Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Tu Đạo

Mạn đàm về tu Đạo


Đạo vốn là đắc cái Vô-sở-đắc. Nghĩa là có đắc cái gì ngoài những cái ta đang có đâu. Cái có này là cái thật thấy (hiện hữu) chứ không phải là cái có do vọng niệm khởi (huyễn hữu). Hiện-hữu là cái có của KHÔNG, nói kỹ là cái hiện tướng của Chân Không. Chân Không là bản thể của vạn pháp là Chân-thường là Vô-ngôn, là Vô-vi... là cái mà hành giả trực nhận để được gọi là Kiến-tính. Nhận ra nó đồng thời thành Phật đạo. Đó là nghĩa của câu " kiến tính thành Phật".

Học Phật dù là pháp môn ( phương pháp ) nào, hành trì ra sao cũng phải dựa trên cái thấy chân thật về tướng của vạn pháp, về tính của vạn hữu. Cái thấy này là cái thấy của Bát-Nhã!. Vậy làm sao để có Bát-Nhã-trí?. Chúng ta không thể đi cầu đi xin trí đó được, chúng ta cần phải dựa vào giáo lý thực hành mà dần trực nhận được cái thấy thật tướng và thật tính. Cũng như một người mù không biết vật cầm trong tay mình là thanh gươm bén, may gặp được người tỏ chỉ cho biết, phía nào nhọn là mũi, cạnh nào cùn là sống kiếm, cạnh nào sắc là lưỡi...sau khi biết được (giáo lý Phật học cơ bản) đó rồi thì cầm chắc chuôi kiếm không rời ( cũng như đạo cần Tín để vào để giữ sơ tâm cần Trí để tiến lên và vượt qua ). Người này tuy mù nhưng khi đã nhận diện được rõ ràng công dụng của thanh kiếm mà mình có trong tay rồi thì luyện tập, hằng ngày lau chùi để kiếm ko bị rỉ sét ( tịnh Tam Nghiệp ) hằng ngày mài kiếm ( tinh tiến ), rồi đâm, rồi chém... loại bỏ mọi phiền não còn vướng trong tâm. Đêm ngày luyện tập không ngừng nghỉ cho đến khi thành thục, nắm rõ được công dụng của thanh kiếm, đó ví dụ liên tưởng về ý niệm của người học đạo hành Tứ vô lượng Tâm là Từ Bi Hỷ Xả vậy. Cứ như thế sẽ thấy rõ được công dụng mà dần dần tuy không nhìn bằng mắt nhưng lại nhận thấy hình dáng ( thật tướng) và công dụng (thật tính) của thanh kiếm rất rõ ràng và rồi tuỳ duyên sử dụng ( diệu dụng phổ độ chúng sinh) một cách tự tại vô ngại. Cứ như thế mỗi ngày, cứ như vậy mỗi niệm. Đến một lúc nào đó rõ ràng hết mọi vật xung quanh mình rồi thì hoặc ngồi xuống hoặc nằm hoặc đứng, thư thái mỉm cười mà thành Chính Quả.

Quảng Kiến tôi mạn đề mấy câu sau:

Tu Đạo nên thư thả
Tránh cầu và gắng quá
Tam Mật (Thân, Khẩu, Ý) thường thanh tịnh
Dần dần Tâm bể cả.

Tham sân si là ma
Tam độc đó tránh xa
Đạo đời cong một niệm
Vào định Samantha

Giữ tâm như mắt cá
Niệm thiện chẳng niệm tà
Độ mình và độ người
Mỉm cười thành chính quả.