Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Chùa Nghệ An


Kiến trúc Chùa Nghệ An
1.     Đánh giá Hiện trạng:
Nghệ An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 4 mùa rõ rệt: xuân, hạ, thu, đông. Từ tháng 4 đến tháng 8 dương lịch hàng năm, tỉnh chịu ảnh hưởng của gió tây nam khô và nóng. Vào mùa đông, chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc lạnh và ẩm ướt.
Nghệ An là một tỉnh có đầy đủ địa hình núi cao, trung du, đồng bằng và ven biển. Phía Tây là dãy núi Bắc Trường Sơn. Tỉnh có 10 huyện miền núi, Các huyện, thị còn lại là trung du và ven biển, trong đó Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, và Cửa Lò… giáp biển.
Phật giáo được truyền vào Việt Nam tính đến nay đã trải qua hơn 2000 năm lịch sử và có thời kì đạo Phật đã trở thành tư tưởng đạo lý, được cộng đồng xã hội trân trọng và gìn giữ với vị trí là quốc đạo như thời Lý và thời Trần.
         Cùng với điều kiện đó Phật giáo đã được hưng phát tại đất Nghệ An. Qua quá trình tìm hiều và nghiên cứu khảo cổ tại các tự viện và phế tích cũng như trong tâm thức người dân Xứ Nghệ đã chứng minh Phật giáo có mặt tại đất Nghệ An cách đây hàng ngàn năm. Có thể nói đạo Phật đã được phát triển sâu rộng trong đời sống nhân dân Xứ Nghệ, mỗi làng xã đều có chùa để thờ Phật, đặc biệt khi vua Trần Nhân Tông về đây chiêu mộ binh sỹ đánh đuổi quân Nguyên Mông, thời kỳ này nhiều chùa đã được vua ban chiếu xây dựng và khuyến khích nhân dân công đức lập chùa.
Trong thời gian vua Lê Lợi lập đại bản doanh cũng như thời kì vua Quang Trung tiến quân ra thành Thăng Long cũng đã dựa vào cơ sở chùa chiền để đóng quân và huấn luyện binh sỹ.
Trải qua thăng trầm với lịch sử phát triển dân tộc, nhân dân Nghệ An sớm giác ngộ giáo lý của nhà Phật là chân lý giải thoát tối hậu, cho nên đã nhiều đời nối tiếp nhau xây dựng mở rộng Chùa để làm nơi hoằng pháp và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân Nghệ An.
Theo thống kê sơ bộ số lượng Chùa tại Nghệ An còn sót lại dấu tích khoảng gần 500 ngôi Chùa. Do đó việc phục dựng trùng tu cần phải có thời gian và sự cân nhắc kỹ lưỡng về mọi mặt. Từ ảnh hưởng của khí hậu vùng miền đến địa hình và phong tục tập quán địa phương.

2.     Các đặc điểm vùng miền ảnh hưởng đến cấu trúc và không gian kiến trúc chùa
Căn cứ vào hiện trạng thực tế, một ngôi chùa tại Nghệ An muốn xây mới, tu bổ hay mở rộng sẽ chịu ảnh hưởng quyết định bởi yếu tố khí hậu của nắng gió miền Trung. Giờ nắng và lượng mưa nhiều nên kiến trúc chùa sử dụng dãy nhà hành lang có mái che kết nối các hạng mục Chùa là tối cần thiết. Quy trình quy hoạch các hạng mục Chùa làm xuất hiện ra các không gian kiểu giếng trời sẽ hình thành các túi khí tự nhiên góp phần giảm bớt hơi nóng của không khí khô và hanh (gió Lào). Việc tạo ra nhiều vườn cây và ao hồ mặt nước sẽ giúp điều hòa vi khí hậu kết hợp cùng với giải pháp bố trí linh hoạt theo địa hình hiện trạng của ngôi chùa sẽ tạo ra nhiều hơn cảnh quan Kiến trúc đặc sắc, mang đậm dấu ấn Phật giáo Nghệ An. (tham khảo thiết kế mới chùa Đại Tuệ).

3.     Các vấn đề cốt lõi trong việc thiết kế và tu bổ chùa tại Nghệ An
Do ảnh hưởng mang tính đặc thù của địa phương nêu trên về mặt khí hậu. Chùa Nghệ An trong quá trinh tu bổ cải tạo hay mở rộng cần phải cân nhắc trước khi thực hiện thiết kế ở các nội dung sau:
1. Về phương diện quy hoạch kiến trúc: Căn cứ vào quy mô và định hướng phát triển để lựa chọn mô hình chùa theo các phương án của chùa điển hình nêu trên (sẽ có hình ảnh cụ thể chi tiết trong phần trình chiếu khi trình bày tham luận).
Khuôn viên chùa cần bố trí vườn cây ở hướng Tây để chắn nắng gắt vào các ngày nóng. Bố trí nhiều hồ sen, ưu tiên mặt nước ở hướng Tây Nam để điều hòa khí hậu mùa gió Lào. Giải pháp quy hoạch phải là sự hòa nhập tối đa với thiên nhiên nhằm thích ứng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.
          Bố cục các hạng mục công trình trong Chùa cần tuân theo sự kết nối liên tục có ý đồ tuân theo tư tưởng cân bằng đối xứng thông qua trục chính đạo. Nhấn mạnh ở tư duy bố cục ngang bằng sổ thẳng với giải pháp tạo kết nối giữa các hạng mục với nhau theo hành lang có mái che mưa nắng. Cấu trúc này đảm bảo cho việc sinh hoạt cũng như tu tập hành trì  các thời khóa công phu của Tăng Ni không bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
          Kiến trúc chùa cần nhiều hơn các giải pháp biểu tượng mang tính tượng trưng cao. Cấu trúc hình khối đơn giản mà khúc triết có tính giáo hóa saa sắc (thể hiện ở nhiều không gian mô tả tích Phật và giáo lý căn bản) phù hợp với đại đa số người dân Nghệ An hiện nay, chưa có nhiều điều kiện tiếp xúc với giáo lý của Đức Phật trong suốt thời gian dài qua hai cuộc chiến tranh.
2. Về phương diện kỹ thuật xây dựng:
Đặc thù bởi khí hậu nóng ẩm nên việc xây dựng chùa tại Nghệ An cần sử dụng các vật liệu có độ bền cao, chịu được tác động của khí hậu khắc nghiệt. Cụ thể đối với các ngôi chùa có điều kiện về kinh tế nên sử dụng gỗ chất lượng cao như gỗ Lim, gỗ gụ… vật liệu xây là đá nguyên khối và gạch nung.  Ngoài các vật liệu truyền thống nêu trên các ngôi chùa hiện nay có thể sử dụng vật liệu mới bê tông cốt thép mác cao. Hoặc kết hợp giữa bê tông và gỗ để tạo ra ngôi chùa đáp ứng yêu cầu về khối tích sử dụng và phù hợp với địa hình phức tạp, không đồng nhất (xem minh họa).

3. Về mỹ thuật và màu sắc trong kiến trúc chùa Nghệ An:
 Ngoài việc chú ý tuân theo các tiêu chí nêu trong phần chùa điển hình Việt Nam. Chùa Nghệ An với bề mặt ngoại thất cũng như nội thất sẽ chịu ảnh hưởng bởi môi trường khô hanh ẩm ướt đặc trưng của khí hậu miền Trung. Do đó việc hoàn thiện bề mặt cần phải sử dụng các chất liệu có độ bền cao, ít bị ảnh hưởng bởi khí hậu, cụ thể vật liệu phải chịu được nhiệt độ và độ ẩm cao, kèm theo đó là sự chống bay màu của bề mặt hoàn thiện và sự ẩm mốc xảy ra trong quá trình tiếp xúc với nắng và mưa nhiều.   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét