Người học Phật xưa nay luận giải nghĩa Kinh với mục đích làm rõ ràng và nêu cao Phật Pháp, không quyển sách nào là không đưa người đến việc Phúc để tránh Hoạ, đế việc Đức để tránh Hại, cụ thể là sửa điều lỗi theo việc lành, thấy rõ lẽ nhân quả ba đời, nhận biết cái Phật Tính sẵn có nơi mình, ra khỏi bể khổ sinh tử về miền An Lạc. Kẻ hậu học chúng ta nên sinh lòng cảm ân, thành tâm, như đứng trước mặt Phật, như nghe lời thầy dạy, chắc chắn sẽ được lợi ích lớn, tự mình có thể ban cho mình.
Nay vì lợi ích vô bờ bến như vậy, kẻ hậu học Quảng Kiến tôi vui mừng ghi lại những lời quý báu của người xưa, mong mỏi chia sẻ với quý đạo hữu khắp mọi nơi, thì cũng như một ngọn nến thắp lên nối nhau thì ánh sáng được rộng khắp nơi nơi vậy.
Phần 1 - MÊ NGỘ KHÔNG PHẢI LÀ HAI ( MÊ NGỘ BẤT NHỊ )
Tu hành nếu chuyển hoá được ba độc Tham, Sân, Si thành tâm lương thiện, thì Tham ắt biến thành không tham, tức là Từ bi; Sân ắt biến thành không sân, tức là Dũng khí ( khí khái, mạnh mẽ ); Si ắt biến thành không si, tức là Trí huệ.
THAM —> BI. <— GIỚI
SÂN —> DŨNG <— ĐỊNH
SI —> TRÍ <— HUỆ
Tham Sân Si là ba độc chuyển thành Bi, Trí, Dũng là ba thật đức. Răn cái Tham là Giới, bỏ Sân là Định, rời Si là Huệ. Thể nhập tam vô lậu học là vào ba cái học Giới, Định, Huệ, tức là tu nghiệp Phật pháp, như vậy tâm ba độc và tâm ba đức chưa hề sai khác, vẫn là một tâm. Chẳng qua là thấy được hay chưa thấy được thực tướng là cái tính bất sinh bất diệt của pháp giới vũ trụ.
Đại sư Vĩnh Gia có bài kệ chứng đạo như sau:
Vô minh thực tánh, tức Phật tánh
Ảo hoá không thân, tức Pháp thân
Pháp thân giác liễu, vô nhất vật
Bản lai tự tánh, Thiên chân, Phật.
Dịch và giải:
Cái tính thật của vô minh chúng sinh, tức là tính Phật. tính thật của chúng sinh đồng với Phật là tính bất sinh bất diệt.
Cái thân giả tạm có mà không của chúng sinh, tức là thân Pháp.
Biết rõ thân pháp, thì không có một vật gì hết:
Bản lai Tự tính, là Thiên nhân, là Phật.
Thực thể của vô minh phiền não là thực thể của sự Giác ngộ; thân vô thường vô ngã là Pháp thân. Bởi chung một tính Bất sinh bất diệt của Bản tâm, lý của Mê, Ngộ không hai là như thế. Bản thể của Tâm vốn thanh tịnh vắng lặng và trong sạch ví như tấm gương sáng. Gương sáng thì gặp cảnh nào cũng chiếu được, cảnh qua rồi thôi, không lưu lại trong gương một dấu vết nào. Vì chúng sinh không giữ được gương lòng trong sáng nên nó thành như tấm phim, cảnh nào vào đều lưu giữ lại. Cảnh trước một khi đã ghi thì cảnh sau không còn chỗ để chứa. Một khi lòng đã có chỗ tức giận, có sợ hãi, có lo lắng thì không được ngay. Khi đã chứa cái “ không ngay” là giận, lo, tham rồi thì còn đâu mà chứa cái “ ngay”. Ví dụ như vậy để thấy rằng, đừng để một cảnh nào độc chiếm tâm ta, được như thế sẽ thấy rõ, thấy đúng mọi việc, đó là chính-kiến, mà có chính kiến là giác ngộ. Cũng như vậy, bản tâm ta như cái nhà kho, nếu cứ lưu chứa những đồ bất tịnh thì cái cảnh hôi thối lộn xộn hiện ra. Nếu biết mà chỉ chứa những đồ tốt đẹp quý báu thì cảnh giới thanh tịnh hiện ra. Đó là quả báo theo luật nhân quả, không có ai thưởng phạt nhưng tựu chung lại có sự thưởng phạt rõ ràng.
còn tiếp...