Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

THẤT ĐẠI DUYÊN KHỞI


Mọi sự vật tồn tại đều có lý và sự riêng. Lý là đặc tính cụ thể. Sự là hình tướng cụ thể. Khi hình tướng kết hợp với đặc tính thì gọi là có một thể chất của từng sự vật. Thể chất này tác động qua lại với một hoặc nhiều thể chất khác thì gọi là tác dụng của thể chất đó.

Mỗi một thể chất đều là những nguyên nhân cụ thể nào đó. Các nhân này cùng có trong một thời gian và cùng có trong một không gian thì mới có ý nghĩa phù hợp với các lý tính khác nhau. Lại các nhân này phải liên tục tồn tại thì ý nghĩa đó mới liên tục tồn tại. Lại có sự tác động có lợi nhiều đến các nhân thì các nhân mới phát triển mạnh. Lại có những tác động trái ngược các nhân thì lại làm cho các nhân suy yếu nhanh. Tất cả các sự việc đó gọi là nhân và các điều kiện tác động là duyên đến mức phát triển đầy đủ thì thành ra kết quả. Kết quả này có ảnh hưởng đến mọi kết quả khác thì gọi là báo. Lại có sức mạnh riêng để tồn tại và phát triển riêng thì gọi là Lực. Tác dụng tốt hay xấu thì gọi là Tác. Sau đó tạo ra những nguồn sinh lực mới thì gọi là Bản (nguồn gốc mới) và tạo ra sinh lực khác phụ trợ cho sinh lực này thì gọi là Mạt (cành lá ngọn mầm). Đó chính là tất cả những sự thật (Như Thị) của mọi sự mọi vật hiện tồn tại, đã tồn tại và sẽ tồn tại trong mọi không gian, trong mọi thời gian.
 Lý là đặc tính. Đặc tính chung của tất cả mọi sự vật là tính bất sinh bất diệt đồng thời cũng gọi là tính thường trụ. 
          Tất cả mọi sự vật tuy khác nhau nhiều về hình dáng ( tượng) nhưng quy lại thì chỉ có 7 cái lớn nhất tiêu biểu gọi là 7 đại ( địa, thủy, hỏa, phong ,không ,kiến. thức). Bảy đại này duyên khởi tạo ra Tâm-pháp và Sắc-pháp của vũ trụ pháp giới chúng sinh.
Tâm-pháp gồm Kiến đại Thức đại chính là nội nhân trong câu hữu nhân của mỗi chúng sinh. Sắc-pháp gồm Địa, Thủy, Hỏa, Phong chính là ngoại nhân trong câu hữu nhân của mỗi chúng sinh. Nội  nhân và ngoại nhân này tác động chi phối ảnh hưởng nhau thì đấy chính là nội duyên của mỗi chúng sinh. Tất cả ngoại cảnh tức là thế giới của chúng sinh đang ở bao gồm có các hành tinh, nhật (mặt trời), nguyệt (mặt trăng) chính là ngoại duyên của mỗi chúng sinh. Đây là vũ trụ quan và nhân sinh quan chân chính mà chư Phật đã dạy trong các khế kinh Đại Thừa.
Việc quán tưởng sâu sắc từ hình tướng đến tính chất của bảy đại sẽ giúp hành giả thâm nhập và tỏ ngộ được đức hạnh của chư Phật, cụ thể:
-       Quán Địa đại:
Địa là chất rắn có hình tướng có trọng lượng, có khối lượng chiếm một vị trí nhất định trong không gian, tồn tại một thời gian nhất định trong không gian. Địa là vật có tướng nhưng găp các điều kiện ( duyên) thì biến tướng đi. Ví dụ bị nóng chảy thì thành chất lỏng, tiếp tục nữa thì thành chất hơi khí vô hình. Vậy Địa là có tướng nhưng có lúc biến thành vô tướng. Lúc có tướng gọi là sắc, lúc vô tướng gọi là không. Do đó có thể nói Địa ( Sắc) tức thị không, bất dị không nghĩa là sự có tướng của Địa cũng là sự vô tướng của Địa. ( Tức thị là tức là, Bất dị là không khác)
Đại đại chỉ nơi bao gồm vạn vật, vạn vật lại sinh dưỡng nên chúng sinh. Bởi vậy bản thân đại địa đã bao gồm đủ các đức hạnh bao hàm và sinh dưỡng. Về mặt đức tính, địa đại chỉ nội tâm của chúng sinh, chính là cái tâm Bồ Đề. Tâm Bồ đề bao gồm đức hạnh vô lượng, có thể sinh dưỡng ra mọi phẩm đức, từ đó, giúp chúng ta có thể phát triển vô cùng vô tận các đức tính Phật, đó chính là tác dụng của tâm Bồ Đề. Trí tuệ Đại Viên Kính Trí được biểu hiện bởi Địa đại.
-       Quán Thủy Đại:
Thủy là chất lỏng có hình gặp lạnh là cái duyên thì thành cục nước đá là chất rắn vô hình, gặp nóng thì bốc hơi biến thành vô tướng đó là chất lỏng vô hình. Vậy cũng có thể nói Thủy tức thị không, thủy bất dị không.
Thủy đại tượng trưng cho cái đức thấm nhuần. Cũng như bản tính tự nhiên nếu không được nước pháp Cam Lồ mang trí tuệ và từ bi của Đức Phật tưới tắm chăm chút, thì hạt giống tâm Bồ Đề của chúng ta cũng không thể nảy mầm đâm nhánh. Trí tuệ Bình Đẳng tính biểu hiện bởi Thủy đại.
-       Quán Hỏa Đại:
Hỏa là chất nóng vô hình thì là luồng khí nóng. Chất nóng có hình là ngọn lửa. Vậy cũng có thể nói Hỏa bất dị không, hỏa tức thị không. 
Hỏa đại tượng trưng cho đức thành thục, đồng thời, cũng tượng trưng cho trí tuệ Diệu Quán Sát.
-       Quán Phong Đại:
Phong là sức chuyển động của Địa, Thủy, Hỏa cho nên cũng có thể nói Phong tức thị, bất dị không.
Phong đại tượng trưng cho cái đức của hành vi, duyên khởi và sự giải thoát. Trí tuệ Thành Sở tác tượng trưng bởi Phong Đại.
-       Quán Không đại:
Không là sự không tướng của Địa Thủy Hỏa vậy cũng có thể nói không tức thị, địa thủy hỏa nghĩa là cái không tướng của địa thủy hỏa cũng là cái có tướng của địa thủy hỏa. 
Không đại tượng trưng cho sự dung hòa của bốn đại địa, thủy, hỏa, phong ví như tất cả mọi hành vi của chúng sinh đều phải nượng tựa vào chân lý của Chư Phật (tính không) chính là trí tuệ Pháp giới thể tính.
-       Quán Kiến đại và Thức Đại: Tượng trưng cho sự nhận biết chân thật về mười phương pháp giới.
Năm đại Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không đều có một đặc điểm chung là lúc thì có tướng lúc thì không có tướng. Đó là vòng tròn sinh diệt, cái này có tướng thì cũng có lúc không có tướng. Cái kia cũng tương tự như vậy. Đó là Lý tính của năm đại địa thủy hỏa phong. Cũng gọi là lý tính của sắc pháp. Sắc là có hình tướng, Pháp là có tên gọi. Sắc pháp là năm đại có hình tướng riêng có tên gọi riêng.
Đặc biệt Tâm pháp gồm Kiến đại, nghĩa là tính thấy của mắt cùng với Thức đại là tính nhận biết của tai mắt mũi lưỡi và thân. Hai thành phần này luôn luôn là vô hình vô tướng nhưng lại có sự phân biệt rõ ràng hiểu biết rõ ràng năm đại trước, ghi nhớ không sai năm đại trước. Đó gọi là tâm pháp vô hình. Đã là vô hình thì trước sau đều là vô hình cho nên không có cái vòng tròn sinh diệt lúc thì có hình tướng lúc thì không có hình tướng như năm đại sắc pháp địa thủy hỏa phong. Không sinh diệt thì không đi về đâu cũng không đến chỗ nào đó gọi là bất sinh bất diệt. Cũng không có sự vay ở đâu, phải trả về đâu nên là bất khứ bất lai. Không có sự liên tục về hình tướng nên là bất thường, không có sự gián đoạn về hình tướng nên là bất đoạn. Có thể tác động với nhiều hình tướng khác nhau nên không phải là nhất. Có chung một tính vô tướng nên không phải là nhiều ( bất nhất bất dị).
Đặc tính chung của Bảy đại là nhân quả chuyển biến liên tục. Nhân luôn luôn biến thành quả, khi gặp các duyên tác động. Quả luôn luôn biến thành nhân cũng là khi gặp các duyên tác động. Do đó về lý tính mà nói thì không gì là Nhân hay quả. Nhưng về sự tướng mà nói thì có nhiều loại Nhân Quả khác nhau.
Lý tính bất sinh bất diệt gọi là Lý tính thướng trụ thì luôn luôn có các tác dụng kỳ diệu và hình tướng tốt đẹp rõ ràng. Đó là đặc tính riêng của Lý tính thường trụ:
1.       Bản lai thanh tịnh: Từ nhiều đời trước không có cái nhiễm uế ở bên trong
2.       Bản lai Cụ túc: Từ nhiều đời trước đã là nguồn gốc của mọi sự tướng tốt đẹp
3.       Bản lai bất động: Từ nhiều đời trước bất cứ một sự vật nào cũng không làm mất đi và phá hoại được bản tính này.
4.       Bản lai biến hiện: Từ nhiều đời trước đã biến hiện ra nhiều sự tướng khác nhau
5.       Bản lai thường trụ: Từ nhiều đời trước vốn không phải là do một cái gì sinh ra đó gội là bản hữu. Từ nhiều đời trước bất cứ một sức mạnh nào cũng không thể tiêu diệt được. Không bị sinh ra gọi là bất sinh. Không bị tiêu diệt gọi là bất diệt.
Năm phương diện này của lý tính thường trụ tác động lẫn nhau ở tất cả không gian, ở tất cả mọi thời gian. Không gian thì có 4 chiều: Dài rộng cao chéo. Thời gian thì có 3 thời quá khứ, hiện tại, tương lai. Sự tác động này qua nhiều tầng nhiều lớp khác nhau thì gọi là trùng trùng duyên khởi. Đây cũng là đặc tính của mọi sự vật có những giới hạn riêng biệt khác nhau thì gọi là pháp giới tính trùng trùng duyên khởi.
Tâm của tất cả mọi loài ở tất cả mọi cõi thế giới là một pháp trong vô lượng pháp. Vậy tính của tâm cũng là tính của pháp giới tính. Nghĩa là tính bất sinh bất diệt thường trụ của tâm cũng là pháp giới tính của tất cả mọi sự vật trong pháp giới vũ trụ ( Vũ là không gian vô biên, Trụ là thời gian vô tận ). 
Đặc tính chung của mọi sự vật là Pháp giới tính thường trụ nên gọi là Chân. Đặc tính này trước sau không hề thay đổi hay bị đảo lộn gọi là Như. Với một sự vật cụ thể thì Chân Như là bản thể của sự vật đó. Với tất cả các sự vật thì Chân Như là bản thể của tất cả các sự vật (cũng có nghĩa là hình tướng và Lý tính của tất cả các sự vật).
Chân Như là bản thể. Bản thể này không có một hình tướng riêng biệt nhưng lại duyên khởi ra nhiều hình tướng riêng biệt. Lại là vô tướng nhưng biến hiện ra nhiều hình tướng khác nhau cho nên gọi là Chân không. Các hình tướng khác nhau được Chân-không biến ra gọi là Diệu-hữu.
Vạn pháp bản lai chẳng có không
Có chăng thế tục nợ đèo bồng
Không là không tướng ta cần rõ
Diệu Hữu, Chân Không vốn vẫn đồng.

( Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng - Bài đăng tập san CHùa Hương năm 2017 )