Khởi tâm:
Ta trở về với con đường hiện hữu
Để lại đi cùng cảnh vô thường
Ta nhấn chìm thời gian trong chớp mắt
Cánh Nhạn xưa có giữ niềm thương?
Hỏi:
Rốt cuộc, cuộc đời của người ta giống như cái gì?
Đáp:
Cũng nên nghĩ là giống như một cánh Nnhạn bay qua dòng sông, bóng nhạn in vào lòng nước. Bóng Nhạn và dòng sông trong bước tao ngộ tình cờ:
Hỏi:
NHẠN QUÁ TRƯỜNG GIANG
ẢNH TRẦM HÀN THUỶ
NHẠN VÔ DI TÍCH CHI Ý
THUỶ VÔ LƯU ẢNH CHI TÂM.
( Nhạn bay trên không
Bóng in mặt sông
Chim không có ý lưu dấu
Nước chẳng có tâm giữ hình )
Một thiền sư Việt Nam trước đây đã nói như vậy. Tao ngộ tình cờ rồi tan rã và biến mất. Đây là đạo lý gì
Đáp:
Cũng nên nghĩ là biếnmất trong cơn nắng chiều mòn mỏi, hay biến mất trong lớp sa mù buổi sáng. Người gặp người không ở trong gang tấc mặt đối mặt. Gặp nhau trong những hẹn ước thiên thu của đỉnh đá trên núi này và một hạt cát trong lòng biển xa xôi kia. Đây cũng là đạo lý tự nhiên: đôi mắt của chúng ta, chỉ có thể mở ra để nhìn theo một chiều hướng duy nhất. Muốn thay đổi chiều hướng thì phải thay đổi cả tư thái và vị thế. Quả thật chúng ta muốn vượt qua những giới hạn cá biệt, để thấy rằng thân thể của mình cũng bao la vô hạn như hư không; thấy cả vũ trụ như thấy quả xoài đang nằm trong tay.
Hỏi:
Những gì cần thấu hiểu về các khái niệm được phân phối trật tự theo qui ước của thế giới cộng đồng.
Đáp:
Chúng ta có trật tự của ngôn ngữ, trật tự của tâm hành và trật tự của thế giới. Tùy thuận theo qui ước đã định sẵn, chúng phản chiếu lẫn nhau trong thế tương giao vô tận, một động một tĩnh.
Hỏi:
Động và tĩnh, hiểu thế nào về khái niệm đối đãi trong thế giới chúng sinh.
Đáp:
Kinh thủ lăng nghiêm Phật thuyết về cái tâm: “ động thì tạo thành thế giới chúng sinh, tĩnh thì hoá thành hư không.
Hỏi:
Động tĩnh đó như ba hào của Kinh dịch?
Đáp:
Pháp thế gian hay xuất thế gian cũng ở cái tâm phân biệt. Âm và dương biểu trưng cho động và tĩnh, mô tả luật tương sinh của hiện hữu, được phân phối trong ba để thành tám; tám được phân phối trong hai để thành sáu mươi bốn, thành thiên hình vạn trạng, tất cả văn vẻ của trời đất.
“Phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân”. Nghĩa là gom các khái niệm thành ra loại, còn động thực vật thì phân thành nhóm...là nguyên tắc của kinh dịch, pháp thế gian đó biểu hiện từ tâm ý thức phân biệt.
Vâng,
thế là vì muốn thấy vì hiểu nên cần có phân tích và phối trí, nhưng cũng muốn sống bằng tất cả tâm tình ẩn khuất của mình, nên ước ao nói bằng những lời không nói của vạn hữu. Tất cả những ước muốn đó được kết tụ lại như ngưng thần chú mục để phóng tầm mắt vào một thế giới tuyệt đối.”
...
( Trích Vấn đáp cùng Đạo sư - Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng )