Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Tháp Phật


Tháp Phật    
(Quảng Kiến – Nguyễn Việt Hồng. Bài đăng trên tập san Chùa Hương năm 2012)

Dẫn nhập
Như tôi được nghe: “Vạn Pháp do Tâm tạo, vạn vật thành trụ hoại không hoặc có hình hoặc không hình đều hội đủ cả Tướng Tính Thể Dụng. Mọi sự do từ một tế (Tâm) mà sinh ra, kẻ sơ cơ bám lấy những cái thấy biết trước mắt, chấp vào phân biệt, rồi từ tam độc (tham, sân, si) tạo nghiệp để phải chịu cảnh khổ luân hồi; hoặc cũng từ cái thấy biết đó mà giác ngộ được chân lý tu hành thoát khỏi tam giới thể nhập vào cõi tịnh độ của chư Phật . Đức Thế Tôn Đại Từ Đại Bi thị hiện trên cõi Sa Bà dùng đủ cả phương tiện Khai Thị Ngộ Nhập chỉ đường cho chúng sinh thấy được Phật tính của chính mình để thành Phật như Ngài, cho đến nay trải hàng ngàn năm lịch sử giáo lý của Ngài vẫn ngự khắp cả mười phương, cứu khắp muôn loài.
Ngày 30 tháng 9 năm 2011, nhân duyên đầy đủ, nay tây du về chiêm bái tu tập tại Tứ động tâm và các thánh tích Phật tại Ấn Độ. Đoàn hành hương chúng tôi chiêm bái cùng khắp các địa điểm nơi thuở xưa Phật thuyết pháp. Với nhãn quan nghề nghiệp của kiến trúc sư, suốt chặng đường lễ bái thánh tích đọng lại trong tôi cảm xúc ấn tượng về công trình Tháp Phật. Chiêm bái bảo tháp mới thấy được uy linh tuyệt đối của Đạo Phật; tư duy đến cấu trúc và công nghệ tôn tạo Tháp mới thấy được thần lực của Đạo thật vô cùng. Đúng với câu “Lớn không gì ngoài”. Một số tháp Phật hiện không nguyên vẹn, chỉ còn lại ít dấu tích nhưng tâm thức của hàng Phật tử khi chiêm bái thì không khác, đấy cũng là giá trị của Chân Lý không sinh không diệt, có trải qua ngàn kiếp mà không cổ; mọi chi tiết dù còn hay mất trên Tháp đã như ẩn như hiện theo thời gian tồn tại đến ngày nay. Mỗi mỗi nơi cũng là Tháp Phật nhưng hình dáng, họa tiết lại khác nhau cũng bởi Đạo cả thâm sâu, lý mầu nhiệm xuất. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thôi không thể thấu rõ được, ý tưởng lẫn bố cục của Tháp Phật được tạo ra để chúng ta chiêm bái nhớ ơn Phật rồi tưởng đến các pháp môn, tinh tiến tu hành trực chứng chân lý giải thoát của chư Phật. 
(Hào quang trên Tháp Phật  xuất hiện tại thời điểm Quảng Kiến chiêm bái Thánh Tích)
Sau khi đức Thế Tôn nhập Niết Bàn (T.K5 B.C), các đệ tử, đặc biệt là cư sỹ tại gia, đối với những di vật, xá lợi của đức Phật, sự sùng bái ngày càng phát triển. Chính vì vậy mà tháp (Stupa) để lưu giữ xá lợi Phật được tôn tạo. Vì lòng kính tín tôn thờ đối với đức Thế Tôn mà nền mỹ thuật Phật giáo đã xuất hiện với nhiều phong cách đa dạng và ngày càng phát triển với ba hệ thống như sau : 1- Kiến trúc mỹ thuật Phật giáo Tiểu thừa. (Architecture – Fine art Hinayana), 2-Kiến trúc mỹ thuật Phật giáo Đại thừa. (Architecture – Fine art Mahayana). 3- Kiến trúc mỹ thuật Phật giáo Mật thừa. (Architecture – Fine art Mantra).
Tháp Phật tiếng Sankrit ngữ là Stupa, Hán – Việt là Tốt-đổ-ba. Do đệ tử kính tín và tôn sùng mà Stupa được coi là kiến trúc đặc thù Phật giáo. Trong một quần thể kiến trúc Phật giáo (Già lam, tự viện khuôn viên) thì tháp Phật là trung tâm.
Về cấu trúc của tháp Phật nói chung đều cấu tạo gồm 4 phần: phần ngầm, đế tháp, thân tháp và ngọn tháp. Phần ngầm là một dạng không gian ngầm dưới đất, đây là điều đặc biệt chỉ có ở kiến trúc tháp mà ít thấy trong các kiến trúc đền đài, chùa, miếu, điện gác. Phần ngầm dùng làm nơi cất giữ xá lợi hoặc di vật của Phật, điều này cũng là một nét khác biệt của kiến trúc Tháp Phật ở Trung Quốc, Nhật Bản so với kiến trúc stupa Ấn Độ, vì ở Ấn Độ, di cốt Phật không được giữ dưới đất mà là bên trong tháp, sự biến đổi này có lẽ do ảnh hưởng của truyền thống chôn cất bản địa. Phần ngầm là phần công trình được xây đầu tiên khi xây tháp. Phần ngầm có thể được xây theo hình vuông, lục giác, bát giác hoặc tròn; không gian ngầm thường nằm chìm hoàn toàn dưới mặt đất nhưng đôi khi có phần nằm trên mặt đất, phần phía dưới mặt đất (bán âm bán dương).
Đế tháp là phần tiếp giáp với mặt đất của tháp, đỡ toàn bộ kết cấu phía bên trên. Thời kỳ đầu đế tháp tương đối thấp, trung bình cao khoảng 10 -20cm, càng về sau người ta càng thích xây những đế tháp lớn, cao. Đế tháp được bổ sung thêm một bệ tháp với những trang trí lộng lẫy để cho kiến trúc trở nên hùng vĩ.
Thân tháp là phần chính của tháp. Thân tháp là dấu hiệu để phân biệt các phong cách kiến trúc. Ví dụ dựa vào vật liệu xây dựng thân tháp và thủ pháp sử dụng vật liệu người ta có thể chia thành: tháp gỗ, tháp gạch bên ngoài – gỗ bên trong, tháp lấy cột gỗ làm trung tâm, tháp với trụ gạch chính,…
Ngọn tháp là phần biểu thị cho cõi Phật vì vậy mà có vai trò rất quan trọng. Ngọn tháp thường có dáng thanh mảnh, là đầu chóp của công trình, nơi cố định rui xà, mái nóc và gờ mái, giúp ổn định kết cấu và ngăn không cho nước mưa thấm lọt vào bên trong. Ngọn tháp, bản thân đã là một tháp nhỏ với với 3 phần đế - thân – đỉnh với một cọc ở giữa. Đế thường gồm một bệ đặt trên một nền phẳng hoặc trên nền cánh sen. Trên phần thân của ngọn tháp thường có nhiều cái đĩa, tháp càng lớn thì đĩa càng lớn, số lượng đĩa thường là số lẽ. Trên chồng đĩa là một cái lọng. Trên đỉnh ngọn tháp là một mặt trăng lưỡi liềm và viên đá quý, đôi khi hạt đá quý được trên hoặc giữa một vật trang trí hình ngọn lửa. Đó là những phần kết cấu tiêu biểu nhất của ngọn tháp tuy nhiên ngọn tháp có thể thay đổi tùy theo những thời kỳ, địa điểm và phong cách tháp.

1. Giới thiệu Kiến trúc Tháp Đại Giác (Mahabodhi Temple)
Ngôi đại Tháp đứng sừng sững với chiều cao khoảng 52m, mỗi một cạnh vuông là 15m. Ngọn của Tháp có hình chóp nhọn vươn cao. Cổng vào ngày nay cũng như nguyên thủy nằm ở phía Đông. Mỗi 4 mặt của ngôi Tháp với những tầng Tháp nhỏ và có nhiều góc tường để đặt tượng. Mặt chính có cửa sổ (nhọn ở trên) được mở ra để ánh sáng vào phòng chính. Tầng thứ nhất của ngôi Tháp có những Tháp nhỏ ở mỗi bốn góc như là những mô hình thu nhỏ của Tháp chính. Ngôi Tháp được xây dựng bằng gạch nung và được tô bằng một lớp thạch cao. Phía trước lối đi chính có một cổng vào được khắc chạm tinh xảo. Phía trước cổng vào có một ngôi Tháp nhỏ bằng đá xây rất cân xứng tỉ lệ. Căn phòng chính của ngôi đền nằm ở tầng trệt. Cửa ra vào được làm bằng đá. Tượng Phật lớn mạ vàng với ấn xúc địa tượng trưng cho sự kiện giác ngộ vĩ đại của Đức Phật, được đặt tại phòng chính của ngôi Tháp. Tầng trên có hai cầu thang bằng đá. Chúng ta có thể đi kinh hành vòng quanh ngôi Tháp. Tại 4 góc của tầng này có 4 ngọn Tháp nhỏ làm tăng thêm vẻ cân xứng tuyệt vời của toàn bộ cấu trúc. Hai ngọn Tháp ở phía Tây có điện thờ nhỏ với những hình tượng của Bồ-tát. Hai ngọn Tháp còn lại ở phía Đông với hai cầu thang và bên trong có hai tượng Phật to. Lan can dọc theo hành lang với vô số Tháp nhỏ được khắc chạm hết sức tinh xảo, những tháp ở phía Đông rất đẹp. Bên dưới ngọn Tháp chính ở tầng thứ nhất là một chánh điện rộng với một hình tượng Bồ-tát đặt trên một bệ thờ. Bên ngoài ngôi Tháp với vô số góc tường khắc chạm hình tượng Đức Phật và những loài vật. Hốc tường chính ở vách phía Tây có một tượng Phật rất đẹp, hiếm có được mạ vàng do người Tây tạng. Có thể nhìn thấy ngôi Tháp đẹp nhất từ phía Bắc.
2. Giới thiệu Tháp Phật nhiều tầng mái
(Địa điểm tại Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản)
Kiến trúc của Stupa (Tháp Phật cổ tại Ấn Độ) và tháp cao nhiều tầng mái tại Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản là có nhiều điểm khác nhau. Tháp Phật tại đây chịu sự ảnh hưởng và kết hợp giữa kiến trúc Tháp cổ và kiến trúc “vọng lâu” (tháp quan sát hay tháp canh quân sự). Điều này được rất nhiều nhà nghiên cứu chấp thuận. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng có thể ban đầu “ tháp” chưa có những chức năng như hiện nay mà có thể có chức năng của một điện thờ hơn là một stupa. Tháp nhiều tầng mái được đặc trưng bởi không gian bên trong được mở ra nhưng Stupa là một kiến trúc hoàn toàn đóng kín và không có không gian bên trong.
Từ thế kỷ V đến thế kỷ VII SCN, có thể xem như giai đoạn hình thành sự kết hợp của điện thờ và một stupa thu nhỏ trên nóc. Khi đó tháp mang cả hai chức năng của điện thờ và stupa. Từ thế kỷ VII, tháp mất dần vị trí chủ thể cho kiến trúc “tự” kiểu sân nhà truyền thống, tháp trở nên trừu tượng và thu nhỏ hơn. Chức năng của tháp có thể là cất giữ xá lợi hoặc các bảo vật, đến thế kỷ VIII việc đặt các hộp thánh tích bên trong tháp trở nên rất phổ biến khắp Trung Quốc và các nước Phật giáo ở Đông Á và Việt Nam. Từ thế kỷ IX tháp còn có thêm chức năng chứa xá lợi của các vị sư, và lùi ra vị trí bên cạnh Tam Bảo, có thể ở phía sau trong khuôn viên chùa.
Trên đây là một giả thuyết về sự biến đổi từ stupa thành Tháp. Ngoài sự biến đổi theo chiều hướng đã xét trên, tháp Phật qua từng giai đoạn lại có nhiều sự biến đổi về phong cách kiến trúc, trang trí, về vị trí xây dựng, về vật liệu xây dựng,.. Các tháp giai đoạn đầu được làm bằng gỗ, đến thế kỷ V thì dần dần chuyển sang xây bằng gạch và đá, bên cạnh việc duy trì kiến trúc gỗ, nhưng hầu hết các tháp dù được xây bằng đá hay gạch đều chịu ảnh hưởng của tập quán xây dựng bằng gỗ. Đến sau này cùng với sự suy yếu của Phật giáo, kiến trúc tháp cũng có chiều hướng đi xuống, không một kiểu kiến trúc mới nào được đưa ra, những mẫu kiến trúc cũ được làm đơn giản hơn so với các giai đoạn trước.



Kết
Tháp Phật dù có thay đổi, xuống cấp theo thời gian nhưng giá trị Chân lý giải thoát của Đức Phật không mảy may vì mới hay cũ, khuyết hay toàn. Cũng như vô thỉ đến nay chúng sinh đau khổ là do tạo ác nghiệp, giải thoát do tu hành. Thế mới biết thiện ác, sướng khổ đều chỉ tại lòng người. Ví như hoa sen sinh trong nước biếc, bùn nhơ không bợn đến hoa đó bởi hoa ở nơi cao nên vật hèn không thể lụy, nương vào chốn tịnh nên loại bẩn khó làm nhơ. 
Vậy hãy cùng chiêm bái Tháp Phật để tưởng tới lời dạy của Tổ Tố Liên phó hội trưởng hội Phật Giáo thế giới năm 1950 nhiệm kỳ I khi đến lễ bái Tháp Đại Giác ở Bồ Đề đạo tràng:
« Ta nay là khách ngoại trần
Đứng trên cõi mộng mấy vần gửi ai
Gửi ai là khách quan hoài
Việc đời muôn sự có rồi lại không
Gửi ai là khách cửa không
Việc đời điên đảo bận lòng làm chi
Gửi ai là khách đắc thì
Việc đời chớ để những gì mỉa mai
Gửi ai là khách lỡ thời
Việc đời bày xóa xóa thôi lại bày
Cuộc đời ai tỉnh ai say
Cảm hoài đọc mấy câu này làm duyên”

(Quảng Kiến – Nguyễn Việt Hồng)