Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2018

Cánh Nhạn cuộc đời


Khởi tâm:
Ta trở về với con đường hiện hữu
Để lại đi cùng cảnh vô thường
Ta nhấn chìm thời gian trong chớp mắt
Cánh Nhạn xưa có giữ niềm thương?
Hỏi:
Rốt cuộc, cuộc đời của người ta giống như cái gì? 
Đáp: 
Cũng nên nghĩ là giống như một cánh Nnhạn bay qua dòng sông, bóng nhạn in vào lòng nước. Bóng Nhạn và dòng sông trong bước tao ngộ tình cờ: 
Hỏi:
NHẠN QUÁ TRƯỜNG GIANG
ẢNH TRẦM HÀN THUỶ
NHẠN VÔ DI TÍCH CHI Ý
THUỶ VÔ LƯU ẢNH CHI TÂM. 
( Nhạn bay trên không
Bóng in mặt sông
Chim không có ý lưu dấu
Nước chẳng có tâm giữ hình ) 
Một thiền sư Việt Nam trước đây đã nói như vậy. Tao ngộ tình cờ rồi tan rã và biến mất. Đây là đạo lý gì
Đáp:
Cũng nên nghĩ là biếnmất trong cơn nắng chiều mòn mỏi, hay biến mất trong lớp sa mù buổi sáng. Người gặp người không ở trong gang tấc mặt đối mặt. Gặp nhau trong những hẹn ước thiên thu của đỉnh đá trên núi này và một hạt cát trong lòng biển xa xôi kia. Đây cũng là đạo lý tự nhiên: đôi mắt của chúng ta, chỉ có thể mở ra để nhìn theo một chiều hướng duy nhất. Muốn thay đổi chiều hướng thì phải thay đổi cả tư thái và vị thế. Quả thật chúng ta muốn vượt qua những giới hạn cá biệt, để thấy rằng thân thể của mình cũng bao la vô hạn như hư không; thấy cả vũ trụ như thấy quả xoài đang nằm trong tay.
Hỏi:
Những gì cần thấu hiểu về các khái niệm được phân phối trật tự theo qui ước của thế giới cộng đồng. 
Đáp:
Chúng ta có trật tự của ngôn ngữ, trật tự của tâm hành và trật tự của thế giới. Tùy thuận theo qui ước đã định sẵn, chúng phản chiếu lẫn nhau trong thế tương giao vô tận, một động một tĩnh. 
Hỏi:
Động và tĩnh, hiểu thế nào về khái niệm đối đãi trong thế giới chúng sinh. 
Đáp:
Kinh thủ lăng nghiêm Phật thuyết về cái tâm: “ động thì tạo thành thế giới chúng sinh, tĩnh thì hoá thành hư không. 
Hỏi:
Động tĩnh đó như ba hào của Kinh dịch?
Đáp:
Pháp thế gian hay xuất thế gian cũng ở cái tâm phân biệt. Âm và dương biểu trưng cho động và tĩnh, mô tả luật tương sinh của hiện hữu, được phân phối trong ba để thành tám; tám được phân phối trong hai để thành sáu mươi bốn, thành thiên hình vạn trạng, tất cả văn vẻ của trời đất.
“Phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân”. Nghĩa là gom các khái niệm thành ra loại, còn động thực vật thì phân thành nhóm...là nguyên tắc của kinh dịch, pháp thế gian đó biểu hiện từ tâm ý thức phân biệt. 
Vâng,
thế là vì muốn thấy vì hiểu nên cần có phân tích và phối trí, nhưng cũng muốn sống bằng tất cả tâm tình ẩn khuất của mình, nên ước ao nói bằng những lời không nói của vạn hữu. Tất cả những ước muốn đó được kết tụ lại như ngưng thần chú mục để phóng tầm mắt vào một thế giới tuyệt đối.”
...

( Trích Vấn đáp cùng Đạo sư  - Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng )

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2018

Phong thủy trong kinh doanh


Giới thiệu PHONG THỦY TRONG KINH DOANH
I- Phong thủy văn phòng
Trong phong thủy học chính tông, khái niệm hình-khí rất quan trọng, Hình-khí kết hợp với nhận-thức (Tâm) thì thành ra Thể-chất.  Hình-dáng, hình-tướng tốt đẹp đi liền với công năng (là tính chất ) sẽ tạo ra môi trường phong thủy hoàn hảo. Như vậy, khi xem xét xây dựng, thuê mướn tòa nhà, hay sử dụng một phần diện tích để làm văn phòng, chúng ta cần chú ý các vấn đề sau:
1. Không gian văn phòng vuông vắn là đẹp nhất, dù là toàn bộ công ty hay cho từng riêng các phòng ban. Hình vuông là không gian để không khí lưu thông tuần hoàn thuận lợi nhất, từ đó tác động tốt đến sức khỏe con người. Việc hoạt động kinh doanh trong không gian có hình dáng kỳ quái hoặc thiếu góc sẽ làm cho trường năng lượng phân bô không cân bằng, như vậy sẽ ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của nhân viên trong công ty. Không gian cần vuông vắn để đạt được "hình-khí" tốt, bởi vì hình vuông thuộc Thổ, tượng trưng cho sự chắc chắn và bền vững, đó là nền tảng tạo ra môi trường thuận lợi cho các chiến lược kinh doanh được thành công.
2. Không gian văn phòng kỵ nhất có hình dáng chữ U, chữ L hoặc chữ G là ý kiến của các nhà phong thủy. Thực ra cái xấu ở đây chính là tầm nhìn và việc bố trí nội thất cho các phòng ban dẫn đến mất nhiều diện tích cho giao thông. Để khắc phục nhược điểm này chúng ta khéo bố trí tường vách ngăn để đón ánh sáng và thông gió tự nhiên hợp lý là được.
3. Phía trước văn phòng cần có không gian thoáng đãng, mục đích là tụ-khí, tụ là tạo ra túi khí trong lành từ môi trường tự nhiên, đủ rộng để đảm bảo cho sự vận động của con người. Diện tích đủ để không tạo ra sự bí bách, ức chế trước cửa ra vào, làm ảnh hưởng đến tâm lý khi làm việc hay thực hiện các giao dịch thương mại dịch vụ.
4. Sảnh đón của toà nhà làm văn phòng hay cửa hàng, đặc biệt phải có mái hiên. Công năng của mái hiên ngoài che mưa che nắng còn có tác dụng dẫn khí lành vào nhà. Nhất thiết mái hiên phải thấp hơn sàn tần trên. Nền mái hiên phải cao hơn đường, tránh luôn tụ nước bẩn tạo ra uế-khí, hãm-khí là những khí xấu cản trở tài-khí đi vào nhà.
5. Vị trí cầu thang bộ và thang máy tối kỵ nằm thẳng với cửa ra vào. Dù là cửa ra vào sảnh hay phòng làm việc. Tốt nhất nên bố trí ở phía bên trái theo hướng người đi vào. Thông thường quán tính của chúng ta là đi từ trái sang phải, việc bố trí như vậy làm cho mọi việc được trật tự, thuận theo tâm-khí để dẫn phát tài-khí. Tránh việc bố trí thang bộ đi xuống tầng dưới ở vùng đối diện sảnh và cửa. Điều này sẽ làm cho vận khí đi xuống ( phạm vào cách cuộc trong phong thủy:" trước mặt là vực thẳm" )

( Phần sau bàn về tiểu cảnh, cây xanh trong văn phòng làm việc )

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

A đà na thức

Hỏi: 
Khi đã hoàn bị A đà na thức có còn bất giác mà đối 
cực khởi vọng niệm hay không?
Đáp:
Câu hỏi của bạn khá sâu xa về Phật học. Với Phật tử chúng ta, tu Đạo khó nhất là ở cái tâm còn phân biệt, chính là ở cái "danh", cái "tự" cái này đối với cái khái niệm kia. Để rời cái Tâm phân biệt đó Đức Phật dạy các pháp môn để nhận thức được Đệ nhất nghĩa đế tuyệt đối và thấu rõ Trung Đạo. Về quá trình tu hành thì thấu rõ được Tự tính thanh tịnh Tâm, thứ lớp hành theo Bát chính Đạo để được chính Niệm trong từng sát na. Dần tiến lên như vậy là đã loại bỏ đi chủng tử bất thiện, việc huân tập chủng tử thiện lành chính là quá trình để cho thức A Lại Da thành Tàng thức, trở về cái gọi là Bản lai diện mục hay Phật tính, đó cũng là việc nhập một với Pháp giới tính tự tâm. Thành Phật chính là quá trình làm cho Tâm được thanh tịnh và Tướng được thanh tịnh. Cả Tâm và Tướng được viên mãn kết hợp với trí tuệ huyền diệu mầu nhiệm ( đại Bát Nhã ) thì gọi là Đại Pháp Thân. Từ Pháp Thân là chính mình chư Phật tự thụ dụng gọi là Tự thụ dụng thân, Tha thụ dụng thân là thân giáo hoá Bồ Tát. Hai thân thụ dụng này gọi là Báo Thân. Vì là nhân thanh tịnh, duyên thanh tịnh nên quả là Báo thân cũng thanh tịnh. Việc bạn hỏi, là khi đã hoàn bị, A đà na thức có còn bất giác mà đối cực khởi vọng niệm hay không?, điều này là không thể bởi khi đã thuần thiện không còn nhân chủng tử bất thiện thì quả cũng là chính thiện, đây cũng là giải thích cho chữ Định, nghĩa là thuần nhất. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm ngài A nan cũng đã hỏi Phật về điều này, đức Phật từ bi đã nói với Ông A Nan, ví như vàng khi ở thể quặng còn lẫn tạp chất, khi đã tinh tuyện thành thỏi vàng nguyên chất rồi thì có lý đâu lại trở thành quặng nữa!"
Về vấn đề vọng niệm khởi trong từng sát na còn nhiều hơn thiện niệm. Theo Luận A tỳ Đàm nói một sát na vào khoảng 120 phần của một cái nháy mắt ( Đán Sát Na ), trong khoảng một sát na có tới 900 niệm dấy khởi sinh diệt. Theo môn Pháp-tướng-tông là duy-thức thì có tới 100 pháp ( tâm), trong 52 tâm sở hữu pháp chỉ có 11 thiện tâm pháp... Nói như vậy để biết là chúng ta khi còn phàm phu thì tâm phiền não là vọng niệm từ các thói quen mê lâm từ vô thuỷ khởi phát liên tục qua thân khẩu ý. Việc xuất hiện ở đời của Chư Phật là đại sự nhân duyên, cũng là để chỉ bày cho chúng sinh biết, tu theo lời đức Phật, mà xa rời vọng niệm, phá đi cái ngã chấp tướng và pháp chấp tướng, là Ngã không và Pháp không cho đến phá Câu Không là cái đối đãi vi tế của ngã-tướng và pháp-tướng. Thấy như vậy là Thấy vấn đề ( Khổ đế), hiểu như vậy là Nhận Diện được vấn đề ( Tập đế ), thấy hiểu rồi thì sống theo cái Tâm thanh tịnh là: 
" Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo"
Thế là Giải quyết được vấn đề ( Diệt đế, Đạo Đế ). Đó là con đường thành Phật chính là con đường trở về với Bản Tâm thanh tịnh là nhập một với Pháp giới Tính của pháp-giới vũ-trụ. ( Vũ là không gian vô cùng, Trụ là thời gian vô tận ) 


Thứ Ba, 20 tháng 2, 2018

Đêm Thiên Trù



Đêm Xuân chùa vọng tiếng chuông ngân
Sóng ánh trăng thanh cảnh sáng ngần
Ngọn cỏ đầu sương bừng tỉnh ngủ
Tháp vương đỉnh bạc chiếu xa gần
Tâm thôi tục lụy: trần không vướng,
Vạn tượng Sum la hiển pháp thân.
Ai rõ Chân-không và Diệu-hữu,
Vô-vi cảnh giới mới thêm phần!