Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023

THẬP TÍN

Quá trình tu tập của Bồ tát

Con đường tu hành của một Bồ tát là quá trình phát Bồ đề tâm, tu Bồ tát đạo, hành Bồ tát hành để thành Bồ để quả. Như vậy muốn thành một vị Bồ Tát, Hành giả phải trải qua 50 ngôi vị tu tập và đạt đạo gọi là Bồ Tát Giai Vị.

Thuận theo con đường của Bồ tát đạo, hậu học Quảng Kiến phát tâm biên soạn ghi lại cụ thể các tầng bậc tu hành của một vị Bồ tát, giới thiệu đến những người học Phật. Dựa vào bản dịch của Hoà thượng Thích Thắng Hoan trong kinh Bồ Tát Anh Lạc Bổn Nghiệp quyển thượng, 50 Ngôi vị tu tập của Bồ Tát gồm có: Thập Tín Vị, Thập Trụ Vị, Thập Hạnh Vị, Thập Hồi Hướng Vị và Thập Địa Vị. Cụ thể: 

I.- THẬP TÍN VỊ:

THẬP TÍN VỊ cũng gọi là Thập Tín Tâm, nghĩa là mười đức tin để tu tập của một vị Bồ Tát mà trong đó Tín Tâm đứng đầu. Thập Tín Vị gồm có:

1.- TÍN TÂM: nghĩa là nhất tâm quyết định và an vui trong sự tu tập để mong đạt được thành công mà mình đã đặt hết niềm tin vào đó. Đây là đức tin vững chắc của người tu tập. Một vị Bồ Tát đối với Phật Pháp trước hết phải xây dựng đức tin vững chắc, không bao gi thối tâm lùi bước trước bất cứ một trở lực khó khăn nào lay chuyển và vẫn an vui tự tại trong sự tu tập một khi gặp phải những trở ngại đưa đến. Muốn được thành công ở ngôi vị này. Bồ Tát trong khi tu tập phải diệt cho hết các vọng tưởng của thế gian.

2.- NIỆM TÂM: nghĩa là Bồ Tát phải thường tu tập về sáu niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Bố Thí và niệm các cõi Trời, tức là thường niệm Lục Độ Vạn Hạnh của chư Phật không cho xao lãng.

3.- TỊNH TẤN TÂM: nghĩa là Bồ Tát khi nghe Bồ Tát Tạng phải luôn luôn chuyên cần tinh tấn tu tập các Thiện nghiệp không cho gián đoạn. Bồ Tát Tạng (Bodistsattva-Pitaka) là chỉ cho những Kinh Điển Đại Thừa đề giải thích công hạnh tu nhân và chứng quả của các vị Bồ Tát. Bồ Tát Tạng gồm có các Kinh Điển như là: Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm... đều là những pháp môn tu học của Bồ Tát Tạng.

4. ĐỊNH TÂM: nghĩa là Bồ Tát phải thường buộc Tâm của mình an trụ nơi sự tướng và nghĩa lý của Phật Pháp một cách tự tại. Trong lúc tu tập Định Tâm, Bồ Tát phải xa lìa hẳn ý tưởng phân biệt về tất cả pháp giả dối và thô tục của thế gian.

5.- HUỆ TÂM: nghĩa là Bồ Tát khi nghe Bồ Tát Tạng phải nên quán sát, xét đoán và cân nhắc một cách kỹ lưỡng về nghĩa lý của vạn pháp để nhận được tự tính của muôn pháp đều là thật không và tĩnh lặng. Tự Tính của vạn pháp thì không có vấn đề Ngã và Nhân, nên gọi là Vô Ngã và Vô Nhân.

6.- GIỚI TÂM: nghĩa là một vị Bồ Tát khi thọ giới luật thanh tịnh của Bồ Tát thì phải giữ gìn Thân Miệng, và Ý cho được thanh tịnh, giữ gìn không cho vi phạm bất cứ những lỗi lầm nào. Bồ Tát nếu như có phạm lỗi thì phải sám hối để cho tội lỗi sớm được tiêu trừ.

7.- HỒI HƯỚNG TÂM: là phương pháp tu tập các thiện căn. Hồi Hướng Tâm nghĩa là Bồ Tát chỉ đem tậm nguyện hướng về nơi quả Bồ Đề làm cứu cánh mà không nguyện hướng về nơi các cõi trong Tam Giới và chỉ đem tâm nguyện hướng về sự bố thí để cứu khổ cho tất cả chúng sinh làm hạnh vị tha mà không mong cầu lợi ích cho mình. Hơn nữa Bồ Tát còn quyết chí đem tâm nguyện hướng về nơi cõi chân thật làm mục đích mà không đắm trước nơi danh tướng giả tạo trong thế gian.

8.- HỘ PHÁP TÂM: nghĩa là đề phòng và bảo hộ bản tâm của mình mà không cho nó phát khởi phiền não. Bồ Tát muốn bảo hộ bản Tâm của mình thì phải tu tập Mặc Hộ (giữ gìn sự tĩnh lặng), phải tu tập Niệm Hộ (giữ gìn chính niệm), phải tu tập Trí Hộ, (bảo hộ Trí Tuệ), phải tu tập Tức Tâm Hộ (giữ gìn tâm niệm đã dứt các phiền não) và cũng phải giữ gìn năm pháp Hộ Hành khác. Năm pháp Hộ Hành khác cũng gọi là năm Chủng Hạnh. Năm Chủng Hạnh là: Thọ Trì, Đọc, Tụng, Giải Thuyết (Giải thích và thuyết pháp Kinh Luận) và Thơ Tả (Viết sách). Năm thứ này cũng phải giữ gìn thường xuyên.

9.- XẢ TÂM: nghĩa là Bồ Tát phải xả bỏ tâm niệm yêu tiếc sinh mạng và tài sản của mình. Bồ Tát nếu như đã được tài sản và thân mạng thì có thể xả bỏ một khi cần đến mà không có khởi tâm luyến tiếc hoặc hối tiếc.

10.- NGUYỆN TÂM: nghĩa là Bồ Tát phải đem tâm phát nguyện luôn luôn tu tập các pháp môn thanh tịnh của chư Phật đã dạy sớm được chứng đắc. Đồng thời Bồ Tát phải có bổn phận khiến cho các pháp môn của chư Phật càng thêm được sáng tỏ và càng thêm được phổ biến khắp mọi từng lớp chúng sinh.  

 

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét