Bài tham luận kiến trúc chùa Việt, thống nhất trong đa dạng:
CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN
TRONG KIẾN THIẾT CHÙA VIỆT
Ths MBA. KTS. Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng
(Nội dung của bài tham luận của chúng tôi mạnh dạn nêu khái quát chung về quy hoạch, thiết kế xây dựng kiến trúc chùa Việt thông qua kinh nghiệm làm việc thực tế trên 20 năm của một Kiến trúc sư.)
Căn cứ vào thực tế hiện trạng, một
ngôi chùa muốn xây mới, tu bổ hay mở rộng sẽ chịu ảnh hưởng quyết định bởi
nhiều yếu tố khác nhau về quy mô, địa hình, khí hậu, nhu cầu sử dụng…Sự ảnh
hưởng đó tạo nên bản sắc với nét đặc trưng riêng của từng ngôi chùa.
Tuy nhiên cấu trúc một ngôi chùa luôn phải tuân theo
các nguyên tắc chung sau:
1.
Định hướng quy
hoạch
1.1.
Nguyên tắc Chọn đất
và ngày tốt giờ tốt: Theo quan niệm xưa nay việc chọn đất và hướng xây dựng mở
rộng chùa có một ảnh hưởng to lớn đối với con người sống trên đó. Kinh nghiệm
cho thấy đất xây chùa tốt là nơi bên trái trống không hoặc có sông ngòi, hồ ao
ôm bọc. Bên phải có núi hay công trình phải cao dày, lớp lớp quay đầu lại, hoặc
có hình hoa sen, tràng phan, bảo cái, hoặc có hình rồng phượng, quy xà chầu
bái. Thủy thì nên chú ý thủy khứ, thủy lai, thủy (nước) nên chảy quanh sang
trái. Thế đất trước mặt nên tạo khoảng trống làm minh đường. Tiền minh đường là
hướng trước mặt nếu có lưu thủy dòng chảy, có tụ thủy thành hồ ao lại thêm tốt.
Hậu ngai tọa (phần không gian phía sau chùa) không cần phải có thế núi áp kề
nhưng cần nhất phải có khoảng đất rộng sau lưng Chùa là cách có Địa Hậu thì
những vị trụ trì ở đó sẽ được cách tương lai có nhiều đệ tử tốt kế tục được sự
nghiệp của mình.
Việc chọn ngày giờ tốt để tiến hành khởi công xây dựng mở rộng nên theo
các phép xem ngày giờ được lưu truyền lại chọn ra ngày giờ phù hợp thuận tiện
cho việc mở đầu và kết thúc được viên mãn.
1.2.
Nguyên tắc chọn Hồng
Chùa: căn cứ vào hiện trạng mà bố trí để thuận cho việc giao thông. Thông
thường hướng Chùa được bố trí theo ba hướng sau:
- Hướng Tây: Là hướng về đất Phật lịch sử, là hướng chung của
các ngôi chùa cổ như: Chùa Dâu, Chùa Phật Tích, Chùa Pháp Vân,Chùa Chân Tiên…
- Hướng Nam (Từ Hướng Đông Nam đến Tây Nam), đây là hướng phù hợp với các
vùng địa lý có khí hậu khắc nghiệt. Bố trí hướng chùa theo các hướng Nam để
tránh rét về mùa đông có được sự mát mẻ về mùa hè.
- Hướng Đông: Đa phần các chùa Tiểu Thừa Khơme Nam bộ bố trí hướng chùa
về hướng Đông, đây là hướng nhìn của đức Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật khi ngài
đắc đạo tại cội Bồ Đề.
Như vậy dù là hướng Tây, Nam Đông khi định vị các hạng
mục cần tuân theo quy hoạch tổng thể đã định trước, theo một số sách cổ để lại
căn cứ vào hướng chính chú ý chọn kỹ để được hướng thuận về Thiên- Địa - Nhân
gọi là hướng Bảo Châu.
Tóm lại: Quy trình chọn hướng, thế đất và ngày giờ tốt
phải được coi là phương tiện để cho mọi việc được thuận lợi và có kế hoạch rõ
ràng, tạo nên tinh thần quyết tâm cao nhất trong việc xây dựng tu bổ Chùa.
2.
Thiết kế kiến
trúc Chùa với các nguyên tắc căn bản
Bố cục trong kiến trúc chùa truyền thống Việt Nam từ
xưa đến nay đều phải đầy đủ các hạng mục theo thất đường Già lam và phải tuân
theo một số quy luật và nguyên tắc tạo hình: thống nhất và biến hoá, tương phản
và dị biến, vần luật và nhịp điệu.
2.1.
Bố cục kiến trúc:
Tổng thể khuôn viên chùa thường được bố trí đăng đối qua một trục (gọi là trục
Chính Đạo hoặc được bố trí xoay quanh một tâm điểm ( Tháp Phật, đài Quan Âm)
tạo sự cân bằng, trang nghiêm bề thế cho công trình. Ngay trong mặt bằng công
trình cũng được bố trí hợp khối từ những hình chữ nhật để tạo nên sự cân bằng
và ổn định. Bố trí tượng thờ trong mặt bằng cũng thường được bố trí đăng đối
qua trục. Ðối với các công trình phụ khác trong khuôn viên, thông thường nếu có
đủ diện tích thì người ta cũng xây dựng theo kiểu đối xứng. Tuy nhiên tuỳ theo
địa hình và nhu cầu xây dựng mà có những thay đổi phù hợp. Với các công trình
như vườn tháp, gác chuông lại có dạng bố cục hướng tâm, mặt bằng có thể là hình
vuông, hình lục giác, hình bát giác hoặc hình tròn.
2.2.
Nguyên tắc trọng
điểm của việc thiết kế bố cục kiến trúc chùa: Phần kiến trúc chính (Đại Hùng
Bảo Điện) nằm trên trục chính Đạo bao giờ cũng rộng nhất và thường cao nhất
được tập trung mọi tinh hoa kiến trúc và nghệ thuật.
2.3.
Ðặc thù nghệ thuật
trong tạo hình kiến trúc nói chung và chùa được biểu hiện rõ nét ở mối tương
quan tỷ lệ. Tỷ lệ chính trong bản thân, giữa cái lớn cái bé, cái chung cái chi
tiết, tỷ lệ giữa các chiều trong không gian,... Và được thể hiện cả ở mối tương
quan giữa công trình với môi trường xung quanh, với thiên nhiên cảnh quan.
Trong kiến trúc chùa truyền thống không có các công trình kiến trúc đồ sộ. Các
công trình có kích thước tương đối lớn cũng gắn bó hoà hợp với thiên nhiên và
con người, không có tác động thống trị và áp đặt lên thiên nhiên và con người.
2.4.
Về cấu trúc mặt
bằng: hầu hết các hạng mục công trình Chùa đều tổ hợp từ hình chữ nhật với các
gian lẻ. Các tỷ lệ giữa thành phần kết cấu nhà với nhau bao giờ cũng có một sự
tương quan kích thước nhất định mang đến sự hài hoà. Về không gian chùa được
xây dựng bằng vật liệu gỗ chủ yếu được quyết định bởi các bộ vì. Bộ vì được
hình thành bởi 6 cây cột (2 cột cái, 2 cột quân và 2 cột hiên) hoặc 4 cây cột (
2 cột cái và 2 cột quân). Vì kèo có tỷ lệ đứng / ngang = 2/3 tạo thành độ dốc i
= 66,6 %.
2.5.
Nguyên tắc liên hệ
và phân cách: Sự liên hệ và phân cách thể hiện qua các bộ phận, các thành phần
kiến trúc khác nhau và rõ nhất là yếu tố hình khối thiên nhiên và kiến trúc
công trình tương đối độc lập nhưng nhờ không gian mở của hàng hiên, của các dãy
nhà hành lang, làm yếu tố chuyển tiếp đã khiến không gian vườn như ăn sâu vào
công trình. Sự liên hệ ở đây còn được thể hiện bởi các dãy hành lang kết nối
các hạng mục công trình chính để đảm bảo cho một liên kết chặt chẽ về không
gian và thích dụng.
2.6.
Yêu cầu về nhân
chủng học và nhu cầu hoạt động của con người kết hợp với đặc tính của gỗ, quy
mô không gian do kết cấu gỗ tạo nên... đã đạt được tính tỷ lệ về con người và
kiến trúc. Một số chùa không có khả năng sử dụng gỗ có thể thay thế bằng kết
cấu bê tông cốt thép. Cho dù dùng loại vật liệu gì chăng nữa Tỷ lệ không gian
của công trình cần phải đáp ứng và tuân thủ để đạt được sự gần gũi và gắn bó
với hoạt động của con người.
3.
Vật liệu xây dựng
chùa
Hiện nay được sử dụng là các chủng
loại phù hợp với môi trường khí hậu tại địa phương, từ tre, tranh, gạch ngói,
bê tông, đá, gỗ, Các công trình truyền thống thường sử dụng vật liệu gỗ (
thường gặp gỗ lim, gỗ đinh, gụ, táu... cho hệ thống kết cấu khung cột, hệ thống
cửa, rui hoành... Ðá thường được sử dụng là đá nguyên khối từ đá ong, đá sa
thạch, đá xanh... sử dụng trong nền, bậc cấp, chân tảng. …
Vật liệu đất nung được sử dụng và chế
tác thành các sản phẩm đáp ứng các mục đích sử dụng khác nhau. Ví dụ, mái các
công trình lợp ngói lòng máng như âm dương, ngói ống ... và mái lợp ngói bản
như ngói mũi hài, vẩy rồng, vẩy hến, ngói di, ngói liệt là dạng mái nhiều lớp,
dưới cùng là lớp ngói lót, trên là các lớp ngói chính được xen chồng lên nhau
để che mưa nắng. Tường tại các công trình chùa thường là tường gạch nung,
gạch hỗn hợp vôi đất, xi măng, đá ong. Gạch bát được sử dụng để lát
nền sân, hiên... Gạch trang trí phủ ngoài mặt tường, tháp, gạch nung sành để
làm tháp mộ, gạch xây cột vuông...
Ðối với kết cấu bê tông bắt đầu thấy
xuất hiện từ cuối nhà Nguyễn thời kỳ thuộc Pháp, điển hình là cụm di tích Hưng
Ký và trang trí trên mặt đứng hay trên kết cấu đều được làm bằng sứ, gỗ và ghép
liền với mặt bê tông của kết cấu. Giải pháp sử dụng bê tông cốt thép sẽ tạo ra
quy mô chùa lớn với khả năng vượt khẩu độ không giới hạn tạo ra các không gian
đủ lớn đáp ứng nhu cầu hoằng pháp cho rất đông người trong cùng một thời
điểm.
Ngoài người Kinh, một số dân tộc thiểu số khác ở Việt
Nam cũng có chùa. Chùa người Mường làm bằng tre đơn giản. Chùa người Khơme được
xây dựng đẹp, có bộ mái biểu hiện ảnh hưởng Campuchia và Thái Lan. Chùa người
Hoa thường tạo hình với chất liệu tô vẽ mang sắc thái kiến trúc riêng. Thông
thường thì vật liệu xây dựng chùa là các vật liệu tốt nhất có thể được.
Giờ
đây với sự phát triển đa dạng của công nghệ vật liệu xây dựng mới, việc tu bổ
cải tạo, mở rộng chùa cũng như xây dựng mới ảnh hưởng bởi chất liệu xây dựng tiên
tiến nên chùa Việt Nam có thêm nhiều giải pháp xử lý về mặt kết cấu cũng như bề
mặt hoàn thiện. Tổng hợp các yếu tố mới này đã tạo ra tính đa dạng của kiến
trúc chùa Việt Nam đương đại.
4.
Kỹ thuật xây
dựng.
Yêu cầu về Ðộ bền vững là một đặc
trưng chính của các công trình kiến trúc Chùa. Bí quyết làm cho các kiến trúc
gỗ bền vững, bên cạnh việc chọn vật liệu (gỗ to, gỗ tốt, đá cứng hay gạch nung
già). Trong kiến trúc gỗ nhân tố cơ bản chống đỡ kiến trúc là các bộ vì. Bộ vì
được hình thành bởi các cây cột, hệ thống liên kết cột và là sự kết hợp hài hoà
hai yếu tố là lòng nhà và độ chảy của mái nhà. Sau đó, người ta nối các vì với
nhau bằng hệ thống xà ăn mộng qua các cột. Lực ép và sức nặng của toàn bộ mái
nhà dồn xuống các đầu cột. Các câu đầu, xà nách, kẻ, bẩy, các đầu dư, đầu nghé
hợp lý cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ cân bằng và gánh đỡ kiến trúc
của bộ vì.
Ngày nay việc kết hợp giữa kinh nghiệm
truyền thống với sự tính toán hợp lý của công nghệ máy tính hiện đại về cả hình
học, vật lý, cả về mỹ thuật và kỹ thuật thi công xây dựng. Ðó là giá trị về
tính toán cho kiến trúc chùa luôn nằm trong thế cân bằng và ổn định.
5.
Màu sắc trong
kiến trúc Phật Giáo
Màu sắc của chùa dùng màu tự nhiên của
vật liệu xây dựng, màu nâu đỏ của mái ngói, màu nâu của kết cấu bộ vì, vách gỗ,
màu xám nhạt của chân tảng, của bậc thềm đá... Màu vôi trắng của tường đầu hồi
hoặc màu tự nhiên của các hàng gạch xây tường miết mạch không trát. Các hoạ
tiết đôi lúc được trang trí bằng màu, màu xám nhạt của bờ nóc, bờ dải, bờ guột
và đầu đao góc mái. Một số dạng màu thường được sử dụng trong các công trình để
tạo nên sự tương phản về độ sáng. Ví dụ như gam màu trắng của tường quét vôi là
sáng trong khi gam nâu sậm của gỗ là tối, hoặc gam đỏ sậm của gạch trần là tối
nổi lên khoảng trắng của cửa sổ là các hình chữ Vạn hoặc biểu tượng sắc - không
đắp vữa...
Ngoài màu tự nhiên của vật liệu, một số công trình còn
sử dụng màu vàng và đỏ của đồ gỗ sơn son thếp vàng. Các gam màu vàng đỏ có thể
bắt gặp ở bất kỳ một công trình chùa nào trong các đồ thờ, tượng, hoành phi...
Màu vàng son với ánh sáng đèn, nến, hương khói mờ ảo tạo nên một không gian
linh thiêng hơn, vừa thực lại vừa hư, thể hiện triết lý vô vi của nhà Phật.
Một số chùa việt qua giao lưu văn hóa học tập các nước
bạn, do đó có thể nhận thấy màu sắc khác nhau trong một số công trình. Cột phủ
sơn mài thếp vàng và vẽ hình mây, rồng cuốn với hai màu vàng đỏ là chủ đạo, vẽ
bột màu trên các hoa văn trang trí với màu sắc sặc sỡ ...
Chùa truyền thống ba miền Việt Nam có một nét chung là
ánh sáng trong chùa rất ít, chủ yếu là sử dụng ánh sáng khúc xạ và phản quang
thông qua các bộ phận như cửa sổ, cổ diêm hoặc thiên tỉnh và ánh sáng nhân tạo
là đèn, nến... Ðiều này là kết quả của việc quan niệm nơi thờ Phật thì phải
linh thiêng, huyền bí, trang nghiêm, kiến trúc như vậy phải u trầm tĩnh mịch
tạo một tâm lý tôn kính cho con người bước chân vào nơi cửa Phật.
6.
Trang trí, điêu
khắc công trình.
Bố cục trong một tác phẩm điêu khắc là thước đo lớn
nhất cho sự thành công của tác phẩm. Trong kiến trúc cổ, ta thường gặp bố cục
theo kiểu cân xứng ( những cặp rồng, những hoa văn hoạ tiết đối nhau...). Bố
cục hướng tâm ( có hoa văn trung tâm trong một khung khép kín), bố cục hình dải
gọi là hồi văn ( hoa cúc, dây hình chữ vạn, pháp khí...)
Kiến trúc chùa sử dụng điêu khắc và hội họa từ các hoa văn, đề tài trang trí mang đậm ý nghĩa tượng trưng góp phần vào việc giác ngộ chúng sinh bởi các điển tích được nói đến trong kinh Phật, như là một yếu tố phụ trợ tăng tính nghệ thuật đồng thời diễn đạt ý nghĩa biểu trưng, mang đậm triết lý nhà Phật.
Tạm kết:
Trên đây chúng tôi mô tả mang tính
khái quát các vấn đề cốt lõi của Quá trình thiết kế xây dựng và tu bổ Chùa. Căn
cứ vào hiện trạng cũng như nhu cầu ngắn hạn và dài hạn, trước khi bắt tay vào
triển khai phải cân nhắc cẩn trọng trong việc quy hoạch định hướng tổng thể.
Việc làm thiết thực này sẽ tránh được sự lãng phí không cần thiết.
Theo dõi bước đi của ngôi chùa Việt Nam qua suốt chiều dài lịch sử, chúng tôi thấy rõ ở mỗi thời kỳ, các ngôi chùa, ngọn tháp đếu có một kiểu dáng riêng biệt. Bao giờ cái truyền thống cũng gắn với cái hiện đại, việc tiếp thu các kiểu kiến trúc của các chùa tháp trên thế giới cũng như các giải pháp sáng tạo có được bắt nguồn từ công nghệ vật liệu và công nghệ xây dựng mới cần phải chú ý để không làm mất đi bản sắc dân tộc. (“Những nguyên tắc cơ bản trong kiến thiết chùa Việt (ThS.KTS Quảng Kiến ...”) Cái bản sắc dân tộc ở đây phải được nhìn nhận là sự phù hợp với con người và tư duy thời đại mới ở sự cảm nhận về mỹ thuật, về kiến trúc kết hợp với nhu cầu sử dụng. Đây là bài toán khó, nhưng ông cha ta đã làm được. Âu cũng là điều chúng ta phải suy nghĩ trong hiện tại.