II.- THẬP TRỤ VỊ
THẬP TRỤ VỊ cũng gọi là Thập Địa Trụ hay Thập Pháp Trụ hoặc gọi là Thập Giải. Xuyên qua quá trình tu tập của Bồ Tát, Thập Trụ Vị đây là một trong 50 ngôi vị hành trì. Thập Trụ Vị là chỉ từ ngôi vị thứ 11 cho đến ngôi vị thứ 20. Sau khi trang bị xong chất liệu Thập Tín Vị để tu tập. Hành Giả bắt đầu khởi điểm Thập Trụ Vị để tiến hành. Thập Trụ Vị gồm có:
1.- SƠ PHÁT TÂM: cũng gọi là Phát Ý Trụ. Sơ Phát Tâm Trụ nghĩa là an trụ vào nơi Sơ Phát Tâm làm căn bản tu tập, tức là y cứ vào khởi điểm của sự Phát Tâm để tu tập. Phát Ý Trụ nghĩa là an trụ vào chỗ phát khởi Tâm Ý làm mục đích. Để an trụ căn bản vào nơi Sơ Phát Tâm, Bồ Tát trước hết phải tiến tu các phần Thiện căn và đồng thời sử dụng các phương tiện chân thật để phát khởi Tâm niệm của Thập Trụ. Kế đến, Bồ Tát đem Tín Tâm đó phụng sự Tam Bảo, thường căn cứ vào 84 ngàn Bát Nhã Ba La Mật Đa để tu tập tất cả hạnh lành của tất cả Pháp Môn. Ngoài ra, Bồ Tát còn phải thường xuyên phát khởi Tín Tâm để không tạo nên những Tà Kiến, không phạm bởi những Thập Ác (1), Ngũ Nghịch (2), Bát Đảo (3) và không cho sinh vào nơi tai nạn. Hơn nữa Bồ Tát thường nên nghiên cứu Phật Pháp để được học rộng biết nhiều và cũng thường nên cần cầu nhiều phương tiện hành trang để sớm được vào cõi Không, để được an trụ vào nơi tính Không. Đồng thời Bồ Tát còn sử dụng Tâm Trí của lý Không đã đạt được đó ra công tu tập Pháp Môn của Cổ Phật và khiến cho tất cả công đức đều được phát sinh từ nơi Tâm Trí nói trên. Đây là công hạnh của Sơ Phát Tâm Trụ.
2.- TRÌ ĐỊA TRỤ: cũng gọi là Trị Địa Trụ. Trị Địa Trụ nghĩa là an trụ vào nơi sự sửa trị, còn Trì Địa Trụ nghĩa là an trụ vào nơi sự hành trì. Để an trụ vào nơi Trì Địa, Bồ Tát nương theo cái Tâm Không đã đạt được để thanh tịnh 84 ngàn Pháp Môn. Tâm Thanh Tịnh sáng suốt đó cũng giống như Ngọc lưu ly hiện ra vàng rồng. Do bởi Diệu Tâm phát khởi, Bồ Tát mới tiêu trừ được những tội lỗi nghiệp chướng nên gọi là Trì Địa Trụ.
3.- TU HÀNH TRỤ: cũng gọi là Ứng Hành Trụ. Tu Hành Trụ nghĩa là an trụ vào nơi sự hành trì tu tập. Ứng Hành Trụ nghĩa là an trụ vào nơi sự du hành để khất thực (Ứng cúng). Bồ Tát đã đầy đủ Trí Tuệ thông minh sáng suốt của Sơ Pháp Tâm Trụ và Trì Địa Trụ thì có thể du hành khắp mười phương không bị chướng ngại. Đây là chỉ cho sự thành quả tu tập của Tu Hành Trụ.
4.- SINH QUÍ TRỤ: Sinh Quí Trụ nghĩa là Bồ Tát nhờ Diệu hạnh của Tu Hành Trụ ở trước nên kết hợp được Diệu Lý nơi chốn U Minh (Thế Giới Nội Tâm), tức là Bồ Tát sẽ thực thụ sinh vào nơi Diệu Lý đó và sẽ được làm Pháp Vương Tử con của nhà Phật. Diệu Hạnh đối với tính Phật thì không khác nhau và sẽ thọ nhận một phần khí chất của tính Phật để làm trợ duyên cho sự sinh khởi. Trường hợp này cũng giống như Thân Trung Ấm của một chúng sinh tự cầu nơi cha mẹ và sẽ nhập vào hạt giống của đức Như Lai để làm nhân duyên cho sự chuyển sang kiếp sau được sinh trong nhà Như Lai. Nguyên do nơi cõi U Minh (Thế Giới Nội Tâm), Diệu hạnh của Bồ Tát đã có đức tin vững chắc thì nhất định sẽ được dung thông và cũng sẽ được hội nhập để kết thành nhân duyên cho kiếp sau. Đây là ý nghĩa của Sinh Quí Trụ.
5.- PHƯƠNG TIỆN CỤ TÚC TRỤ: cũng gọi là Trụ Thành Trụ. Phương Tiện Cụ Túc Trụ nghĩa là an trụ vào các phương tiện đầy đủ, tức là Bồ Tát đã trang bị đầy đủ các phương tiện. Tu Thành Trụ nghĩa là an trụ vào sự kết quả của hạnh tu tập. Bồ Tát đã trang bị đầy đủ các phương tiện tu tập, nghĩa là Bồ Tát đã tu tập đầy đủ vô lượng thiện căn và sử dụng các Thiện Căn đó để làm lợi ích cho mình cũng như lợi ích cho mọi người. Nhờ tu tập vô lượng Thiện Căn, Bồ Tát đạt đến kết quả là thành tựu được Thân Tướng của mình trở nên tròn đầy tốt đẹp và dung mạo của mình lộ nét đoan trang thanh thoát. Đây là chỉ sự thành quả của Phương Tiện Cụ Túc Trụ.
6.- CHÍNH TÂM TRỤ: cũng gọi là Hành Đăng Trụ. Chính Tâm Trụ nghĩa là an trụ vào Tâm Chân Chính. Hằng Đăng Trụ nghĩa là an trụ vào sự đi lên. Bồ Tát an trụ vào Chính Tâm tức là đã thành tựu được Bát Nhã thứ sáu. Bát Nhã thứ sáu là chỉ cho Trí Tuệ Diệu Quan Sát. Sau khi thành tựu được Bát Nhã thứ sáu, Bồ Tát không những chỉ được kết quả là tướng mạo của mình trở nên tốt đẹp tròn đầy trong sáng và còn kết quả hơn nữa là Bản Tâm của Bồ Tát cùng với Phật Tâm đều giống nhau như một. Đây là chỉ cho sự thành quả của Chính Tâm Trụ.
7.- BẤT THỐI TRỤ: cũng gọi là Bất Thối Chuyển Trụ. Bất Thối Trụ hay Bất Thối Chuyển Trụ đều nghĩa là an trụ vào ngôi vị này thì tâm không còn bị thối chuyển nữa. Bồ Tát an trụ vào ngôi vị Bất Thối tức là đã thể nhập được nơi cứu cánh của Không Giới Vô Sinh. Cứu Cánh của Không Giới Vô Sinh nghĩa là thế giới Không Tướng của Chân Như và thế giới đó rốt ráo không còn dấu vết của sinh tử lưu chuyển nữa. Ở đây Tâm của Bồ Tát thì luôn luôn thực hiện Hạnh nguyện Vô Tướng của Tính Không Chân Như. Lúc đó Thân và Tâm của Bồ Tát liền hòa hợp lại nhau làm thành một thể. Thân Tâm hòa hợp này mỗi ngày mỗi tăng trưởng thêm lớn. Đây là chỉ cho sự thành quả của Bất Thối Trụ.
8.- ĐỒNG CHÂN TRỤ: nghĩa là non trẻ và trong sạch. Đồng Chân Trụ nghĩa là an trụ vào thời kỳ thanh tịnh trong trắng. Bồ Tát khi an trụ vào Đồng Chân tức là lúc đó Thân Tâm hòa hợp của Bồ Tát tự nhiên phát khởi một cách tinh tiến và thuần chính. Thân Tâm hòa hợp của Bồ Tát phát khởi trước sau đều chuyên nhất và phát khởi không có chút điên đảo mê tưởng. Cho đến Bồ Tát cũng không có dấy niệm tà ma ngoại đạo để phá hoại hạt giống Bồ Đề. Nhờ đấy, cùng một lúc, mười Thân Tướng linh ứng của Phật (5) liền hiện bày đầy đủ trọn vẹn. Đây là chỉ cho sự thành quả của Đồng Chân Trụ.
9.- PHÁP VƯƠNG TỬ TRỤ: cũng gọi là Liễu Sinh Trụ. Pháp Vương Tử nghĩa là con của Phật. Liễu Sinh Trụ nghĩa là an trụ vào sự chấm dứt lẽ sống chết. Kể từ Sơ Phát Tâm Trụ cho đến Sinh Quí Trụ thứ tư, bốn Trụ nói trên đều được gọi là Bồ Tát mới vào Bào Thai của bậc Thánh, còn từ Phương Tiện Cụ Túc Trụ thứ năm cho đến Đồng Chân Trụ thứ tám, bốn Trụ kế tiếp đều được gọi là giai đoạn nuôi dưỡng Thánh Thai để sớm được mau lớn. Riêng Pháp Vương Tử Trụ thứ chín là mới chỉ cho Thánh Thai đó đã đầy đủ hình tướng và có thể sinh ra để thành con của Phật, nên gọi là Pháp Vương Tử. Thí dụ này không ngoài mục đích là trình bày Trí Tuệ của Bồ Tát đã được phát sinh từ nơi giáo pháp cao quí của Phật. Nhờ Trí Tuệ đó, Bồ Tát mới đủ khả năng kế thừa Pháp Bảo và đồng thời phát huy ngôi vị của Phật càng thêm rộng lớn. Đây là ý nghĩa của Pháp Vương Tử Trụ.
10.- QUÁN ĐẢNH TRỤ: cũng gọi là Bổ Xứ Trụ. Quán Đảnh Trụ nghĩa là Bồ Tát đã là con của Phật thì nhất định phải có trách nhiệm thi hành các Phật sự. Do đó đức Phật mới dùng nước Trí Tuệ rưới lên đỉnh đầu của Bồ Tát để thọ ký, nên gọi là Quán Đảnh. Thí dụ như, con của vua Sát Đế Lợi thọ nhận quyền uy nơi vua cha bằng cách chịu sự rưới nước phép lên đỉnh đầu của vua cha ban cho. Một vị Bồ Tát khi đạt đến Quán Đảnh Trụ thì đầy đủ ba Biệt Tướng:
a/- ĐỘ CHÚNG SINH: nghĩa là Bồ Tát đó đã đủ khả năng thi hành và có thể thành tựu được mười Chủng Trí (4) để hóa độ chúng sinh.
b/- ĐẠT ĐƯỢC CẢNH GIỚI MẦU NHIỆM: nghĩa là Bồ Tát đó đối với tất cả chúng sinh cũng như đối với Pháp Vương Tử Trụ thứ chín đều có thể trắc nghiệm đo lường được những cảnh giới của họ.
c/- HỌC RỘNG MƯỜI CHỦNG TRÍ: nghĩa là Bồ Tát đó nhất định phải thấu hiểu tường tận và rành mạch tất cả pháp.
Một vị Bồ Tát hoàn
thành được ba Biệt Tướng nói trên tức là đã an trụ vào Quán Đảnh của Thập Trụ
Bồ Tát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét