Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2023

THẬP HẠNH VỊ BỒ TÁT



 III.- THẬP HẠNH VỊ:

THẬP HẠNH nghĩa là mười phương pháp tu hành về công hạnh lợi tha của Bồ Tát. Thập Hạnh Vị trên cũng gọi là Thập Tâm Hạnh. Thập Hạnh Vị đây là một trong 50 ngôi vị tu tập của Bồ Tát. Thập Hạnh Vị là chỉ từ ngôi vị thứ 21 cho đến ngôi vị thứ 30. Thập hạnh Vị gồm có:

1.- HOAN HỶ HẠNH: nghĩa là Bồ Tát với hạnh nguyện hoan hỷ dùng vô lượng diệu đức của Như Lai (của Phật) để tùy thuận hóa độ cho chúng sinh trong mười phương cõi.

2.- NHIÊU ÍCH HẠNH: nghĩa là Bồ Tát dùng mọi phương tiện khéo léo để làm lợi ích cho chúng sinh và khiến cho chúng sinh không bị mặc cảm trong sự thọ nhận lợi ích.

3.- VÔ SÂN HẬN HẠNH: nghĩa là một vị Bồ Tát luôn luôn phải thể hiện hạnh nhẫn nhục với mọi cộng việc, tức là Bồ Tát không bao giờ có thái độ giận tức trước bất cứ việc trái nghịch nào, cho đến cũng không bao giờ có ý hại mình và hại người. Một vị Bồ Tát thật hành hạnh không sân hận là phải nhún nhường cung kính mọi người và phải nhẫn nại mỗi khi đối diện trước oán cừu thù nghịch.

4.- VÔ TẬN HẠNH: cũng gọi là Vô Khuất Nạo Hạnh (Công hạnh không hèn yếu chùn bước). Vô Tận Hạnh nghĩa là Bồ Tát phát tâm đại tinh tấn, nguyện độ tất cả chúng sinh không cùng tận. Trên con đường độ sinh, Bồ Tát tỏ ra siêng năng không chút giãi đãi, không chút yếu hèn và chùn bước trước mọi sự khó khăn đưa đến. Bồ Tát thật hành hạnh độ tha cho đến khi nào chúng sinh đều chứng quả Niết Bàn mới mãn nguyện.

5.- LY SI LOẠN HẠNH (Lìa mê loạn tâm): nghĩa là Bồ Tát thường an trụ nơi chính niệm để cho Tâm không bị tán loạn. Bồ Tát đối với tất cả pháp môn đều thông minh sáng suốt.

6.- THIỆN HIỆN HẠNH (Khéo thật hành công hạnh hiện tại): nghĩa là Bồ Tát đã thanh tịnh được ba nghiệp cho nên biết rõ tận gốc rễ của các pháp hữu vi cùng các pháp vô vi, vì thế Bồ Tát không bị ràng buộc cũng như không chấp trước một pháp nào cả. Mặc dù tự tại đối với mọi pháp, Bồ Tát vẫn không bỏ công hạnh giáo hóa chúng sinh của mình.

7.- VÔ TRƯỚC HẠNH: nghĩa là hạnh không nhiễm trước. Bồ Tát thật hành hạnh không nhiễm trước là thường trải qua các cõi Phật (Trần Sát Phật) để cúng dường và cầu pháp. Tâm thành cúng dường và cầu pháp của Bồ Tát không có chút nhàm chán. Mặc dù bận Tâm trong công việc cúng dường và cầu pháp nơi các cõi Phật, Bồ Tát vẫn thường dùng trí tuệ tịch diệt để quán chiếu và nhận chân các pháp. Nhờ đó đối với các pháp môn, Bồ Tát vẫn không bao giờ khởi tâm nhiễm trước.

8.- TÔN TRỌNG HẠNH: nghĩa là Bồ Tát đều tôn trọng các pháp thuộc thiện căn phước đức cũng như các pháp thuộc trí tuệ giác ngộ. Theo như Bồ Tát, cả hai loại pháp môn nói trên đều có thể thành tựu được vô lượng công đức an lạc và giải thoát. Cho nên, Bồ Tát cần phải tiến tu gồm cả hai lợi hạnh là: hạnh tư lợi và hạnh lợi tha.

9.- THIỆN PHÁP HẠNH: nghĩa là Bồ Tát cần phải thành tựu cho được tất cả Thiện Pháp độ tha của bốn Pháp Môn Vô Ngại Đà La Ni để bảo hộ Chính Pháp và khiến cho giống Phật không bị diệt mầm.

10.- CHÂN THẬT HẠNH: là một danh từ dùng để chỉ cho sự thành tựu Đệ Nhất Nghĩa Đế. Đệ Nhất Nghĩa Đế nghĩa là pháp môn có danh nghĩa chân thật thứ nhất. Đệ Nhất Nghĩa Đế như là lời nói có thể thật hành và điều thật hành có thể diễn đạt, cũng như lời nói và hành động đều dung hợp với nhau, cho đến Sắc và Tâm đều hòa thuận tương đắc lẫn nhau. Đó là ý nghĩa của Đệ Nhất Nghĩa Đế.

Bồ Tát tu Thập Hạnh có bốn mục đích:

a/- Nhàm chán các pháp hữu vi. 

b/- Mong viên thành quả Bồ Đề và hy vọng tròn đầy công đức Phật hạnh.

 c/- Ước mơ cứu độ chúng sinh trong đời hiện tại và đời vị lại. 

d/- Nguyện cầu thật tế là chứng ngộ được pháp Nhất Như Chân Thật của Phật.

Vì bốn lý do nêu trên, Bồ Tát mới phát tâm tu tập các Hạnh. Sự quan hệ như thế nào giữa Bồ Tát và thứ bậc của Thập Hạnh?

Theo Kinh Luận, Thập Hạnh là một trong Tam Hiền, là Tính Chủng Tính trong sáu Chủng Tính (6) cũng gọi là Tư Lương Vị trong năm Ngôi Vị của Bồ Tát.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét