Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

ĐẠI ĐỊNH LĂNG NGHIÊM


Vạn hữu sum la thấp với-cao (sắc)
Chuông kêu ngũ ấm Tưởng Hành vào (thọ)
Lăng nghiêm đại định là Chân-định
Chẳng đánh mà ngân, vọng Thức nào!? ... Thức Out= Vô thức= Xả)
-----
- Dòng chảy liên tục của tâm, sinh rồi diệt, diệt rồi sinh không gián đoạn. Ngay từ sát-na đầu tiên, với sự giao tiếp của căn, cảnh, thức tạo ra hoạt động của cảm thọ ( thập bát giới ). Từ cảm thọ kích phát sự tiếp thu ảnh tượng và khái niệm ( Tưởng uẩn ). Sự tiếp thu này, hình thành xung động tâm lý ( Hành uẩn), vào khoảng sát-na cuối cùng, tâm thức như là chủ thể nhận thức hiện tại, Thức uẩn này quyết định sẽ làm gì sau khi hoàn tất quá trình xử lý đối tượng hay khái niệm nắm bắt được.
- Đại định Lăng Nghiêm là Chân định vì là biểu hiện của Tự-tính-thanh-tịnh-tâm, diệu dụng phổ độ chúng sinh không có chướng ngại.  Rời tất cả các khái niệm, Vọng-thức. Nghĩa là theo duyên mà không đổi, không đổi mà theo duyên.
Thức tâm bản nguyên không có năng sở, do bất giác mà lập ra như có Tính-Minh, khi năng minh và sở minh thành lập. Năng minh không vượt qua được sở minh, sinh ra sự ngăn ngại của tâm thức (Sắc uẩn), có nặng có nhẹ, có lớn có bé...từ một thức tâm lại sinh ra nhiều thức sai khác gọi là chuyển thức hay vọng thức ( hoặc vọng tâm ). 
- Vọng thức là kết quả cuối cùng từ chu trình hoạt động của ngũ uẩn trong 5 sát-na. Khoảng thời gian đủ ngắn để thức sinh ra và diệt không gián đoạn. Kết quả của nhận thức thông thường căn cứ trên thói quen mê lầm của các chủng tử bất thiện lưu lại ( huân tập ) trong Tàng thức, nghĩa là lấy cái này so đo với cái kia, dựa vào nhau hay đối lập nhau mà giả-có. 
Bản chất đó là sự đối đãi phân biệt. Hình ảnh của thực tại thông qua chuỗi nhận thức duyên khởi như thế gọi là các niệm vọng đi vọng lại,  thực tại theo đó mà méo mó, dẫn đến nhận thức sai lầm, tạo ra kết quả phiền não khổ đau trong chuỗi đời sống vô tận. 
- Rời phân biệt là sự xả ly hay Viễn-ly vọng thức, nhận thức cái thấy như vậy gọi là cái thấy Như-Huyễn.
Như Huyễn, Viễn Ly là thật tướng của Bát Nhã. Thật-tướng này kết hợp với Tự-tính thanh tịnh tâm (Chân Định ) cấu thành bản Thể của Chân Như.

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2020

Luận về chữ KHÉO

Binh pháp mưu kế xưa nay rút gọn thành mấy câu tiêu biểu,
gọi là cái khéo của thế gian thế tục, như sau:

Khéo thua không bị chết
Khéo đánh không bị thua
Khéo bày trận không cần đánh
khéo cầm quân không cần bày trận
Khéo đạo không cần dụng binh.

Sau khi chiêm nghiệm về Bồ tát đạo,
chúng tôi có viết lại mấy câu kệ về KHÉO XUẤT THẾ GIAN:

Khéo Nhẫn thì An ( ổn )
Khéo cho (bố thí) thì có
Khéo giữ ( giới) thì yên
Khéo Thiền ( định ) thì sáng ( tỏ)
Khéo Tiến ( tinh tiến ) nhanh sang ( bờ giác).
Khéo chọn thì Anh ( minh )
Khéo nguyện sớm Thành ( tựu )
------
    Luận về khéo thế gian: Pháp thế gian dù có khéo đến mấy cũng chỉ là hòa-hợp-đối-đãi của sự tướng huyễn và tâm tướng huyễn, mà đã Huyễn chắc chắn sẽ Hư.
    Kệ khéo xuất thế gian này chúng tôi viết theo tinh thần Lục độ Ba la Mật: Bố thí (cho), Trì giới ( giữ), An Nhẫn ( nhẫn), Tinh tiến ( tiến), Thiền Định ( thiền)... Ba la mật có nghĩa là rời tướng mê ngộ, ở sự tướng là rời năng sở, như hạnh Bồ tát lìa ngã sở tướng là không chấp có ta là nguời hành đạo, có người cần được hành đạo, có pháp để hành. Như vậy chữ Khéo chính là Ba la mật. Ở đời ai giúp mình giúp nguời điều gì thì chúng ta thường dùng chữ khéo,sống  vì người chính là hạnh lợi tha, do dó có thể nói hành động vì-người mới là khôn-khéo Ba la mật vậy.
    Kinh Kim Cương dạy:"Có chất bảy báu thế gian cao bằng núi Tu Di thì cũng không bằng trì Tứ Cú Kệ!." Cho nên người khéo việc thế gian thì có đến mấy cũng chỉ là sự tinh anh quanh quẩn, làm nhân cho luân hồi. Vô lượng cái khéo đó cũng không bằng tâm ngay thẳng, bình đẳng không phân biệt. Tứ cú kệ có nhiều, chủ yếu là bốn cái không: Thân không , Tâm không, Ngã không, Pháp không. 

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

PHẬT HỌC DỊ GIẢI



Người học Phật xưa nay luận giải nghĩa Kinh  với mục đích làm rõ ràng và nêu cao Phật Pháp, không quyển sách nào là không đưa người đến việc Phúc để tránh Hoạ, đế việc Đức để tránh Hại, cụ thể là sửa điều lỗi theo việc lành, thấy rõ lẽ nhân quả ba đời, nhận biết cái Phật Tính sẵn có nơi mình, ra khỏi bể khổ sinh tử về miền An Lạc. Kẻ hậu học chúng ta nên sinh lòng cảm ân, thành tâm, như đứng trước mặt Phật, như nghe lời thầy dạy, chắc chắn sẽ được lợi ích lớn, tự mình có thể ban cho mình.
Nay vì lợi ích vô bờ bến như vậy, kẻ hậu học Quảng Kiến tôi vui mừng ghi lại những lời quý báu của người xưa, mong mỏi chia sẻ với quý đạo hữu khắp mọi nơi, thì cũng như một ngọn nến thắp lên nối nhau thì ánh sáng được rộng khắp nơi nơi vậy.
Phần 1 - MÊ NGỘ KHÔNG PHẢI LÀ HAI ( MÊ NGỘ BẤT NHỊ )
Tu hành nếu chuyển hoá được ba độc Tham, Sân, Si thành tâm lương thiện, thì Tham ắt biến thành không tham, tức là Từ bi; Sân ắt biến thành không sân, tức là Dũng khí ( khí khái, mạnh mẽ ); Si ắt biến thành không si, tức là Trí huệ.
THAM —> BI.  <— GIỚI
SÂN    —> DŨNG <— ĐỊNH
SI        —> TRÍ <— HUỆ
Tham Sân Si là ba độc chuyển thành Bi, Trí, Dũng là ba thật đức. Răn cái Tham là Giới, bỏ Sân là Định, rời Si là Huệ. Thể nhập tam vô lậu học là vào ba cái học Giới, Định, Huệ, tức là tu nghiệp Phật pháp, như vậy tâm ba độc và tâm ba đức chưa hề sai khác, vẫn là một tâm. Chẳng qua là thấy được hay chưa thấy được thực tướng là cái tính bất sinh bất diệt của pháp giới vũ trụ.
Đại sư Vĩnh Gia có bài kệ chứng đạo như sau:
Vô minh thực tánh, tức Phật tánh
Ảo hoá không thân, tức Pháp thân
Pháp thân giác liễu, vô nhất vật
Bản lai tự tánh, Thiên chân, Phật.
Dịch và giải:
Cái tính thật của vô minh chúng sinh, tức là tính Phật. tính thật của chúng sinh đồng với Phật là tính bất sinh bất diệt.
Cái thân giả tạm có mà không của chúng sinh, tức là thân Pháp.
Biết rõ thân pháp, thì không có một vật gì hết:
Bản lai Tự tính, là Thiên nhân, là Phật.
Thực thể của vô minh phiền não là thực thể của sự Giác ngộ; thân vô thường vô ngã là Pháp thân. Bởi chung một tính Bất sinh bất diệt của Bản tâm, lý của Mê, Ngộ không hai là như thế. Bản thể của Tâm vốn thanh tịnh vắng lặng và trong sạch ví như tấm gương sáng. Gương sáng thì gặp cảnh nào cũng chiếu được, cảnh qua rồi thôi, không lưu lại trong gương một dấu vết nào. Vì chúng sinh không giữ được gương lòng trong sáng nên nó thành như tấm phim, cảnh nào vào đều lưu giữ lại. Cảnh trước một khi đã ghi thì cảnh sau không còn chỗ để chứa. Một khi lòng đã có chỗ tức giận, có sợ hãi, có lo lắng thì không được ngay. Khi đã chứa cái “ không ngay” là giận, lo, tham rồi thì còn đâu mà chứa cái “ ngay”. Ví dụ như vậy để thấy rằng, đừng để một cảnh nào độc chiếm tâm ta, được như thế sẽ thấy rõ, thấy đúng mọi việc, đó là chính-kiến, mà có chính kiến là giác ngộ. Cũng như vậy, bản tâm ta như cái nhà kho, nếu cứ lưu chứa những đồ bất tịnh thì cái cảnh hôi thối lộn xộn hiện ra. Nếu biết mà chỉ chứa những đồ tốt đẹp quý báu thì cảnh giới thanh tịnh hiện ra. Đó là quả báo theo luật nhân quả, không có ai thưởng phạt nhưng tựu chung lại có sự thưởng phạt rõ ràng.

còn tiếp...

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

Thấy vấn đề và giải quyết vấn đề trong Phật Pháp

Các Pháp thế gian=Hữulậu=Hữu vi
Các Pháp này bao giờ cũng có bốn phần:

1. Thấy vấn đề = Kết quả cuả
vấn đề: Đây là các kết quả tốt gọi là thiện hữu lậu là ba cõi Thiên, Nhân, Atula. Và các kết quả xấu là ba cõi Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh

2. Nguyên nhân của vấn đề = Nhận thức vấn đề:Nguyên nhân của các kết quả tốt ở người là giữ được Ngũ giới Nguyên nhân của Atula là giữ chưa trọn vẹn ngũ giới, thích đấu tranh quá mức độ do đó phạm vào giới sát nhiều.
Nguyên nhân của Cõi Trời dục giới là thực hành được 10 điều thiện. Nguyên nhân của Thiên Ma ba tuần (Ác ma) ở cõi trời Tha hóa tự tại thứ 6 dục giới là tuy làm được 10 điều thiện nhưng lại xen kẽ phạm giới bất tà dâm mà có cõi này. Nguyên nhân của các cõi trời sắc giới là tu 10 điều thiện nhưng có phần hơn là diệt trừ hoàn toàn khả năng tình dục. Nguyên nhân của các cõi trời Vô sắc giới là cũng như các cõi trời sắc giới nhưng mắc cái lỗi là chấp sự rỗng không hư vô, dễ mắc đến đoạn diệt kiến tà đạo. Do đó hết kiếp ở cõi trời vô sắc giới thì lại quay lại dục giới như cũ.

3. Phương pháp giải quyết vấn đề:
Ở cõi người phải thành tựu tinh thông 5 nghề: Sĩ (trí thức), Công (công nghiệp), Nông (Nông nghiệp), Thương ( thương mại). Và binh (Quân sự). Tất cả 5 nghề này phải tinh thông kèm theo giữ nghiêm ngũ giới. Ở các cõi trời dục giới thì giữ nghiêm việc thực hành 10 điều thiện nhưng phải biết quy y Tam bảo để có hướng tiến lên tốt ở đời tương lai. Ở các cõi trời sắc giới thì cũng như các cõi trời dục giới nhưng phải làm thêm việc tu học theo tứ niệm xứ của tiểu thừa Phật Pháp thì tương lai sẽ tu hành tốt theo tiểu thừa Phật pháp. Ở các cõi trời vô sắc giới thì cũng như các cõi trời sắc giới nhưng phải phá cái chấp hư vô rỗng không để đời kiếp sau tu theo tiểu thừa khi được quay lại làm người.

4.Kết quả của việc làm đúng theo phương pháp giải quyết vấn đề:
Ở cõi người thì thành tựu được: Phú Quý Phúc Lộc Thọ
Ở cõi trời dục giới thì hết kiếp quay lại làm người sẽ
 tu học theo Phật pháp được viên mãn trong các đời tương lai.
Nếu ở cõi Ma vương ba tuần thì sẽ thoát nghiệp ma, quay lại kiếp người tu học theo Phật Pháp được viên mãn.

Ở các cõi trời sắc giới thì sau khi hết kiếp, quay lại làm người sẽ thành công việc tu theo tiểu thừa Phật pháp. Riêng những người thượng căn ở đệ tứ thiền sắc giới sẽ đắc quả Alahan ở cõi đó nhờ được sự giáo hóa của đức Phật Lô Xá Na là viên mãn báo thân của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ở các cõi trời vô sắc giới nếu thực hành đúng phép tu theo tiểu thừa thì kiếp sau quay lại làm người sẽ gặp minh sư thiện hữu giáo hóa cho tu theo tiểu thừa thành công. Những người này sẽ thoát khỏi quả báo ác là bị đọa địa ngục do cái nghiệp chấp hư vô rỗng không gây ra.