấy trân trọng hơn cái giây phút “nhất kỳ nhất hội” này.
Trước mắt đệ tử từ phía đông đến phía tây là khu vườn dài khoảng 30 mét và từ phía bắc đến phía nam là 10 mét. Vườn thiền Ryôan-ji không trồng bất kỳ cây cối nào cả, trong khu vườn này có khoảng 15 khối đá xếp đặt rải rác với nhiều hình dạng khác nhau, một số khối đá phủ đầy rêu, nền của khu vườn được trải một lớp cát, sỏi màu trắng và được thay đổi hình dạng mỗi ngày.
Các khối đá thuộc nhiều hình dạng khác nhau, được sắp xếp trên 5 cụm viên cuội nhỏ màu trắng. Mặc dù khu vườn thiền có tất cả là 15 khối đá, nhưng dù đứng ở bất kỳ vị trí nào của khu vườn, đệ tử cũng chỉ thấy được có 14 khối.
Theo truyền thuyết, chỉ những ai được khai sáng tâm linh, đạt tới cảnh giới thiền tối cao mới có thể quan sát hết toàn bộ bí mật mầu nhiệm của khu vườn, đặc biệt là viên đá ẩn mình. Hình ảnh này không thể được lĩnh hội bằng phương pháp có chủ ý, chính bởi yếu tố huyền ảo trên sẽ tạo tâm lý rất tốt cho việc thiền định.Thầy dạy rằng đạo Thiền nhấn mạnh khái niệm cảm xúc sơ khai về sự lột bỏ các lớp bề mặt để khám phá bản thể bên trong. Các khu vườn Nhật được thiết kế mô phỏng theo thế giới thiên nhiên chỉ bằng những yếu tố cơ bản của tự nhiên. Người thiết kế vườn chủ yếu sử dụng vật liệu đá với đủ hình dáng sù sì, góc cạnh, kích cỡ... và các loại cây bụi để diễn tả một dòng suối khô. Kiểu vườn này thoạt trông có vẻ rất phức tạp, thô kệch, tầm thường nhưng đó chính là giá trị thẩm mỹ thiền cao nhất của khu vườn. Loại vườn này đòi hỏi người ngắm cảnh phải ngồi trầm tư, mặc định tập trung tư tưởng, thông qua trực giác để hiểu ý nghĩa sâu sắc bên trong những hình dáng đơn giản hay thô kệch bên ngoài. Những hòn đá có hình dáng sù sì, gồ ghề được sắp xếp một cách hài hoà với các độ cao thấp khác nhau nên vẻ đẹp tự nhiên của những hòn đá mọc lên một cách độc lập giữa biển cát. Những hòn đá này được xếp thành những nhóm theo số lẻ (3, 5). Đó là những con số theo triết lý nhà Phật là Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến...
... ngày 25 tháng 11 năm 2010...
Trên tay đệ tử là những bức ảnh vườn Thiền của Thầy cộng với cảm nhận khi đứng trước các khu vườn tại Kozasan, giờ đây đệ tử mới thấy được phần nào những ý tưởng lớn của chủ nghĩa tượng trưng ẩn sâu bên trong. Mặc dù vườn khô không chứa đựng cây cối, cỏ hoa và nước, nhưng vẫn được thiết kế nhằm tái hiện những dãy núi và cảnh quan tự nhiên khác của Nhật Bản. Cát hay đá nhỏ được cào theo những quy cách đặc biệt ,tượng trưng cho những cơn sóng trào .Một tảng đá lớn hay mô đất cao làm cho người ta liên tưởng đến ngọn núi hay hòn đảo. Các chi tiết bên trong vườn được bố trí hài hoà trong một màu xanh được tạo ra bởi rêu ở bên dưới đất và cây xanh ở bên trên. Khu vườn tạo cho người ngắm một cảm giác đồng nhất, chan hoà và không tách biệt với thiên nhiên. Hình dáng kiến trúc của ngôi nhà và dáng vẻ tự nhiên của khu vườn như hoà quyện được vào nhau. Vào mùa thu, khi lá của một cây rụng sớm trở nên đỏ, héo, chúng thường được quét vun vào một gốc cây tạo nên một sự tương phản không gay gắt mà còn làm nổi bật lên cảm giác về một cuộc sống tạm thời. Và đệ tử hiểu hơn về điều Thầy dạy cái hữu hình hữu tướng chỉ là giả tạm còn cái thực vĩnh cửu vốn vô hình vô tướng. Nhưng sự sống vĩnh hằng cũng không thể tìm ngoài cái Vô thường ảo mộng. Ta hãy bình thường trong mọi hoạt động của cuộc sống, và tìm cách giải thoát ngay trong cảnh bình thường đó. Đây cũng là cảm giác còn lại khi một lần hữu duyên tĩnh tâm trước vườn Thiền Nhật Bản. Để thấy và biết:
"Công danh cái thế màn sương sớm
Phú quý kinh nhân giấc mộng dài
Chẳng hiểu bản lai vô nhất vật
Công phu luống uổng một đời ai"

(Thơ của Thiền sư Thanh Đàm.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét