Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Thiền độ Vô cực


QUẢ THIỀN
-----------------
Ngồi ngồi ngồi,
cho lồi cái phiền não
Xào xáo xào,
cho thạo mọi cảnh-tiền.
Thiền thiền thiền,
cho tâm điên nó hết!
Phân biệt hết hết,
Cho chết cái tử sinh.
( Bài thơ QK viết tặng Thầy Kiến Nguyệt,Thiền viện trúc lâm Tây thiên ).




Bàn về thiền có nhiều, xưa nay có sự nhầm lẫn giữa quả thiền đạo Phật và quả thiền ngoại đạo, nhân ngày cuối tuần thưởng trà tản mạn bên dòng sông MêKoong, chúng tôi mạn đàm về Thiền học, mục đích bước-đầu tìm hiểu để những bước-sau được rõ ràng, tránh tạo ra cái nhân sai lầm rồi gánh phải cái quả báo trầm trọng.

Ngồi ngồi ngồi,
cho lồi cái phiền não…
(Ý nói, thiền toạ giúp cho cái thân được an ổn, làm duyên cho việc nhận diện các tâm hành).
Chúng tôi lâu nay về thiền cũng có thực tập, nói về lý thiền thì đi đứng nằm ngồi gì gì cũng thiền được, như đi có thiền hành, ngồi có thiền toạ, nằm thì có ngoạ thiền…, nghe đâu ở pháp môn Làng Mai bên Pháp còn phát triển thiền tắm, thiền đàn, thiền hát nữa…Về thực tập thiền có nhiều phương pháp, cốt yếu dựa trên tư duy chính-niệm, căn bản này giúp hành giả gột bỏ vọng niệm điều tâm đến cảnh giới vô-niệm gọi là nhất-tâm. Người tu đạo Phật, nói đến nhất-tâm là nói đến cảnh giới cao tột và cũng là mục đích hướng tới của các pháp môn khác nhau, dù là thiền tông, mật tông, tịnh độ tông hay duy thức tông...
Trong thiên kinh vạn quyển truyền lại, có môn khi dùng tướng để nhập tính như Duy thức tông thuộc về pháp-tướng hay chỉ thẳng về tính như kinh Bát Nhã thuộc về pháp-tính,… dù phương pháp chỉ bày có khác nhau nhưng tựu chung cũng để dẫn hành giả về nơi Bảo-sở, thấy được Bản lai diện mục hay cũng là lúc đạt được Thiền-độ-vô-cực. Khái niệm thiền-độ-vô-cực này chúng tôi nêu ra theo cảnh giới thiền chứng của ngài Khương Tăng Hội, vị Tổ sư Thiền của nước Việt.
Thiền-độ-vô-cực là trạng thái nhất-chân-như-tâm. Kinh Đại Định Thủ Lăng Nghiêm tu chứng mật nhân liễu nghĩa, Phật thuyết về giáo lý viên thông từ Tiểu thừa đến Đại thừa, xuyên suốt bộ kinh chỉ bày cho chúng sinh tỏ rõ được bản tâm vốn thanh tịnh, vốn thường nhất-tâm. Cốt yếu của kinh Thủ Lăng Nghiêm nằm ở đề mục của thần chú Thủ Lăng Nghiêm, mật ý ở câu: Maha, tát đát đa, bát lát ra. Trong đó Ma-ha là Nhất-chân-như-tâm nghĩa là kiên-cố, Tát-đát-đa là tự tính thanh tịnh tâm ( viên mãn), Bát-đát-ra là diệu dụng từ bi phổ độ chúng sinh ( cứu kính ). Về tu hành để đạt được định kiên cố Maha theo như kinh điển truyền lại là cả một chặng đường miên mật tu hành, quãng đường đó có khi dài tới ba A-tăng-kỳ-kiếp (theo Phật học danh số thì một kiếp là chuỗi số tự nhiên bắt đầu là số 1 và có 400 con số không) cũng có nghĩa là một kiếp sô vô lương, người tu Phật thì không mong chờ cái quả, bởi mong cầu dễ thành ra vọng tâm. Một con đường dù có xa xôi thế nào thì chăm chỉ tiến lên một ngày ắt sẽ tới:
Mọi sự đều phải tự ta
Cơm ăn áo mặc cũng thế mà
Đường xa vạn dặm đi là tới
Muôn nẻo luân hồi: bước chân ra!
Có người nói tu Thiền khó mà không khó, thiền khó ở chỗ làm sao để nhất tâm, cái tâm của chúng ta nghĩ lâu nay là cái tâm phân biệt, tâm ưa tâm ghét từ nguồn cấp vô tận ở mắt, ở tai, ở mũi, ở lưỡi, ở thân, ở ý, khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần sẽ tạo ra các tâm thức sai biệt theo các hoàn cảnh khác nhau, những tâm niệm lăng xăng này liên tục sinh diệt không gián đoạn, cụ thể trong một sát na có tới 960 niệm sinh khởi,… Pháp tướng tông có 100 tâm pháp khác nhau, để đưa bách tâm vạn thức này trở về một-tâm ( nhất tâm) quả là rất khó, khó bởi sự đời của chúng sinh đôi khi chỉ yêu cái tiếng nói nhưng ghét cái dáng hình, rồi lúc khác lại ưa cái mềm mại bóng bẩy mà chối từ cái thô cứng kệch cỡm…Tuy vậy, việc đại sự này dù là khó nhưng chư Phật, chư Tổ đã làm được và chỉ bày lại cho chúng ta tới 84 ngàn phương pháp để đưa về nhất-chân-như-tâm, vì có đường đi rõ ràng của Phật mà nhất-tâm xem ra cũng không còn khó nữa, thông thường có sự gì việc gì chỉ cần ta kiên trì cố gắng đều thực hiện được, dù là to lớn như tát sông tát bể đến tinh vi như vẽ cỏ tạo kim.., đó là ý nghĩa như đã đi đúng đường rồi thì dù có xa thế nào đi mãi cũng sẽ tới, vấn đề ở chỗ chúng ta có quyết tâm đi hay không.
“Xào xáo xào,
cho thạo mọi cảnh-tiền.”
"Thiền không khó, khó ở nhất-tâm, nhất-tâm cũng không khó, khó ở quyết tâm."

Quyết tâm thì ai cũng sẵn, chúng ta có quyết tâm Thiền tập nghĩa là chúng ta có quyết tâm tu hành để được cái an vui mãi mãi, cần lắm hạnh phúc chân thật đó bởi chúng ta khổ đau đã nhiều rồi. Khi đã có kinh nghiệm về Khổ đau, chúng ta dựa vào "tri-khổ" mà quán xét các nguyên nhân dẫn đến những cái đau ở thân, những cái khổ ở tâm, nghĩa là mổ xẻ kinh nghiệm đã tạo ra các nỗi khổ niềm đau đó, việc chúng ta nghiệm lại các hành động gây ra từ thân-khẩu-ý để tỏ rõ được nguyên nhân phiền não từ tham-sân-si, như vậy có thể nói vui: “kinh nghiệm là nghiệm lại mà thấy kinh”.! Việc soi xét nhân quả giúp chúng ta tiến tới đoạn trừ các nguyên nhân gây khổ gọi là đoạn-tập. Tiến trình loại bỏ kết-sử này, là loại bỏ các kết-tập trong tâm gồm các thói quen mê lầm như tà kiến, giới cấm thủ kiến, những kết sử này sẽ sai-sử chúng ta tạo nghiệp thông qua thân-khẩu-ý. Phương pháp giải quyết vấn đề cụ thể ở đây nhà thiền gọi là" thắp sáng hiện hữu", nghĩa là chính niệm trong các hoạt động của thân của khẩu của ý.
Bàn về chính niệm có hai, gồm ức-niệm và quán-niệm. Ức niệm là mỗi hành động chúng ta thường nhớ tới tứ ân, biết ơn chư Phật đã chỉ bày cho chúng ta con đường thoát khổ, biết ơn cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục, biết ơn bè bạn hỗ trợ trong công ăn việc làm, biết ơn xã hội đã cho ta môi trường thuận lợi... Ức niệm giúp cho mỗi mỗi hành động của thân của tâm hướng tới việc đưa lại lợi ích cho mình cho người ngăn không cho các vọng tâm tà niệm phát khởi. Quán niệm là quán sát các pháp vốn hư huyễn không có thật thể, quán như vậy để loại trừ tâm chấp đắm có nhân-ngã và pháp-ngã, quán niệm để thấy thế gian là huyễn ảo là giả là không thật nhưng chúng ta vẫn theo hạnh của Bồ Tát, phát tâm làm các việc công đức để giúp chúng sinh từ bỏ vọng niệm trở về với bản tính chân thật. Có ức niệm và quán niệm nghĩa là có được “tam luân không tịch” tức là chúng ta hành đạo mà không thấy có người hành đạo, không thấy có pháp phải hành và không thấy có người phải cứu độ, đây chính là ý của câu: "...độ nhất-thiết khổ ách..." trong kinh Bát Nhã. Chữ nhất-thiết nghĩa là không có số mục, vì không số mục nên là vô lượng vô biên, cũng là khái niệm toàn thể toàn dụng của pháp giới, đồng với công đức viên mãn của chư Đại Bồ Tát đã đắc quả vị Phật.
…Thiền thiền thiền,
cho tâm điên nó hết!...
Nói tổng quát theo kiểu quan sát viên về thiền học; câu khẩu lệnh về thiền của ngài Bồ Đề Đạt Ma như sau: “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”, tức là pháp môn truyền lại không hệ thuộc vào giáo nghĩa, không căn cứ vào văn tự, đi thẳng vào lòng người, thấy được bản tính là thành Phật.
Hay quá!,
chúng ta chỉ cần thấy được bản tính là thành Phật, vậy bản tính là thế nào?, Quảng Kiến tôi cách đây ba năm, hồi mới Quy Y, rất bồng bột, đã ôm ấp và tìm kiếm hai chữ bản-Tính này, loay hoay ở Việt Nam rồi sang Trung Quốc, tới Nhật Bản rồi qua Ấn Độ (đi du lịch thôi! )… nói chung hầu như lúc nào cũng muốn nhặt ngay được ở đâu đó cái bản-Tính của Tổ Đạt Ma, mưu: cũng là để nhanh chóng được thành tựu. Nhân duyên Tam Bảo gia hộ thế nào mà chuyến hành hương chiêm bái tứ động tâm ở Ấn Độ tôi mơ hồ nhajnaj được Bản-Tính.
Đây rồi!
Bạn biết tôi tìm thấy như thế nào không?
Xin dài dòng kể lể như sau:
Nhân tránh cơn mưa, tôi vào sâu trong một ngôi tháp tưởng niệm tại bồ đề đạo tràng, nơi tuần thứ hai sau khi giác ngộ đức Phật đã ngồi thiền trong bảy ngày, ngài gướng về cội Bồ Đề đã che chở mình trong suốt 49 ngày đêm thiền định để tỏ lòng tri ân. Chiều hôm đó mưa rào kéo dài, tránh mưa đã lâu tôi lấy máy iphone3, bật roaming vào internet. Rồi, cái gì tới nó cũng tới, thật là may mắn, tôi đã tìm thấy được Bản-Tính!!!
Vâng!, nói đúng ra tôi đã tìm thấy câu định nghĩa về Tâm và Tính trong Google. Định nghĩa này khá hay!, xin được chép lại như sau:
Tâm là bể của vạn pháp, do từ một thật tế mà sinh ra. Tính là gốc của vạn hạnh, do từ một tâm mà hiện dùng. Diệu minh đầy đủ, tuệ giải tròn thông. đầy muôn trọn pháp duy một Lý, xuyên suốt muôn thuở chỉ một Tâm. Buông ra thì lấy ít làm nhiều, thu vào thì lấy nhiều làm ít. Buông ra lớn không gì ngoài, thu vào nhỏ không gì trong.”
Như vậy đủ để chứng minh Bản-Tính có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu, không phải là về tận quê hương của Phật lịch Sử mới thấy. ( bởi internet hiện đâu cũng có).
Chúng ta sẽ cắt nghĩa theo cái hiểu của mình về Tâm ở phần sau, bây giờ chúng ta nói về cái Tính đã được tìm ra ( từgoogle ):
 “…Tính là gốc của vạn-hạnh…”.
Theo đó Để tỏ rõ được bản tính phải dò tìm ở cái hạnh, từ Hạnh chúng ta mới tìm ra Tính-gốc. Nói về hạnh của Bồ Tát tiêu biểu ở thập hạnh của ngài Phổ Hiền. Cụ thể:
1. Lễ kính chư Phật,
2. Xưng tán Như Lai,
3. Quảng tu cúng dường,
4. Sám hối nghiệp chướng,
5. Tùy hỷ công đức,
6. Thỉnh chuyển pháp luân,
7. Thỉnh Phật trụ thế,
8. Thường tùy Phật học,
9. Hằng thuận chúng sinh,
10. Phổ giai hồi hướng.
Người tu Đạo Phật thường hành theo mười đại hạnh của Bồ tát Phổ Hiền sẽ dần dần thể nhập với bản Tính thường trụ như Phật. Vào thế kỷ thứ III ở nước Việt, thiền sư Khương Tăng Hội trong lời tựa cho bản kinh An Ban Thủ Ý nói rằng: “cũng như khi đã ở trên đỉnh núi cao rồi thì không có dòng nước nào có thể làm cho mình ngập lụt, cũng không sợ mưa lũ làm cho mình bị chìm đắm, từ đó tuỳ duyên mà lưu xuất dòng chảy thiện lành giúp cho vạn vật tốt tươi”. Dòng nước lưu xuất này chính là nguồn hạnh từ bản Tính thanh tịnh hiện dùng. Tính-thanh-tịnh này kinh điển có nhiều tên khác như: tính Vô vi, tính Nhất như, tính Chân Như, tính Chân không, tính Phật...Thật tính của vạn vật là tính trùng trùng duyên khởi cũng là tính bất sinh bất diệt. Vạn pháp chỉ có một tính chân thật đó, ngoài tính Chân đó không còn tính nào khác nên gọi là tính Chân-Không, vạn pháp cũng từ một tính-chân như-nhau đó nên gọi là tính Chân-Như, cũng từ Tính đó mà vạn hạnh hiện có, vạn hữu hiện hình, lại gọi chung là Diệu-Hữu. Chân-Không-Diệu-Hữu là bản thể đầy đủ gồm cả Tướng-Tính-Dụng của pháp giới. Tướng và Tính là Thể, thể là Tâm, theo thật-tế phát ra diệu dụng, cho nên mới nói " Tâm là bể của vạn pháp, do từ một thật-tế mà sinh ra. Tính là gốc của vạn hạnh do từ một tâm mà hiện dùng..."
Trên đây đã nói dài dòng về Tâm về Tính, chê trách sự nói nhiều bởi vì Đạo Phật không ở chỗ biết, chỗ hiểu theo danh tự mà cốt yếu ở chỗ tu chứng, đó là ý của câu nói " ...bất lập văn tự, ngoại giáo biệt truyền...". Vậy tu thế nào để chứng? Phương pháp tu thiền có nhiều, tựu chung ở Chỉ và Quán, dụ như Kinh Viên Giác Phật thuyết có 25 pháp thiền quán về Không-Giả-Trung, thiền tông Trung Hoa có thiền công án, thiền câu thoại đầu...
 “…Thiền thiền thiền
cho Tâm-điên nó hết
Phân-biệt hết hết
Cho hết cái tử sinh”
 ( Bốn câu thơ này ý nói, các pháp thiền tựu chung cũng để loại trừ đi các vọng-tâm tà-niệm là những tâm-điên làm cho chúng ta mê mờ không thấy được bản Tính chân thật. Tu Thiền cốt đạt được Vô tâm, là cái tâm rời năng sở đối đãi)
Để nghiên cứu về thiền Đạo Phật chúng ta cũng nên tìm hiểu về tứ thiền ngoại đạo và tứ Thiền Đạo Phật.
Về tứ thiền ngoại đạo gồm: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
1. Không vô biên xứ: là tâm của hành giả đồng nhất với không gian vô biên. Trong không gian vô biên ấy mọi hiện tượng vật chất và mọi hình sắc đều tan biến và không gian trở nên nền tảng của vũ trụ vạn hữu.
2. Thức vô biên xứ: Cái hư không vô biên ở định Không vô biên xứ không còn là đối tượng của tâm thức nữa mà chính là tâm thức của hành giả.
3. Vô sở hữu xứ: là cảnh giới mà hành giả nhận thấy mọi hiện tượng trong vũ trụ đều do tâm thức tạo nên. Tri giác của hành giả như là vị hoạ sĩ vẽ ra hết mọi hình tượng. Hành giả ở trong định Vô sở hữu xứ thấy được rằng không có một hiện tượng nào thật sự hiện hữu như tri giác của ta tưởng tượng.
4. Phi tưởng phi phi tưởng xứ: cảnh giới của định vô sở hữu xứ, cái không không còn là không gian, cái không cũng không còn làm tâm thức nói chung, mà chỉ còn là tri giác. Tri giác tức là tưởng, mà còn tưởng tức là còn đối tượng của tưởng, còn tri giác là còn đối tượng của tri giác. Định phi tưởng phi phi tưởng xứ là vượt thoát tri giác, tức là đạt tới trạng thái tâm lý trong đó hai khái niệm về hữu tri và vô tri đều được loại trừ.
Giới hạn của định Phi tưởng phi phi tưởng xứ là chỗ an trú, đến khi xả định thì cái nhận thức phi tưởng vẫn không thay đổi cái tình trạng của thực tại sinh tử, nó không phải là chìa khoá mở cửa thực tại bởi bốn định này luôn luôn tìm cách tách rời khỏi thế giới của thọ và tưởng, nghĩa là của cảm giác và tri giác. Việc chối từ sự an lạc do thiền định đưa tới làm cản trở con đường đi đến giác ngộ là cánh cửa giới hạn của tứ thiền ngoại đạo.

Tứ thiền Đạo Phật
1. Sơ thiền: còn gọi là Ly-sinh-hỷ-lạc-địa nghĩa là hỷ lạc có được do ly dục. Sự thực tập Sơ thiền là để trừ khử đối tượng tham ái và những lệch lạc do năm thứ say đắm gây ra như khi mắt thấy sắc thì tâm sinh dâm cuống, khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị và thân xúc chạm những thứ êm dịu thì sinh tâm tham đắm. Những ai có chí hành đạo thì phải xa lánh ngũ dục lục trần. Ngoài ra còn phải diệt trừ năm loại ngăn che: tham đắm, giận hờn, mê ngủ, lăng xăng, hối hận và nghi ngờ. Các vấn đề về đạo về Phật về kinh đã được thông tỏ… tâm, ý và thức được gạn lọc bởi chính niệm trở nên thanh tịnh không cấu nhiễm; tâm sáng thấy được chân lý, đạt tới trình độ không gì là không biết. Lúc này trời rồng và yêu ma quỷ quái không còn mê hoặc được hành giả nữa. Đạt được sơ thiền thoát được mười loại oán thù. Bởi xa lìa được dục tình nên cảm thấy bên trong được thanh tịnh và tâm ý yên ổn.
2. Nhị thiền: còn gọi là Định-sinh-hỷ-lạc-địa trong định sơ thiền thì thiện và ác còn đối lập nhau, hành giả lấy thiện để diệt ác, ác lui thì thiện tiến tới; ở nhị thiền thì tâm vui mừng (hỷ lạc) ngưng lắng lại, hành giả không còn lấy thiện diệt ác nữa, và vì vậy hai yếu tố vui mừng và thiện đều tự không còn. Mười điều ác đã tự tiêu tán và chấm dứt, không còn ddiefu kiện nào cho vọng thức từ bên ngoài xâm nhập vào tâm hành giả được nữa. Suối nguồn từ bi lưu nhuận ra từ nội tâm của chính hành giả và những ác pháp cũng không thể đi vào từ mắt tai mũi lưỡi thân ý. Chế ngự được tâm như thế bắt đầu hướng đến quả tam thiền.
3. Tam thiền: Hành giả ở định tam thiền duy trì chính niệm của tâm ý một cách kiên cố, cả hai ý niệm thiện ác cũng không lung lạc được tâm mình; tâm an ổn như núi Tu Di, các điều thiện cũng không phải xuất phát từ bên ngoài; vì lý do là cả thiện và ác cũng không thể xâm nhập được. Tâm như cành rễ hoa sen dưới đáy hồ, nụ hoa còn ngâm mình trong nước. Thiền thứ ba, sự thanh tịnh cũng giống như hoa sen, các yếu tố tiêu cực được trừ khử đi, thân và ý đều an ổn.
4. Tứ quả thiền: Ý niệm về thiện và ác đều đã hoàn toàn khử bỏ, tâm không nhớ thiện cũng không giữ ác, nội tâm sáng trong như ngọc lưu ly. Khi vị Bồ tát do tâm ý đoan chính đạt được thiền thứ tư thì bè lũ tà ma cấu uế không còn có cách gì che lấp được tâm ý của mình nữa. Như nhà hoạ sĩ, có thể tự do sử dụng màu sắc mà mình ưa thích, như người thợ kim hoàn tuỳ theo ý muốn mà chế tạo ra hàng trăm hàng ngàn thức trang sức xảo diệu, vị bồ tát làm cho tâm thanh tịnh, đạt tới định thứ tư thì có thể làm được bất cứ cái gì mình muốn, như bay bỗng lên, phi hành trên không, đi dưới nước, phân tán thân thể, ra vào không ngăn cách, sinh tử tự do, sờ mó được cả mặt trời mặt trăng, làm rung động cả trời đất, thấy suốt nghe xa, không gì là không nghe thấy. Tâm đã định, quán đã minh dần đạt được nhất thiết trí, thấu được cả tình trạng khi chưa có trời đất và chúng sinh, biết được cả tâm ý hiện tại của chúng sinh trong mười phương, nói tóm lại không gì là không hay biết. Đó là hạnh quả của tứ thiền.

Đạt tới tứ thiền là đạt tới trí tuệ cao tột mà vẫn còn một lòng quyết chí gần gũi độ đời, thì đó là thiền-độ-vô-cực nhất tâm chân như của Bồ tát vậy…

 (Còn tiếp…)