Mây
trắng
ơi, con đường nào ta đi? Lời bài hát trong phim Tây Du Ký đã và
đang chiếu trên truyền hình qua bao thế hệ. Phim được chuyển thể từ kỳ
thư của Ngô Thừa Ân với nội dung là câu chuyện thỉnh kinh của thầy trò
Đường Tăng. Dùng văn để truyền tải đạo lý giải thoát của chư Phật.
Con đường nào ta đi? Câu hỏi của Mỹ
Hầu Vương, vào một ngày đẹp trời bỗng giác ngộ lẽ sinh tử của cõi đời là vô thường,
lập tức từ bỏ tất cả, lặn lội chiếc thân đi tầm sư học Đạo.
Hôm nay, ngày 19 tháng 6 khác với Mỹ Hầu
Vương chưa biết đi về đâu còn Chúng Tôi đã có con đường để tới Hương Tích Tự, Ngôi Chùa
tọa lạc trên đỉnh Ngàn Hống, nơi đây với cảnh đẹp xưa nay được mệnh danh
là "Hoan Châu đệ nhất danh lam".
Chúng tôi lên Chùa gặp Phật.(Thường
thì tôi sẽ nói là đi Chùa lễ Phật nhưng hôm nay khẳng định với các bạn là tôi lên
Chùa gặp Phật.)
Mỹ Hầu Vương phải cực nhọc chống
bè vượt biển tìm Thầy học đạo còn chúng tôi chỉ cố gắng nhẹ ga để
không bị bắn tốc độ thôi (hic nhưng lúc về không được đi bằng đường Hàng không (đi mây về gió)
mà vẫn chỉ đi đường bộ ). Nhân duyên đầy đủ đồng hành với tôi là cậu sinh viên
năm cuối với nhiều hoài bão và thắc mắc. Sau khi gửi xe vào bãi chúng tôi gặp ngay
sáu Ông xe ôm chặn đường (tưởng cướp, hóa ra là mời đi một đoạn đường đất nhằm
rút ngắn thời gian leo núi ). Nhân việc này nhớ lại trong truyện Tây Du Ký thầy
trò Đường Tăng trong chuyến đi thỉnh kinh cũng gặp lục tặc. Thâm ý của hồi truyện kể về sáu tên cướp chính
là sáu yếu tố phá hoại tâm thanh tịnh của con người, làm cho mê mờ đi vào tà đạo,
xa lìa chính đạo. Đó chính là Thất tình, Lục dục (hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục
và sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp). Sáu thứ bui trần từ bên ngoài đột nhập
vào tâm con người thông qua lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý). Theo duy
thức học, lục căn gặp lục trần sinh ra lục thức, làm cho tâm con người đối đãi
thị phi theo kiểu nhị nguyên. Quay lại câu chuyện khi giáp mặt lũ cướp Tôn hành
giả khẳng định vai trò của mình: “Ồ, các ngươi là sáu thằng giặc cỏ, không nhận
ra người xuất gia này là chủ của các ngươi sao mà lại dám chặn đường?”. Như
chúng ta đã biết con người là hình ảnh của hai cuộc đời. Không chế ngự được thì
lục căn sinh lục dục (lục tặc). Nếu chế ngự được thì lục tặc trở thành lục
thông là sáu món thần thông. Cụ thể như sau:
Thiên nhãn thông: tăng khả năng nhìn của mắt,
không bị trở ngại bởi khoảng cách, chướng ngại vật, thậm chí còn nhìn xuyên thời
gian, nhìn thấy những sinh vật ở thế giới khác. Cơ sở khoa học của Thiên Nhãn
Thông là: bình thường con người chúng ta chỉ nhìn thấy những sắc chất có quang
phổ từ màu đỏ đến màu tím. Nhờ luyện tập thiền định, hoặc một phép rèn luyện
tinh thần nào đó, sóng não của chúng ta mạnh lên, có thể "bắt sóng"
được những sắc chất ở tần số khác, ví dụ như sóng siêu ngắn (một loại sóng có thể
xuyên qua vật cản, dùng trong thông tin vũ trụ), vì vậy người đạt Thiên Nhãn
Thông có sức nhìn không hạn chế.
Thiên Nhĩ Thông: tăng khả năng nghe của
tai, không bị trở ngại của ngôn ngữ, giống loài, có thể nghe được mọi âm thanh
trên thế gian, hiểu được tiếng muôn loài. Cơ sở khoa học tương tự Thiên Nhãn
thông.
Tha Tâm Thông: khả năng biết được suy nghĩ
của kẻ khác. Cơ sở khoa học của Tha tâm thông: bộ não con người ví như một đài
thu và phát sóng, mọi tâm tư, ý nghĩ của chúng ta đều tỏa ra xung quanh dưới dạng
sóng. Nhờ tu tập Thiền định, hoặc một phép luyện tinh thần nào đó, chúng ta cải
thiện được sức thu của não bộ, thì khi đó ta có thể thu được sóng não của người
khác và hiểu họ đang nghĩ gì.
Thần túc thông: khả năng nhìn thấy được
trăm ngàn kiếp quá khứ của mình và người khác. Cơ sở khoa học của Thần Túc
thông: khoa học nhân điện ngày nay đã chụp được luồng điện trường xung quanh
con người, mà trong tôn giáo gọi là "Hào quang", gồm 7 tầng, phản ánh
tính cách, tình trạng sức khoẻ, suy nghĩ của người đó. Đặc biệt tầng thứ 7, nằm
ở ngoài cùng, lưu giữ ký ức của người đó không chỉ từ thuở nhỏ mà từ vô lượng
kiếp quá khứ. Người đạt thần túc thông có thể đọc hiểu tầng hào quang này.
Thần cảnh thông: khả năng di chuyển không hạn
chế: phi thân, di chuyển tức thời. Thậm chí còn có thể tàng hình, hiện thân to,
nhỏ tùy ý. Cơ sở khoa học của Thần cảnh thông: con người vốn dĩ được tạo thành
bởi vô số các tế bào. Khi luyện tập sức mạnh ý chí đến mức có thể làm chủ chính
mình, làm chủ từng bộ phận trong cơ thể, thì việc làm cho cơ thể nhẹ nhàng, co
nhỏ, phình lớn.. là điều hoàn toàn có thể. Nói thêm về khả năng di chuyển tức
thời: khoa học ngày nay thừa nhận có sự tồn tại của chiều không gian thứ 4, người
bước vào chiều không gian này có thể đi đến bất cứ đâu trong không gian 3 chiều
(là nơi ta đang ở).
Lậu tận không: khả năng làm chủ bản thân
tuyệt đối, ý nghĩ được kiểm soát, không còn vọng tưởng (suy nghĩ vẫn vơ), không
còn nghi ngờ, không bị nhiễm ô dù trong hoàn cảnh nào, tâm thức tĩng lặng, xóa
bỏ mọi nghiệp chướng (tốt hoặc xấu). Người đạt Lậu Tận Thông sau khi chết (gọi
là Viên Tịch hoặc Tịch Diệt) sẽ không còn luân hồi sinh tử, sẽ ở trong một trạng
thái vô cùng trong sáng, thoải mái, mà Nhà Phật gọi là Niết bàn.
Lậu tận thông là mục đích cuối cùng của bất
cứ người xuất gia theo Đạo Phật nào. Năm thần thông kia (ngũ thông) thì quỷ (tà
giáo), thần(người có phép mầu), tiên(người sống lâu), hoặc phàm phu(là chúng ta
đây) chỉ cần luyện tập đều có thể đạt được. Còn bậc Thanh Văn, Bích Chi Phật,
Phật Như Lai mới có Lậu Tận Thông.
Đồng bọn với sáu tên giặc cướp trong
phim Tây Du Ký là Bảy con Yêu tinh, đối với bọn yêu nõn nà này cách xử lý của Tề
Thiên cũng khác hẳn: “Hành giả nghĩ: Ta mà đánh chúng cả lũ toi mạng hết, như
thế đáng thương lắm” Bảy con yêu nữ có loại vũ khí rất đặc biệt mà Tề thiên nhận
định về loại vũ khí này như sau: “Vật cứng còn có thể đánh đứt, thứ này mà mềm
đánh chỉ lún xuống thôi. Khéo nó biết, nó quấn chặt lấy mình, lại hóa dở” Đây
là sợi tơ của bảy con nhện tinh; sợi tơ nhu nhuyễn mềm mại mà khó dứt. Ý ở đây
đã rõ: tơ là tơ tình, không thể dứt ngay được. Việc chế ngự cái tình cảm con
người không phải chuyện dễ, vì con người ưa luyến tiếc, khoan nhượng với tình cảm
bản thân.
Thất
tình và lục dục, cấu kết nhau nội công ngoại kích, là mười ba con ma phá hoại
tâm thanh tịnh, gây phiền não chướng ngại cho chúng ta. Đấy là:
Thất tình lục
dục sớm trừ xong
Luyện tập
ngày đêm sửa tấm lòng
Khử diệt thất
tình an tính thiện
Tu hành phải
để chí không không
(Đại thừa chân giáo)
Trở lại
nội dung câu chuyện cuối cùng lũ cướp bị lão Tôn giết cả. Đây cũng là điều mà Quảng
Kiến đã lược ghi ở Hậu Học 01 rằng với người tu Phật hiếu sát hơn hiếu sinh.
Sát là dẹp là diệt các niệm bất thiện khởi lên hại mình hại người cả trong lời
nói ý nghĩ đến hành động.
Có đi ắt có đến. Anh em
chúng tôi cũng tới đường cùng của xe ôm.Lên chùa gặp Phật phải tự thân minh đi, không nhờ ai giúp được.
Hồi sau: Đường lên chùa gặp Phật