Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Cấu trúc thơ Quảng Kiến

Trả lời thư của fb Kiều Phan:
Các bài anh viết nói là thơ cũng đúng mà không phải thơ cũng chẳng sai. Nội dung chủ yếu là giáo lý nhà Phật mà anh đã và đang chiêm nghiệm. Cấu trúc các bài anh viết theo pháp Nhân-Minh-Nhập-Chính-Lý- Luận của nhà Phật. Trong đó:
-Nhân là nguyên nhân chính của tất cả sự vật (Pháp giới)
-Minh là giải thích đầy đủ mọi ý nghĩa của các pháp trong pháp giới.
-Nhập là vào ý nghĩa cơ bản của các pháp.
-Chính là giáo lý Đại Thừa chân chính.
-Luận là biện luận và chứng minh cho sự chân chính của giáo pháp Đại thừa. 
Cho nên có thể nói đây là những bài luận nhỏ. Pháp môn Luận nhân minh thuộc về Pháp tướng Tông; gồm lập Tông, Nhân, Dụ. Tông là thể, tướng, tính, dụng, quả, báo của một pháp. Nhân gồm 4 nhân bốn duyên. Dụ là ví dụ chân chính chứng minh cho cái nhân được đúng đắn. 
Cụ thể, bài thơ này anh lập Tông ở câu: "Thấy rõ sum la tính vẫn đồng". Lập Nhân là: "Viên mãn, phải dùng thanh tịnh thuỷ". Lập Dụ là: "Pháp Hoa huyền nghĩa, tan tành núi"...
Tông đây nói về Tính bất sinh bất diệt là thật tính chung ( đồng ) của pháp giới; ở các loài có mạng gọi là Phật Tính, ở các vật có hình gọi là Pháp Tính. Cái tính bất sinh diệt này là giống nhau nên gọi là NHƯ, không phải hai tính khác nhau nên là NHẤT. Ý nghĩa " tính vẫn đồng" trong câu thơ là nói đến tính Nhất-như của pháp giới. Chữ " Sum la" chính là vạn vật trong pháp giới. Bàn thêm về "sum la vạn tượng"; Kinh Hoa Nghiêm Phật thuyết: "vạn pháp duy Tâm", ý; vạn vật trong vũ trụ này dù có hình hay không có hình đều là sự biến hiện như huyễn như hoá của Tâm. Tâm là gốc, tạo ra thân cây, cành cây, cành tạo ra nhánh, nhánh cây mọc ra vô số lá hoa lớn bé tầng tầng lớp lớp (sum suê). Vì từ một tâm mà hoá hiện ra vạn pháp như thế nên gọi là Sum la vạn tượng. 
Lại dụ như nước, theo duyên mà có sóng lớn sóng bé, bọt nước lớn bé không đồng về hình tướng, nước lại khi trong, khi đục. Sóng lớn bé to nhỏ trong đục đó là dụ cho vạn pháp đều biến ra từ nước hay là từ một Tâm. Mặc dù có hình tướng khác nhau nhưng cấu tạo từ nước, chỉ có một tính (chất nước). Khái niệm Viên Mãn ở câu thứ ba trong bài thơ là nói đến pháp viên thông Thuỷ Đại trong Kinh thủ lăng nghiêm, viên thông thuỷ đại là nhận rõ sóng nước, bọt nước vốn tĩnh lặng vốn thanh tịnh có tính là tính Chân Không. Viên Mãn là ngộ được " Tính thuỷ chân không, tính không chân thuỷ" nói cô đọng như trong bài thơ để Viên mãn thì phải ngộ được "thanh tịnh thuỷ" vậy. 
Theo yêu cầu, Anh cắt nghĩa sơ sơ về hai chữ "sum la" và "thanh tịnh thuỷ" để em rõ thêm. Phật pháp có tam tạng kinh điển gồm 84.000 pháp môn, đạo lý phương tiện lập nên từ tâm lý của con người nên trùm cả danh tự. Khi viết thơ phải chọn lọc để cô đặc ý tứ nên ngôn từ thường mới lạ. Đạo lý nhà Phật thiết thật lợi ích cho sự tiến hoá của tâm thức, lại là " thế gian giải", em cũng nên phát tâm tìm hiểu kỹ về giáo lý rồi đặng ứng dụng vào đời sống thì mọi sự mọi việc sẽ được an lạc, sẽ được Viên mãn.

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Mạn đàm về "...Bát Nhã Ba la Mật..."

Mạn đàm về "...Bát Nhã Ba la Mật... Chiếu kiến Ngũ uẩn giai không"


Trở Về!, Năm uẩn ở đây ko phải là đối tượng của chiếu và kiến mà là thực tại hiện hữu. Câu việt dịch "Soi thấy năm uẩn Tự tính không"? Đúng phải là: thấy năm uẩn là Không trong tự tính. Chú ý: Không khác không (K và k), viết "không" nghĩa là không - chi là hiểu sai về chữ Không ( Chân Không) trong tự tính. Cái thấy như thật là cái thấy vô phân biệt. Thấy thực tại từ ngũ uẩn là cái thấy Như-huyễn, cái thấy không so đo, hay cái thấy Viễn-ly. Như huyễn, Viễn ly này mới là cái thấy thật tướng của Bát Nhã. Như huyễn vì vạn pháp khởi tạo từ Tâm, tâm đây là Chân Tâm là nói về lý. Sự Bát-Nhã là Chân Tâm vì đầy đủ trí tuệ chân chính. Ba-la-mật là Chân Tâm vì bản lai không có tướng ngộ mê. Thấy không có tướng ngộ mê vì rời phân biệt vào Tự Tính không hai ( bất nhị). Cái gì rời các pháp đối đãi, không lớn không bé, không diệt không sinh, thường trụ, tịch tĩnh?... Chỉ là Tự Tính, là tính bất sinh bất diệt, cũng là thật tính của pháp giới. Pháp giới tính này chính là tính trùng trùng duyên khởi kinh Pháp Hoa thuyết, cũng gọi là tính Bản - Nhiên trong Kinh Lăng Nghiêm tả. Rõ được Tự tính thì ngộ đạo, như Lục Tổ Huệ Năng đã thốt ra:
"Đâu ngờ tự tính vốn tự thanh tịnh,
Đâu ngờ tự tính vốn chẳng sanh diệt,
Đâu ngờ tự tính vốn tự đầy đủ,
Đâu ngờ tự tính vốn chẳng lay động,
Đâu ngờ tự tính hay sinh vạn pháp!"
"Đâu ngờ" là ngộ được tính bất sinh bất diệt, cũng là tính Vô vi, cũng là tính Chân Như.
Trên là sơ nói về Tự Tính, để nói về nó, HHQK mạn viết đôi câu:
Tự-tính chỉ là tự tính thôi
Tính đi tính lại tính luân hồi
Tuỳ duyên ảnh hiện mà Không-tính
Tự tính thế nào? Tư tính coi!