Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Chùm thơ Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng - Ver 001



BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG

Giác Ngộ khi xưa cội Bồ Đề,
Thế Tôn tỏ rõ đường về Chân Như.
Chúng con giờ cứ huyễn hư,
Đuổi hình bắt bóng cũng từ tâm mê.
Nơi xa con đã trở về,
Nơi đây cõi Phật Bồ đề tâm linh.
Đạo tràng vang vọng lời kinh,
Xóa trong con những ngục hình thế gian.
Ngày xưa sinh tử gian nan,
Ngày nay ơn Phật Niết bàn nguyện tu.

CHÍNH QUÁN QUÁN ÂM

Chính quán Quan Âm đã luyện tu :
Quán Chân đã phá hết lao tù
Quán Tâm Thanh Tịnh không còn nhiễm
Quán Từ, Bi quán : hết mê ngu
Quán Chân Trí Tuệ : là tinh tiến
Quảng đại Phật thừa : nguyện tịnh tu
Chính tín chúng con : nghe Phật dạy
Muôn đời, muôn kiếp : khó không từ.

TÂM GÌ ?
Tâm gì?
Chẳng có ồn ào
Chẳng cơn sóng dậy,
chẳng gào thét chi.
Tâm gì?
Là lý Vô vi
Là cơn gió nhẹ,
xoá đi huyễn tình.
Tâm gì?
Chẳng đục, chẳng trong
Không đi không đến,
thoát vòng tử sinh.
Tâm gì?
Vô tướng, tuệ quang
Chẳng sinh chẳng diệt
Tùy duyên, hóa thành
Tâm gì?
Thật tướng vẹn toàn
Sướng vui cũng mặc
Chẳng cần lợi danh
Tâm gì?
Vạn vật hóa thành
Như như vô ngại,
Thể là Chân như.

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Từ tướng tới Tính



 TỪ TƯỚNG TỚI TÍNH, 
 BIỂU TƯỢNG CỦA GIÁC NGỘ




(tập san Chùa Hương 2013- Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng)

Dẫn nhập:
Tất cả các pháp theo tâm phân biệt thì có hình tướng của sự vật. Khi tâm phân biệt thay đổi thì hình tướng của sự vật cũng thay đổi. Như vậy thực tế sẽ là bất khả tư nghì ra ngoài đối đãi như sinh diệt, có không, đồng dị, khứ lai. Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật Đại Từ Đại Bi thị hiện trên cõi Sa Bà dùng đủ cả phương tiện Khai Thị Ngộ Nhập chỉ đường cho chúng sinh thấy được Phật tính của chính mình để thành Phật như Ngài, cho đến nay trải hàng ngàn năm lịch sử giáo lý của Ngài vẫn ngự khắp cả mười phương, cứu khắp muôn loài.
Lần theo dấu tích Đức Phật từ khi Ngài đản sinh đến khi thành đạo, suốt theo chiều dài lịch sử. Như bao người khác cả cuộc đời mong tìm được con đường Đạo chân chính để rồi phát tâm tinh tiến tu tập tiến tới giác ngộ bản tâm mình ( tự giác) và giúp cho nhiều kẻ còn mê khác ( giác tha). Giáo lý Đại thừa thì thâm sâu mà lý mầu nhiệm xuất, tất cả đều nằm ở nơi kinh điển. Hình tướng sự vật thì biến hiện không cùng; sự thấy biết lại có giới hạn chỉ biết cúi đầu thành kính đỉnh lễ trước thánh tích tại tứ động tâm: Lumbini (Lâm Tì Ni) nơi Phật đản sinh, Bodhgaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng) nơi Phật thành đạo, Sarnath (Lộc Uyển) nơi Phật chuyển pháp luân-thuyết pháp lần đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như và Kusinara (Câu Thi Na) nơi Phật nhập Niết bàn.
Vạn vật thành trụ hoại không cũng bởi do tâm biến hiện. Khi cái tâm thay đổi thì cái hình tướng của sự vật cũng thay đổi theo. Đó cũng là đặc trưng của cấu trúc công trình tại các điểm thánh tích mà có sự khác nhau qua các thời đại, kể từ khi Vua Asoka xây dựng những công trình đầu tiên đến sự trùng tu ngày nay. Việc nghiên cứu ý niệm về con đường giác ngộ dựa trên hình tướng sự vật quả thật là bất khả tư nghì vượt thoát ra ngoài đối đãi. Các điểm thánh tích tại tứ động tâm chính là nói lên lộ trình tu hành để giải thoát sinh tử. Đức Phật theo thật tính là pháp giới tính thường trụ tùy duyên bất biến của Chân Như mà thiên bách ức hóa thân thị hiện đắc đạo tại Bồ đề đạo tràng.
Chúng tôi đến Bodhgaya vào buổi chiều. Bồ đề đạo tràng là vùng đất thuộc tiểu bang Bihar của Bắc Ấn. Đây là vùng đất linh thiêng và cao quý nhất vì chính tại nơi đây hơn hai ngàn năm trước thái tử Tất Đạt Đa đã đạt tới sự giác ngộ cao nhất.
Trong bốn thánh tích ( Tứ động tâm), Bodhgaya ( Bồ đề Đạo tràng) là điểm đặc biệt có nhiều người đến chiêm bái nhất. Lúc nào nơi đây cũng rất đông người. Có cả Tu sĩ lẫn cư sĩ và tín đồ ở khắp mọi nơi trên thế giới. Chúng tôi thấy đủ màu sắc của các tông phái Phật giáo ở đây. Áo vàng của Phật giáo Tây Tạng, áo nâu của Phật giáo Đại thừa. Nhìn cách “ lạy nằm” của tu sĩ và tín đồ Mật tông Phật giáo ta mới thấy được mức độ tín ngưỡng của người Tây Tạng sâu đậm đến thế nào.
          Tháp Đại Giác là công trình kiến trúc đánh dấu nơi Đức Phật đã ngồi thiền định và đạt được đại giác ngộ. Tương truyền Bodhgaya là linh địa duy nhất để một vị Đại Phật xuất hiện, là phần vật chất của địa cầu nơi câu thông với các cõi thiên khác của toàn bộ vũ trụ. Tại nơi đây kể cả Sakka (Trời Đế Thích) cũng không thể đi qua vùng không gian phía trên của Bodhgaya.
Khoảng hai trăm năm sau khi Phật nhập niết bàn, vua Asoka đã đến thăm nơi Đức Phật thành đạo và đã cho xây dựng tháp biểu trưng ở đây. Tháp Đại Giác hiện nay là sự phục dựng hoàn hảo theo mẫu kiến trúc của tháp trong thế kỷ thứ 6. Tổng thể khuôn viên của Bồ đề đạo tràng như mô phỏng lại thế giới quan vũ trụ của Phật Giáo, khối tháp ở trung tâm tượng trưng cho núi Tu – di,  bốn phía đại diên cho bốn châu là Đông Thắng thần châu, Nam Diệm bộ châu, Tây Ngưu hóa châu và Bắc Câu lô châu.
Ngôi đại Tháp đứng sừng sững với chiều cao khoảng 52 m, mỗi một cạnh vuông là 15 m. Ngọn của Tháp có hình chóp nhọn vươn cao. Giải pháp kiến trúc này là một biểu tượng mang tính tượng trưng cho sự vượt thoát mọi không gian và thời gian của tâm thức. Cổng vào Tháp ngày nay cũng như nguyên thủy nằm ở phía Đông cùng với hướng của Đức Thế Tôn ngồi thiền định trong 49 ngày. Mỗi 4 mặt của ngôi Tháp với những tầng Tháp nhỏ và có nhiều góc tường để đặt tượng. Mặt chính có cửa sổ (nhọn ở trên) được mở ra để ánh sáng vào phòng chính. Tầng thứ nhất của ngôi Tháp có những Tháp nhỏ ở mỗi bốn góc như là những mô hình thu nhỏ của Tháp chính. Ngắm nhìn bốn ngôi tháp nhỏ và tháp lớn mới thấy rõ ý niệm về sự Nhất Như của vạn pháp.


 
Tháp được xây dựng bằng gạch nung và được tô bằng một lớp thạch cao. Vạn vật dù có được cấu tạo từ bảy đại là địa, thủy, hỏa, phong, không và kiến thức thì thật tính cũng chỉ có một là Nhất lại có tính chung là trùng trùng duyên khởi là Như.Phía trước lối đi chính vào tháp có một cổng vào được khắc chạm tinh xảo. Trước cổng vào có một ngôi Tháp nhỏ bằng đá xây rất cân xứng tỉ lệ. Căn phòng chính nằm ở tầng trệt. Cửa ra vào được làm bằng đá.
Tượng Phật lớn mạ vàng với ấn xúc địa tượng trưng cho sự kiện giác ngộ vĩ đại của Đức Phật, được đặt tại phòng chính của ngôi Tháp. Chúng Phật tử mỗi khi vào đỉnh lễ tôn tượng đều cúng Y nên hình ảnh Phật luôn luôn thay đổi, đó là ý niệm về sự vô thường của hình tướng giả tạm thế gian. Ngưỡng trông hình tượng của Thế Tôn mới thấu rõ được Phật với chúng ta trên đồng một từ lực, dưới với chúng sinh đồng một Bi ngưỡng. Đại từ đại Bi này chính là diệu dụng của Chân Tâm.

Tổng thể mặt bằng tháp Đại Giác có bốn cửa tượng trưng cho ý niệm của tứ vô lượng tâm là từ, bi, hỷ, xả. Bốn mặt tháp an trí vô lượng chư Phật và Bồ tát như là thể hiện cho quá trình giác ngộ chính là quá trình tu hành để chuyển tám thức thành bốn trí là Đại viên kính trí, Bình đẳng tính trí, Diệu quán sát trí và Thành sở tác trí. Tứ vô lượng tâm và bốn trí xuất thế gian này là phương tiện để cho người tu hành Đạo Phật có nhân là trí vô sở đắc thì có quả là Đại Bát Nhã, có nhân là Bồ đề tâm sẽ có quả là Đại Giác Ngộ.
Cây Bồ Đề nằm ở mặt phía Tây của tháp, được bảo vệ bởi lớp tường rào cao. Thuở xưa Đức Phật dưới cội Bồ Đề đã ngồi thiền định liên tục bốn mươi chín ngày. Vào đêm cuối cùng Ngài đã lần lượt chứng các tầng bậc giác ngộ. Vào lúc rạng sáng hôm sau đó, địa cầu đã xuất hiện một vĩ nhân, một bậc giác ngộ tối thượng, một người thầy vĩ đại cho nhân loại và muôn loài. Sau khi đạt giác ngộ, Đức Phật vẫn lưu lại nơi ngồi thiền trong bảy tuần kế tiếp. Tuần thứ nhì trải qua một cách bình thản, nhưng trong sự yên lặng ấy Đức Phật đã ban truyền cho thế gian một bài học luân lý quan trọng. Để tỏ lòng tri ân sâu xa đối với cây Bồ Đề vô tri vô giác đã che mưa đỡ nắng cho Ngài suốt thời gian chiến đấu để thành Đạo quả. Noi theo gương lành cao quý, hàng Phật tử chúng tôi kinh hành nhiễu quanh đại tháp và nhất tâm niệm danh hiệu Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật.
          Sự giác ngộ của Đức Thế Tôn là đắc toàn thể toàn dụng của pháp giới tính. Sau khi xuất thiền Ngài đã suy nghiệm đầu tiên về Thập Nhị Nhân Duyên để thấu hiểu được sự sinh ra và diệt mất của toàn thể khối khổ đau. Sau đó Ngài suy tưởng về lý Nhân Quả Tương Quan, chứng ngộ thực tướng của vạn pháp, đã trở thành một vị Phật toàn Giác.
          Hình ảnh Đức Thế Tôn như in đậm vào tâm thức của mỗi Phật tử, tại Bồ đề đạo tràng con người và sự vật như là hóa hiện của Phật để nhắc nhở chúng ta thấu rõ được thâm ý của Ngài như sau: Phật và chúng sinh có cùng tâm nguyên chẳng qua do chúng sinh mê muội để cho vô minh lôi kéo vào sinh tử luân hồi. Phật muốn cho chúng sinh thấu rõ được đệ nhất nghĩa đế tuyệt đối mà xa rời danh tướng. Thấu rõ Trung Đạo xa rời các pháp đối đãi. Thấu rõ tự tính thanh tịnh tâm theo duyên mà không đổi, không đổi mà theo duyên.  
         
Giáo lý của Đức Thế Tôn thì vi diệu mà lý mầu nhiệm xuất, hình và tướng tại Bồ đề đạo tràng đã làm cho kẻ hậu học chúng con thêm phần tỏ ngộ về bốn chữ Giác - Ngộ - Giải – Thoát:

GIÁC rồi thấy sự vô thường
NGỘ bao vọng niệm vẫn thường che tâm
GIẢI đi những kiến thức lầm
THOÁT vô minh đã giam cầm Chân – Tâm.

Kìa như cây cỏ vô tri, còn phải nhờ thiện duyên mới nên thiện quả; huống hồ loài người có biết, lại chẳng bởi lành mà thành lành. Những mong giáo lý của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật lưu khắp, trải hết vô lượng không gian và thời gian vô cùng, phúc trí ấy tỏa xa, hàng Phật tử chúng con nay nguyện tinh tiến tu đạo để vị lai được Giác ngộ bình đẳng với chư Phật ở khắp mười phương ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai.
Kính lạy Đấng Thế Tôn, Bậc Chính Đẳng Chính Giác Thích Ca Mâu Ni Phật!

Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng