Thứ Năm, 12 tháng 3, 2020

Luận về chữ KHÉO

Binh pháp mưu kế xưa nay rút gọn thành mấy câu tiêu biểu,
gọi là cái khéo của thế gian thế tục, như sau:

Khéo thua không bị chết
Khéo đánh không bị thua
Khéo bày trận không cần đánh
khéo cầm quân không cần bày trận
Khéo đạo không cần dụng binh.

Sau khi chiêm nghiệm về Bồ tát đạo,
chúng tôi có viết lại mấy câu kệ về KHÉO XUẤT THẾ GIAN:

Khéo Nhẫn thì An ( ổn )
Khéo cho (bố thí) thì có
Khéo giữ ( giới) thì yên
Khéo Thiền ( định ) thì sáng ( tỏ)
Khéo Tiến ( tinh tiến ) nhanh sang ( bờ giác).
Khéo chọn thì Anh ( minh )
Khéo nguyện sớm Thành ( tựu )
------
    Luận về khéo thế gian: Pháp thế gian dù có khéo đến mấy cũng chỉ là hòa-hợp-đối-đãi của sự tướng huyễn và tâm tướng huyễn, mà đã Huyễn chắc chắn sẽ Hư.
    Kệ khéo xuất thế gian này chúng tôi viết theo tinh thần Lục độ Ba la Mật: Bố thí (cho), Trì giới ( giữ), An Nhẫn ( nhẫn), Tinh tiến ( tiến), Thiền Định ( thiền)... Ba la mật có nghĩa là rời tướng mê ngộ, ở sự tướng là rời năng sở, như hạnh Bồ tát lìa ngã sở tướng là không chấp có ta là nguời hành đạo, có người cần được hành đạo, có pháp để hành. Như vậy chữ Khéo chính là Ba la mật. Ở đời ai giúp mình giúp nguời điều gì thì chúng ta thường dùng chữ khéo,sống  vì người chính là hạnh lợi tha, do dó có thể nói hành động vì-người mới là khôn-khéo Ba la mật vậy.
    Kinh Kim Cương dạy:"Có chất bảy báu thế gian cao bằng núi Tu Di thì cũng không bằng trì Tứ Cú Kệ!." Cho nên người khéo việc thế gian thì có đến mấy cũng chỉ là sự tinh anh quanh quẩn, làm nhân cho luân hồi. Vô lượng cái khéo đó cũng không bằng tâm ngay thẳng, bình đẳng không phân biệt. Tứ cú kệ có nhiều, chủ yếu là bốn cái không: Thân không , Tâm không, Ngã không, Pháp không.