Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Ác Tâm - Ác Khí. Phong thủy GĐ&XH

Bài viết chuyên mục Kiến trúc - Phong thuỷ - Ứng dụng, báo gia đình và xã hội.


Lời bạch
Khoa học Phong Thuỷ đã ra đời cách đây hàng ngàn năm, là một môn khoa học thế gian đồ sộ, nghiên cứu ứng dụng Phong Thủy cho chúng ta lời khuyên về cách kiến tạo môi trường sống an lạc và tích cực.
Bàn về Phong Thủy chính là luận về khái niệm “động và tĩnh”. Động là sự linh động của Phong, tĩnh là sự tích tụ của Thủy. Việc ứng dụng Phong Thủy đúng, đồng nghĩa với gia đình có được môi trường tiện nghi, thuận lợi cho quá trình bồi dưỡng thân tâm, xuyên suốt thời gian và không gian sống để hội đủ điều kiện tích tụ về văn hóa lối sống thiện lành, rồi thông qua các mối quan hệ tương hỗ giữa các thành viên trong gia đình và xã hội, dần đạt được đạo lý sống tốt đẹp, như người xưa đã dạy: "Cách vật, trí tri, tề gia, an quốc, thái bình thiên hạ". Nghĩa là chúng ta khéo sắp xếp, khai thác sử dụng không gian vật chất hiệu quả, thấu rõ nguyên do của sự việc từ nguyên nhân đến kết quả. Nghĩa là việc duy trì các mối quan hệ đúng đắn và tốt đẹp, cụ thể: trong gia đình con với bố mẹ phải có được sự hiếu thảo, vợ chồng phải có được sự đồng thuận, anh đối với em phải có từ ái, em đối với anh phải thường kính trọng…Như vậy, đời sống gia đình tốt đẹp sẽ lan tỏa, làm chất liệu cho Quốc gia được an bình thịnh vượng. Rồi nhân sự tích tụ đó mà mỗi thành viên trong gia đình có môi trường làm lớn lên, nhiều hơn các việc thiện, tạo ra lợi ích cho chính mình, cho người và cho xã hội. Kết quả tất yếu này chính là việc ứng dụng được sự linh động của "Phong" và sự tích tụ, tích cực của "Thủy" theo thuyết Phong Thủy cổ truyền.
Ngày nay, khoa học ứng dụng phát triển thiên về vật chất, thời gian và tâm lực rong ruổi chạy theo dòng chảy của tiền tài. Sự suy nghiệm tâm thức suy giảm, do có ít thời gian trải nghiệm và nghiên cứu sâu sắc các khái niệm khoa học thế gian như Tử vi, Phong Thủy dẫn đến hoạt động thường ngày dễ bị các quan niệm sai lầm chi phối ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Thông qua chuyên mục nghiên cứu về Phong Thuỷ ứng dụng trong gia đình và xã hội, chúng tôi sẽ trình bày tuần tự, đầy đủ và đúng đắn các tri thức về khoa học Phong Thuỷ giúp độc giả qua đó xem xét, đối chiếu rồi ứng dụng, nhằm tránh được các quan niệm phong thủy mê lầm, để dần tạo ra môi trường sống tốt đẹp hơn cho mình và xã hội.
Phần ứng dụng:
Để giúp bạn đọc chọn hướng, vị trí cuộc đất, mua và xây nhà, chúng tôi xin giới thiệu một số nguyên lý, nguyên tắc chung nhất trong Phong Thủy, ứng dụng vào thiết kế, bố trí không gian nhà ở như sau:
Nguyên lý làm nhà theo Thiên-Văn, Địa-Lý, Dịch-Lý:
      Làm nhà theo Thiên Văn là việc chọn ảnh hưởng tốt nhất của mặt trời, mặt trăng và các tinh tú vào nhà. Đó là việt thiết kế không gian kiến trúc thông thoáng tạo ra môi trường vi khí hậu tốt nhất, bằng các giải pháp thông gió và chiếu sáng tự nhiên. Xây dựng phải gắn với mục tiêu tạo lập, gìn giữ, nuôi dưỡng môi trường xã hội - nhân văn, ổn định, bền vững.
      Làm nhà theo Địa lý là chọn vị trí, thế đất, phương hướng, bố cục thích hợp với tâm sinh lý của con người, làm cho không khí trong không gian ở được điều hòa, tạo lập cảnh quan hài hòa, bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực giữa công trình kiến trúc với cảnh quan xung quanh; khai thác và phát huy những yếu tố tự nhiên có lợi cho môi trường sống của con người.
      Làm nhà theo Dịch Lý là áp dụng các quy luật về âm dương ngũ hành, cửu cung bát quái để ngôi nhà có được sự ảnh hưởng tốt nhất của thiên nhiên, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; hạn chế tác động đến môi trường tự nhiên và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính trong việc sử dụng tài nguyên đất đai, nước, năng lượng, vật liệu… tất cả phải hướng tới và phù hợp thói quen tốt đã huân tập từ lâu xa với sở thích lành mạnh hiện tại.
Nguyên tắc Nhất vị:
          Khoa Phong thuỷ cổ truyền dựa trên nguyên tắc “Nhất vị nhị hướng”, tức là vị trí quan trọng nhất rồi mới đến hướng tọa. Bất cứ công trình kiến trúc từ nhà ở, căn hộ hay văn phòng làm việc nào cũng chịu ảnh hưởng bởi hai loại khí, Phong thủy học gọi là Nguyên Khí và Thực Khí. Nguyên khí là dòng khí từ dưới đất bốc lên, khí của cửu cung trong vùng khí trường. Còn thực khí là khí nổi trên mặt đất, biến đổi linh hoạt không ngừng, khoa phong thuỷ lấy khái niệm bát khí để tượng trưng cho loại khí này. Cái sát của Thực Khí do các vật thể và công trình kiến trúc bên ngoài gây ra như một góc nhọn, một con đường (góc Ao, đao Đình) không hung hoạ bằng cái sát do Nguyên Khí xấu của bản trạch (âm khí) gây ra. Ví dụ nhà WC bố trí vào cung có khí quẻ tốt, như người sinh năm 1977, nhà hướng Tây, bố trí khu vệ sinh ở hướng vị Tây Nam là phạm khí mạch của quẻ kép Sơn Thiên Đại Súc, phạm cách hư Thổ dễ bị bệnh liên quan đến Dạ dày và đại tràng…
Cụ thể, chúng tôi xin nêu ra một số loại sát khí thuộc Thực Khí:
1.    Trực xung sát: Nhà phía trước mặt hoặc sau lưng bị một con đường hay dòng nước đâm thẳng vào.
2.    Tiêm xạ sát: là chỉ ngôi nhà bị hai con đường giao nhau tạo thành góc nhọn xung thẳng tới.
3.    Tà hoành sát: Là bị một con đường hay dòng nước đâm xéo tới.
4.    Liêm đao sát:Chỉ ngôi nhà phía trước mặt hay sau lưng có một con đường hay dòng sông ưỡn bụng hướng về tựa như cái lưỡi liềm đang cắt vào nhà.
5.    Thiên trảm sát ( lưỡi đao trời ): là chỉ nhà trước mặt hoặc sau lưng bị khoảng cách (khe hở) giữa hai nhà cao tầng đối diện đâm thẳng tới.
6.    Phản quang sát: Nhà bị bức tường kính hoặc nhiều cửa kính lớn của một toà nhà đối diện phản chiếu ánh sáng vào.
Nguyên tắc về hướng tọa:
          Hướng trong Phong thủy là nói đến bốn phương tám hướng. Tùy theo ảnh hưởng của khí gì ở vào hướng vị nào mà có phương án đối trị riêng khác. Tựu chung có Bốn khí tốt và bốn khí xấu tương ứng với tám hướng là Bắc-Nam, Đông-Tây, Đông Bắc-Tây Nam, Tây Bắc-Đông Nam. Tám khí gồm: Phúc đức, Thiên Y, Sinh Khí, Phục Vị, Họa Hại, Tuyệt Chí, Lục Suy, Ngũ Hư.
Cụ thể nội dung và phương cách điều chỉnh cơ bản của bát khí như sau:
1. Sinh khí:  Là cát khí, chủ sự thông suốt, sinh sôi, nảy nở. Sinh khí chủ về phát Phúc, thăng tiến, thông minh sáng suốt, hiếu lễ, sự trung hậu, trước sau cẩn trọng.
2. Ngũ hư: Khí ra ngũ hư là hung dễ gặp thị phi khẩu thiệt, gặp những sự quấy rối,phá ngang. Công việc tiến hành gặp nhiều trắc trở, lận đận khó thành. Phạm khí Ngũ hư nên thường làm việc từ thiện như cứu giúp người bệnh thì sẽ tốt đẹp.
3. Diên niên: Là cát khí biểu hiện dự vững vàng, thuận hoà, êm đẹp. Gặp khí Diên niên là gặp may mắn trong các quan hệ xã hội, kinh doanh thăng tiến, mưu sự đạt kết quả, tình duyên êm đềm.
4. Tuyệt Chí: Là hung khí. Tuyệt chí là hết đường, là sự chia cắt, ly tán, là tai ương tật ách. Gặp khí Tuyệt Chí gia đạo bất an, gặp sự chẳng lành, công việc, kinh doanh vướng mắc, gẫy đoạn khó thành. Phương cách chuyển hóa có nhiều, tốt nhất nên hướng thiện, sống lành mạnh với tâm bớt tham sân si thì hậu vận sẽ khá.
5. Thiên Y: Là cát khí, biểu hiện sự tăng tài, tiến lộc. Quẻ biến thành thiên y là được hộ trì, mưu sự thành đạt.
6. Lục Suy: Là Hung khí. Thể hiện có sự thiệt hại, đứt đoạn, mất mát những gì thuộc về chủ thể có quyền chăm sóc. Lục sát còn gọi là Vãng Vong chủ sự hao tán, mất mát, sức khoẻ suy kém, sinh khí hao tổn. Phương cách đối trị là năng hành hạnh phóng sinh các loài vật và cứu người nghèo khổ.
7. Hoạ Hại: Là hung khí, cũng giống như Lục Sát là biểu hiện tình duyên chia cắt, giao dịch thua thiệt, bệnh gia tăng, khí lực tổn thất, gia đạo bất an. Gặp khí họa hai thì gia đình nên tăng việc làm Phúc để phòng Họa, sống thiện lành để tích Đức mà trừ khí Họa hại.
8. Phục vị: Là khí quân bình cát hung biểu hiện sự yên bình và ổn định.

          Phương pháp chuyển hóa Nguyên Khí và Thực khí từ xấu thành tốt nêu trên có nhiều, chủ yếu theo nguyên lý: “Tâm đâu Ý đó, Ý sao Khí vậy”. Bản chất của việc chuyển hóa Khí xấu trong Phong Thủy ứng dụng chính là việc chuyển hóa các Tâm thức chưa tốt, theo thuyết nhân quả : Tâm thông thì Khí thông. Dụ như nhà phạm Khí Lục Suy thì chúng ta phải năng hành hạnh phóng sinh để biến Lục Suy thành Sinh Khí tốt đẹp.
          Tóm lại, nếu đời sống thường nhật chúng ta không có ác tâm thì sẽ không bao giờ có ác khí hóa hiện đến với mình và gia đình mình. Cũng như hoa Sen, nở trên cao nên vật hèn không thể lụy, nương vào chốn tịnh nên loại bẩn chẳng thể làm nhơ.

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Tiểu thừa - Đại thừa thơ luận

Tiểu thừa
Chú Tiểu thấy có bến cũ phải về, bến hiện tại phải rời đi. Còn phân biệt mùa Xuân với mùa Thu bởi thấy thế gian lăn trôi từ sáng tới chiều, từ đông sang hạ tới, đó là:
Xuân Hạ Thu Đông sáng với chiều
Thế gian hết giận lại rồi yêu
Sáng còn ửng đỏ đôi gò má
Tối đã lom khom chống gậy sầu...
Cho nên chú Tiểu mới mong thoát ly thế gian thế tục để rời xa vọng tưởng. Quyết tâm rời vũng nước thế gian túng đã giam cầm Chân tâm của chú từ vô thủy kiếp.
Đại thừa
Thế gian hám cảnh vũng nước tù
Hành Bồ Tát đạo nguyện thanh tu
Uế tịnh ra sao đều huyễn cảnh
Đạo thành cũng bởi Lục-căn thu*

(*). "Thu nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế đắc đại chính định vi đệ nhất.
Bất nhiễm lục trần, vọng tâm tận diệt, thành vô thượng tuệ, thị tối thượng."

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Khái niệm...nhầu




Giải thoát khái niệm
--------------------------
Giải-thoát tâm mình, giải-thoát đau
Vấn-vương nghiệp cũ, vấn-vương sầu
Tâm-ta vốn sẵn, tâm-ta nhớ
Nương-nhờ ngoại cảnh, nương-nhờ đâu
Tự-giác giác tha, tự-giác đúng
Tu-hành giải đãi, tu-hành lâu
Tử-Sinh khái niệm, tử-sinh khổ
Khái-niệm đoạn thường, khái-niệm nhàu!

Vạn pháp







Vạn pháp bản lai chẳng có không

Có chăng thế tục nợ đèo bồng

Không là không tướng ta cần rõ

Diệu hữu Chân không vốn vẫn đồng.

Lý tính bất sinh bất diệt gọi là Lý tính thướng trụ thì luôn luôn có các tác dụng kỳ diệu và hình tướng tốt đẹp rõ ràng. Đó là đặc tính riêng của Lý tính thường trụ:
1.       Bản lai thanh tịnh: Từ nhiều đời trước không có cái nhiễm uế ở bên trong
2.       Bản lai Cụ túc: Từ nhiều đời trước đã là nguồn gốc của mọi sự tướng tốt đẹp
3.       Bản lai bất động: Từ nhiều đời trước bất cứ một sự vật nào cũng không làm mất đi và phá hoại được bản tính này.
4.       Bản lai biến hiện: Từ nhiều đời trước đã biến hiện ra nhiều sự tướng khác nhau
5.       Bản lai thường trụ: Từ nhiều đời trước vốn không phải là do một cái gì sinh ra đó gội là bản hữu. Từ nhiều đời trước bất cứ một sức mạnh nào cũng không thể tiêu diệt được. Không bị sinh ra gọi là bất sinh. Không bị tiêu diệt gọi là bất diệt.
Năm phương diện này của lý tính thường trụ tác động lẫn nhau ở tất cả không gian, ở tất cả mọi thời gian. Không gian thì có 4 chiều: Dài rộng cao chéo. Thời gian thì có 3 thời quá khứ, hiện tại, tương lai. Sự tác động này qua nhiều tầng nhiều lớp khác nhau thì gọi là trùng trùng duyên khởi. Đây cũng là đặc tính của mọi sự vật có những giới hạn riêng biệt khác nhau thì gọi là pháp giới tính trùng trùng duyên khởi.
Tâm của tất cả mọi loài ở tất cả mọi cõi thế giới là một pháp trong vô lượng pháp. Vậy tính của tâm cũng là tính của pháp giới tính. Nghĩa là tính bất sinh bất diệt thường trụ của tâm cũng là pháp giới tính của tất cả mọi sự vật trong pháp giới vũ trụ ( Vũ là không gian vô biên, Trụ là thời gian vô tận ). 
Đặc tính chung của mọi sự vật là Pháp giới tính thường trụ nên gọi là Chân. Đặc tính này trước sau không hề thay đổi hay bị đảo lộn gọi là Như. Với một sự vật cụ thể thì Chân Như là bản thể của sự vật đó. Với tất cả các sự vật thì Chân Như là bản thể của tất cả các sự vật (cũng có nghĩa là hình tướng và Lý tính của tất cả các sự vật).

Chân Như là bản thể. Bản thể này không có một hình tướng riêng biệt nhưng lại duyên khởi ra nhiều hình tướng riêng biệt. Lại là vô tướng nhưng biến hiện ra nhiều hình tướng khác nhau cho nên gọi là Chân không. Các hình tướng khác nhau được Chân-không biến ra gọi là Diệu-hữu.

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Thơ gửi Thầy nhân ngày kỷ niệm sáu năm Quy Y Tam bảo

Kính Thầy,
Quảng Kiến con nhớ về chốn Tổ viết rằng:
Thảnh thơi suối Yến một chiều
Nước trong cảnh tĩnh thêm yêu chùa nhà
Bao giờ rõ cái không-ta
Trời xanh hoa thắm cũng là Chân-Như.
Những khi nhớ Thầy, đệ tử cảm tới ơn giáo hoá của Người mà thường tinh tiến tu học giáo lý, để có được nhận thức đúng mà sống chính niệm trong những hoàn cảnh khác nhau. Với con, cảnh Chùa, hình bóng Thầy vẫn thường hiện rõ trong tâm trí. Ở Lào, nhà con trú sát bờ sông Mê kông, vào đêm vắng, ngồi tĩnh toạ, ngắm dòng sông trôi, quán chiếu về Chùa về Thầy mà viết:
Dong thuyền suối Yến chiều thu
Nhớ Hương Tích với Sư phụ Minh Hiền
Bao giờ lên Bát nhã thuyền
Mười phương pháp giới cũng miền Hương Thiên.

Hôm nay, kỷ niệm sáu năm, nhân duyên được Thầy thụ Tam Quy Ngũ giới. Tưởng về cuốn sách quý đầu tiên Thầy bố thí, quyển sách Bát Nhã tâm kinh. Kể từ đó, năm 2009 đến nay, hành trình học Phật pháp của con có nhiều thuận duyên, trải qua sóng gió về việc thế gian mà khoảng không gian và thời gian chính con dành cả cho việc nghiên cứu kinh điển. Hành trình sam học và tự giải đáp các khúc mắc về con đường trở về với Chân Tâm, kể ra cũng khá dài, nay con xin được giãi bày với Thầy bằng bài thơ ngắn "Bến Chân Tâm":
Tìm em ở bến Chân Tâm
Dong thuyền Bát-Nhã âm thầm Anh qua
Duy-thức tướng sóng gần xa
Lăng-nghiêm đại định, bao la đất trời
Pháp-hoa một đoá sen tươi
Ngời trong ánh mắt mười phương Ta bà
Chính tà một thể Duy-Ma
Rời xa vọng tưởng, Lăng-già truyền trao
Tĩnh tịch mặc kệ trần xao
Thấy em vẫn đó, chưa bao giờ rời.
Ngoài quyển Bát Nhã Tâm Kinh, bộ sách Luận đại trí độ Thầy đề tặng đệ tử, là những quyển sách con thường đọc tụng. Trải qua khoảng thời gian tịnh tâm ở Paske Lào, vào ngày thành đạo của Bồ Tát Quán Thế Âm, con đã viết bài " Mẹ Bát Nhã" cúng dường Tam Bảo, cúng dường Bồ Tát, hồi hướng tới ơn đức hoá độ của Thầy:

Mẹ từ tự tính sinh ra
Nuôi con khôn lớn dạy xa não phiền
Nơi võng ru tới mọi miền
Nương nhân duyên khởi tu thiền quán Không

Mẹ là giọt nước lành trong
Xoá tan hư huyễn thong dong đi về
Mười phương cũng một miền quê
Làm duyên khai ngộ giác mê cho người

Mẹ là một đoá hoa tươi
Điểm tô chân lý ở nơi hồng trần
Vì chúng sinh hiển pháp thân
Từ Bi Hỷ Xả thập phần viên thông

Muôn kiếp mẹ vẫn dõi trông
Giúp đàn con nhỏ thoát vòng tử sinh
Người là Bát Nhã Tâm Kinh
Dìu con từng bước tiến trình khai Tâm.

Bạch Thầy, theo sự nhận biết sơ cơ của Quảng Kiến thì việc nương vào thật tướng Bát Nhã để sống đời tự tại, dựa vào Bát Nhã trí mà thể nhập cảnh giới Vô sinh. Không tạo duyên sinh thì cũng đồng thời cắt đứt cái duyên diệt, dần thể với Nhất Như là tính bất sinh bất diệt. Cũng là việc nhập một với Tự Tính thanh tịnh tâm. Tự Tâm là nơi khởi nguồn Bát Nhã. Chuyển mê thành Ngộ là dụng của chính trí... Để từ đó có đủ phương tiện, đại nguyện, đại lực...mà thành tựu thập Ba la mật...thị hiện thành Phật. Từ sự chiêm nghiệm về tự tính như vậy mới thấy rõ cảnh giới thật chứng vốn lìa văn tự, rời ngôn thuyết, gượng mô tả Quảng Kiến mạo muội viết bài "Tự Tính" như sau:
Tự tính chỉ là tự tính thôi
Tính đi tính lại, tính luân hồi
Tuỳ duyên ảnh hiện mà Không- tính
Tự tính thế nào?... Tư tính coi?!
Việc thể nhập và sống đời hiện tại theo Tự-tính với Quảng Kiến giờ là sự sắp xếp lại duyên sinh. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Phật thuyết dụ về việc cởi nút khăn: "lý thì từ tâm mà thông tỏ, sự phải theo thứ lớp mà trừ"...
Bạch Thầy, quá trình trải nghiệm tâm linh với con thật sự là vi diệu. Có rất nhiều lần, sau khoảng thời gian tịnh tâm chiêm nghiệm, đến lúc thông tỏ được khái niệm ngày đêm suy tư, con đạt được cảm giác rất kỳ lạ, đó là trạng thái đặc biệt, thường kéo dài từ một đến hai tuần.
Như sau khi chiêm nghiệm về pháp giới để phá khái niệm, con viết:
Phiền não đây rồi ,giải thoát thôi!
Kiếm tìm chi nữa để luân hồi
Xuống lên, sinh tử là quan niệm
Ôi! Tử với sinh vết "nhọ nồi"!!!
...
Khoảng thời gian như vậy trí tuệ con rất tốt, mọi việc đến đi khá tự tại với tâm vô cầu. Thật an lạc Thầy ạ.  Những lúc như vậy, nhìn sự gì vật gì con cũng có thể quán chiếu đến giáo pháp và làm thơ dễ dàng. Một bài thơ gần nhất của con được viết trong trạng thái tâm thức như vậy, thời gian sau đọc lại con nhận thấy mình chưa được hoàn toàn nên tạm đặt cho bài thơ tên là " Đại vọng ngữ":
Tìm kiếm lâu nay đã thấy rồi
Có-không sinh-tử sẽ ngừng thôi
Tài-danh sướng-khổ đà rơi hết
Sáng tối đêm ngày niệm chẳng trôi
Như-huyến viễn-ly là thật tướng
Ma ha Bát nhã hiển tính rồi
Từ nay tự tại và vô ngại
Xêp lại duyên sinh trải toạ ngồi.

Nội dung bài thơ chủ yếu là cái thấy của con từ giáo lý, chứ chưa có hằng sống được như vậy nên là " đại vọng ngữ ". Duy có câu cuối " xếp lại duyên sinh trải toạ ngồi" là cái thấy sâu sắc của con về thực tại hiện sinh. Để được tự tại và vô ngại thì cần nhập thế sống đời như là sự sắp xếp các nhân duyên để tránh tạo nghiệp ( vô sinh) và tự tại đón nhận để hoá giải ( pháp nhẫn) các biệt nghiệp đã tạo ra từ trước...
Là người Phật tử tu tại gia, Quảng Kiến con thường để tâm nghiên cứu nhiều về kinh Thắng Man và kinh Duy Ma Cật, nhằm có được nhận thức sâu sắc về hành Bồ Tát đạo, tu Bồ tát hành để thành Bồ đề quả.
Vào pháp môn Bất-nhị là nhận thức Người và Ta vốn không hai, không khác. Đó là:
Người về
từ chốn chẳng đi
Trụ nơi không chỗ
Vô vi tháng ngày.
Người về,
chốn chẳng chính tà.
Phật, Ma cũng vậy,
hoá ra độ người.
Ta về,
lấy cái không-Ta.
Tướng Ma tướng Phật,
rời xa huyễn hình.
Ta về,
với ánh Quang-Minh
Ngồi nơi tịch tĩnh
hiện hình Chân-Không.
Người-Ta
Cũng chẳng gần-xa
Nhập là không một
tách là Không-Hai.

Về Tự tính thanh tịnh Tâm theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm với sự hiểu của con là phá ngũ ấm ma, rời vọng tưởng, tỏ được tính Diệu-Minh, bàn về ngũ ấm con viết:
SẮC ẤM
Bất giác khởi nên hình
Sắc ấm từ tâm sinh
Luyến lưu cùng thức vọng
Chẳng thấy tính Diệu-Minh.
THỌ ẤM
Theo vọng ấy chúng sinh
Giác tâm theo thật lý
Vạn vật chẳng hợp ly
Bồ Đề thường tịch tĩnh.
TƯỞNG ẤM
Bóng kia bởi có hình
Chẳng diệt với chẳng sinh
Bọt nước thì cũng vậy
Lay động mới nên hình.
HÀNH ẤM
Bởi thấy Giác làm Minh
Nên hình thành Năng- Sở
Sáu căn thường trăn trở
Ngăn ngại tự tâm mình.
THỨC ẤM
Luyến lưu tình với cảnh
Đâu rồi cái Minh - Anh
Huyễn hư là không thật
Pháp giới Tính-Diệu thành.

Phá NGŨ ẤM ma:
Sáu căn tuỳ dụng công
Phát khởi tính viên thông
Ngoài tri và ngoài trí
Rõ mây nước vẫn đồng.

Trên đây là một số thấy biết của con trong khoảng thời gian vừa qua, Phật pháp vốn thậm thâm. Cần trải nghiệm và tu trì nhiều đời nhiều kiếp, sức và trí của con còn non yếu. Nay biên thư gửi Thầy, xin được bày tỏ và ngưỡng mong trên những chặng đường sắp tới được Thầy chỉ bảo thêm cho. Quảng Kiến con nguyện tinh tiến, không còn thối chuyển trên con đường tu Đạo vô thượng.
Sáu năm tu Phật không dài nhưng cũng chẳng ngắn. Vì nhiều nhân duyên: ĐÃ-ĐANG-ĐỂ, nay Quảng Kiến con tạm tổng kết, làm mốc quy chiếu mà tiến lên. Kính trình Thầy bài thơ và xin được tạm kết:
(ĐÃ)...
Sáu năm tu Phật chưa ngừng nghỉ
Chẳng có chi khoe, nỏ muốn gì
(ĐANG)...
Tu Mật, tham Thiền, hành Tịnh độ
Quán-Chân, ly-vọng: hướng Vô vi
Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Lăng Nghiêm... học
Ngũ ấm giai không, Ngũ-Trí trì
Vô-hữu, diệt-sinh...giờ khái niệm!
Từ Bi Hỷ Xả...hạnh đang vì.
(ĐỂ)...
"Vô tận không thời vô tận ý
Thị chưa từng bận huống gì phi.

Cuối thư, nguyện cầu Tam Bảo gia hộ Thầy vạn sự thường được khinh an, mãi là cội Bồ Đề để hàng đệ tử chúng con làm nơi nương tựa, noi theo đức hạnh của Thầy trong suốt tiến trình tu để chứng.
Kính thư,


Đệ tử Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng.

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn

Mạn đàm về " Duy ngã độc tôn" nhân ngày Phật đản.
-----------------------------------------------------------------

Hôm nay, ngày 8 tháng 4 AL, kỷ niệm ngày đức Phật thị hiện đản sinh. Phật tử chúng tôi nhớ nghĩ đến công ơn giáo hoá của vị Đại Đạo Sư, Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, người thầy của loài người và Chư thiên. Tưởng đến lời dạy đầu tiên của Phật: " Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn", giáo lý vi diệu này Phật thuyết vào thời điểm đản sinh, điều chân lý Ngài muốn dạy bảo chúng sinh thật đều ở trong câu nói này cả. " Trên trời dưới đất, chỉ có Ta là tôn quý hơn cả". 
Phật thị hiện tại cõi Sa Bà cũng vì muốn cho chúng sinh thấy được thế giới huyễn hư khổ não. Sau khi chỉ cho chúng sinh biết được cái khổ ( tri khổ), ngài lại dạy chúng sinh phương pháp để dứt nguyên nhân của khổ đau ( đoạn tập), giúp cho chúng sinh hưởng được sự an vui của việc dứt trừ cái tâm chấp trước Ngã ( cái ta và cái của ta), vui vì lìa được cái tâm chấp Pháp ( thế giới của ta), vui vì đoạn trừ được chấp trước ngã và pháp gọi là chứng Diệt. Tiếp đến ngài dạy cho chúng sinh con đường để có được niềm an vui mãi mãi đó là con đường Bát chính đạo ( con đường trung đạo ).
Việc sống đời với tâm " Duy Ngã độc tôn" ( tu đạo ) sẽ giúp chúng sinh sớm đạt được Niết Bàn quả là nơi hết khổ đau, lìa sinh tử, an vui mãi mãi, đó chính là cái Tuệ nhận rõ Pháp giới vũ trụ đều do tâm thức hoá hiện. Quan niệm cái Ngã dù thế nào cũng chỉ là cái Tâm, do tâm thức mà có, " Duy Ngã" cũng chính là lý " Duy Tâm". Sự sự vật vật đều từ tâm hoá hiện nên tính của vạn hữu là Không Hai là "độc", bản tâm thường thanh tịnh sáng suốt nên là " Tôn". Để cắt nghĩa rõ hơn câu “ duy ngã độc tôn”và vì sao mà nói toàn thể Phật pháp đều ở trong câu nói này, chúng tôi xin phân giải theo phương pháp giáo hoá của Phật như sau:
    Phương pháp giáo hoá chúng sinh của Phật không ngoài bốn món Tứ Tất đàn, bao gồm: Thế giới Tất đàn, Vị Nhân Tất đàn, Đối trị Tất đàn và Đệ nhất nghĩa đế tất đàn.
1. Thế giới Tất đàn, là phương tiện Phật dùng cái tâm phân biệt cái cảnh giới của chúng sinh mà dạy bảo cho biết thế nào là Chân thế nào là Huyễn. Chúng sinh vì ưa cái ta và cái của ta ( ngã ) nên Phật thuận theo tâm chúng sinh mà nói về Vô Ngã để phá cái chấp Ngã.
2. Vị Nhân Tất đàn, là thuyết pháp theo căn cơ cụ thể. Chúng sinh thường có cái tâm phân biệt cao thấp nên Phật ra đời nói thẳng " thượng hay hạ thì Phật vẫn là cao quý hơn cả" để cho chúng sinh biết mà quy kính theo.
     Phật ngoài giáo hoá loài người còn giáo hoá cả chư Thiên. Chư Thiên thường coi loài người là thấp kém về trí tuệ về năng lực. Phật đản sinh thị hiện các điềm lành vi diệu và tuyên bố " Ta là độc tôn" để cho chư Thiên kinh ngạc dõi theo đức hạnh của ngài từ khi sinh đến khi nhập Niết Bàn mà phát tâm tu học theo.
3. Đối trị Tất đàn, là cách thuyết pháp để đối trị lại tâm bệnh của chúng sinh. Thời Phật ra đời đa phần chúng sinh tin vào Phạm Vương tạo ra vũ trụ, Vĩ Nựu là chúa muôn loài. Muốn cho chúng sinh tin rằng Phật không phải do Phạm Vương tạo ra, cũng không phải dưới quyền của Vĩ Nựu nên Phật nói " Thiên thượng thiên hạ, Duy ngã độc tôn", Phật lại biết được về sau có nhiều kẻ ngoại đạo mượn danh Phật mà truyền bá tôn giáo của mình, hoặc nói Phật là do Thượng đế cử xuống làm Giáo chủ, làm cho chúng sinh mang tội huỷ báng Phật. Nên Phật nói " Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn" để tuyệt trừ cái điều lợi dụng đó.
4.Đệ Nhất Nghĩa đế Tất đàn, là Phật nói về bản tâm thanh tịnh của chúng sinh mà chúng sinh chưa nhận biết, nhiều đời sống chết luân hồi khổ não, chúng sinh lấy cái phân biệt hoàn cảnh làm tâm mình, lấy cái khối vật chất làm thân mình nên sinh ra các vọng tưởng có chấp, có ngã, có pháp.
    Cái lối chấp trước, Ngã đối với Pháp, Pháp đối với Ngã, ngã đối với phi ngã, pháp đối với phi pháp, đối đãi với nhau mà hiện ra các tướng như huyễn hư hoá, làm cho tâm niệm chúng sinh khi ưa khi ghét, khi mừng khi sợ, tạo các nghiệp mê lầm, chịu các quả mê lầm, chẳng có khi nào được tự tại.  Muốn tự tại thì phải nương theo giáo lý của Phật, nhận rõ toàn thể vũ trụ đều do tâm thức biến hiện, ngoài tâm thức ra không có sự gì vật gì cả. Đó là cái phép Duy Ngã: duy thì không còn ngoại vật, ngã thì chỉ có một tâm. Duy ngã là tuyệt đối trong các đối đãi, là chân như trong các danh tướng; duy ngã chẳng có hai nên là độc; thường thanh tịnh nên gọi là tôn. Đó là cái ý nghĩa của câu “ duy ngã độc tôn” theo thể tính của tự tâm. Còn diệu dụng của tự tâm là chính nơi tuyệt đối mà hiện các đối đãi, chính nơi chân như mà hiện các danh tướng. Tuy hiện ra các đối đãi mà đỗi đãi không ngoài tuyệt đối, tuy hiện các danh tướng mà danh tướng tức là chân như. Diệu dụng ấy ra ngoài cái có cái không, cái mê cái ngộ, thường tuyệt đối chân như mà thường đối đãi danh tướng, thường đối đãi danh tướng mà thường tuyệt đối chân như; không công dụng, không tạo tác mà hoá độ quần sinh; không nhân ngã, không pháp ngã mà tức là chân ngã. Chân ngã ấy bao la trùm khắp, ra ngoài thời gian và không gian, tự tại hoá độ quần sinh, để đầy đủ vô lượng công đức, đã đầy đủ vô lượng công đức càng tự tại hoá độ quần sinh, nghĩ không tới, nói không cùng, nên chỉ gượng gọi là Chân Ngã. Các vị Đại Bồ Tát cũng có Chân Ngã nhưng chưa viên mãn; duy chân ngã của Phật mới hoàn toàn viên mãn; nên cũng duy có Phật mới thật xứng với câu “ duy ngã độc tôn”.
          Ý nghĩa của câu “ Duy ngã độc tôn” sâu xa như vậy nên quyết định là Phật thuyết, chứ không phải do người sau thêm vào. Toàn thể Phật pháp đều gồm trong câu ấy, nên người nhận rõ lý nghĩa câu ấy mà tu hành thì quyết định thành đạo chứng quả.
          Chúng tôi học theo tâm hạnh của người đi trước nay tổng hợp ghi lại bài này nguyện chia sẻ cùng chư đạo hữu, mong mỏi cùng nghiên cứu cho tường tận về nghĩa lý của từng câu Phật dạy rồi đem ra giảng giải cho mọi người thì công đức không thể kể xiết.  

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

Bài Tham luận Quốc thái dân an Phật đài

Bài viết:
CHÍNH NHÂN, CHÍNH DUYÊN VÀ NGHIỆP BÁO TỪ VIỆC CÔNG ĐỨC XÂY DỰNG PHẬT ĐÀI TÂY THIÊN

Khởi Luận
Tất cả các pháp theo tâm phân biệt thì có hình tướng của sự vật. Khi tâm phân biệt thay đổi thì hình tướng của sự vật cũng thay đổi. Như vậy thực tế sẽ là bất khả tư nghì ra ngoài đối đãi như sinh diệt, có không, đồng dị, khứ lai. Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật Đại Từ Đại Bi thị hiện trên cõi Ta Bà, dùng đủ cả phương tiện Khai Thị Ngộ Nhập, chỉ đường cho chúng sinh thấy được Phật tính của chính mình để thành Phật như Ngài, cho đến nay trải hàng ngàn năm lịch sử, giáo lý của Ngài vẫn ngự khắp cả mười phương, cứu khắp muôn loài.
1- Bàn về CHÍNH NHÂN
Ngày nay, chúng ta nhờ ơn Phật và chư Tổ chỉ dạy mà dần nhận thức đúng với thực tại hiện sinh, phân biệt chân ngụy, diệt vọng trừ niệm, có được sự tự chủ phần nào trong đời sống tâm linh. Quá trình giác ngộ chính là tiến trình trở về với bản tâm thanh tịnh sẵn có. Như nguồn nước vô tận, lại lưu xuất ra các dòng nước mát lành để nuôi dưỡng tâm Bồ đề của chúng sinh, vạn vật. Bốn dòng tịnh thuỷ hữu ích của bản Tâm chính là hạnh Từ Bi Hỷ Xả. Tứ vô lượng tâm này cũng là Sự và cũng là Lý để hoá độ, giúp cho người tu có được con đường mà trở về với cội nguồn “ Bản lai diện mục” là " minh tâm kiến tính". 
Phương tiện có nhiều, chư Phật, chư Tổ thuận theo nhận thức của người đời mà thuyết pháp, khi quyền khi thật, pháp môn thiện xảo đó có khi giúp người thông qua sự tướng, soi xét, suy tư mà thông tỏ Tự-Tính, lại tùy theo căn cơ mà các ngài chỉ thẳng bản Tính của pháp giới ( viên thông ). Chúng sinh tuỳ theo nghiệp lực mà có sự nhận thức khác nhau nên tiến trình giác ngộ cũng theo đó mà sai biệt. Từ xưa đến nay, chư Thầy Tổ không quản gian nan, từ bi hiển bày đủ mọi phương tiện để dẫn dắt đệ tử và kẻ mới học thâm nhập pháp môn giải thoát. Đại phương tiện như vậy mới chính là nội dung đạo lý " tuỳ-duyên" của Sơ tổ Trúc Lâm.  
Xã hội hiện đại phát triển nghiêng về vật chất và khoa học hữu vi. Con người sống dựa nhiều vào công nghệ tiện ích mà đánh mất giá trị tâm hồn ( tâm thức), dẫn đến mất cân bằng trong cuộc sống. Sứ mệnh giáo hoá giúp người giải quyết nỗi khổ niềm đau trở nên trọng đại hơn. Phương tiện hóa độ lại cần phải thiện xảo hơn. 

2- Bàn về CHÍNH DUYÊN
Kinh Kim Cương, Phật thuyết “ ...phàm sở hữu tướng, gia thị hư vọng...”.  Tôn chỉ của thiền Tông là “...bất lập văn tự, ngoại giáo biệt truyền...”. Nghĩa là ly tướng để phá vọng niệm, trở về với tự tính thanh tịnh Tâm. Đây là viên thuốc đặc biệt do Phật và Tổ chế ra nhằm điều trị tận gốc bệnh khổ về sinh diệt của chúng sinh.
Nhân vậy có người hỏi rằng: Tôn chỉ chung của Thiền Tông là Vô tướng, tại sao lại đi tôn tượng Phật lớn là hữu tướng, thế có phạm lỗi tương vi ( trái ngược) pháp chăng?
Đáp rằng:
Ngoài danh hiệu Đại-Y-Vương là dùng thuốc pháp để trị bệnh khổ, đức Phật được tôn xưng là Đại-Đạo-Sư bởi Ngài khéo dùng huyễn để trị huyễn. Giáo lý “Tu cái Vô tu, niệm cái vô niệm, hành cái vô hành...” Nghĩa là dùng chính niệm để trừ vọng niệm, dùng tướng để phá tướng. Cũng là hiện tướng để hóa độ mà không bám chấp, thực hiện tôn tượng mà không tạo tác vọng niệm. Đây là pháp môn vô-tướng đối trị thù thắng và phù hợp với nhận thức thường nghiệm hiện nay của đông đảo người tu Phật.
Kết hợp giữa vô-tướng để tự lợi và hiển-tướng để lợi tha như vậy, Quý Thầy ở Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, cùng với Phật tử, thiền sinh trên toàn quốc đã và đang phát tâm, góp công góp của xây dựng và tôn tạo tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đá hoa cương tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, mục đích xây dựng đạo tràng ( thiền viện) trang nghiêm thanh tịnh, làm Sở duyên duyên là môi trường cho chúng ta hiện thời và con cháu sau này, chiêm bái, kính lễ và tưởng tới đức hạnh của Phật, rồi từ thắng duyên đó mà phát tâm Bồ Đề rộng lớn, noi gương đức Phật tu thiền định, thực hành hạnh ban vui cứu khổ. Người người như vậy, nhà nhà như thế sẽ tạo ra quốc thổ thái bình thịnh vượng, dân chúng an lạc. Quốc – Thái – Dân – An chính là diệu dụng, là mục tiêu của Quý Thầy và sự cần thiết để chúng ta, mỗi người mỗi nhà góp phần, dù lớn dù bé, tùy theo điều kiện, cùng hỗ trợ tác thành đại Phật tượng cao 49 m. Ý niệm đức Phật tọa thiền đạt Đại giác ngộ trong suốt 49 ngày dưới cội Bồ đề thuở xưa được tái hiện chân thực, mang tư tưởng hoằng pháp lợi sinh rộng khắp.
Dự án Phật đài tại Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên thành tựu sẽ là nơi hướng tâm và là điểm du lịch tâm linh của thập phương nhân dân trong và ngoài nước. Tượng Phật ngự trên đỉnh núi đá trong khuôn viên Thiền viện Trúc lâm Tây thiên chính là bài pháp Vô-ngôn, “tùng tướng nhập tính”, giúp cho mọi người nương theo hình tướng mà thể nhập với bản tính. Hình tướng cụ thể ở đây mô phỏng 32 tướng tốt với 80 vẻ đẹp của Phật, mang sắc thái gần gũi với người Việt nam, ngoài không gian hình tượng Phật còn có phần tháp mười tầng nằm trong thân tượng, biểu trưng cho thập pháp giới đầy đủ tích Phật với quá trình giác ngộ và phát triển thiền phái Trúc Lâm từ Sơ Tổ Trúc Lâm điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông. Việc chiêm bái hình tượng và hình ảnh sẽ giúp chúng ta thấu tỏ được nền tảng giáo lý, pháp môn tu để chứng, rồi hằng ngày soi chiếu lại thân tâm, thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành vi trong đời sống hiện tại, hướng tới quả vị giải thoát như Phật trong thời tương lai. Nói như vậy mới rõ giá trị hữu hình và vô hình rộng lớn của việc tôn tạo Quốc thái dân an Phật đài.
3- Bàn về NGHIỆP BÁO
Chúng tôi, hàng Phật tử hậu học. Nhờ ơn Quý Thầy giáo hóa bấy lâu, nhận thức rõ về Tứ-trọng-ân mà tinh tiến tu tập. Lại hiểu được nghiệp-duyên sâu dày đã tạo tác từ vô thủy đến nay, có thiện, có ác. Thấu rõ phần nào con đường tu học là việc phá huyễn lập Chân, năng tu thiền định để thanh tịnh thân tâm, thường hành Phật sự để tự lợi, lợi tha ( giúp mình giúp người). Tất cả những việc như vậy về Thân Khẩu Ý mỗi mỗi đều hướng đến thiện nghiệp, làm tư lương cho thời tương lai. 
Con người ta theo lý vô thường của Thất-đại, tuân theo luật Sinh lão bệnh tử. Hoàn diệt theo không gian và thời gian không lường, nhưng công phu tu hành, nghiệp thiện, nghiệp ác theo nghiệp báo từ gieo nhân mà sinh quả có sai khác.  
Cụ thể, người hỏi rằng: ở đời chúng ta có khi làm thiện, có khi làm ác không chừng, vậy về sau theo cái nghiệp báo nào để luân hồi và thọ quả báo?
Đáp rằng:
Về vấn đề này chúng tôi xin lược ghi từ bài giảng trong cuốn Phật học thường thức của Cụ Tâm Minh Lê Đình Thám do Hòa Thượng Pháp Chủ Thích Phổ Tuệ diệu đính và xuất bản như sau:
“Nghiệp báo là nhân quả trong đường luân hồi. Nghiệp là hoạt động về thân thể, về lời nói hay ý nghĩ, và kết quả đền đáp lại những hoạt động ấy, thì gọi là nghiệp báo. Những hoạt động có quả báo rõ ràng, chia làm 3 thứ:
Thiện nghiệp là những việc lành, có lợi cho người và đem lại quả báo tốt cho mình
Ác nghiệp là việc dữ, có hại cho người và đem lại quả báo xấu cho mình.
Bất động nghiệp túc là hành động tu luyện tự tâm, làm cho không lay động trước cảnh ngũ dục, những cảnh khổ vui và những cảnh có hình tướng. Tu luyện như thế gọi là tu thiền định.
Trong một đời, ít ai chỉ làm điều thiện hay chỉ làm điều ác, nên nghiệp báo cũng tùy theo sự tổng hợp ảnh hưởng của các điều thiện, ác đã làm. Ảnh hưởng điều thiện chừng nào, thì lên cao chừng ấy, ảnh hưởng điều ác chừng nào, thì xuống thấp chừng ấy, nếu ảnh hưởng thiện ác xấp xỉ ngang nhau thì quả báo không thay đổi. 
Những hành động tu tập thiền định, tức là Bất động nghiệp có tác dụng rất lớn. Người tu hành được định nào thì thụ sinh theo định ấy, các nghiệp khác không thể lay chuyển được.
Ngoài Bất động nghiệp ra,còn có những nghiệp đặc biệt, có thể lấn át phần nào ảnh hưởng của các nghiệp khác, đó là Cực trọng nghiệp, Tích tập nghiệp, Cận tử nghiệp. Trong đó, Cực trọng nghiệp là những nghiệp lành, nghiệp dữ rất to lớn, ảnh hưởng nghiệp báo chung như làm những việc Phật sự lớn có ích lợi cho nhiều người sẽ quyết định phần lớn sự đi lên các cảnh giới cao của Thập pháp giới trong đường luân hồi.”
Tạm kết:
Căn cứ vào nhân quả nghiệp báo, như vậy mới thấy việc tinh tiến tu Thiền định và thực hiện các công việc Phật sự lớn sẽ quyết định rõ con đường tiến lên trong tương lai. Tham gia vào quá trình tôn tạo Quốc thái dân an Phật đài chính là thực hiện Cực-trọng-nghiệp nêu trên, theo nhân quả nghiệp báo đó sẽ quyết định cho chúng ta, con cháu chúng ta có được phúc báo hiện tiền tốt đẹp và đạt cảnh giới cao trong đời tương lai. Phật đài Tây thiên cấu trúc bằng đá hoa cương, đây là chất liệu tồn tại hàng ngàn năm, đồng thời với thời gian đó sẽ làm lợi ích cho vô số thế hệ, dẫn-nghiệp này tạo ra phúc báo vô lượng. Từ việc công đức tôn tượng sẽ là thắng duyên cho chúng ta trên con đường đi đến quả vị giải thoát tối hậu.
Công đức xây dựng Phật Đài chính là việc cực thiện, cực lành, là nhân duyên hiếm có trong nhiều thập niên trở lại đây. 
Để kết thúc bài tham luận, xin nói theo lời người xưa, thay cho sự khuyến tấn, chúc nguyện Phật sự tôn tượng Quốc thái dân an sớm được viên thành:
Kìa như cây cỏ vô tri, còn phải nhờ thiện duyên mới nên thiện quả; huống hồ loài người có biết, lại chẳng bởi lành mà thành lành. Những mong hình tượng và giáo lý của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật lưu khắp, trải hết vô lượng không gian và thời gian vô cùng, phúc trí ấy tỏa xa, hàng Phật tử chúng con nay nguyện tinh tiến tu đạo, hành Phật sự để vị lai được Giác ngộ bình đẳng với chư Phật ở khắp mười phương ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai.
Thơ, tổng luận
Muốn đến Tây thiên
Năng hành thập thiện
Bỏ các ác hành
Tinh tiến đi nhanh
Chăm tu thiền định
Tùy duyên nhưng tịnh. 
Cứu khắp hữu tình
Ngộ tính Chân không. 
Tinh tiến tu tâm
Thiền Viện Trúc Lâm 
Nhập pháp thậm thâm 
Tâm không Tâm Có
Thấy rõ chẳng nhầm.
Đó là cốt lõi
Chẳng còn thưa hỏi
Vì còn lời nói
Chẳng phải Chân Thiền
Ở cõi Tây Thiên.
Kính lạy Đấng Thế Tôn, Bậc Chính Đẳng Chính Giác Thích Ca Mâu Ni Phật!


Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

Ngũ Ấm Lăng Nghiêm


Vạn hữu sum la thấp với-cao (sắc)
Chuông kêu ngũ ấm Tưởng Hành vào (thọ)
Lăng nghiêm đại định là Chân-định
Chẳng đánh mà ngân, vọng Thức nào!? ... Thức Out= Vô thức= Xả)
-----
- Dòng chảy liên tục của tâm, sinh rồi diệt, diệt rồi sinh không gián đoạn. Ngay từ sát-na đầu tiên, với sự giao tiếp của căn, cảnh, thức tạo ra hoạt động của cảm thọ ( thập bát giới ). Từ cảm thọ kích phát sự tiếp thu ảnh tượng và khái niệm ( Tưởng uẩn ). Sự tiếp thu này, hình thành xung động tâm lý ( Hành uẩn), vào khoảng sát-na cuối cùng, tâm thức như là chủ thể nhận thức hiện tại, Thức uẩn này quyết định sẽ làm gì sau khi hoàn tất quá trình xử lý đối tượng hay khái niệm nắm bắt được.
- Đại định Lăng Nghiêm là Chân định vì là biểu hiện của Tự-tính-thanh-tịnh-tâm, diệu dụng phổ độ chúng sinh không có chướng ngại.  Rời tất cả các khái niệm, Vọng-thức. Nghĩa là theo duyên mà không đổi, không đổi mà theo duyên.
Thức tâm bản nguyên không có năng sở, do bất giác mà lập ra như có Tính-Minh, khi năng minh và sở mình thành lập. Năng minh không vượt qua được sở minh, sinh ra sự ngăn ngại của tâm thức (Sắc uẩn), có nặng có nhẹ, có lớn có bé...từ một thức tâm lại sinh ra nhiều thức sai khác gọi là chuyển thức hay vọng thức ( hoặc vọng tâm ). 
- Vọng thức là kết quả cuối cùng từ chu trình hoạt động của ngũ uẩn trong 5 sát-na. Khoảng thời gian đủ ngắn để thức sinh ra và diệt không gián đoạn. Kết quả của nhận thức thông thường căn cứ trên thói quen mê lầm của các chủng tử bất thiện lưu lại ( huân tập ) trong Tàng thức, nghĩa là lấy cái này so đo với cái kia, dựa vào nhau hay đối lập nhau mà giả-có. Bản chất đó là sự đối đãi phân biệt. Hình ảnh của thực tại thông qua chuỗi nhận thức duyên khởi như thế gọi là các niệm vọng đi vọng lại,  thực tại theo đó mà méo mó, dẫn đến nhận thức sai lầm, tạo ra kết quả phiền não khổ đau trong chuỗi đời sống vô tận. 
- Rời phân biệt là sự xả ly hay Viễn-ly vọng thức, nhận thức cái thấy như vậy gọi là cái thấy Như-Huyễn.
Như Huyễn, Viễn Ly là thật tướng của Bát Nhã. Thật-tướng này kết hợp với Tự-tính thanh tịnh tâm (Chân Định ) cấu thành bản Thể của Chân Như.