Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Vấn đề giảng pháp và Tứ Khế


     Bạn là người hiểu về Phật Pháp, bạn rất muốn được chia sẻ và nếu có một cơ hội duy nhất, giảng Pháp cho một người duy nhất, bạn chọn ai trong 5 người sau đây để giảng pháp?
1. Sinh viên2. 
Người buôn động vật
3. Tên tội phạm giết người
4. Quan chức
5. Giáo viên
-------------

Trả lời:
      Nếu nói về hiểu Phật pháp thì điều đầu tiên là phải rời sự-phân-biệt, tránh cái tranh đua về hơn-thua giống-khác ở cái Lý, vì lý bàn nhiều mà không có hành động thành ra hý-luận. Đạo Phật vốn trọng cái Hạnh hơn cái Trí. Cho nên việc chia sẻ Phật pháp cốt ở hiệu quả, không phải là giảng cho có , về việc giảng để lấy danh lấy vọng lấy điểm, xưa chư Tổ đã từng nói:

" khóc dù đến chảy máu ra,
chi bằng ngậm miệng cho qua một đời ".

      Lại nữa, Hành đạo cốt ở hai chữ " Tuỳ Duyên ", duyên đây là điều kiện thuận lợi nhất. Thế nào là thuận, Phật dạy rằng, thuyết pháp phải có tứ khế: căn cứ vào hiểu biết hiện tại của người mà nói những điều lợi ích gọi là Khế-Cơ, khế-lý là nói những điều phù hợp với vướng mắc của người, giúp người có cái chính-duyên để tự giải thoát các nỗi khổ niềm đau, tuỳ vào địa điểm mà thuyết pháp, tránh vừa ăn thịt uống rượu vừa nói pháp gọi là Khế-địa; cuối cùng là khế-thời, tuỳ theo cơ hội mà thuyết pháp độ sinh, như khi người khác tin tưởng mình thì nhân cái niềm tin đó mà ta chia sẻ chân lý, ngược lại khi không có được sự tin tưởng của người thì thật là chưa đến thời điểm để thuyết pháp, trường hợp này ta nên sống trong chính niệm, hành các việc tự lợi, lợi tha mà cảm hoá người thì cũng là sự thuyết pháp thiện xảo. Thiếu, yếu và ngoài một trong tứ-khế nêu trên thì chọn ai để thuyết pháp cũng là sai, 

...mà sai cũng là đúng. Đúng ở chỗ, pháp Phật vốn vi diệu, trong nhiều khế kinh Phật thuyết có những chúng sinh dù hàng vạn kiếp ở địa ngục, nhưng vì nhân duyên ở thời quá khứ có một lần từng nghe đến danh hiệu Phật hay đã từng nghe một câu một điều về Chân lý mà hoát nhiên tỉnh ngộ để "buông đao rồi thấy bến bờ giác ngộ". Đây cũng chính là cốt yếu để chúng ta hằng ngày năng tu Pháp niệm Phật và thực hành những việc thiện lành làm cho chủng tử thuần thiện đó được huân tập vào tàng thức, giúp mình, giúp người, rồi khi nào đó sẽ tự giác ngộ được Chân lý, diệt trừ hết vọng niệm thì vào được đạo Vô thượng.

Nói thêm: 
      Đối với chúng sinh ở lục đạo luân hồi, khi còn có tướng thì bị giới hạn bởi không gian, có mệnh nên bị giới hạn bởi thời gian, nghĩa là đời sống có hạn lượng, nhân duyên làm người được là khó, đời sau chắc gì đã sinh lại làm người, như kẻ-giết-người chắc chắn bị pháp luật tử hình, vì cái nhân đời này mà không biết đến đời nào mới lại thành người được, cho nên giúp những hạng người này biết về pháp Phật để sám hối nghiệp chướng và gieo duyên Phật pháp thì quý lắm thay. Cũng như pháp phóng sinh vậy, khi đã phát tâm Bồ đề thì thường hành hạnh từ bi hỷ xả, giúp đỡ các vật cần thiết nhất cho người là bố thí, cứu người cứu loài sắp mất mạng là phóng sinh; cụ thể như vào chợ thì nên cứu ngay những con vật sắp chết như ốc, cá ( vì các loài này khi bị bắt sau một ngày nếu không được phóng sinh thì sẽ chết cả và chết số lượng lớn )... Đó là nói về các sự gần xa theo chính lý.

      Nếu là người biết và hiểu về Phật pháp cơ bản thì sẽ thấy được vạn hữu đều là pháp tương đối, đều là không, đều là bất nhị. Vì tương đối cho nên các lựa chọn sẽ đúng theo từng quan niệm, vì là Không nên bản thể bình đẳng không có phân ra danh tự khác nhau, vì là Bất-nhị nên bạn cũng là tôi, sinh viên, giáo viên, kẻ buôn động vật hay kẻ giết người là như nhau ở tính tương tức. Tương tức là dựa vào nhau mà có, nghĩa là cái danh giáo viên có được khi có cái danh là học sinh sinh viên. Kẻ buôn động vật để giết thịt là không có nếu như sinh viên, quan lại, giáo viên... không có ăn thịt...

      Hiểu như vậy, biết như thế nên trong cuộc sống đừng nên để mình phải vướng mắc vào điều kiện gì dù đó chỉ là cuộc chơi, câu hỏi vui,... Một niệm cũng là một pháp, một chủng tử xấu nếu nó là cái nhân đưa đến sự so đo về thắng thua, giống-khác, hơn kém...; tất cả những so đo đó sẽ bắt đầu cho các nỗi khổ niềm đau mới mà thôi.

Nếu như phải trả lời cho câu hỏi này, xin đề lại câu thơ của ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ là thầy của ngài Sơ tổ Trúc Lâm, xem ra có lợi ích hơn vậy:
" đang yên tự chuốc nguy
Nếu không leo cây nữa
Trăng gió làm được chi! "

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét