Phật Pháp ở thế gian chư Phật dạy cốt giúp chúng ta đoạn ác, tu thiện. Thiện ác được phân chia thành ba phần: Hữu lậu ác,
Hữu lậu thiện,
Vô lậu thiện.
Ác ở thế gian có nhiều chủ yếu từ thập ác và ngũ nghịch. Thiện mà đem tâm nhân ngã để hành thì gọi là hữu lậu thiện, nghĩa là còn hạn chế. Hữu lậu thiện theo tính chất lại có: Chỉ thiện và tác thiện.
Đại ý của Phật pháp ở bài kệ:
Chư ác mạc tác.
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo.
Hai câu đầu nói về thiện ác có nghĩa là các điều ác quyết không làm thuộc về chỉ thiện. Các điều thiện quyết làm thuộc về tác thiện... ).
Thiện ác là phép đối đãi, cho nên tuỳ theo địa vị mà cái nghĩa thiện và ác có khác. Thiện hữu lậu thì có cái quả báo hưởng phúc ở cõi nhân thiên, nhưng vì chưa giải thoát ngoài vòng sinh tử nên đối với Tạng giáo cũng gọi là ác. Duy chỉ có hạnh từ bi cứu người, tự độ mình, độ kẻ khác ra khỏi vòng sinh tử mới gọi là thiện. Song Tạng Giáo chỉ mới tự độ mình ra phân đoạn sinh tử và độ chúng sinh hữu duyên khỏi phân đoạn sinh tử nhưng chưa đoạn được pháp chấp nên đối với Thông giáo cũng còn gọi là ác. Thông giáo đoạn được tất cả vọng kiến của chúng sinh nên gọi là thiện, nhưng đối với Biệt giáo gọi là ác bởi vì chưa thấu rõ lý trung đạo. Biệt giáo thấy được lý Trung đạo nên gọi là thiện, nhưng Trung đạo của Biệt Giáo còn bức bách chưa độ sinh hoàn nên đối với Viên giáo cũng còn gọi là ác. Vậy Diệu viên Trung Đạo của Viên giáo mới thật là chí thiện. Đối với Viên Giáo thì thuận theo thực tướng là thiện, trái với thực tướng là ác, rõ suốt Viên lý là thiện, chấp trước Viên lý là ác. Thế mới biết đối với Viên Giáo- Bồ Tát duy có Viên lý thực tướng mới là thiện mà thôi.
Trên đây là nói đạo lý về Thiện, Ác từ Tạng giáo đến Viên giáo. Đối với hàng hậu học sơ cơ như chúng ta, việc tu Vô lậu thiện là đoạn trừ được Kiến hoặc và Tư hoặc, thuận theo tam pháp ấn là " Không, Vô tướng, Vô tác " để các việc ác quyết không làm, các việc thiện quyết làm. Khi hành bố thí thì không chấp vào mình là người bố thí, không chấp có người nhận bố thí, có vật để bố thí. Nghĩa là rời nhân ngã, thuận theo lý Trung Đạo mà lìa các pháp đối đãi. Khi đó trong không có tâm phân biệt, ngoài không bị hoàn cảnh ràng buộc, thì còn gì là ưa, ghét, buồn, sợ tức đoạn trừ được phiền não. Được như thế, sống như vậy mới là Vô lậu thiện.