Gửi Anh trai:
...Anh là
người có tâm hướng Đại thừa, về mặt thế gian lại có một số điểm mạnh hỗ trợ điểm yếu
của em, với khả năng và kinh nghiệm 10 năm doanh nghiệp, em sẽ
cùng anh xây dựng sự nghiệp bền vững, cũng là để thực nghiệm pháp thế gian và có thời
gian tu tập là tự lợi và thực hành hạnh Bồ Tát đạo làm các việc lợi tha giúp người. Đức Phật có nói tăng đoàn phải từ hai người trở lên, cùng
tu và hỗ trợ nhau trong sinh hoạt cuộc sống mới có thể sớm thành tựu đạo nghiệp. Ví dụ rõ
ràng ở tình huynh đệ giữa ngài Xá lợi Phất và ngài Mục Kiền Liên, xa hơn nữa là
Phật A di đà và Phật Dược Sư, Phật Thích Ca và Phật Di Lặc…
Em biết
khả năng "tạo sóng" rất lớn của anh. Em nói sóng là nói theo cảnh giới của kinh
Lăng Nghiêm, “mọi sự đều do sóng tâm tạo thành”. Anh có cách để làm cho người khác
liên kêt tụ hội, cũng như sóng giúp cho đất bồi, nhưng sóng đôi khi cũng phá vỡ
những thứ kém bền vững. Cùng tạo dựng sự nghiệp với anh, em sẽ làm tốt yếu tố
nhu nhuần tạo xúc tác làm cho sự liên kết yếu đó được bền vững trong giai đoạn
khó khăn ban đầu. Song song với nhiệm vụ đó em có thêm sự hỗ trợ của anh để có
không gian và thời gian tu học.
Như anh
nói, chúng ta chưa có Thầy trực tiếp chỉ dạy nên phải học qua sách vở. Em đọc
trước hay anh đọc đều có lợi ích cho nhau. Bởi con đường của ta chính là chuỗi
đời sống vô tận, đời này chỉ là một bước ngắn mà thôi. Song song với công việc anh
em ta cùng trao đổi giáo lý và đem ra ứng dụng để lợi mình lợi người. Anh vẫn
hay thích khái niệm thần thông, em cũng vậy, nhưng có câu "thần-thông
không bằng thần-diệu" nghĩa là cuộc sống dù gian nan đến đâu, mặc dù phải
tìm mọi cách để tồn tại phát triển nhưng ta cố gắng không để cho bất cứ ai phải
phiền lòng về đạo đức lối sống của mình, được như vậy mới là tuyệt-diệu, còn
khi giàu có về tiền của và có thế lực thì không nói làm gì. Tổ Lâm Tế có nói
kệ: …kẻ thần thông không bằng người tầm thường mà VÔ-Sự… vì những điều này nên
từ giờ anh em ta cũng hết sức cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, mười mình chỉ
nên nói một để có được cách “ thâm tàng bất lộ”, mình nói ra để lấy
lòng người nhưng có khi họ chưa hiểu lại đánh giá mình là “nổ” quá thì lợi bất
cập hại. Việc tỏ ra lợi hại hơn người cũng chưa hẳn tốt, họ sẽ kỳ vọng nhiều
dẫn đến thất vọng lớn. Có người đưa ra câu chuyện lãnh đạo của Đường Tăng với
Tôn Ngộ Không, Trư Bát giới, Sa Tăng: xét về tài phép thì Tôn Ngộ Không vượt trội nhưng
vẫn phải theo hầu Đường Tăng, các đệ tử khác cũng là tài phép hơn hẳn. Vấn đề
đặt ra với người lãnh đạo cũng vậy. Quan trọng là tập hợp được người tài giỏi
hơn mình. Để tụ hội và sử dụng hết năng lực của họ. Cốt yếu của sự quy tụ những
người tài giỏi hơn thì chúng ta phải có cái tâm bao dung, trong công việc và
cuộc sống chúng ta hằng giữ lễ với người. Lưu Bị ba lần cầu Khổng Minh, mặc dù
là phận chủ tới nhưng lại thờ Khổng Minh như thầy, cũng là công nghệ lãnh đạo
giống nhau đó mà Đường Tăng vượt qua chướng ngại thành tựu đạo quả, Lưu Bị lập
nên đế nghiệp…Công nghệ lãnh đạo của Đường Tăng chính là niềm tin bất thối
chuyển về con đường giải thoát tối hậu.
Thần thông vẫy vùng loăng quăng của Tôn Ngộ Không chính là tài trí thế gian
cũng không qua được bàn tay của Phật Tổ, hay nói đúng ra là huyễn hư không thể nào
vượt qua sự thật. Đó thể hiện bản chất của Pháp thế gian và pháp Xuất thế gian.
Nghĩa là thế gian pháp chỉ là để hỗ trợ cho xuất thế gian.
Dù là
thế gian hay xuất thế gian, xưa chư Tổ vẫn thường dạy bảo, với người Phật tử là
" DUY TUỆ THỊ NGHIỆP", có nghĩa sự nghiệp chính của người Phật tử là
phát triển Tuệ-Giác. Khái niệm tương tự là khái niệm Đa-văn. Đa văn khác với
Tuệ-giác. Đa văn là học hỏi và hiểu biết nhiều điều, nhiều chuyện. Tuệ giác là
nhận thức được thực tại. Người có tuệ giác chắc chắn sẽ đa văn nhưng kẻ đa văn
chưa chắc đã có tuệ giác. Kinh Phật dạy nếu người có tuệ giác thì sống trong
chông gai lửa đạn cũng an lạc như trong chăn ấm gối êm vậy. Bởi có tuệ giác thì
nhận rõ được và sống với thực tại chân thật chứ không phải vọng danh vọng vật,
vọng sắc vọng tài. Cái vị giác ngộ này có được do từ lối sống với tâm Vô-ngại,
pháp môn giải thoát đó có tên gọi Bất ngại Tính Không Bát Nhã.
Kinh 42
chương có đoạn: cúng dường cho 1000 người ác không bằng cúng cho một người
thiện…cúng cho 1 vạn người thiện không bằng cúng cho một người tu đạo…cúng
dường cho Tam thế Phật không bằng cúng cho một vị Vô trí, Vô tu, Vô chứng, Vô
đắc.” Khái niệm Vô-Trí rất quan trọng trong học Phật. Chúng
sinh vô minh nhiều nên có lắm nỗi khổ niềm đau, tu đạo là để nhận thức đúng với
thực tại mà xoay chuyển mê lầm, gọi là việc xoá vô minh. Như vậy cái trí lớn có
đó chẳng qua chỉ để diệt trừ vô minh nhiều mà thôi. Kinh Bát Nhã có dạy: “bởi
còn vô minh nên phải tạm thời dùng trí, vô minh hết thì trí cũng chẳng cần”.
Nghĩa là hết vô minh thì đắc Vô trí, vậy cho nên người có trí thế gian nhiều
thì chẳng qua là vô minh lắm. Xưa nay vì tham danh để được người tung hô, muốn
đứng lên đầu kẻ khác để được phục dịch mà người ta tìm mọi cách để luồn lách
hại người…đỡ hơn tí là học mánh khoé, kỹ nghệ để thăng tiến. Nên thương cho
những kiểu người như vậy vì họ chưa đủ nhân duyên để tu Pháp niệm Phật, không
thấy được sự an lạc đích thực của chuỗi đời sống vô tận. Mãi rong ruổi với tâm
phân biệt, cho là người khác phải phục tùng mình mà quên đi vạn pháp vốn bình
đẳng vốn đồng thể tính.
Em
thường xuyên quán niệm như vậy nên càng ngày em càng ít nói, chỉ tuỳ duyên mà
dãi bày, lại cũng không cho mình hơn ai điều gì, như thế em thấy ít rắc rối hơn
và cũng là có nhiều thời gian hơn cho sự nghiệp “duy-tuệ” của mình. Lại không
cho là mình có trí hơn người, bởi theo lập luận trên thì chẳng khác gì mình
khoe cái vô minh nhiều. Hôm ở Cambodia anh mới nói với em là giờ anh không
thích uống rượu nữa, đó cũng là bởi tu vị của anh đã tăng tiến. Nghĩa là ở
cảnh giới khác, địa khác thì tư tưởng thanh cao hơn, nhu cầu ham muốn sẽ khác
hẳn.
Đức Phật
dạy rất rõ ràng, có ba tiệm thứ tu đạo Bồ Tát, tiệm thứ đầu tiên mặc dù chưa ăn
trường chay nhưng tuyệt nhiên phải bỏ bốn thứ rau cay. Nếu không như Kinh Thủ
Lăng Nghiêm Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa đã dạy: dù có thông 12 bộ kinh
thì cũng chỉ như lấy cát nấu cơm, mãi mãi không thể thành tựu được. Tiệm thứ tu
hành thứ hai là tu pháp Vô-Ngã, vô ngã là rời Ngã sở. Có bốn tướng bệnh của Ngã
gồm: Ngã tướng, Nhân tướng, Chúng sinh tướng, Thọ giả tướng.
1- Ngã tướng là chấp cái tôi được khen, chê, yêu, ghét
2- Nhân tướng là chấp thân mình, vật từ mình hơn người
3- Chúng sinh tướng là chấp cái thân người khác thua kém mình, vật của người
khác không quý bằng vật mình
4- Thọ giả tướng là chấp cái ta biết hơn hẳn và khác với cái biết của người.
Tiệm thứ
tu hành thứ ba là tu Pháp Bất Nhị, điển hình hành đạo theo pháp môn Bất nhị là Ngài
Duy Ma Cật. Con đường tu Bồ tát đạo này chính là con đường từ phát Bồ đề Tâm,
tu Bồ tát đạo, hành Bồ tát hành và thành Bồ để quả. Trong Luận Đại Trí Độ, Bồ
tát Long Thọ đã nêu ra 5 giai đoạn tu chứng của Bồ Tát đạo cho 53 quả vị Bồ tát
từ quả vị sơ phát tâm đến quả vị Diệu Giác Bồ tát thứ 52 và Quả vị Viên Giác Bồ
tát thứ 53 là thị hiện thành Phật. Năm giai đoạn tu chứng Bồ tát đạo như sau:
1. Giai đoạn phát Bồ đề tâm: là giai đoạn người học đạo nguyện vì chúng sinh
mà thành tựu. Kinh Duy Ma Cật thuyết rằng: “sự nghiệp của Bồ tát chính là thành
tựu chúng sinh”. Bồ đề tâm nguyện là phát tâm tha thiết cầu thành Phật đạo có
đủ thập Ba la mật để hoá độ chúng sinh. Cái bản tâm không có thối chuyển đó
chính là Bồ đề tâm. Bồ đề tâm ở giai đoạn này mới là hình ảnh ước nguyện chứ
chưa phải là Tâm Bồ Đề chân thật.
2. Giai đoạn Phục tâm Bồ đề: giai đoạn này tu pháp, niệm Phật hàng phục phiền
não và khởi động tu theo Lục độ Ba la Mật.
3. Giai đoạn Minh Tâm Bồ đề: là giai đoạn phân tích sâu về Tổng tướng và Biệt
tướng của vạn pháp, hành Lục độ Ba la Mật và nhận rõ được tính thanh tịnh của
vạn pháp.
4. Giai đoạn Xuất đáo Bồ đề: Thành tựu Lục độ ba la mật
5. Giai đoạn nhập Vô thượng Bồ đề: Đắc nhất thiết chủng trí.
Như vậy, con đường tu Bồ Tát đạo là con đường dài vô
tận để hoá độ chúng sinh và nhất thiết vì lợi ích chúng sinh. Rời tâm phân biệt
mà tự lợi lợi tha, tự giác giác tha, đó là chặng đường không mệt mỏi hành
Tứ-vô-lượng-tâm. Từ, bi, hỷ, xả là tứ vô lượng Tâm, đây là bốn cánh cửa để
vào Bồ đề quả. Từ là ban vui, Bi là cứu khổ, Hỷ là vui mừng, Xả là rời phân
biệt.
Pháp tu
Bồ tát đạo có nhiều song để viên mãn Bồ đề quả lại chính là tu hành theo thập
hạnh Phổ Hiền, Bồ đề quả là công đức thù thắng của chư Phật. Bồ tát Phổ Hiền
trong phẩm Phổ hiền hạnh nguyện sau khi khen ngợi công đức thù thắng của đức
Như Lai, bèn nói với chư vị Bồ-tát và Thiện Tài đồng tử rằng: Này thiện nam tử,
Công đức của đức Như Lai, giả sử tất cả các đức Phật ở mười phương, trải qua số
kiếp nhiều như vi trần, ở các cõi Phật nhiều không thể nói hết, diễn nói không
ngừng về công đức ấy, cũng không thể nào nói hết được. Nếu muốn thành tựu được
công đức ấy, cần phải tu tập mười hạnh nguyện rộng lớn. Mười hạnh nguyện ấy là gì?:
1-
Nhất giả lễ kính chư Phật
2-
Nhị giả xưng tán Như Lai
3-
Tam giả Quảng tu cúng dường
4-
Tứ giả Sám hối nghiệp chướng
5-
Ngũ giả tuỳ hỷ công đức
6-
Lục giả thỉnh chuyển pháp luân
7-
Thất giả thỉnh Phật trụ thế
8-
Bát giả thường tuỳ học Phật
9-
Cửu giả hoằng thuận chúng sinh
10-
Thập giả phổ giai hồi hướng
Trong các pho kinh Đại Thừa Phật thuyết, căn cốt
vẫn là hành theo Thập nguyện vương này của Bồ tát Phổ Hiền. Con đường nhận thức
đúng và hành động đúng về Bồ Tát đạo anh em ta còn phải đàm luận và
sam học nhiều để sớm có được tâm vô ngại mà hành thiện nghiệp, dầ dnần thành tựu vô lượng
công đức thiện vô lậu, làm tư lương cho các đời sống kế tiếp trong chuỗi đời
sống tiến đến quả vị toàn giác...