Tập thơ: Minh Tâm


Tập thơ: MINH TÂM
( Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng )



Tác giả: KHÔNG, CÓ
Không đây là chẳng có chi,
Có thì cũng chẳng là gì nên Không,
Không đây chẳng phải có-không,
Có là Diệu-Hữu, Không là Chân-Không.

Bài 1.
Chùa Giải Oan đây Đức Quan Âm
Nghe cầu và cứu độ chúng sinh
An vui giải thoát hết não phiền
Đến cửa thiền người người tu thiện
Đây suối nguồn cam lộ thiêng liêng
Nghe Phật sinh linh quy Chính Pháp
Vững lái thuyền từ qua biển khổ
Bên kia: Bờ giác đến nơi rồi.

Bài 2.
Oan oan giải giải oan đâu giải
Thân, tâm, ngã, pháp ấy: Chân Không
Trí, ngôn, đắc,hành: là Vô tướng
Quá khứ hiện tại đến vị lai
Thuận theo chính Chân vốn không mê
Nguyện tu Phật thừa là vô ngộ
Bờ mê huyễn hóa như trò dối
Thuyền từ phương tiện độ chúng sinh
Bến giác an trụ mà vô trụ.

Bài 3.
Tới Thiên Trù ban trưa
Chùa rộng Đạo hữu thưa
Tam Bảo đông người lễ
Đã ai thấy Phật chưa?

Vạn vật vốn bất sinh
Vạn sự nguyên bất diệt
Lễ Tam Bảo là lễ, 
Lễ Phật tại Tâm mình.

Bài 4.
Tùy duyên đối cảnh không đảo điên
Phóng xả tạp duyên nỗi ưu phiền
Ta tạm ở đây nơi trần thế
Hương Tích nghe Tổ pháp Định thiền.

Bài 5.
Khiêm nhường là có giải thoát tâm
Phóng xả muôn duyên : tự tại tâm
Đối cảnh gặp nhân : tâm bất loạn
Từ Bi cứu độ : kiến Chân Tâm.

Bài 6.
Tới bến đục trong nắng
Đục trong là tại tâm
Nay ta về lễ Phật
Tâm, Phật : có xa gần ?

Tâm ta đồng tâm Phật
Giác ngộ : thiện Phật tâm
Trong đục : tâm biến hiện
Phật tâm : chẳng trong ngoài.

Bài 7.
Vi diệu nhân duyên Phật đản sinh
Hằng giang: một dải nối bao miền
Sen vàng bảy đóa: đôi chân ngọc
Mầu nhiệm cơ thiền: độ chúng sinh

Bài 8.
Ngũ hương bảy đại: tự miên miên
Tam giới gian nan: ấy chẳng phiền
Phúc thọ vô biên: nguyện độ chúng
Tư tu văn cách thượng thừa thiền.

Bài 9.
Phù phiếm: là rỗng không
Thật Chân chính: Chân không
Tướng huyễn kia: giả huyễn
Chính thiền Định: Dung thông.

Bài 10.
Nguyện độ chúng sinh chẳng buông lơi
Dù cho trải đến mãi vạn đời…
An vui, may mắn: là chính nghĩa
Theo bước Như Lai tới nơi nơi.

Bài 11.
Phật tính xưa nay vốn vẫn đồng,
Mênh mông biển pháp tự viên thông.
Suy đi nghĩ lại thành ma chướng,
Vô lượng sắc tướng chỉ một tông. 
Phân biệt Tây Đông thôi đứng lại,
Tâm này khóa chặt chớ lông bông
Bao giờ công đức đều viên mãn,
Pháp tính viên thông ấy Chân Không.

Bài 12.
Chính quán Quan Âm đã luyện tu :
Quán Chân đã phá hết lao tù
Quán tâm thanh tịnh không còn nhiễm
Quán Từ, bi quán : hết mê ngu
Quán Chân Trí Tuệ : là tinh tiến
Quảng đại Phật thừa : nguyện tịnh tu
Chính tín chúng con : nghe Phật dạy
Muôn đời, muôn kiếp : khó không từ.

Bài 13.
Tu thấy Chân tâm mới thật tu
Sáu trần : vô trược, sáu căn thu
Nhậu ăn, tà dục là: mê muội
Hám lợi, cầu danh sẽ : hỏng hư
Biết đủ, biết dừng đây sự thực
Chấp thường, chấp đoạn đó là ngu
Nguyện cho thế giới thêm thanh tịnh
Tà chính phân minh, rõ thật hư.


Bài 14.
Muôn sự chẳng có người với ta
Nhân duyên chưa có Quả đâu ra
Ơn thầy, nghĩa bạn là vô lượng
Đồng đắc lạc bang : thoát Sa bà.


Bài 15.
Tam quan ba cửa,
Không ngoài, không trong
Có Không, Có Giả là Trung đạo
Nhất tâm tam quán thượng thừa thiền
Không đây : là chẳng não phiền
Giả là : Tâm quán thoát miền vô minh
Trung này : Không chấp nhị nguyên
Không còn đối đãi : chu viên đạo huyền.

Bài 16.
Thế sự hơn nhau cảnh đèo bồng
Thầy trò, bố mẹ, vợ với chồng
Nằm nhà hết việc chân duỗi thẳng
Thịt béo, say sưa : ngã chổng mông
Bữa nọ quyền to hô và hét
Giờ đây thất thủ bước nháo nhông
Xưa nay được mất đều cũng thế
“Biết đủ” sẽ hơn lắm gai chông.


Bài 17.
Quán thân bất tịnh
Sự vật tướng tâm
Huyễn huyễn minh minh
Chẳng mình chẳng vật
Thân là bất tịnh.

Thụ quán là khổ
Khổ hạnh là tà
Có vui, sẽ khổ
Thế tục mãi khổ
Quán thụ thị khổ.

Quán tâm vô thường
Chạy khắp mọi đường
Tạo lắm tai ương
Chấp thường chấp đoạn
Cõi tục: vô thường.

Quán pháp vô ngã
Sinh diệt giả dối
Duyên diệt, duyên sinh
Người không, ta chẳng
Luân hồi: vô ngã

Bài 18.
Vì tối cho nên phải thắp đèn
Ít nhiều thấy cũng đã quen quen
Buồn vui sướng khổ sinh rồi diệt
Cao thấp được thua đỏ lại đen
Ngu muội đắm chìm vào danh, lợi
Tham lam, sân giận hóa nhập nhèm
Nói nghe làm thiện: là tinh tiến 
Vì tối cho nên phải thắp đèn.

Bài 19
Giác Ngộ khi xưa cội Bồ Đề, 

Thế Tôn tỏ rõ đường về Chân Như. 

Chúng con giờ cứ huyễn hư, 

Đuổi hình bắt bóng cũng từ tâm mê. 

Nơi xa con đã trở về, 

Nơi đây cõi Phật Bồ đề tâm linh.

Đạo tràng vang vọng lời kinh, 

Xóa trong con những ngục hình thế gian.
Ngày xưa sinh tử gian nan, 

Ngày nay ơn Phật Niết bàn nguyện tu. 

Bài 20
Thân xác hao gầy há đáng than

Phải chăng Hạc cả lánh gà đàn

Tiền tài danh vọng nào ai chẳng!?

Một niệm tu hành sạch thế gian.

Bài 21
Chẳng phải Xuân về mới trổ hoa,

Cũng từ Xuân đến, tết nhà nhà. 

Tình người tính cảnh, đâu phân biệt,

Đời Đạo một nhà, không tách xa. 

Mùa Hạ hoa tàn, Xuân lại nở,

Mê mờ trí tuệ, học thông ra. 

Phải chăng Xuân Hạ vòng xoay ấy,

Tỉnh thức đêm ngày mới chính ta.

Bài 22
Tịnh độ tự tâm thành,

Đạo tràng : chốn tịnh thanh.

Tu hành từng bước một,

Tích tụ: biển mới thành.

Bài 23
Bởi muốn nhanh nên lại cứ cầu
Đời người bọt nước phải thông sâu
Sáng còn ửng đỏ đôi gò má
Tối đã bạc phơ nửa mái đầu
Chính niệm tu hành từng phút giây
Mong chờ không thể đạt ngay đâu
Nếu không dù ở đâu chăng nữa
Ngồi đứng ra sao cũng bạc đầu.


Bài 24
Chẳng phải Thu về Nhạn mới bay,
Cười cho thế sự trả rồi vay.
Sao không chính niệm rời năng-sở,
Tỏ bản tâm xưa chẳng khác nay. 

Bài 25
Thế gian muôn kiếp cứ lăn trôi
Đàn đúm đua đòi ăn với chơi
Còn học còn tu còn đắc đạo
Không tu hết phúc lại luân hồi
Xưa nay mong được đời Vô-Sự
Ai có nào ưa sinh tử thôi
Như thế mới hay nhân quả đúng
Sống không tu chỉnh chết đến nơi!.

Bài 26
Ở nơi tâm địa mới chân tu
Vui xuất thế gian lục căn thu
Thi thoảng dạo chơi đầu chóp núi
Cười to một tiếng biến không hư.

Bài 27
Hương Tích ngự dải núi Hồng. 
Núi Hồng một dải thinh không xa mờ. 
Cùng về với cảnh nên thơ. 
Cùng ngồi tĩnh tọa thuận cơ tu hành. 
Trúc, Thông rừng núi tịch thanh. 
Tịch-Thanh thì mới mong thành Chân Như. 
Đời người lắm sự huyễn hư. 
Cũng từ chấp trước, đó từ tâm mê. 
Đạo thời chẳng có tung hê. 
Từ Bi Hỷ Xả, Ta về chính Ta.    

Bài 28
ĂN-CHAY-MẶN
------------------
VỀ ĂN
Hay nhất là vẫn ĂN NĂN
Để cho phiền-não chẳng ăn mất mình
VỀ CHAY
Hay nhất là vẫn CHAY TRƯỜNG
Để cho vọng - tưởng chẳng đường nào đi. 
VỀ MẶN
Hay nhất là MẶN tấm lòng
Để cùng sinh chúng một lòng Quy-Y.

Bài 29
Đại Binh tĩnh mịch cõi Hương Thiên 
Có bóng hình ai trước cửa thiền
Thuở trước anh hùng lưu sử sách 
Giờ đây còn lại hạnh trung kiên 
Một thanh gươm vạch trời ngang dọc,
Bão táp há dời được nguyện riêng. 
Đại địa viên dung là đúng lý
Chẳng còn tướng ngã, chẳng còn phiền.


Bài 30
Nhàn nhàn tính lại chuyện Đạo - Đời
Lên lên xuống xuống đã mấy nơi
Xoay vần sinh tử đời là có
Sống mà buông xả Đạo lại không
Như vậy Đạo - Đời là bất nhị
Còn chi chi nữa chuyện Đạo - Đời. 

Bài 31
Đã lâu theo cảnh chẳng về nhà

Nhớ tiếng chuông chùa vọng rất xa.

Thung thẳm núi cao chim đua hót,¹

Rừng già mây rũ với ngàn hoa.

Rêu phong cạnh đá in bóng núi,

Đầy vơi dâu-bể đã trôi qua.

Bao giờ mưa bão đời ngừng nhỉ?

Ta lại đi về với chính ta.

Bài 32
Nhạc được thế này chẳng tự nhiên, 
Sơn-Khê cùng người thật nhân-Duyên.
Xuân về, hoa nở bờ suối Yến,
Khách đến, gió đưa nhạc vấn thiền.
Êm ả lời kinh xua nắng nóng,
Bồng bềnh giai điệu, tán sen nghiêng. 
Ai mong trèo non tâm không loạn,
Trẩy- hội mau về với Hương-Thiên.

Bài 33
Quang Minh biến chiếu mãn Nam Thiên
Phúc tuệ từ bi chính pháp truyền
Đại hỷ Đại bi kim tướng hiện
Hậu lai kiến Phật nguyện tâm-viên.             


Bài 34
Vô minh không tỏ Chân thường
THÂN- người tạo lắm cảnh tang thương. 
MIỆNG-Nói nên suy nghĩ kỹ 
Bởi vì nhân khẩu lắm tai ương. 
Ý-Lại tham cảnh ven đường
Gây nên vọng tưởng tại Tâm - Vương 
..()..
Ba nghiệp giờ nên thanh tịnh lại
Giữ cho ngựa Ý khỏi đứt cương. 
Đối đãi sở năng đều buông bỏ 
Để cho căn - Ý hết so lường. 


Bài 35
Chẳng phải Xuân về mới trổ hoa,

Cũng từ Xuân đến, tết nhà nhà. 

Tình người tính cảnh, đâu phân biệt,

Đời Đạo một nhà, không tách xa. 

Mùa Hạ hoa tàn, Xuân lại nở,

Mê mờ trí tuệ, học thông ra. 

Phải chăng Xuân Hạ vòng xoay ấy,

Tỉnh thức đêm ngày mới chính ta. 


Bài 36

Hoá ra
nếu không phân biệt
Là ta có được
Niết bàn ngay thôi. 

Hoá ra
đi đứng nằm ngồi
Tâm luôn chính niệm
Tức thời lạc an. 

Hoá ra
Để được an nhàn
Chỉ cần vứt bỏ tham sân thôi mà!

Hóa ra
Mạt pháp nhiều ma
Nếu không quy Phật,
Chính tà khó phân

Hóa ra
Tu mới có phần
Phúc đức, trí tuệ
vạn lần tinh thông.

Hoá ra
Vạn vật tính không
Như như vô ngại
Sắc-không vẫn đồng. 

Hoá ra
Tu phải lập Tông
Nếu không dễ lạc
Chấp không - có liền

Hoá ra
Học phải tiến lên
Nếu không khó thoát
Vô minh sâu dày.

Hoá ra
Tinh tiến đêm ngày
Thì ta sẽ tỏ lời Thầy truyền trao

Hoá ra
Giảng pháp thao thao
Mà không hành Đạo,
chẳng bao giờ thành. 

Hoá ra
Sống đời tịnh thanh
Chúng ta sẽ sớm Viên thành Chân như.

Hoá ra
Mọi sự huyễn hư
Là do chấp trước,
do từ tâm mê. 

Hoá ra
Tâm chẳng khen chê
Thì ta có được bạn bè tình chân. 

Hoá ra
Sống chẳng chính-Nhân
Sao ta có được cơ gần chính Duyên. 

Hoá ra 
khi gặp chính Duyên
Nếu không tinh tiến, lại phiền chính-Nhân. 


Hoá ra
Sống bỏ hoa-cân
Thì ta có được, não phiền trôi xa

Hoá ra
Sống ở Ta Bà
Từ bi hỷ xả thì ta Bồ Đề.!


Bài 37
Chẳng Chân nên mới nhiễm trần
Thân-Tâm vô ngại chẳng gần sân si
Tính-Chân khởi dụng Từ-Bi
Chính tà khởi niệm gốc thì Chân -Như 
Bởi Chân nên vật Như-như 
Chẳng mê chẳng vọng đó từ Chân - Tâm.

Bài 38
Chấp ngã ấy rỗng-không 
Tự tại đắc tính-không
Danh hình Không tự tính
Chính niệm được chính-Tông.

Bài 39
Không chỗ đến đi không chốn về

Đạo đâu có "hữu" để tung hê

Ngày ngày chính niệm thường tinh tiến

Chưa được Pháp-Thân cũng Bồ-Đề.         


Bài 40
Thấy khổ vô tình
Chẳng gần thật tính
Theo Giả xa Chân
Sống chỉ mỗi mình 
Vô minh !!!
Sinh diệt thị Không
Nhân quả lập Tông
Tính Phật vẫn đồng
Ngộ Không !!!

Bài 41
Bao nhiêu năm rồi vẫn lơ mơ,

Chuông mõ âm vang cứ hững hờ.

Người nói người nghe chừng đã hiểu,

Ta mừng ta lại tỏ lời thơ.
Ai cùng với nhau thời tri đạo,

Mới rõ lòng kia thực chẳng mờ.

Bài 42
Giác rồi thấy vật vẫn thường

Ngộ bao vọng niệm vẫn thường che Tâm

Giải đi những kiến thức nhầm 

Thoát vô minh đã giam cầm Chân Tâm. 

Bài 43
Đời tu là sự trốn - tìm
Xa trốn vọng niệm, gần tìm Chân Tâm. 
Ngày-sau ngộ pháp thậm-thâm
Ứng vào tượng gỗ cười thầm ngày-xưa. 

Bài 44
Thế sự muôn đời chỉ có thi,

Không thua chẳng thắng ấy Vô Vi.

Khua tan vọng niệm hồi chuông sớm

Xóa sạch vô minh: tu quán-chỉ 

Đức Phật thị hiện vì chúng sinh

Niết Bàn trực nhận nếu chân tu

Rồi khi đã rõ ràng phân biệt, 
Sẽ chẳng reo-hò chẳng đến-đi.

Bài 45
Quán chỉ đó chính quán không
Vật không tự tính là thông trí rồi
Sau lại tinh tiến không thôi
Nhất tâm chính niệm đứng ngồi lạc an
Chân Tâm chẳng thể nghĩ bàn
Phẩm nào cũng để tâm vào Chân-Không. 

Bài 46
Nắng vàng 
hé nụ tầm Xuân 

Kéo nhân gian dậy 
tình Chân Đạo tràng.

Xuân về 
dậy tiếng cười vang,

cho không gian vỡ 
tan màng vô minh.

Xuân về 
Ta lại chính mình
Mặc nguyên Xuân dậy
Mặc tình nhân gian. 

Bài 47.
Vạn pháp bản lai chẳng có không
Có chăng thế tục: nợ đèo bồng
Không là không tướng: ta cần rõ
Diệu hữu, Chân không : vốn vẫn đồng.

Bài 48.

Tâm gì?
Chẳng có ồn ào
Chẳng cơn sóng dậy,
chẳng gào thét chi. 

Tâm gì?
Là lý Vô vi
Là cơn gió nhẹ,
xoá đi huyễn tình. 

Tâm gì?
Chẳng đục, chẳng trong
Không đi không đến,
thoát vòng tử sinh. 

Tâm gì? 
Vô tướng, tuệ quang
Chẳng sinh chẳng diệt
Tùy duyên, hóa thành.

Tâm gì?
Thật tướng vẹn toàn
Sướng vui cũng mặc
Chẳng cần lợi danh.

Tâm gì?
Vạn vật hóa thành
Như như vô ngại,
Thể là Chân như.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét