Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2023



 V.- THẬP ĐỊA VỊ:

THẬP ĐỊA VỊ nghĩa là mười địa vị tu tập của Bồ Tát với mục đích giữ gìn Pháp Bảo, nuôi dưỡng Pháp Bảo và khiến cho Pháp Bảo sớm được sinh trưởng để kết thành quả giác ngộ. Thập Địa Vị là kể từ ngôi vị thứ 41 cho đến ngôi vị thứ 50 trong quá trình tu tập hạnh Bồ Tát. Bồ Tát tu tập Thập Địa Vị là bắt đầu bước lên bờ mé Chứng Ngộ, nghĩa là Bồ Tát đã phát sinh được Trí Tuệ Vô Lậu và nhận thấy được Phật Tính chân thật của mình, còn Bồ Tát đả trải qua xong Thập Địa Vị là đã thành tựu được bậc Thánh, tức là tăng trường được Phật Trí để bảo hộ cũng như để giáo dưỡng cho tất cả chúng sinh trong vô lượng thế giới. Thập Địa Vị gồm có:

1.- HOAN HỶ ĐỊA: (Pramudità-Bhùmi) cũng gọi là Cực Hỷ Địa hay là Duyệt Dự Địa. Hoan Hỷ Địa nghĩa là địa vị rất vui mừng (Cực Hỷ), rất an vui (Duyệt dự). Bồ Tát ở ngôi vị này rất vui mừng là đã chứng được Phật Tính cũng như đã giác ngộ được hai nguyên lý Nhân Không và Pháp Không để làm lợi ích cho chúng sinh, nên gọi là Hoan Hỷ Địa.

2.- LY CẤU ĐỊA: (Vimalà-Bhùmi), cũng gọi là Vô Cấu Địa hay là Tịnh Địa. Ly Cấu Địa là địa vị đã thoát ly hẳn bụi nhơ Phiền Não ô nhiễm (Vô Cấu) Tâm Bồ Đề và được hoàn toàn thanh tịnh (Tịnh Địa). Bồ Tát ở ngôi vị này là đã tẩy sạch hết tất cả trần cấu Phiền Não ô nhiễm và giữ Tâm Bồ Đề được hoàn toàn thanh tịnh, nên gọi là Ly Cấu Địa.

3.- PHÁT QUANG ĐỊA: (Prabhàkarì-Bhùi), cũng gọi là Minh Địa, Hữu Quang Địa hay Hưng Quang Địa. Phát Quang Địa nghĩa là địa vị phát sinh Trí Tuệ sáng suốt (Hữu Quang hay Hưng Quang Địa). Bồ Tát ở ngôi vị này là nhờ Đại Thiền Định nên phát sinh được Trí Tuệ sáng suốt mầu nhiệm vô biên, nên gọi là Phát Quang Địa.

4.- DIỄM HUỆ ĐỊA: (Arcismatì-Bhùmi), cũng gọi là Diễm Địa, Tăng Diệu Địa hay Huy Diệu Địa. Diễm Huệ Địa nghĩa là địa vị phát sinh lửa Trí Tuệ (Huy Diệu) tăng thêm sáng suốt (Tăng Diệu). Bồ Tát ở ngôi vị này là phát huy Trí Tuệ tăng thêm sáng suốt lên mãi và phát huy cho đến khi nào lửa Trí Tuệ đó đã đốt sạch hết tất cả phiền não của vô lượng kiếp ở trong tâm Bồ Đề, nên gọi là Diễm Huệ Địa.

5.- NAN THẮNG ĐỊA: (Sudurjayà-Bhùmi), cũng gọi là Cực Nan Thắng Địa. Nan Thắng Địa nghĩa là địa vị này rất khó vượt qua (Cực Nan Thắng). Bồ Tát ở ngôi vị này là đã thành công được những điều khó vượt qua. Hai Trí Tuệ thuộc Chân Đế và Tục Đế thì hoàn toàn trái ngược nhau. Thế mà Bồ Tát đã thắng được một việc rất khó khăn là khiến cho chúng nó hòa hợp với nhau thành một thể, nên gọi là Nan Thắng Địa.

6.- HIỆN TIỀN ĐỊA: (Abhimukhì-Bhùmi), cũng gọi là Hiện Tại Địa, Mục Kiến Địa hay Mục Tiền Địa. Hiện Tiền Địa nghĩa là địa vị hiện ra trước mặt có thể nhìn thấy được (Mục Kiến hay Mục Tiền Địa). Bồ Tát ở ngôi vị này là phải giữ vững Trí Tuệ Hữu Phân Biệt (Trí Tuệ thuộc loại có phân biệt) để soi sáng và phát khởi Trí Tuệ Vô Phân Biệt của Phật (Trí Tuệ thuộc loại không có phân biệt) luôn luôn hiện ra trước mặt một cách rõ ràng, nên gọi là Hiện Tiền Địa.

7.- VIỄN HÀNH ĐỊA: (Dùramgamà-Bhùmi), cũng gọi là Thâm Hành Địa, Thâm Nhập Địa, Thâm Viễn Địa hay Huyền Diệu Địa. Viễn Hành Địa nghĩa là địa vị này đi rất xa, đi một cách sâu xa (Thâm Viễn), thâm nhập vào một nơi rất huyền diệu. Bồ Tát ở ngôi vị này là đã vượt qua khỏi một cách xa thẳm của hai đạo Thế Gian và Xuất Thế Gian và đã đến một nơi Vô Tướng, nghĩa là Bồ Tát không còn bị ràng buộc bởi những hình thức công dụng cũng như tự tại trước những hình tướng tu hành khuôn mẫu nào cả, nên gọi là Viễn Hành Địa.

8.- BẤT ĐỘNG ĐỊA: (Acalà-Bhùmi) nghĩa là địa vị không còn bị chuyển động. Bồ Tát ở ngôi vị này là nhờ vận dụng được Trí Tuệ Vô Phân Biệt một cách liên tục cho nên không bao giờ bị lay chuyển bởi những phiền não cuốn trôi cũng như không bị biến động theo bởi những hình tướng, bởi những công dụng hấp dẫn của thế gian, nên gọi là Bất Động Địa.

9.- THIỆN HUỆ ĐỊA: (Sàdhumatì-Bhùmi), cũng gọi là Thiện Tại Ý Địa hay Thiện Căn Địa. Thiện Huệ Địa nghĩa là địa vị phát khởi Trí Tuệ một cách linh hoạt khéo léo (Thiện Tại Ý). Bồ Tát ở ngôi vị này là nhờ phát chiếu Trí Tuệ một cách vi diệu và tự tại, cho nên đã thành tựu được bốn biện tài vô ngại để độ chúng sinh. Cũng nhờ thành tựu được bốn Biện Tài vô ngại, Bồ Tát thuyết pháp rất lưu loát, nói năng rất khéo léo và linh hoạt. Trong bất cứ trường hợp nào, Bồ Tát thuyết pháp không bao giờ bị vấp ngã, nên gọi là Thiện Huệ Địa.

Bốn biện tài vô ngại nghĩa là bốn tài năng biện thuyết pháp rất lưu loát và thông suốt mà không bị chướng ngại. Bốn Biện Tài vô ngại gồm có:

a/- PHÁP VÔ NGẠI: nghĩa là tất cả pháp đều thông suốt. 

b/- NGHĨA VÔ NGẠI: nghĩa là tất cả nghĩa lý đều sáng tỏ. 

c/- TỪ VÔ NGẠI: nghĩa là trình bày rất mạch lạc và văn pháp rất rõ ràng dễ hiểu. 

d/- NHẠO THUYẾT VÔ NGẠI: nghĩa là thuyết pháp mãi không bao giờ hết ý và hết lời.

10.- PHÁP VÂN ĐỊA: (Dharmameghà-Bhùmi), cũng gọi là Pháp Vũ Địa. Pháp Vân Địa nghĩa là mây pháp che khắp cả muôn loài chúng sinh cũng như mưa Pháp tưới mát cả hằng sa quốc độ (Pháp Vũ). Bồ Tát ở ngôi vị này là đã chứng được Pháp Thân thanh tịnh và dùng Đại Trí kết hợp vô lượng nước công đức tạo thành đám mây Đại Pháp trong sạch che khắp cả vô lượng quốc độ và tươi mát cả muôn loài chúng sinh, nên gọi là Pháp Vân Địa.

Tóm lại, 50 ngôi vị tu tập đã được trình bày ở trên chính là những thứ bậc để định mức giá trị chứng đạo và trách nhiệm độ tha của một vị Bồ Tát. Một hành giả muốn thành một vị Bồ Tát thiệt thụ thì phải trải qua 50 ngôi vị công phu tu tập nói trên để hoàn thành nhiệm vụ là tự độ và độ tha, tự giác và giác tha. Trên con đường tu tập, một vị Bồ Tát phải hoàn thành cho xong từ thứ bậc một, phải bắt đầu từ thấp đến cao. nghĩa là Bồ Tát phải khởi hành từ Nhập Môn của Thập Tín cho đến hoàn thành Thánh Quả của Thập Địa. 50 ngôi vị tu tập của Bồ Tát được chia làm năm thứ bậc:

1/ - THẬP TÍN: là thuộc về thứ bậc của Bồ Tát Nhập Môn. 

2/ - THẬP TRỤ, THẬP HẠNH, THẬP HỒI HƯỚNG: 30 ngôi vị này là thuộc về thứ bậc của Bồ Tát Tam Hiền. 

3/ - THẬP ĐỊA:  là thuộc về thứ bậc của Bồ Tát Thánh Nhân.  

Đây là thứ bậc thấp cao qua quá trình tu chứng của 50 ngôi vị Bồ Tát. 

Nguyện cho tất cả chúng sinh đều phát tâm tu Bồ tát đạo, hành Bồ tát hành, đồng thành Bồ đề quả.

Na mô Bản sư Thích Ca mâu ni Phật!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét