Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Quy Y Tam Bảo theo Đại thừa Phật Giáo


     Đối với Đại Thừa Phật Giáo là Quy y thập phương thường trụ Tam Bảo. Đó là Quy Y thập phương chư Phật. Quy Y đệ nhất nghĩa đế tối thượng vi diệu của chư Phật, quy y thập phương chư đại Bồ Tát.
     Chư Phật là đồng thể. Vậy theo Đại Thừa Quy Y với một đức Phật là quy Y tất cả chư Phật. Như thế mới hiểu được là chư Phật luôn luôn thường trụ, hiện tiền cứu độ cúng sinh, mới hiểu được là quả vị Chư Phật là tối cao tối thượng. Quy Y Pháp bảo Đại Thừa thì phải hiểu là quy y trung đạo đệ nhất nghĩa đế, sẽ trực nhận được pháp giới tính = Tâm tính = Bản lai tự tính.
     Hiện nay các vị xuất gia là thanh văn tăng thụ giới tiểu thừa cùng với các vị sư Tổ là thập phương Bồ tát hiện thân ra để giáo hóa chúng sinh từ tiểu thừa tiến lên Đại Thừa. Các vị sư Tổ đã phát hiện ra những tà kiến của ngoại đạo lẫn trong đạo phật để ngăn chặn ngoại đạo phá hoại phật Pháp từ bên trong nội bộ các vị tu hành đạo Phật. Các vị sư Tổ cũng đã tùy duyên nêu ra các phương pháp tu hành Đại Thừa thích hợp trong từng thời gian để chấn hưng Đạo Phật. Như Long Thụ Tổ Sư thứ 14 của Thiền Tông đã tùy duyên thiết lập Mật giáo để chấn hưng Đạo Phật trong thời gian đó có ngoại đạo xen vào xuyên tạc thiền tông. Như thế là dùng Mật giáo để hỗ trợ thiền tông thành công. Vậy quy y tăng bảo Đại thừa chính là quy y thập phương chư đại Bồ tát.
     Trụ trì tam bảo hiện tiền và thường trụ tam bảo nói trên đều từ bản lai tự tính biến hiện ra. Do đó quy y tam bảo cũng chính là quy y tâm tính tức phật tính của chính mình. Đó là chân lý nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất của tự tính cũng là của Đại thừa. Vậy quy y tam bảo theo Đại thừa cũng là cũng là quy y tự tính tam bảo như sau:
     Tự tính bản lai không có nhiễm ô, không có vô minh là tự tính Phật bảo Đại Thừa.
     Tự tính bình đẳng tuy biến hiện ra các pháp thế gian hay xuất thế gian nhưng tất cả các pháp đó đều chỉ là tự tính. Đó là tự tính Pháp bảo Đại thừa.
     Tự tính có diệu dụng vô lượng vô biên có hằng hà sa số công đức tuy làm vô số công đức Phật sự hiện ra vô số thân giáo hóa chúng sinh nhưng sự thật các tướng đó đều là huyễn tướng đều quy về tự tính chân thật. Đó chính là tự tính Tăng Bảo Đại Thừa.
     Quy Y như thế chính là quy y tự tính Tam bảo của mình của chư Phật và của tất cá chúng sinh.
     Quy Y gọi là Na mô nghĩa là quay về nương dựa chư Phật để được nghe lời dạy bảo giác ngộ và viên mãn được Phật tính của chính mình. Do đó quy y Tam bảo là có quyết tâm thoát khỏi kiếp luân hồi, quyết tâm cải tà đạo quy chính đạo. Do đó đã quy Y tam bảo thì không quy y cùng với các đạo khác. Vậy người đệ tử phật quy y tam bảo phát 3 lời nguyện:
     1. Quy Y Phật vĩnh bất quy y thiên thần, quỷ vật. Đó là không thể quy y các ông thượng đế tạo hóa của ngoại đạo cùng với việc quy y Phật cho đến dựa vào các loài quỷ để mưu lợi ích riêng tu cũng là sai lầm. Vì trời thần quỷ cũng như chúng ta đang chịu khổ luân hồi thì không thể cứu chúng ta thoát khỏi kiếp luân hồi được. Cho nên nói Cha cũng kính, mẹ cũng vái, Phật cũng kính trời cũng sợ là lẫn lộn giữ chính Pháp với ngoại đạo.
     Ngoài ra tu hành một thời gian bắt đầu diệt được ác nghiệp, chuyển được nghiệp người sang mức độ cao hơn gần với nghiệp Thần thì cũng có thể cảm thông và tiếp xúc được với các thần. Nhưng đó là vô ích vì các vị này cũng như chúng ta đều chưa giác ngộ rất dễ lôi kéo chúng ta theo các ngoại đạo như thiên ma đạo trong dục giới
     2. Quy Y Pháp vĩnh bất quy y ngoại đọa tà giáo:
Tà giáo ngoại đạo là những đường lối tu hành chưa được viên mãn, chưa cứu chúng ta thoát khỏi luân hồi được. Vậy khi chưa có hiểu biết đầy đủ tương đối về Đạo Phật chớ nên xem các kinh sách ngoại đọa vì dễ bị các lý thuyết đó lôi kéo theo ngoại đạo. Chỉ khi nào có trí tuệ phân biệt tà chính rõ ràng hẵng nên xem kinh sách ngoại đạo để biết rõ cái đúng cái sai mà thực hành và trừ bỏ.
     3. Quy Y Tăng vĩnh bất quy y tổn hữu ác phái:
Tổn hữu là bạn xấu lôi kéo ta vào đường ác nên ta không thể theo họ. Ác phái là các phái ngoại đạo tà giáo xúi giục chúng sinh làm việc ác. Những kẻ này khoác áo người xuất gia nhưng tâm thì độc ác như ma quỷ. Chúng ta cần tránh xa bọn chúng.
Chỉ quy y tam bảo ở tuổi đã hiểu biết tương đối từ 18 tuổi trở lên chớ nên quy y trước tuổi đó thì sẽ mất tác dụng. Phải có hiểu biết tương đối thì việc phát nguyện quy y mới thực là đúng đắn. Quy Y Phật nguyện cho chúng sinh thấu hiểu đạo Phật phát tâm giác ngộ cao siêu nhất.
Quy Y Pháp nguyện cho chúng sinh hiểu sâu ý nghĩa tam tạng khế kinh có trí tuệ chân chính rộng lớn sâu xa.
Quy Y Tăng nguyện cho chúng sinh có khả năng dìu dắt đại chúng tu tập theo phép lục hòa được vô ngại tự tại.
Vì vậy quy Y tam bảo là phải làm thiện bỏ ác cải tà đạo theo chính đạo để thoát khỏi kiếp luân hồi. Dù trong lúc hoạn nạn khó khăn vẫn kiên tâm không thoái lui thì tương lai sẽ có vô lượng lợi ích chân chính.
     Ở nước ta có phong tục thờ cúng tổ tiên. Vậy đã quy y tam bảo thì hiểu rằng Tổ tiên ta khi đã lâm chung thì nếu chưa được vãng sinh thập phương tịnh độ của chư phật thì đều phải luân hồi trong lục đạo. Do đó không thể có cái việc có cái hồn được mời về hưởng các lế tiến cúng . Những ngày giỗ, tết nên nhớ rằng là những ngày kỷ niệm nhớ ơn Tổ tiên đã nuôi dưỡng mình. Để báo cái ơn lớn đó của Tổ tiên tất cả con cháu hãy làm việc thiện, tụng khế kinh Đại Thừa, trì chân ngôn Đại Thừa, niệm danh hiệu chư Phật Bồ Tát để hồi hướng cho chân linh của Tổ tiên đời sau sớm giác ngộ tu theo đạo Phật để được vãng sinh các cõi tịnh độ của chư Phật trong mười phương. Như thế mới thực sự là được ích lợi chân chính của việc thụ Tam Quy, đồng thời là sự báo ơn Tổ tiên của mình một cách chân chính nhất.
     Xin nguyện cho tất cả chúng sinh phát tâm thiết thực quy y Đại Thừa tam bảo, tinh tiến tu hành Đại thừa viên mãn Phật quả Vô thượng Bồ Đề.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét