Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

THIỀN LUẬN


Dậu-Kim tranh đạo luận. 
Tướng-Tính vốn một quân
Ác-thiện chia hai nhánh
Bản-thể một chữ: Thuần!
—-
Luận:
-Bức tranh Tổ sư chống gậy ngắm đôi gà chọi, do Musashi Miyamoto vẽ, kiếm sỹ thiên tài lừng lẫy người Nhật, một sát thủ giết người ko chớp mắt, cũng là tay tinh thâm thư họa, Phật giáo. 
- Dậu là gà, có ngũ hành thuộc Kim. Gà là nói về tướng. Kim là nói về tính chất, tuy hai nhưng là một tập khái niệm. 
- Trên đường hoá đạo Tổ đứng ngoài xem cuộc đấu của Dậu và Kim, cũng nghĩa là của Tướng và Tính, của Ác với Thiện. Bản thể vốn đứng ngoài đối đãi thế gian, nhưng lại trong cùng một cảnh.
Trong tiến trình giác ngộ của chúng sinh, kể từ sau thờ Đức Phật Bản Sư Thích Ca Mâu Ni thị hiện đản sinh, chỉ bày cho chúng sinh ngộ Phật tri kiến. Về các đời sau, vì chưa có được sự giác ngộ trọn vẹn, nên chưa có được góc nhìn như thị của Phật. Góc nhìn như thị chính là thấy rõ pháp giới như huyễn như hoá ở Tướng-Tính-Dụng-Lực-Tác-Nhân-Duyên-Quả-Báo-Mạt bản cứu kính. Quá trình hoá đạo ở khắp pháp giới, chư Phật và các vị Đại Bồ Tát, có khi dùng tướng, có khi dùng tính, có khi dùng nhân, có khi dùng duyên hoặc có khi dùng quả báo... để phương tiện tuỳ theo căn cơ của chúng sinh, giúp ngộ được Bản Thể vô tướng vô vi. Còn có phân biệt, còn có đấu tranh xung đột là còn bị kết sử chi phối, nghĩa là còn cái tướng sinh diệt. Có tướng sinh thì còn phải luân hồi, còn tướng diệt thì mãi khổ đau.
Vì chưa nhìn được tổng tướng của pháp giới nên người tu Phật theo cái định nghiệp của mình mà phân thành các khái niệm tu học Nam Bắc, Đại Tiểu, Gốc Ngọn, Nguyên Thuỷ-Phát triển... mà không biết đó chính là tập hợp các bài kinh của Phật về các khái niệm phương tiện khác nhau. Như Bắc Tông thì ưa luận giải về Tính của các pháp, Tính vốn vô hình vô tướng, vì vô tướng nên không trụ vào tướng nào, cho nên có thể hoá có thể hiện, có thể là trời có thể là quỷ...Phía Nam Tông thì ưa luận giải và học về Tướng tâm, đó là các bài pháp về đạo đức nhân sinh của người với người. Tướng và Tính chính là hai phần của Bản Thể Chân Như, Chân là chân thật, Như là như nhau không khác về mặt hoá độ. Như đã là một mà còn tranh đấu ai hơn ai kém, ai đúng ai sai thì thật là chưa rõ, nhưng cũng từ cái đối kháng đó, chúng ta nhận diện được và đứng ngoài cái phân biệt thì sẽ được cái toàn thể như chư Tổ đã đắc đạo.
Ý bức hoạ như vậy, nếu nhìn khác thì lại chẳng phải như thế.