Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Thơ gửi Thầy


Amitabaha!
Kính bạch Thầy!
         Đệ tử Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng về Trường Hạ vào ngày Bồ tát thành đạo, được diện kiến vấn an Thầy. Con vui lắm vì Thầy rất hoan hỷ, pháp thể người vẫn được khinh an. Hôm nay con xem lại đĩa DVD " Sáng mãi một vầng trăng" gặp lại hình ảnh Thầy năm xưa, hình ảnh Thầy gầy gò cổ kính làm cho đệ tử thấy chạnh lòng thoáng trong tâm. Con định gọi điện thoại tới Thầy nhưng không được, con vào email viết mấy dòng, gửi Thầy: nguỵên cầu Tam Bảo gia hộ Thầy để cho mọi sự Thầy đều được như sở nguyện. 
        Đệ tử từ khi được Thầy từ bi hóa độ, giác ngộ Phật đạo, thật là ơn đức vô lượng. Cuộc đời con gần như thay đổi kể từ chuyến thị giả Thầy đi Ấn độ, nhờ ơn giáo hóa của Tam bảo con nhìn mọi việc được thấu đáo hơn, không sợ người ta nghĩ gì mà chỉ sợ mình không tinh tiến mà thôi, hàng ngày con đều dành thời gian hành trì pháp môn Đại Bi theo bộ nghi quỹ tu trì mật giáo mà thầy đã bố thí. Thời gian khoảng 1giờ 30 phút sau khi hành trì con thường ngồi tĩnh tọa để suy tư về các vấn đề của Đạo Phật. Cứ như thế mỗi ngày thân tâm con đều được an lạc, chống lại được các phiền não của cuộc sống. Con nhận thức được rằng, có nhân thì ắt có quả, mọi việc đều có nhân duyên, con đường làm kinh tế của con bây giờ khác ngày xưa, con tránh sự ăn nhậu và các quan hệ làm tục, ăn tục. 
           Một hôm con ngồi thiền quán với câu hỏi tại sao Chư Phật lại không độ trì cho mình khi đang gặp khó khăn?. Con mới nhận ra rằng chư Phật Bồ tát chỉ trợ duyên cho chúng sinh khi sự việc phù hợp với con đường tu chứng. Đệ tử thật vui mừng vì nhận ra thành Phật là cả con đường chứ không phải là thời điểm thị hiện. Giờ đây đệ tử cố gắng sống và quán niệm theo lời dạy của Thầy. " Tự tính kỳ Tâm", theo duyên mà không đổi, không đổi mà theo duyên. Mọi sự dù huyễn hư thế nào thì tính của phiền não đó cũng là tính của Bồ đề.  
             Mỗi độ gần Thầy đệ tử cảm thấy trong ánh nhìn và lời nói của Thầy với đệ tử đầy lòng từ bi, đó là sự khuyến tấn khích lệ lớn vô cùng. Con biết Tín càng lớn thì Giải càng chóng, một lúc nào đó đủ nhân duyên Thầy từ bi chỉ Giáo con sẽ tinh tiến Giải-thông để khỏi phụ lòng Thầy. Đệ tử biết làm học trò mà không tinh tiến để trả công ơn giáo hóa mới là người trò không trọng Thầy mình. Đúng như Thầy đã dạy, nói nhiều không bằng làm nhiều. Con đường giác ngộ là con đường trở về với tâm nguyên của mình, xóa bỏ được vô minh thì tâm mình đồng với tâm Phật. Con cũng không phải hay làm thơ để tiêu khiển hay giết thời gian mà là để quán niệm cảnh hiện tiền với giáo lý mà mình học được, kịp ghi lại ngắn gọn theo thể thơ để nhớ không quên. Lại cũng không tự hào vì mình viết được nhiều thơ bởi con biết cỗi gốc của Tưởng-ấm là sự nhớ-quên, bỏ mọi vấn vương thì mới xa rời được Thức-ấm. 
              Thời gian vừa qua và thời gian tới đây Đệ tử ở nơi xa không có nhiều thời gian được thị giả Thầy, lúc gần thì lại chưa có dịp bạch Thầy nên con viết email có hơi dài. Nay con viết mấy bài thơ ngắn mong Thầy tỏ tâm hướng xuất thế gian của con, kính Thầy đọc và giáo huấn thêm cho. 
               Cuối thư con nguyện Thầy có đủ thuận duyên, thành công trong nhiều chương trình có tính lan tỏa lớn để giáo hóa chúng sinh. Phát huy Đại Hạnh, Đại Trí, Đại phương tiện của chư Phật.
Amitabha!
----------------------------------------------------------------------------
Con đường giác ngộ là con đường trở về với tâm nguyên của mình, 
xóa bỏ được vọng tưởng vô minh thì tâm mình đồng với tâm Phật.

CON đã biết dòng đời huyễn mộng
ĐƯỜNG tu hành tỏ sắc là không
GIÁC : tâm mình vẫn đồng tâm Phật
NGỘ: vạn vật hóa từ Chân Không.

CON đã biết vạn sự khởi duyên
ĐƯỜNG chông gai có Bát nhã thuyền
GIÁC tâm mình vẫn đồng tâm Phật
NGỘ rồi vạn vật tự uyên nguyên.

CON hiểu rằng không tu mãi khổ
ĐƯỜNG tu chứng có đâu nơi chỗ
GIÁC tâm mình vẫn đồng tâm Phật
NGỘ pháp tính chẳng tế chẳng thô.

CON vẫn biết Văn rồi phải Tư
ĐƯỜNG Tu hành để bỏ huyễn-hư
GIÁC tâm mình vẫn đồng tâm Phật
NGỘ lý rồi thấy sự Như Như.

CON vẫn biết tu sẽ có phần
ĐƯỜNG đời nên sống không "hoa-cân"
GIÁC tâm mình vẫn đồng tâm Phật
NGỘ pháp rồi "hành" được Pháp-thân.
---
"hoa-cân": hoa sáng nở tối tàn, cân đong đo đếm.

Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Vấn đề giảng pháp và Tứ Khế


     Bạn là người hiểu về Phật Pháp, bạn rất muốn được chia sẻ và nếu có một cơ hội duy nhất, giảng Pháp cho một người duy nhất, bạn chọn ai trong 5 người sau đây để giảng pháp?
1. Sinh viên2. 
Người buôn động vật
3. Tên tội phạm giết người
4. Quan chức
5. Giáo viên
-------------

Trả lời:
      Nếu nói về hiểu Phật pháp thì điều đầu tiên là phải rời sự-phân-biệt, tránh cái tranh đua về hơn-thua giống-khác ở cái Lý, vì lý bàn nhiều mà không có hành động thành ra hý-luận. Đạo Phật vốn trọng cái Hạnh hơn cái Trí. Cho nên việc chia sẻ Phật pháp cốt ở hiệu quả, không phải là giảng cho có , về việc giảng để lấy danh lấy vọng lấy điểm, xưa chư Tổ đã từng nói:

" khóc dù đến chảy máu ra,
chi bằng ngậm miệng cho qua một đời ".

      Lại nữa, Hành đạo cốt ở hai chữ " Tuỳ Duyên ", duyên đây là điều kiện thuận lợi nhất. Thế nào là thuận, Phật dạy rằng, thuyết pháp phải có tứ khế: căn cứ vào hiểu biết hiện tại của người mà nói những điều lợi ích gọi là Khế-Cơ, khế-lý là nói những điều phù hợp với vướng mắc của người, giúp người có cái chính-duyên để tự giải thoát các nỗi khổ niềm đau, tuỳ vào địa điểm mà thuyết pháp, tránh vừa ăn thịt uống rượu vừa nói pháp gọi là Khế-địa; cuối cùng là khế-thời, tuỳ theo cơ hội mà thuyết pháp độ sinh, như khi người khác tin tưởng mình thì nhân cái niềm tin đó mà ta chia sẻ chân lý, ngược lại khi không có được sự tin tưởng của người thì thật là chưa đến thời điểm để thuyết pháp, trường hợp này ta nên sống trong chính niệm, hành các việc tự lợi, lợi tha mà cảm hoá người thì cũng là sự thuyết pháp thiện xảo. Thiếu, yếu và ngoài một trong tứ-khế nêu trên thì chọn ai để thuyết pháp cũng là sai, 

...mà sai cũng là đúng. Đúng ở chỗ, pháp Phật vốn vi diệu, trong nhiều khế kinh Phật thuyết có những chúng sinh dù hàng vạn kiếp ở địa ngục, nhưng vì nhân duyên ở thời quá khứ có một lần từng nghe đến danh hiệu Phật hay đã từng nghe một câu một điều về Chân lý mà hoát nhiên tỉnh ngộ để "buông đao rồi thấy bến bờ giác ngộ". Đây cũng chính là cốt yếu để chúng ta hằng ngày năng tu Pháp niệm Phật và thực hành những việc thiện lành làm cho chủng tử thuần thiện đó được huân tập vào tàng thức, giúp mình, giúp người, rồi khi nào đó sẽ tự giác ngộ được Chân lý, diệt trừ hết vọng niệm thì vào được đạo Vô thượng.

Nói thêm: 
      Đối với chúng sinh ở lục đạo luân hồi, khi còn có tướng thì bị giới hạn bởi không gian, có mệnh nên bị giới hạn bởi thời gian, nghĩa là đời sống có hạn lượng, nhân duyên làm người được là khó, đời sau chắc gì đã sinh lại làm người, như kẻ-giết-người chắc chắn bị pháp luật tử hình, vì cái nhân đời này mà không biết đến đời nào mới lại thành người được, cho nên giúp những hạng người này biết về pháp Phật để sám hối nghiệp chướng và gieo duyên Phật pháp thì quý lắm thay. Cũng như pháp phóng sinh vậy, khi đã phát tâm Bồ đề thì thường hành hạnh từ bi hỷ xả, giúp đỡ các vật cần thiết nhất cho người là bố thí, cứu người cứu loài sắp mất mạng là phóng sinh; cụ thể như vào chợ thì nên cứu ngay những con vật sắp chết như ốc, cá ( vì các loài này khi bị bắt sau một ngày nếu không được phóng sinh thì sẽ chết cả và chết số lượng lớn )... Đó là nói về các sự gần xa theo chính lý.

      Nếu là người biết và hiểu về Phật pháp cơ bản thì sẽ thấy được vạn hữu đều là pháp tương đối, đều là không, đều là bất nhị. Vì tương đối cho nên các lựa chọn sẽ đúng theo từng quan niệm, vì là Không nên bản thể bình đẳng không có phân ra danh tự khác nhau, vì là Bất-nhị nên bạn cũng là tôi, sinh viên, giáo viên, kẻ buôn động vật hay kẻ giết người là như nhau ở tính tương tức. Tương tức là dựa vào nhau mà có, nghĩa là cái danh giáo viên có được khi có cái danh là học sinh sinh viên. Kẻ buôn động vật để giết thịt là không có nếu như sinh viên, quan lại, giáo viên... không có ăn thịt...

      Hiểu như vậy, biết như thế nên trong cuộc sống đừng nên để mình phải vướng mắc vào điều kiện gì dù đó chỉ là cuộc chơi, câu hỏi vui,... Một niệm cũng là một pháp, một chủng tử xấu nếu nó là cái nhân đưa đến sự so đo về thắng thua, giống-khác, hơn kém...; tất cả những so đo đó sẽ bắt đầu cho các nỗi khổ niềm đau mới mà thôi.

Nếu như phải trả lời cho câu hỏi này, xin đề lại câu thơ của ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ là thầy của ngài Sơ tổ Trúc Lâm, xem ra có lợi ích hơn vậy:
" đang yên tự chuốc nguy
Nếu không leo cây nữa
Trăng gió làm được chi! "