Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

Vô Vi



Bàn Luận về Vô- Vi

Ngày chủ nhật thưởng trà ngắm mưa Huế. Lần mò Facebook, thấy trích dẫn từ một học giả, nói về khái niệm Vô vi của Đạo Lão và Đạo Phật, rảnh rang mạn đàm về Vô vi.

Trước tiên bàn về câu:

“Tướng tuỳ tâm sinh
Tướng tuỳ tâm diệt”

Câu này nói về cái tướng dù sinh ra có xấu, nhưng nếu sống với tâm tốt thì cái tướng dần dần sẽ tốt lên, từ tướng xấu sẽ thành tướng hiền lương, thành tướng phúc hậu ưa nhìn thì gọi là tướng đẹp sinh ra. Ngược lại nếu sinh ra có tướng đẹp nhưng sống hàng ngày với tâm xấu ác thì cái tướng xấu lén lút hèn nhược của mắt do tâm làm ác lo sợ người ta phát hiện, rồi tướng gầy yếu do tâm bủn xỉn hay thác loạn tạo ra. đó là tướng đẹp do tâm xấu mà bị diệt mất cái đẹp.

              Câu nói: “Tướng tuỳ tâm sinh, Tướng tuỳ tâm diệt” là kiểu nói tắt, vì sự nói tắt nhiều khi làm cho người ta khó hiểu, dẫn tới dễ bị hiểu nhầm. Ví dụ, khái niệm Vô vi của đạo Lão và Vô vi hay nói đến trong sách Phật vốn có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau, xưa nay có nhiều học giả đã nhầm lẫn điều này. Khái niệm Vô vi mà Cụ Lão Tử nói là cái “Vô vi nhi bất vi” đơn giản là không làm cái này để cái kia không xảy ra, cụ thể nếu quan không tham thì dân không nổi loạn, khuyên dân không phạm tội ác thì không phải làm nhà tù.... Điều này về mặt hoạt dụng thì giống với cách giữ giới của Đạo Phật, về mặt bản chất thì khác, Đạo Phật coi vạn pháp bình đẳng nên làm ác sẽ bị quả báo ác đó là luật nhân-quả. Còn Đạo lão thì coi đó là thuận tự nhiên, cái giới hạn ở đây đạo Lão coi tự nhiên là “hành vô vi chi Đạo” nghĩa là tin rằng có một quyền năng lớn bao trùm thế giới đó là Đạo, đây là nguyên lý “hữu thần” trong hầu hết giáo lý của các tôn giáo ngoại trừ Đạo Phật. Phật chỉ ra có nhiều thế giới thần linh nhưng tất cả đều chịu chi phối bởi luật nhân quả. Các cảnh giới khác nhau do tâm thiện ác tạo thành. Thần hay Thiên là do tu tâm thiện mà thành.

              Sống theo “hành vô vi chi Đạo” của Đạo Lão là không làm cái không nên làm. Khi nói về “Vô vi” thì đối lại là “hữu vi”, nghĩa là cái có-làm của Đạo Nho, cốt lõi của nho học là sống phải (hữu) có nhân-lễ-nghĩa-trí-tín. Ngũ - thường đó cùng với Tam-cương để duy trì trật tự xã hội. Cái vô-vi và hữu-vi này đều bị giới hạn bởi chính nó, như cái “sống” bị giới hạn bởi cái “chết”, cái “vui” bị giới hạn bởi cái “buồn” …

              Vô-vi của Đạo Phật khác hẳn cái vô-vi bị giới hạn của đạo Lão. Việc sống ẩn dật của những người tu theo đạo Lão, không làm việc này để tránh không bị điều cái kia là tốt, nhưng kém ở chỗ chấp vào số Ông Trời. 

              Vô-vi của Đạo Phật nói đến cái không có năng sở đối đãi, đó là cái không bị giới hạn bởi phạm vi có-không, dài-ngắn, cao-thấp, rộng-hẹp, sinh-diệt, phiền não-giải thoát. Có nghĩa Vô-vi của nhà Phật là thoát khỏi cái phạm vi đối đãi của chúng sinh. Sống cùng chúng sinh mà không nhiễm ô cái đối đãi là hơn-kém, buồn-vui, sướng-khổ của chúng sinh, để dạy bảo cho chúng sinh thoát khỏi cái nhiễm ô do chúng sinh tự gây ra. Không có năng sở đối đãi mới có bình đẳng, “chúng sinh với Phật trên đồng một từ lực, dưới đồng một bi ngưỡng”. Sống như vậy thì chúng sinh là Phật sẽ thành, thành tựu do tự mình sống và hành động, chứ không phải ôm bom giết người sẽ được lên thiên đàng như các đạo nhân gian xưa và nay nói.

              Thật ra Cụ Lão Tử vỗn nói rất đơn giản, đó là ở đời không nên sống tham chấp vào tiền tài, danh vọng, ăn mặc, ngủ nghỉ mà tự gây ra phiền muộn cho mình. Về nhiều đời sau người ta viết thêm thành ra sai lời Cụ Lão tử rồi xây dựng thành lý thuyết vô vi sai lệch nói ở trên. Như vậy trình độ của cụ Lão tử cũng đã tương đương với các giai đoạn tu hành ban đầu của Đạo Phật là sống không có tạo ác nghiệp để thân tâm được an ổn, rồi theo lời dạy bảo của Phật mà sống và làm việc, dần dần trí tuệ được sáng suốt tiến tới đạt Nhất thiết chủng trí của Phật.

              Phật là chúng sinh đã có tu tâm dưỡng tính để hoàn thiện 3 đức như sau:

1- Đoạn đức: diệt hết phiền não do Tham-Sân-Si là ba thứ gây ra tham tàn, giết chóc và manh động

2- Trí đức: là giác ngộ hiểu biết một cách cùng tột tất cả các hiện tượng riêng biệt và những đặc tính tương quan của vũ trụ vô tận vô biên. Nghĩa là thể nghiệm được tính cách của vạn hữu, biết rõ được biến chuyển của hiện tượng và hoạt dụng được năng lực của vạn vật.

3- Ân đức: Cứu độ một cách bình đẳng tuyệt đối và phổ biết tất cả các loài chúng sinh, làm cho chúng sinh chuyển mê được ngộ, bỏ ác làm lành, hết khổ được vui.

           Như vậy chúng ta là Phật sẽ thành nếu thực hiện dần dần 3 đức nêu trên đến khi viên mãn. Bằng cách dùng hạnh DŨNG để hành đoạn-đức, dùng hạnh TRÍ để hoàn thiện trí-đức. Dùng hạnh Bi để hoàn thiện Ân-đức. Bi-Trí-Dũng này sẵn có trong mỗi người, cho nên Phật khẳng định ai cũng có thể thành Phật. Đó là đạo lý, là Chân lý của Đạo Phật khác hoàn toàn với các tôn giáo khác.

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

CHÙA THIÊN MỤ



Bảy tầng tháp cổ giữa hàng cây
Chuông điểm pháp âm tiếng vọng đầy
Thoang thoảng trầm hương vơi tục lụy
Mơ màng danh vọng chợt tan ngay
Bến xưa thanh tịnh đang chờ đợi
Thuyền lạc chốn nào hãy tới đây
Phật tích chuyển lưu Hương Giang chảy
Bóng chùa Thiên Mụ ẩn trong mây.
.HHQK.

Bình thơ
    Tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ có 7 tầng, mỗi tầng tôn trí thờ một vị Phật. 
Bảy vị Phật gồm: Phật Tỳ Bà Thi, Phật Thi Khí, Phật Tỳ Xá Phù, Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu na hàm Mâu Ni, Phật Ca Diếp, Phật Thích Ca. 
    Chư Phật từ quá khứ đến hiện tại đều giáo hoá chúng sanh bằng pháp Trung Đạo. Nên thơ viết:
 " Bảy tầng tháp cổ giữa hàng cây”.  Giữa- hàng-cây" là mô tả sự tánh không thiên chấp vào pháp nào dù là tịnh hay nhiễm, dù là hơn hay kém, dù là có hay không, nghĩa là lìa tất cả đối đãi thế gian thế tục. Tất cả đều là phương tiện hoá độ, một niềm bình đẳng dù có vô số nhánh pháp duyên khởi thiện ác trong cõi lục đạo. Đệ nhất nghĩa đế Trung Đạo là nói đến Tôn chỉ tối thượng dù hiện hay ẩn, dù đang thuyết pháp hay tịch tĩnh Niết Bàn. 
    Tuỳ tâm chúng sanh từng thời mà có ít người học hay nhiều người ngộ. Nên thơ viết tiếp " Chuông điểm pháp âm tiếng vọng đầy”. Chuông chùa tượng trưng cho pháp Phật, là pháp vi diệu có năng lực chữa lành. Lời dạy của Phật giúp chúng sanh hiểu được thế giới vô thường, khổ, không ,vô ngã, từ đó vơi đi khổ não phiền muộn bằng cách xoay ác làm lành, cải hoá đời sống hiện tại, không còn mơ mộng cái danh lợi nhất thời, tiến lên loại trừ các nỗi niềm không thực, tự tại với cái có cái không… Hai câu thơ sau nói đến những điều như vậy :
" Thoang thoảng trầm hương vơi tục luỵ.
Mơ màng danh vọng chợt tan ngay ".
    Phật chỉ bày cho chúng sanh về Phật tánh thường trụ, không có thêm ở thánh, không có bớt ở phàm, chỉ vì chúng sanh tham ánh trăng tà mà lạc chốn mê. Nay nghe giáo pháp tỉnh thức “ chuông vọng,", nhận được niềm an vui những khi hành thập Ba la mật, từ hạnh : bố thí, trì giới, an nhẫn, tinh tiến, thiền định, Trí tuệ, Đại Phương tiện, Đại nguyện, Đại Lực, Đại trí. Tu hành theo Thập Ba La Mật như vậy dần sẽ chứng diệt được từng phần giải thoát hương, dù ban đầu mới " thoang thoảng", miễn có lòng tin thì " Bến xưa thanh tịnh đang chờ đợi. Thuyền lạc chốn nào hãy tới đây". 
    Dòng sông vẫn chảy, dòng đời vẫn trôi, chư Phật vì lòng bi nguyện Pháp thân các Ngài vẫn ngự ở nhân gian, không quái ngại độ sanh hết đại kiếp này đến đại kiếp khác từ Phật quá khứ đến Phật hiện tại rồi phú chúc hạnh nguyện lại cho chư Phật tương lai. Dòng chảy Phật pháp không ngừng nghỉ như dòng Hương Giang muôn đời kiếp chưa từng ngừng chảy.
    Tam Bảo hiện tướng trong các ngôi chùa thanh tịnh, ở đó có tăng bảo đêm ngày tu học và phương tiện giáo hoá chúng sanh. Chỉ với chúng sanh nào đã vơi bớt mê mờ ( hữu duyên ) thì mới thấy ánh đạo vàng mà cầu tìm pháp giác ngộ. Nên mới nói
" Phật tích chuyển lưu Hương Giang chảy.
Bóng chùa Thiên Mụ ẩn trong mây".
    Như vậy chúng sanh mê vọng tài sắc thanh thực thuỵ là bị đám mây vô minh che mờ nên không thấy được ngôi Chùa thanh tịnh ngay trong tâm mình, còn nếu nhìn với tâm vọng cầu thì chỉ thấy tướng chùa thấp thoáng ẩn trong mây mờ mà thôi, và mãi không thể tới nơi được.

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2022

KINH KIM CƯƠNG

Kim Cương bộ phá tà

Năng đoạn ngũ-ấm ma

Tà ma từ tâm cả

Năng đoạn tưng-tâm ta


(HhQK)


Đệ nhất nghĩa của Kinh là quan trọng hơn hết vì từ cái hiểu rõ mà thực hành đúng.

Cốt lõi của kinh Kim Cương là nói về 4 cái tướng giả dối:

1 - Thân là tướng giả dối 

2- Tâm là tướng giả dối

3- Ngã là tướng giả dối

4- Pháp là tướng giả dối ( mọi sự mọi vật )

Biết 4 tướng này là giả dối thì cái gì là thật? Đó là sức mạnh vô hình của tâm là thật, khi đã thành Phật cái Tâm này gọi là Như Lai, đắc đạo gọi là Vô thượng chính đẳng chính giác. 

Như vậy Kinh Kim Cương nói đến 4 cái giả và một cái Tâm thật là Như Lai. Như là trước sau vẫn thế không bao giờ thay đổi, Lai là quay lại cõi đời ( lục đạo luân hồi ) để giáo hoá chúng sinh. Quay lại gọi là Lai, trước sau không thay đổi cái tâm chân thật ấy gọi là Như. 

Khi đã đắc đạo rồi thì “ Như lai giả tòng vô sở lai diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai” nghĩa là tâm chân thật khi đã đắc đạo thành Phật thì không phải đi đâu, không phải về đâu. Đi về của chúng sinh là theo quả báo ( nghiệp lực ), khi đắc đạo thành Phật thì đã hết tất cả các quả báo tốt xấu thì không có ai, nghiệp lực ma quỷ thần thánh nào bắt mình phải đi đến nơi đâu ngoài cái nguyện của mình, đi hay không là do mình quyết định. Dụ như khi còn nợ tiền thì phải đến trả, khi cho người vay mượn thì mình phải đi thu tiền về. Chúng sanh thì nợ nhiều thứ từ tiền, ân, oán, danh dự, nợ tình cảm, nợ tính mạng… nên phải đến rồi đi để trả để lấy trong vòng luân hồi. Cho nên tu hành là mình đừng có nợ ai và cũng đừng bắt ai phải nợ mình. Khi hết nợ thì tâm mới Như Lai.

“Vô sở lai: là không cần có chỗ quay lại, Vô-sở-khứ: là không cần có chỗ đi” gọi là Như Lai

Kinh có nói “ Như Lai chẳng phải Như Lai mới gọi là Như Lai ”. Đấy là cách nói, hình tướng là giả, còn bản chất ( bản thể ) là thật. Chẳng-phải-là là tướng giả dối, gọi-là là thể chất chân thật. 

“Phật bảo Ngài Tu-bồ-đề: Phàm những gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai”, có nghĩa thấy các tướng chẳng-phải-tướng, nghĩa là thấy được tướng giả dối thì nhận diện được cái Tâm chân thật đó là Như Lai.

“ Hàng-phục-tâm” là nhận diện tướng giả dối ( thân-tâm-ngã-pháp )

“ An trụ tâm” là sống với tâm chân thật không-đến- đâu, không-về-đâu là tâm Như Lai. Không bị cảnh thức ( sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp ) làm cho não loạn.

“ Ưng vô sở trụ, Nhi sinh kỳ tâm” là tâm không theo các tướng giả dối thì Tâm sẽ tự tại đến đi ( tâm Như Lai )

( Hậu học Quảng Kiến )

Còn nữa…

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022


















KIẾN TRÚC  CHÙA DIÊN KHÁNH


Thoại đầu “em” hợp rồi tan

Bóng Chân lý kết lại tàn theo hương

Hoá ra, “em” vốn vô thường

Hoá ra, “em” để cúng dường Pháp thân.

Chuông chùa không đánh mà ngân

Vô vi tịch tĩnh cũng ngần ấy thôi!


Bàn về một công trình kiến trúc là nói đến sự kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật. Nghệ-thuật sáng tạo ra hình khối không gian còn kỹ-thuật  vật chất hoá những sáng tạo đó. 

Tiếp theo chuỗi bài viết chiêm nghiệm Phật học «  Từ Tướng tới Tính – Biểu tượng của giác ngộ » chúng tôi xin giới thiệu ý niệm sâu xa của việc ứng dụng giáo lý Phật đà vào xây dựng kiến trúc công trình nhà Tổ chùa Diên Khánh, ngõ hầu giúp độc giả phần nào thông qua « Tướng » trải nghiệm để nắm bắt « Tác-Dụng » rồi từ đó mà thông tỏ « Thể tính » thì cũng là rõ bản hoài của chư Thầy Tổ trong việc tôn tạo cảnh chùa, xây dựng đạo tràng, làm phương tiện để dẫn dắt chúng ta trên con đường tu đạo vô thượng. 

Khái niệm «Thể-Dụng-Tướng-Tính» là chư pháp thật tướng trong kinh Pháp Hoa, nói về vạn hữu trong pháp giới đều có hình TƯỚNG kết hợp với TÍNH chất thành ra THỂ. Thể có ảnh hưởng tạo ra tác dụng là DỤNG, Dụng này có sự tương tác ra xung quanh là TÁC. Tác có lực nhất định gọi là LỰC. Lực này tạo ra kết quả là QUẢ. Quả có cái đối ứng lại gọi là BÁO. Tất cả có sự kết hợp như vậy gọi là DUYÊN. Duyên nào cũng có nguyên nhân là NHÂN. Nhân đều có nguồn gốc là BẢN. Tất cả đều có duyên khởi trùng trùng gọi là MẠT ( cành lá rễ...). Phần thập như thị ( TƯỚNG, TÍNH, THỂ, TÁC, LỰC, QUẢ, BÁO, NHÂN, DUYÊN, MẠT, BẢN) nói về tính thường trụ của vạn pháp, gọi là "chư pháp thật tướng" 


Quán chiếu việc xây dựng các hạng mục kiến trúc Chùa như Tam Bảo, Nhà Tổ, Pháp đường, Tam quan, Trai đường, Tăng xá, Tẩn xứ…Bảy hạng mục chính này là hình-tướng kiến trúc làm phương tiện phục vụ cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh. Dưới góc nhìn « Thập như thị » tư tưởng ứng dụng ý niệm từ hình khối kiến trúc và mỹ thuật Phật giáo vào công trình nhà Tổ chùa Diên khánh thuộc về phần Tính. Việc xây dựng trang trí nội ngoại thất thuộc phần Tướng. Quá trình hoạt động chung thuộc về Lực-Tác-Quả-Báo-Nhân-Duyên-Mạt-Bản. Cụ thể các phần như sau :


Phần Tính chất

Tính chất của công trình nhà Tổ chính là ý niệm về việc tạo ra công trình với không gian trang nghiêm, thể hiện sự tịch mặc,  nơi tôn nghiêm, tôn trí hình tượng của Tổ để hàng đệ tử và Phật tử thập phương chiêm bái tưởng tới ơn đức hoá độ và công hạnh của chư Thầy Tổ để noi gương trên con đường tu đạo. Song song với các không gian chính đó, kiến trúc nhà Tổ chùa Diên Khánh còn có thêm không gian giảng pháp và không gian làm việc của ban trị sự.


Phần hình Tướng

Hình tướng công trình nhà Tổ gồm hình khối kiến trúc và hoạ tiết mỹ thuật trang trí. Công trình sau khi hoàn thành đã thể hiện được sự sáng tạo lớn trong việc kết hợp các không gian kiến trúc truyền thống với công nghệ hiện đại trong chế tác và tạo hình mỹ thuật. 

Việc bảo tồn và tuân thủ các giá trị kiến trúc của hệ cột, vì và mái đao truyền thống. Kiến trúc sư đã xử lý hài hoà theo ý tưởng của Thầy trụ trì về việc nâng không gian thờ tự lên cao và biến phần cơ đài (phần đế) thành không gian đa năng phục vụ cho việc giảng pháp và các chương trình Phật sự khác nhau. Để đáp ứng cho việc tập trung số lượng lớn Phật tử trong các sự kiện, giải pháp kết cấu công trình ứng dụng cấu trúc nhịp lớn, xử lý kiến trúc cột tạo ra không gian tránh bị vướng tầm nhìn. Đây cũng là ý niệm sự thuần chất và không còn vướng mắc trong đạo pháp.

Về hoạ tiết kiến trúc ngoại thất, công trình sử dụng hệ đố củng, được cách tân theo tỷ lệ và màu sắc của kiến trúc Việt Nam. Hoạ tiết mỹ thuật này thường được sử dụng trong kiến trúc Mật giáo, với ý niệm về các lớp cánh sen nâng đỡ lẫn nhau đương nở rộ. Soi chiếu ngược về thân tâm chúng ta sẽ cảm nhận được nhân quả tương tục trong tiến trình giác ngộ của chính mình.

Về mỹ thuật, trang trí nội thất ở công trình nhà Tổ chùa Văn Giang đã được định nghĩa lại hoàn toàn. Trần nhà bây giờ được cấu thành từ vật liệu hiện đại, gia công bởi công nghệ siêu chính xác CNC. Do không còn giới hạn về tạo tác thi công nên nội thất nhà Tổ bây giờ chính là không gian truyền thông hay nói đúng hơn việc chiêm ngưỡng và quán tưởng vào hình ảnh của Mandala với trung tâm là các chủng tử tự Om Mani Padme Hum (  ảnh minh hoạ trần) chính là những bài pháp thâm sâu. Cụ thể hình ảnh chữ OM tượng trưng cho Phật bộ, MANI tượng trưng cho Bảo bộ tức tai pháp, Padme tượng trưng cho Liên hoa bộ kính trọng pháp, Hum là kim cương bộ phá tà hiển chính. Việc quán tưởng về ý nghĩa của chủng tử hay ý niệm về Bản tôn sẽ giúp hành giả thâm nhập sâu vào pháp giới thể tính trí, đại diện bởi hình tượng đức Phật Đại Nhật được tôn trí ở trung tâm Mandala.  


Phần Dụng-Lực-Tác-Quả-Báo-Nhân-Duyên-Mạt-Bản

Phần Tính chất kết hợp với hình tướng thành ra Thể. Nhà Tổ chùa Diên Khánh đã tạo ra diện mạo công trình mới mà không mới. Mới ở đây là sự kết hợp sáng tạo Đông-Tây giữa lý tưởng Phật pháp thâm sâu và công nghệ hiện đại. Không mới là sự phù hợp với cảnh quan, đáp ứng và thoả mãn nhu cầu tâm linh của đông đảo quần chúng nói chung và đặc biệt với các pháp tử tu theo pháp môn Mật giáo nói riêng, phần này thuộc về Dụng.

Việc quy hoạch thiết kế và xây dựng cảnh chùa xét về mặt điển hình từ xưa tới nay, thông qua trục chính-đạo, được định vị bởi các công trình từ Tam quan đến Toà tam bảo và Nhà Tổ. Các hạng mục công trình phụ trợ khác tuỳ theo địa hình thế đất mà sắp đặt cho phù hợp. Việc tổ chức như vậy chính là môi trường giúp chúng ta mỗi khi vân tập về chùa có được sự thanh tịnh trang nghiêm toả ra từ hình khối kiến trúc và hoạ tiết trang trí mang đậm bản sắc Phật giáo, Sở-duyên-duyên này là cái duyên môi trường nuôi dưỡng và huân tập thiện pháp. Để rồi từ đó với chính Nhân là Phật tính thường trụ, chúng ta tu dưỡng ngay trong các nỗi khổ niềm đau của mình bằng sự ứng dụng giáo lý Phật đà vào thực tại đời sống, để cho mỗi mỗi hành động, mỗi mỗi ý niệm được thanh tịnh là Quả-Báo chân thật, đó là cội nguồn phát xuất niềm an lạc trong mỗi sát na sự sống, rồi với hạnh Đại thừa chúng ta chia sẻ, dẫn dắt kẻ hậu học để cùng tiến lên trong tương lai gần và làm tư lương cho chuỗi đời vô tận. Việc suy tư và đầu tư vào công trình nhà Tổ chùa Diên Khánh về dụng ý tối hậu chính là phương tiện để tạo ra Lực-Tác-Quả-Báo-Nhân-Duyên-Mạt-Bản như vậy.



 Tiểu kết

Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm Kinh, phẩm Nhập pháp giới nói về cảnh Thiện Tài đồng tử vấn đạo vị thiện tri thức ở thành Sư Tử Phất Tấn, trong điện Tỳ Lô Giá Na Tạng. Sau khi phát tâm Bồ đề, được Bồ Tát Văn Thù khuyến tấn trên con đường sam đạo từ các vị thiện tri thức, học Bồ Tát hạnh và tu Bồ tát đạo để thành Bồ đề quả. Ở điện Tỳ Lô Giá Na tạng ngài được Từ Hạnh đồng nữ Bồ tát giới thiệu pháp môn Bát nhã Ba la mật phổ trang nghiêm là sở đắc của Bồ tát từ ba mươi sáu hằng sa chư Phật. Cốt yếu của pháp môn này là mỹ-thuật-hoá-Phật-giáo. Việc quán sát hình ảnh khắp cung điện, từ trần vách, cột… »mỗi tướng mỗi hình đều hiện pháp giới Như Lai từ sơ phát tâm tu hạnh Bồ tát thành mãn đại nguyện, đầy đủ công đức, thành Đẳng Chính Giác, chuyển diệu Pháp luân, nhẫn đến thị hiện nhập Niết Bàn. Tất cả ảnh tượng như vậy đều hiện rõ cả. Như trong nước thanh tịnh đứng lặng, thấy khắp hư không nhật nguyệt tinh tú… » Do từ công phu quán tưởng ảnh tượng đó mà Bồ Tát tuỳ thuận xu hướng tư duy quán sát ghi nhớ phân biệt liền được phổ môn đà la ni, trăm vạn vô số môn đà la ni đều hiện tiền.

Như thế mới rõ, việc ứng dụng và Phật hoá mỹ thuật trong các công trình thuộc đạo tràng Chân tịnh Chùa hương, đặt biệt ở nhà Tổ chùa Diên Khánh là những bài pháp vô ngôn trợ duyên và giúp chúng ta tu để chứng Phổ môn Đà la ni. Hình tượng về điện Tỳ Lô Giá Na Tạng nói lên ý niệm về pháp môn mật thừa với Bản Tôn là Phật Tỳ Lô Giá Na ( Phật Đại Nhật ) mà hình ảnh và các biểu tượng chủng tử tự, ẩn chứa sắc nét trong từng hoạ tiết mỹ thuật kiến trúc nhà Tổ chùa Diên Khánh.

Vào đêm Đông không lạnh, nhân duyên dạo bước kinh hành trong dãy nhà Hữu vu chùa Diên Khánh, ngắm nhìn từng hòn đá, ngọn cỏ dưới ánh trăng thanh. »…tiếng chuông chùa không đánh mà ngân… » đã đưa chúng tôi vào sự tịch mặc, thông qua khoảng trống hình tròn giữa bức tường kết nối với công trình Tam Bảo, nhà Tổ hiện ra lúc-có, lúc-không trong từng góc nhìn sai khác, như-có, như-không trong từng  vị trí sai khác. Cái nghĩa Có-Không này xin hãy một lần tới chiêm bái để được thấy và biết.


Vạn pháp bản lai chẳng có-không

Có chăng thế tục nợ đèo bồng

Không là không tướng ta cần rõ

Diệu hữu, Chân Không vốn vẫn đồng.


Bài thơ viết tại chùa Diên Khánh nhân dịp về chùa vấn an Thầy :


Đêm Đông chùa vẳng, tiếng chuông ngân

Sóng ánh trăng thanh, cảnh sáng ngần

Ngọn cỏ đầu sương bừng tỉnh ngủ

Tháp vương đỉnh bạc chiếu xa gần

Tâm thôi tục luỵ trần không vướng

Vạn tượng sum la hiển pháp thân

Ai rõ Chân Không và Diệu hữu

Vô vi cảnh giới mới thêm phần.


(Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng)












 6